Đạo Hữu Nguyên Trí Phù Vân, Chủ Bút báo Viên Giác đã hơn 30 năm nay có mặt với độc giả khắp nơi trên thế giới. Anh đã đi suốt một đoạn đường dài qua văn nghiệp với những Tác Phẩm như Thơ, bút hiệu Tùy Anh hay Văn như Lão Hũ Chìm. Để kỷ niệm 40 năm báo Viên Giác đã hiện hữu tại nước Đức nầy, năm nay Anh sẽ cho ra đời một tác phẩm mới khác, nhằm để tưởng niệm những người đã cộng tác với báo Viên Giác trong suốt mấy chục năm qua, mà nay họ đã nằm xuống dưới lòng đất lạnh; nhưng hồn thơ và văn chương của họ vẫn còn lưu lại cho đời sau. Âu đó cũng là cái nghiệp của văn chương, chữ nghĩa vậy. Cách đây hơn 200 năm, khi đại Thi hào Nguyễn Du chuyển tải câu chuyện Thanh Tâm Tài Tử của Trung Hoa sang thể thơ lục bát thành truyện Kiều, Cụ đã để lại trong lòng người yêu tiếng Việt và yêu thơ văn không còn giới hạn của ngôn ngữ cũng như thời gian năm tháng nữa. Đây là một áng thơ tuyệt tác, mà tự cổ chí kim chưa có tác phẩm nào dám sánh ngang bằng. Trong đó có nhiều tình tiết và ý vị rất hay, tượng trưng cho con người, ái tình, phú quý vinh hoa, bần cùng hạ tiện, lang bạt giang hồ v.v…qua tư tưởng của Khổng, Lão và Phật. Đặc biệt trong Tác Phẩm văn chương tuyệt hảo nầy Cụ còn ghi lại rằng:
„Cho hay những kẻ tài hoa Thác là thể phách, còn là tinh anh „….
Vậy thì khi con người mất đi, chỉ mất phần thân thể, mà thân nầy được cấu tạo bằng tứ đại như: đất, nước, gió, lửa, dĩ nhiên chúng sẽ bị phân hóa khi hơi thở không còn nữa; nhưng cái hồn kia, cái tinh anh kia, cái tâm thức kia sẽ còn luân chuyển mãi mãi, dầu cho con người ở đây, ở kia hay ở bất cứ chốn nào nơi trần thế nầy; nếu người ấy chưa giải thoát sanh tử để thành Phật. Đây là một Tác Phẩm gom lại những bài viết để tưởng niệm những người đã trải lòng mình qua thơ cũng như văn. Họ như những con tằm ăn dâu và đã tạo ra cái kén, rồi con nhộng, con bướm; nhưng xác bướm ấy không phải vĩnh viễn mất, mà họ chỉ hóa kiếp làm nên những sợi tơ trời óng ả và con người đem những sợi tơ ấy dệt nên những gấm vóc, lụa là cho người trần thể trang sức cho thân thể cũng như tâm thức của mình; nhưng mấy ai quan hoài đến họ? Do vậy, tác phẩm nầy sẽ gợi nhớ lại hình ảnh của những Văn, Thi Sĩ ngày xưa đã một thời đóng góp riêng cho Viên Giác như thế; một tờ báo Đạo, có tuổi thọ đã 40 năm xuất bản tại Đức và đã được hơn 225 số, qủa là một công việc làm hết sức đáng tán dương.
Tác phẩm nầy, Tác Giả cũng như chùa Viên Giác cho xuất bản nhằm niệm ân những người đã cộng tác cho báo Viên Giác suốt một thời gian dài; nhưng hầu như không ai nhận nhuận bút cho một bài viết nào. Nay chúng tôi quyết định cho ra đời Tác Phẩm nầy để gửi biếu đến thân nhân của những người cộng tác với báo Viên Giác đã nằm xuống và nếu có phát hành được phần nào thì xin sẽ sung vào qũy của tờ báo. Ngoài ra cũng để thể hiện tấm lòng nầy trên giấy trắng, mực đen, văn chương chữ nghĩa, là chúng tôi sẽ không bao giờ quên ân những người đã đóng góp cho tờ báo, dầu dưới bất cứ hình thức nào đi nữa, thì những sợi tơ văn chương chữ nghĩa nầy vẫn còn gắn kết với đời và đời sẽ lưu giữ mãi mãi về sau để cho những người kế tục luôn biết rằng, đã có một thời Viên Giác là như thế.
Xin vô vàng niệm ân các độc giả và nhất là thân nhân của những Văn, Thi Hữu đã quá vãng. Nếu không có Gia Đình trợ duyên thì Quý Vị ấy cũng không có đủ thời gian để sáng tác, gửi gắm tâm sự của mình qua những bài văn, bài thơ như vậy. Cho nên có lần một Tổng Thống Hoa Kỳ đã nói rằng: „Đàng sau sự thành công của người chồng, luôn luôn có sự hiện diện của người vợ“ là vậy.
Xin chấp hai tay lại nguyện cầu cho những người đã vĩnh viễn ra đi có nhiều niềm an lạc nơi cảnh giới giải thoát và người còn lại ở dương thế nầy luôn được soi tỏ bởi lòng từ bi và trí tuệ cũng như sự lợi tha của Phật Giáo.
Thích Như Điển, sáng lập Chủ Nhiệm Báo Viên Giác và Phương Trượng Chùa Viên Giác tại Hannover Đức Quốc.