Home » Sách mới của HT Như Điển » Ngỡ Ngàng truyện ngắn Tây Đức 1978

Ngỡ Ngàng truyện ngắn Tây Đức 1978

Lời Đầu

Tập sách nhỏ nầy được đến tay Quý Vị trong hoàn cảnh thật eo hẹp, ngay cả thời giờ cũng như số trang sách. Nó không là một quyển sách trọn vẹn như nhiều người mong muốn; mà đây là một trong những mẫu chuyện ngắn của Tác giả sẽ lần lượt giới thiệu với tất cả quý độc giả trong thời gian sắp tới.

Câu chuyện của một người tu – nhập thế – họ sống trong xã hội đầy chông gai và thử thách, cố vươn lên để làm tròn nhiệm vụ. Mẫu chuyện nầy mặc dầu mang nhiều màu sắc về tình cảm cá nhân nhưng đó cũng là tình cảm của một con người biết sống và biết dung hòa mọi thế đứng trong cuộc đời của một người tu sĩ trẻ.

Hôm nay tôi hân hạnh giới thiệu tập sách nầy đến với quý vị độc giả và mong rằng quý vị sẽ hài lòng với chính nó.

Thích Như Điển
Thành phố Paris vào một dạo thu sang.
1978

Ngỡ Ngàng

Đặt chân xuống phi trường Hamburg mới 6 giờ sáng địa phương. Tôi ngơ ngác, mệt mỏi, uể oải trong người. Vì qua 18 tiếng đồng hồ bay từ thành phố Đông Kinh ồn ào, tấp nập; đến một nơi vắng vẻ vào buổi sáng sớm như của thành phố nầy.

Trước khi cân hành lý tại phi trường Tokyo (Haneda), tôi đã được một điện tín đánh đi từ Đức là sẽ không có người đến đón. Một vài phút suy nghĩ đắn đo. Nhưng giờ bay cũng sắp đến, nên tôi vội vã đi đổi tiền còn lại, cũng như phải ngồi uống vài ly nước ngọt, nói một vài câu tâm sự cuối cùng trước khi giã từ nơi đây.

Những nụ cười, những ánh mắt tiếc thương, luyến nhớ đã mang lại cho tôi một cái gì sâu thẳm nhất ở nội tâm.

– Như Điển sung sướng quá nhỉ? được đi chỗ nầy chỗ nọ, quả là người tốt số. Takeda bạn tôi bảo thế.

– Ờ! thì mỗi người có một số phận khác nhau. Tuy là được thế nhưng chắc gì tôi đã sung sướng.

“Đồng bạc sao mà kỳ quá thế nầy? tại sao in không hết trọn tờ giấy mà còn thừa ra một khoảng giấy trắng?“ Châu cầm đồng bạc 100 Mark của Đức hỏi như vậy.

– Ô hay, tôi đâu phải người in bạc mà hỏi chuyện lạ kỳ vậy.

Một vài câu nói bông đùa. Chúng tôi đứng dậy. Trả tiền xong, rời nhà hàng Trung Hoa, đi về phía có nhiều người trước cổng số 8. Đến đó lại một màn giã từ. Trong đời tôi đã không biết bao phen giã từ; lúc mới 15 tuổi đã làm một cuộc giã từ mà gia đình không ngăn cấm được nước mắt. Rồi đến lúc giã từ nơi quê hương yêu dấu nhất, để đi đến chốn thị thành ồn ào nhất, phức tạp nhất, cái gì cũng nhất hết cả, kể cả con người cũng ít thực thà nhất. Sau đó tôi cũng lại giã từ nốt cái thành phố ồn ào nầy để đi đến nơi Đông Kinh xa lạ. Đó là những chuyện giã từ. Rồi ngày ấy tôi lại phải ra đi nữa. Đi mãi, tôi đi như không định hướng, tuy rằng có mục đích rõ ràng.

Nhìn sân bay quá nhỏ so với sức tưởng tượng của tôi. Một vài hạt mưa phùn rơi lấm tấm, không đủ sức làm ướt áo bên ngoài. Nhưng một cảm giác lạnh lẽo nào đó đã khiến tôi khó chịu. Qua khỏi quan thuế, một mình tôi đẩy 2 chiếc Vali nặng trĩu những quần áo và đồ đạc, mang biếu bạn bè. Cũng như những đồ dùng cho chính tôi trong những ngày sắp tới. Tôi biết rằng mình cũng sẽ không được Trâm hoặc Châu đi đón hộ. Vì sự thay đổi đột ngột về chuyến bay tại Tokyo. Nên không có một cảm tưởng vui vẻ nào cả khi rời sân bay. Thay vào đó một nỗi buồn trống vắng, như vào lúc sớm mai của thành phố nầy vậy.

Lục mấy lá thư của mấy người bạn, tìm số điện thoại để gọi Châu . Nghe đầu giây bên kia nói tiếng Việt tôi mừng quá.

  • Alô, Alô. Như Điển đây, phải anh Châu đó không?
  • Châu đây! thế Thầy Như Điển đã nhận được điện tín chưa?
  • Vâng có. Nhưng bây giờ tính sao đây?
  • Anh gọi giùm cho Trâm một tí được không?

– Làm sao có số điện thoại để có thể gọi vào bệnh viện?

– Tôi đã có, vì nhờ hỏi cô thư ký tại quày hàng bán vé máy bay Lufthansa rồi.

– Thế thì tốt lắm.

Mới nói đến đây tự nhiên bị cúp điện thoại. Tôi hiểu là tại sao. Nhưng không tin rằng tiền điện thoại nó nhảy nhanh đến thế. Đi vào ngân hàng đổi tiền lẻ nữa, ra gọi và nói tiếp với anh Châu. Anh ta bảo tôi đứng chờ nguyên chỗ cũ. Có gì anh ta sẽ liên lạc với tôi sau.

Mười lăm phút, rồi hai mươi phút trôi qua. Những giây phút chờ đợi thật nóng ruột và dài như hàng thế kỷ. Một lúc sau, có điện thoại của tôi. Cô thư ký mỉm cười và gọi tôi lần nữa.

– Alô! Trâm đây chú! Chú Như Điển phải không? thế mà Trâm tưởng là 6 giờ chiều nay chú mới đến chứ! Bây giờ Trâm sẽ lấy xe hơi đi đón chú. Nhưng có lẽ 9 hoặc 10 giờ gì mới đến. Chú tìm một quán cà-phê, ngồi cho đỡ lạnh.

– Chờ thì đã chờ rồi. Tôi sẽ đứng đây chờ Trâm xuống luôn. Có lẽ tôi sẽ không đi đâu hết.

Bao nhiêu năm xa cách bạn bè, bây giờ mới nghe được tiếng nói. Mặc dầu trong thời gian qua, chúng tôi vẫn liên lạc thư từ nhau luôn. Nhưng mong gặp lại sớm để hàn huyên, tâm sự, những quảng đời trong tuổi thơ và quê hương xứ Quảng.

Hồi năm 1974, mùa hè khói lửa tôi đã về lại Sài-Gòn. Tình cờ gặp lại Trâm cũng từ Đức về thăm nhà tại hè đường Lê Lợi. Trâm biết tôi. Nhưng tôi cứ nghĩ là Thông, bạn học cũ của tôi. Cái lầm lớn quá. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện xưa tôi đều bật cười lên thành tiếng.

Thông người bạn học cùng lớp với tôi hồi còn nhỏ. Lần về Sài Gòn năm 74 tôi cố tình không cho Thông hay. Nhưng sao Thông vẫn biết và tìm đến chùa Hưng Long để hỏi thăm tôi. Nhưng lúc đó tôi cùng với mấy người bạn Nhật đã đi ra miền Trung chưa trở lại Sài Gòn.

Năm 72 cũng trên hè sách đường Lê Lợi, tôi gặp Thông một cách tình cờ, vui nhộn và hào hứng, sau 10 năm biền biệt không tin tức.

“Không biết mình bây giờ nên gọi bằng gì? gọi như tên hồi còn đi học có được không?“ Thông hỏi thế.

– Chuyện bạn bè thì đâu có gì phải nệ hà về chuyện đó. Nhưng bây giờ Thông làm gì? ở đâu? Có còn học tiếp nữa không?

– Mình đang học năm thứ 3 Ban Khoa Học Xã Hội Vạn Hạnh, ở trọ gần đây.

– Như Điển thì sao? Bây giờ như thế nào? Hồi còn học Tiểu Học và bây giờ khác xa nhau nhiều quá!

– Đúng là thế. Vì hai chiếc áo và hai cuộc đời hoàn toàn xa lạ. Mình đang xin giấy tờ đi Nhật, đã có Passport rồi. Có lẽ ăn Tết xong mình sẽ đi.

– Như Điển biết Phan Đức Lợi không? Bạn học chung với tụi mình hồi còn nhỏ cũng đang ở Nhật. Để hồi mình cho địa chỉ qua đó liên lạc cho vui.

– Lợi nào thế Thông? – 10 năm xa cách không gặp một người bạn cũ, nên gần như đã quên hết.

– Nếu gặp lại được có lẽ sẽ nhận ra ngay.

Thông, tôi nhìn trong ánh mắt, là một người bạn học thời tuổi thơ mà tôi không bao giờ và không thể nào quên được. Không phải vì sự học giỏi của Thông, mà vì tính tình đẹp, sự cư xử lịch thiệp với bạn bè. Thông như thấy mình phải xa nhau nữa. Thông thầm bảo, đã 10 năm xa nhau rồi, bây giờ mới gặp lại, lại sắp xa nhau nữa. Quả lạ một cái gì không định hướng phải không Như Điển?

Chính tôi cũng cảm thấy không vui khi Thông thốt ra câu nói ấy; câu nói tuy giản dị nhưng rất thâm sâu. Vì chiến tranh đã cướp mất đi biết bao nhiêu người bạn thân yêu của chúng tôi. Giờ đây chỉ còn lại vài ba người bạn cũ, ngồi chung ghế nhà trường năm trước. Bây giờ lại cũng phải ra đi nốt. Nên chẳng vui là phải.

Thế rồi ngày đi của tôi cũng đến. Thông tiễn tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất.

– Những gì đẹp nhất sẽ tặng cho Như Điển đó.

Tôi mang mớ hành trang ấy để qua sống nơi xứ lạ quê người. Tôi đã gặp được Lợi qua sự giới thiệu của Thông, mừng quá, nhưng Lợi cũng sắp xa Tokyo. Một cảm tưởng trống vắng nào đó đã ngự cả lòng tôi lúc bấy giờ.

Rồi 2 năm sau (1974) tôi trở lại Sài Gòn, gặp Thông nơi chùa cũ. Nói cho nhau nghe và nghe nhau nói cũng thật nhiều. Thông kể cho tôi nghe về những chuyện tình của nó, chuyện dỡ dang giữa người yêu và câu chuyện của Nga ra sao. Bầu trời không trăng sao của thành phố Sài Gòn về đêm vào dạo hạ tuần tháng bảy năm ấy như đã nghe trộm được những gì chúng tôi tâm sự với nhau. Chúng tôi nói về tương lai, về những đứa con yêu Tổ Quốc. Những sự thay đổi của chính quyền lúc bấy giờ… Thật là:

“Muời lăm năm ấy biết bao là điều”

Những ngày còn sót lại ở Sài Gòn, tôi cùng Thông đi xuống tận miền Nam xa thẳm, mà trong đầu óc tôi chưa bao giờ hiểu được cái phì nhiêu và cái rộng rãi của miền đồng bằng sông Cửu Long là gì cả. Có hiểu chăng đi nữa, thì cũng chỉ nhìn qua những trang tiểu thuyết hoặc bản đồ địa lý mà thôi.

Trên bến Ninh Kiều ở chợ Cần Thơ, Thông gục đầu xuống bên ghế đá và ngủ một giấc yên lành. Tôi ngắm những người mù được hướng dẫn bởi những người làm việc xã hội từ thiện ngoại quốc dẫn những người đó đi tắm. Trong suy tư nhớ lui về dĩ vãng tôi thầm nghĩ: với thời gian dịu vợi sẽ mang mình về bao nẽo cô liêu tịch mịch, nhưng không là một thiên đường mà là một bức tranh có thực.

Thông mở mắt và nói:

– Phải chi ngồi bên mình là Lợi

– Ừ; có lẽ Lợi hợp với Thông hơn. Dầu sao đi nữa dễ ăn nói hơn mình phải không?

– Cũng không phải thế.

Thông đòi qua bên kia sông để thăm xóm nhà cháy và những cây dừa khô héo bởi chiến tranh, nhưng tôi đã cản vì không biết bên đó sẽ có chuyện gì sẽ xảy ra. Thời buổi chiến tranh đâu có ai biết rõ ràng được là ai phải ai trái đâu. Thời buổi tranh sáng tranh tối nầy chỉ có loài người là khổ nhất. Thiên đàng của tình yêu hay là thiên đàng của hận thù? – Ôi thôi là quá nhiều câu hỏi có trong đầu óc của bọn thanh niên ở vào lứa tuổi như chúng tôi lúc bấy giờ. Vả lại tôi còn phải trở lại Nhật để tiếp tục học nữa. Điên rồ gì mà bơi vào nơi lửa đạn chiến tranh ấy. Tôi nói tiếp:

– Sao Thông không hỏi gì thêm nữa hết vậy?

– Đã nghe Như Điển nói với nhiều người rồi. Bây giờ mình có gì đâu để phải hỏi thêm.

Ngày tôi sắp trở lại Nhật, cũng gặp Thông trên hè đường Lê Lợi, tình cờ, ngẫu nhiên, vui thú. Hè phố Lê Lợi không là chỗ hẹn hò cho người lữ khách mà là nơi gặp gỡ của những kẻ thư sinh như chúng tôi lúc bấy giờ. Thành phố Sài Gòn không bằng 1/50 của phố Tokyo nên dễ gặp là chuyện chắc; nhưng tôi tin rằng: sở dĩ có sự lặp lại nầy là đã có một chuyện sắp đặt nào đó.

Thông tiễn tôi ở phi trường, lần nầy không như lần trước, không vui cũng chẳng buồn, mà ở Thông, cái gì đó khiến đăm chiêu nhiều lắm.

Cho đến bây giờ, sau ngày 30 tháng 4 năm 75, tôi vẫn chưa hề nhận được từ Thông một lá thư nào cả.

(Bây giờ ở thời điểm năm 2021 nầy cả Thông và Lợi đều đã ra người thiên cổ. Xin ghi lại vào lòng những hoài niệm của tuổi thơ, khi chúng ta cùng học chung trường với nhau từ năm 1958 đến năm 1961 dưới mái trường Tiểu Học Xuyên Mỹ, Quận Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam thuở bấy giờ. Xin vĩnh biệt hai người bạn thân thuở thiếu thời).

Nhìn đồng hồ đã 9 giờ 45 rồi, nhưng chưa thấy Trâm đến. Tôi đứng lên đi một vòng quanh đó. Những người Đức tại phi trường Hamburg thấy cách ăn mặc khác lạ của tôi ai cũng chú ý, ít nhất là cũng một cái nhìn thật kỷ từ đầu đến chân hoặc một cái liếc mắt trong những bước đi vội vàng để đón người thân. Tôi tiếp tục ngồi xuống chỗ 2 vali đồ lúc trước và tiếp tục suy tư thêm. Bất chợt từ trên cầu thang Trâm và một người đàn bà Đức đi xuống. Trong trí tôi chỉ ngỡ một mình Trâm nhưng lại có thêm người lạ mặt nữa. Một cảm nhận hơi là lạ.

– Chú Điển lâu quá bữa ni mình mới gặp lại.

– Trông Trâm lạ quá.

– Đây Waltraum bạn của Trâm.

– Đây là Như Điển.

Trâm giới thiệu thế và lần đầu tiên một người đàn bà Đức đưa tay bắt. Tôi không biết diễn tả như thế nào để cho bạn có thể hiểu tôi cả. Có thể nói trong đời tôi đó là lần đầu. Mọi cơ cấu đạo đức Đông Phương đã bị biến đổi từ đó cũng nên. Đã bao nhiêu năm tôi sống với Đông Phương, gần nửa đời người tôi chưa bao giờ gặp chuyện ấy. Đến đây tôi gặp chuyện bắt tay với đàn bà, với mái tóc nâu, da trắng v.v. đã làm cho tôi thấy hơi lạ. Có lẽ những ai đó đã sống ở đây lâu họ không còn thấy sự khó chịu nào cả. Vì nó đã thành tập tục và nó đã thật sự đi vào đời sống hằng ngày của họ; nhưng đối với những người mới đến từ Á Châu, có lẽ họ sẽ ngỡ ngàng không biết bao nhiêu là điều để nói lên sự khác biệt ấy.

– Chú Điển mình vào đây uống một ly cà-phê cho đỡ lạnh đi.

– Tôi cũng muốn thế.

Ngồi nơi đây chúng tôi đàm đạo một ít chuyện rồi giã từ nhà hàng nầy, đi quanh một vòng thành phố Hamburg. Thành phố nầy có tiếng là lớn, nhưng so với Tokyo thì chả có gì đáng nói cả hay nói đúng hơn xứ Nhật là một xứ đại thành phố, còn ở đây đi đâu cũng thấy nhà quê cả, vì người thưa thớt, sinh hoạt không tấp nập như Tokyo.

Trâm đưa tôi về nhà cô bạn của Trâm gần Kiel. Những cảm tưởng đầu tiên bây giờ cũng sẽ mang tôi về dĩ vãng. Mái nhà xuôi, màu đỏ, tường dầy… Chỉ chừng ấy cũng làm cho tôi khó hiểu, vì Đông Kinh không có những loại nhà như thế.

Đêm đó chúng tôi tâm sự mãi cho tới 2,3 giờ khuya. Tôi không muốn ngủ nữa vì giờ nầy ở Đông Kinh là buổi sáng rồi. Trâm mang cho tôi một viên thuốc ngủ để ở đầu giường.

– Chú hãy uống vào mới ngủ được.

– Thuốc ngủ có hại.

– Nhưng không uống thì làm sao mà ngủ được.

– Thì cũng đành vậy.

Không thể bảo rằng nhờ nền văn minh của xứ người đã ảnh hưởng họ. Điều nầy nếu hiểu thế thì lầm lớn, nếu có chăng đi nữa thì cũng chỉ một phần thôi vì chính những người đang ở ngoại quốc mới là những người bảo thủ nhất. Bao giờ họ cũng nghĩ rằng quê ta đẹp hơn quê người, có lẽ vì lòng tự ái dân tộc lên quá độ đi chăng. Nhưng đúng thế, dầu người Mỹ, người Nga, Tàu, Nhật, Đức đi chăng nữa, văn minh của họ vẫn là văn minh của họ chứ không phải là văn minh của mình. Mình có đi học thêm của họ để chấp nối vào cuộc đời mình đi chăng nữa thì cũng chả khác nào đứa con nhà nghèo có chiếc áo vá miếng đen đỏ, đi khoe với đứa con nhà giàu hàng xóm rằng: tao mới được ông bố mua cho. Điều đó đối với đứa con nhà giàu không có giá trị gì cả.

Có một lần tôi đã viết thư cho một người bạn đang ở Mỹ, tôi cũng nói về tình bạn như sau: “anh Sơn mến, chỉ có mình tôi đang ở đây và sống với dĩ vãng năm xưa; còn bao nhiêu người chung quanh, hình như họ đã quên dĩ vãng rồi”.

Tôi vẫn mở mắt và lẩm nhẩm tìm lại những kỷ niệm xưa trong ký ức mình. Đến 8 giờ sáng tôi được đánh thức dậy ăn điểm tâm. Cái muỗng, con dao, bánh mì, bơ… chưa bao giờ quen thuộc với tôi cả. Nhìn những người trong gia đình ăn, tôi cứ cúi đầu và lặng lẽ làm theo như một đứa trẻ lên ba. Ngôn ngữ chưa rành, chỉ có bắt chước là xong chuyện. Mà thật thế tôi chỉ nói được vài câu tiếng Anh, còn tiếng Đức hầu như tôi mù tịt. Nhiều lúc như cảm thấy mình nói nhiều quá mà cũng nhiều lúc thấy hình như mình chả gợi được ý nào. Có lẽ con người của tôi quá suy tư và tưởng tượng chăng!

– Chú Điển ngủ khỏe không? Trâm hỏi thế.

– Nhưng mà đừ quá, có lẽ tại hai viên thuốc ngủ khi hôm.

– Hôm nay mình sẽ đi dạo một chút.

– Đồng ý.

Nghe câu nầy, tôi như nức nở vì có bao giờ tôi được đi dạo ở Tokyo đâu. Có lẽ vì Tokyo không có chỗ đi dạo, hay nói đúng hơn người Nhật không có thì giờ để đi dạo.

Những giọt sương mai còn đọng trên ngọn cỏ đó đây. Ánh mặt trời yếu ớt đâm xuyên qua những cành cây còn nặng trĩu sương mai. Những tia sáng như không đủ sức để đâm xuyên qua những cụm lá thông dày. Con chó lai Tây chạy thoăn thoắt tìm hơi quen của bạn. Nhiều lúc chúng tôi mãi say mê nói chuyện, chó kia bỏ chạy vô rừng. Sau một hồi lục kiếm mới thấy chó ta gian dối. Loài chó đôi lúc thông minh và dễ thương hơn loài người. Nhiều lúc nó biết bênh vực cho chủ nó nhưng loài người đôi khi lại không được điểm nầy. Thường thường cái nào có lợi, con người đều mong muốn chỉ riêng cho mình hưởng mà thôi.

– Chú thấy có gì đặt biệt nơi người Đức. Trâm hỏi thế.

Mới đến thì cũng chả biết ất giáp gì nhưng thấy kính cửa nhà của người Đức sạch quá, trông rất buồn cười.

– Ừ; thì ngày nào họ cũng lau mà.

– Có lẽ là tượng trưng cho sự cần cù của họ?

– Sạch “đáng ngại” phải không chú?

– Vâng đúng thế.

Sau đó 2 ngày, chúng tôi từ giã ngôi nhà nầy đi về một miền quê, nơi Trâm đang thực tập – Một bệnh viện trên đồi, chung quanh có nhiều hồ. Gần đó là cư xá cho những sinh viên y khoa sắp ra trường, họ thực tập và ở đó. Phong cảnh trông ngoạn mục, nhưng buồn tỉ tê quá.

Có những buổi chiều chúng tôi đi dạo hàng 2, 3 tiếng đồng hồ. Thứ nhất là để gợi nhớ chuyện ngày xưa hay để kể cho nhau nghe những chuyện thời thơ ấu nơi quê nhà.

– Ở Nhật tình hình Sinh Viên như thế nào chú?

– Thì đủ thứ.

– Nhưng hoạt động như thế nào?

– Dĩ nhiên là có nhiều nhóm khác nhau nhưng với cái nhìn của tôi có lẽ khác hơn mọi người.

– Tại sao vậy?

– Có lẽ tôi có nhiều thành kiến và nhiều suy tư hơn.

– Ở đâu lại chả thế nhưng có nhiều môi trường hoạt động khác nhau.

Những buổi đầu chúng tôi chỉ tìm hiểu qua loa thôi. Nhưng sau, những ngày ở gần nhau, tìm hiểu nhiều về sinh hoạt ở Tokyo và Đức, riết thành một thói quen không thể bỏ được.

Chúng tôi cũng nói cho nhau nghe và nghe nhau nói thật nhiều, những kinh nghiệm sống, những hoạt động trong thời gian qua, cũng như những công cuộc đấu tranh nơi Quốc ngoại của người Việt Nam chúng ta hiện có mặt khắp mọi nơi. Nhiều lúc chúng tôi không đồng ý nhau về những quan điểm khác nhau. Trâm bảo tôi: “Chú bảo thủ quá, chú không chịu nhận sự phê bình” – “Nhưng nếu Trâm là tôi thì Trâm nghĩ gì về những lời phê bình chỉ trích nhưng ít mang tính cách xây dựng ấy?”. Tôi vẫn luôn nói với Trâm như thế. Trong tôi gợn một nỗi buồn. Tôi không bao giờ muốn gặp Trâm để cải vả cả. Nếu gặp nhau để không hiểu nhau, thì xa nhau tình bạn có lẽ còn đẹp đẽ hơn nhiều. Tôi ghét những lời lý luận suông của nhiều người bạn. Nên có lần tôi đã bảo Quang là: “Anh nên làm hơn là nên nói, hãy xem Anh đã làm được những gì trong những năm anh ở Nhật”.

Quang giận tôi nhưng sau nầy Quang làm nên việc. Quang đã cùng chung với tôi dịch xong cuốn “Việt Nam danh nhân tự điển” và cuốn “truyện cổ Việt Nam tập III” ra Nhật ngữ. Bây giờ mỗi lần có thư cho tôi, Quang đều cảm ơn về việc nầy.

Nhìn chung thì người Việt Nam vẫn ưa nói nhiều hơn là ưa làm, nên có lẽ lúc chết cái nghiệp của miệng phải chịu đi đầu thai trước. Có nhiều lúc tôi không thể tưởng tượng được rằng tại sao Trâm không thích những quan điểm chính trị và Tôn Giáo giống như tôi đang suy nghĩ.

Hôm nay thì tôi đã biết lý do tại sao, nhưng ngày xưa thì mù tịt, mù như bóng tối âm u với người lữ hành cô độc.

– Ở đây sao buồn quá chú hỉ?

– Có lẽ vì khung cảnh thiên nhiên tạo nên vậy.

– Mình ở đây một mình chắc dễ chết mất.

– Nhưng ở thành thị mãi rồi đâm ra cũng thích nhà quê hà.

– Có lý.

– Nhưng chú biết và còn nhớ quê mình như thế nào không?

– Sau nầy thì tôi không có dịp để về thăm quê nữa, nhưng năm 74 lúc về thăm Việt Nam tôi có về thăm Xuyên Mỹ, về tận nhà nhưng chỉ còn một cây ổi độc nhất đứng giữa nhà là đáng nói mà thôi. Cây ổi tôi trồng từ lúc tôi lên 10. Trong vườn có biết bao nhiêu cây cau, cây mít, cây tre, cây chuối, ngay cả ngôi nhà ngói đồ sộ của gia đình tôi cũng không còn nốt. Nhưng lạ thay, nhiệm màu thay, cây ổi vẫn còn chịu đựng với gió sương.

– Cây xoài miễu “cây kén” thì sao? cây đa Xuyên Mỹ đã như thế nào?

– Bây giờ chả còn gì nữa, chỉ còn trơ trụi gốc và cành. Rất tiếc là tôi đã quên mang máy hình về nhà để chụp lại những cảnh nầy.

Những người bạn ngày xưa: Thằng Thân, thằng Ca, thằng Nghĩa, thằng Sửu, thằng Mười, thằng Phấn, thằng Xá, và nhiều bạn bè khác nữa, tôi đã không gặp. Chiến tranh, ôi! chiến tranh đã mang đi tất cả, mang trọn những người thân của chúng tôi đi vào và nằm yên trong mảnh đất quê hương yêu dấu ấy. Những ngày gặp lại, thường là một ngôi mộ không hồn, hay một người thương binh què quặt… Cơn buồn vẫn còn len lõi trong hồn tôi nên luôn miệng kể cho Trâm nghe về cái chết của anh tôi và mẹ tôi:

“Vào một buổi trưa mùa hè, tôi đang ngủ tại hành lang chùa Viên Giác ở Hội An, đột nhiên tôi bị đánh thức dậy bởi cháu của tôi. Nó đã đến hồi nào tôi đã không hay biết. “Chú Chín, chú Chín, chú Sáu đã chết rồi.” Từ khi tôi lớn lên, lần nầy là lần đầu tiên nghe người thân mất. Anh tôi đã hơn một lần đi lính, được giải ngũ. Mẹ tôi đã đổ biết bao nhiêu nước mắt lúc anh đi, cũng như đong sao cho hết những niềm vui khi anh ấy trở lại với gia đình. Nhưng rồi chiến tranh, chiến tranh cứ tàn phá quê hương tôi, nên anh tôi bị gọi nhập ngũ trở lại. Kết quả là anh đã ra người thiên cổ sau vài tiếng đồng hồ giao tranh. Mẹ tôi phải tốn thêm một bồ nước mắt nữa. Tội nghiệp cho người mẹ già nua, suốt đời chỉ biết tận tụy vì chồng vì con.

Ngồi trên chiếc xe chở hành khách, chờ nóng ruột, trên thì trời nóng bức, trong xe khách hàng chật ních nhưng ông tài vẫn không chịu nổ máy. Thời gian chờ đợi tôi thấy như dài hàng thế kỷ.

– Mấy giờ thì chôn vậy?

– Hình như giờ ngọ.

– Vậy thì hỏng mất rồi. Lúc về đến nhà có lẽ chôn rồi cũng nên. Chúng tôi mong mau đến nhà nhưng chiếc xe cứ chậm rãi lấy khách. Thật là hai trạng huống trái ngược nhau. Ruột tôi gần như đốt, muốn về thấy quan tài anh lần cuối. Nhưng khi về đến nhà, quả như chúng tôi đã dự định, đám tang đã xong. Nhìn quanh một hồi tôi thấy tất cả anh chị em trong gia đình đều đông đủ. Mấy chị tôi lần lượt lên làm lễ phục tang. Nhìn mẹ tôi, con thơ của anh tôi và vợ góa của anh tôi, chả có bút mực nào để tả được cả. Dù đó là chuyện tán tận đau thương cho tình mẫu tử hay việc hủy hoại của chiến tranh.”

“Rồi sau đó, ngày làm tuần 49 của anh tôi cũng trên con đường quen thuộc ấy từ Hội An dẫn về Nam Phước, tôi cố đạp nhanh ngược theo chiều gió. Đến chợ Phú Chiêm, bất chợt tôi thấy một chiếc xe chở thương máu me cùng khắp. có người trong xe nói với ra: “Chú Chín, cô và Dì chết rồi.” Tôi ngơ ngác như mình chả biết lối đi. Tôi đạp mạnh hơn nữa nhưng chiếc xe đạp vẫn trì trệ không như lòng tôi mong muốn là sớm được về nhà để nhận diện người thân.

Đến trường Mỹ Hạt tôi đã thấy cha và chị cả của tôi đã khiêng xác Bác và mẹ tôi chung một giường, máu me đầy ấp. Chị cả tôi thì nước mắt chan hòa khi thấy tôi. Đưa tay giở chiếc chiếu đắp trên mặt mẹ, tôi nhìn kỷ một lần để giã từ người đi về cõi xa xôi vĩnh viễn. Ánh mắt, làn môi quá nhợn nhạt. Tôi hỏi ba tôi:

– Sao không khiêng Bác và mẹ về nhà để liệm?

– Tụi nó đào hầm và rào gai cùng hết, đâu có khiêng giường đi được cậu. Chị tôi trả lời vậy.

– Trời ơi! hai bà có hai cái nhà thật lớn nhưng khi chết cũng bị nằm bờ nằm bụi.

– Ừ, chiến tranh mà con. Cha tôi trả lời thế.

Ánh nắng gay gắt, máu chảy nhiều hôm trước, bốc lên hôi thối nồng nặc. Mùi thối từ da thịt làm tôi rợn người. Nhìn kỷ, Bác tôi phân nửa cái đầu phía sau bị mất hẳn, chỉ còn một mớ óc lòi thòi. Mẹ tôi bị lòi ruột, trào ra như bong bóng nước…

Ôi nhân sinh là thế ấy! Tôi chả biết cái vô thường của Đạo Phật giải thích như thế nào về chuyện nầy, chứ còn hậu quả của chiến tranh thì tôi đã quá hiểu rồi. Những người ăn trên ngồi trước, luôn luôn nói cho dân, vì dân và bởi dân; nhưng chưa bao giờ thấy mấy ông to mặt bự chết trước dân cả. Chung quy cũng lại mấy người dân. Tại sao người dân Việt lại triền miên với sự khổ ấy? phải chăng chuyện ấy đã do tiền nhân ta gây ra và để lại cho ta ngày nay phải trả chăng? hay chính người Mỹ, người Nga muốn biến chiến trường Việt Nam thành một nơi thí nghiệm quân sự và làm bàn đạp cho Đông Dương? Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu thắc mắc cứ lởn vởn trong đầu óc tôi. Chiếc áo mầu lam tôi đã làm rách nút khi nào không hay biết trong cơn khóc của tôi. Trong những người chị, ông anh đứng đó, tôi là người khóc nhiều nhất, có lẽ tôi được mẹ cưng chìu nhiều nhất. Ôi tình mẫu tử cao quí biết là bao! Tôi vội trách, nhưng chả biết trách ai vì Trời không là người có thật; nên chỉ thầm nói một mình “Vì ai gây nên chiến tranh nầy”. Tôi giận hết, giận tất cả, oán giận luôn cả loài người mà họ tự hào cho rằng văn minh nhất nhì trong hoàn vũ nầy.

Tôi còn nhớ rõ vào năm 64 quê hương tôi bị ngập lụt nặng nề, số người chết, gia súc và mùa màng hư hại gần 60%. Ở chùa, nóng ruột quá tôi xin phép Thầy trù trì về thăm quê. Bước chân vào ngỏ mẹ tôi đã đón ngay.

– Con về đó hả?

– Nhà mình có sao không mẹ?

– Chả có hề gì nhưng chỉ thiếu thức ăn thôi.

– Không có thiệt hại nhân mạng và tài sản là đã may cho gia đình mình rồi mẹ nhỉ?

Đến ngày tôi trở lại chùa, lúc bấy giờ trong nhà tôi chả còn chi cả. Mấy chum lúa cũng bị chìm trong nước nên có mùi thum thủm, ăn vào thấy khó chịu ghê. Mẹ tôi mang cho tôi 4 quả u mơ bỏ vào túi. Tôi hỏi mẹ:

– Tại sao mẹ không để bán lấy tiền tiêu vặt cho gia đình?

– Không sao đâu con, còn người còn của.

Tôi lặng lẽ nhìn quà của mẹ như nhận một nướm ruột của người thân. Tôi biết tình thương của mẹ thật cao xa và đậm đà muôn thưở, không phải vì những chuyện vặt vảnh ấy mà người mẹ bao giờ cũng lo cho con cái cả, cho nên mới có câu:

“Con mất mẹ là mất nguồn hạnh phúc,
Không cha là không cả vòm trời…”

Tôi càng nghĩ chừng nào, càng tủi thân chừng ấy. Bây giờ không còn là nước mắt nữa, mà những giọt nước mắt ấy đã thay bằng tiếng nấc lớn trước quan tài của mẹ và Bác tôi. Nếu bình thường, mẹ tôi phải được may đồ liệm hẳn hoi, nhưng nay là chiến tranh, mẹ tôi chỉ được một miếng vải trắng. Nhưng ngoài miếng vải trắng quàn thân xác của mẹ ấy, tôi thấy máu me thấm ra nhiều quá. Chiếc quan tài chả đáng giá là bao so với một cuộc đời tần tảo của mẹ. Người ta thường nói: “Sống cái nhà, già cái mồ”. Nhưng tôi thì không nghĩ thế, phải sửa lại là: “Sống cái nhà, già cái hòm mới đúng chứ?”

Hai chiếc quan tài từ từ rẽ qua hai ngã khác nhau để đi vào hai lòng đất lạnh ở hai nơi không cùng một đám đất. Chiếc quan tài của mẹ tôi được khiêng bởi 10 người. Theo sau là các chị tôi và tôi. Đồ đem biếu mẹ tôi lúc nầy là một mớ quần áo còn lấm máu me của mẹ và một vài bộ đồ cũ, nghe hôi tanh quá.

Chiếc quan tài mới di chuyển được một quảng đường, bỗng dưng máy bay thám thính bay đến thả bom gần quan tài của mẹ tôi. Những người khiêng bỏ chạy tứ tung, phần ai nấy chạy, mấy chị tôi thì chạy hoảng hết, còn kẹt lại toàn là những đàn ông. Tôi không biết là: mớ áo quần hôi mùi máu của mẹ các chị tôi đã liệng đâu rồi mà sau khi hạ huyệt tôi đã không thấy nhắc tới. Một hồi sau chiếc máy bay chắc hết bom, chạy đi mất dạng. Mấy người khiêng quan tài mẹ tôi lúc nãy chạy lại tiếp tục để khiêng ở quảng đường còn lại. Đất cục tháng 6 sao mà cứng quá. Bàn chân tôi dầu chai đá đến đâu cũng không dậm bể được nửa cục. Tôi nghiến răng bước mạnh từng bước cùng với những người khiêng. Vừa đến huyệt thì chiếc máy bay khi nãy bắt đầu xuất hiện. Lần nầy bụi khói gần quá. Người ta bỏ thi hài mẹ trên huyệt chạy tán loạn vì không có ai cưỡng lại được cái chết cả; nên phần ai lo người nấy, chạy khắp nơi. Tôi cũng cắm đầu chạy mãi, chạy tới lúc đạp gai cũng chả hay, ai hỏi cũng chả biết, chỉ biết cắm đầu chạy. Giữa đường thình lình lại gặp anh thứ tư của tôi, đói lã người, tôi không còn sức chạy nữa, anh tôi bảo hãy vào nhà người quen xin một bát cháo ăn lót dạ. Tôi gật đầu, như nữa tỉnh nữa say. Mãi đến chiều chúng tôi mới trở lại huyệt cũ của mẹ; hai anh(một anh rễ, một anh ruột), cha tôi và vài người quen đưa thi hài của mẹ vào nơi an nghỉ cuối cùng; nhưng không biết rằng có yên nghỉ được hay không khi chiến tranh vẫn còn dày xéo quê hương tôi. Trong trí tôi vẫn âm thầm nghĩ thế. Anh tôi vội lấp vài lát đất cho chó khỏi bươi lên. Chúng tôi phải trở về nhà vì trời quá tối. Tôi bưng bát nhang của mẹ đặt lên bàn thờ Ông Bà. Ăn cơm tối, rồi tôi nằm hồi tưởng.“

Tôi nói như thế với Trâm thật nhiều ở một đêm không trăng sao nào đó, nơi miền đất lạnh quạnh hiu nầy. Trâm cũng đã kể cho tôi nghe những chuyện chiến tranh đau lòng. Những người bạn ra đi không ngày trở lại v.v. Chúng tôi nghe để hồi tưởng, để tưởng nhớ lại một vài kỷ niệm xa xưa, để tìm một vài hương vị cũ, dầu là niềm vui hay nỗi buồn của thưở ấu thơ. Mà ít ra phải có người để nói chuyện mới hợp rơ; chứ nói với những người không biết chuyện, chả khác nào “đem đờn mà khảy tai trâu“. Dầu sao đi nữa sinh ra và lớn lên cùng một làng thì có nhiều tâm sự hơn nên lúc tôi còn ở Tokyo có lần Trâm viết cho tôi.

“Trong cư xá vắng vẻ quá, ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, cõi lòng thấy trống vắng; nên muốn có một người bạn hay một người tình để tâm sự…“. Đúng thế, chỉ có những lúc ấy mới biết được chân giá trị của con người nên tôi thường hay chọn chuyện buồn hơn chuyện vui. Đôi lúc người ta là hiện thân của sự thật, không giả dối với kẻ khác hay ngay cả chính mình.

Sau những ngày thực tập của Trâm tại bệnh viện, chúng tôi trở lại vùng Kiel, vùng nhiều mưa và gió. Nếu trong ca dao bình dân Việt Nam có câu:

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say“

Thì ở đây tôi phải đặt lại hai câu thơ ấy là:

“Đất ở Kiel nhiều mưa lắm gió
Sợ lòng người như vó ngựa bay“.

Có như thế thì mới đúng ý nghĩa của thời tiết, khí hậu cũng như lòng người ở xứ nầy. Về đây để học hành, chứ không phải về đây để hưởng nhàn. Trong thời gian nầy tôi đã nhận được một số thư của bạn bè thân thuộc từ khắp mọi nơi gởi đến, đại khái họ bảo rằng:

– “Như Điển thuộc vào hạng sung sướng nhất trần gian, muốn gì được nấy. Thử thất bại một lần coi, làm người không thất bại là kẻ không biết giá trị của thành công là gì.“

– “Học được 4,5 thứ tiếng như thế thì còn gì bằng…“

– “Em chỉ ước được làm một lông chim trong bộ lông Phượng Hoàng của chú.“

– “Nhìn Như Điển tôi thấy rằng con mình phải học được hạnh ấy.“……

Đó là những lời thơ của bạn tôi. Gần nửa đời người, có địa chỉ của hơn 500 người bạn vừa thân nhiều vừa thân ít, kể cũng vui nhưng cũng lắm điều, nhất là nạn trả lời thơ, thôi thì khỏi kể, chắc những người rành mong thư cũng đã hiểu lắm rồi.

Tôi sống với Trâm một tuần trong cư xá sinh viên, lại tìm nhà để ở riêng. Không phải vì chật chội, mà muốn có giờ phút riêng cho mình để tụng kinh, ngồi Thiền, suy tư v.v…

Ba tháng đã trôi qua với tôi nhiều tâm sự. Đời sống tâm linh bị đổi thay, hoàn cảnh lại trái nghịch. Cảnh đời có nhiều ngang trái; nên đối với tôi tất cả là những sự ngỡ ngàng; mà những điều nầy, trong trí tưởng tượng của tôi, không thể xảy ra khi chưa đến xứ Đức nầy.

Riêng tôi không ân hận, không tủi hờn cũng không phiền muộn, chỉ thấy mình như bị mất mác một cái gì, đã đánh rơi một cái gì trong muôn thưở mà có lẽ suốt đời của mình sẽ không tìm ra nó nữa dầu bất cứ ở nơi đâu.

Thành phố Đông Kinh chìm ngấm trong ký ức của tôi. Chỉ có những gì trong tương lai sắp xảy ra, mới có thể dễ khơi dậy nơi lòng kiên nhẫn cũng như tính tò mò mà tôi mong vượt tới mà thôi. Đường tôi đi thênh thang ngùn ngụt, không một tiếng quân hò, không một bóng cờ, một con ngựa hí. Tôi sẽ đi dần đến tương lai. Những cái gì mà loài người còn đang khắc khoải chờ trông nhiều nhất. Những gì mà con người cần nó nhiều nhất. Tôi sẽ đi mãi, đi để rồi đến, đến để rồi trở lại…

Viết xong ngày 29.7.77 tại đường Holtenaue, Kiel