Home » Tăng Nhân Đất Quảng » Dịch Đại Tạng Kinh Là Lợi Lạc Cho Nhiều Thế Hệ

Dịch Đại Tạng Kinh Là Lợi Lạc Cho Nhiều Thế Hệ

Dịch Đại Tạng Kinh Là Lợi Lạc Cho Nhiều Thế Hệ
Cuộc Hội Kiến Đặc Biệt Giữa Hòa Thượng Thích Như Điển Với Đại Sư Zong Rinpoche và Geshe Kunchok Woser

Đây là lần thứ hai tôi đến Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling (còn được gọi là Chùa TDL) tại Thành Phố Long Beach, Miền Nam California, Hoa Kỳ. Lần đầu tôi đến đây cách nay vài năm để làm phóng sự cho pháp sự kiến tạo Mạn Đà La do chư Tăng từ Tu Viện Gaden Shartse Monastery tại Ấn Độ sang thực hiện.

Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling do Đại Sư Geshe Tsultim Gyeltsen thành lập vào năm 1978. Đại Sư có mối giao tình với Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân vì cả hai ngài đều là Giáo Sư tại Đại Học UCLA thời bấy giờ. Đại Sư đã viên tịch vào tháng 1 năm 2009.
Lần này tôi được phước duyên đưa đón Hòa Thượng Thích Như Điển, Chủ Tịch Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương của GHPGVNTN do Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thành lập trước khi Ngài viên tịch vào tháng 11 năm 2023. Chuyến đi này đặc biệt là vì Hòa Thượng Thích Như Điển đến Chùa TDL để thăm và bàn một số Phật sự với Đại Sư Kyabje Zong Rinpoche và Geshe Kunchok Woser (mà Phật tử VN thường gọi thân mật là Thầy Kusho) liên quan đến công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam đã và đang tiến hành
Sở dĩ có cuộc hội ngộ đặc biệt này là nhờ tâm nguyện và nỗ lực của hai vị nữ cư sĩ Nguyên Hạnh Nhã Ca Trần Thị Thu Vân và nữ cư sĩ Diệu Đế Nguyễn Thị Huyền (Thân mẫu của Thầy Kusho) đã liên lạc và sắp xếp lịch trình của cuộc gặp mặt.
Khi phái đoàn chúng tôi đến Chùa TDL sớm hơn giờ hẹn thì có Nha sĩ Phạm Tiếp Hỷ (Thân phụ của Thầy Kusho) ra đón. Lẽ ra hôm nay chị Huyền đến đây để đón quý Hòa Thượng (phái đoàn có thêm Hòa Thượng Thích Thông Triết, Viện Chủ Tu Viện Chánh Pháp tại Oklahoma), nhưng chị bị cảm nên không dám đến vì sợ lây bệnh cảm cho quý ngài nên đã nhờ phu quân là anh Hỷ đi thế. Anh Hỷ bảo tôi chờ để anh vào thông báo cho Thầy Kusho biết để Thầy ra mở cửa chính của Chùa để đón quý Hòa Thượng. Anh còn nói thêm là không thể để quý Hòa Thượng đi vào cửa sau. Qua hành động dù rất nhỏ này đã cho tôi một cảm nhận sâu sắc về lòng kính tín Tăng Bảo của anh.

Vì chưa tới giờ hẹn gặp ngài Zong Rinpoche, 11 giờ sáng, nên Thầy Kusho đã tiếp nhị vị Hòa Thượng trong thời gian chờ đợi. Tôi đã gặp Thầy Kusho năm bảy năm trước tại văn phòng tòa soạn nhật báo Việt Báo ở Little Saigon trong dịp Thầy về thăm gia đình lúc Thầy còn đang học ở Ấn Độ. Bây giờ gặp lại Thầy thì thấy Thầy cao, ốm và trầm tĩnh hơn. Thầy có phong cách oai nghiêm của một vị Tăng sĩ trẻ có nội hàm tu tập và kiến văn Phật học bác lãm. Thầy nói tiếng Việt rất sõi nên quý Hòa Thượng không cần phải dùng đến tiếng Anh để trao đổi với Thầy.

Ở đây xin giới thiệu một chút về Thầy Kusho để độc giả biết lý do tại sao Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương của GHPGVNTN cần Thầy giúp về lãnh vực Tạng ngữ. Theo Nha sĩ Phạm Tiếp Hỷ cho biết Thầy Kusho sinh năm 1986 tại Mỹ. Từ nhỏ Thầy đã theo ba mẹ đến Chùa TDL để nghe Pháp và làm quen với sinh hoạt của chốn Thiền môn theo truyền thống Gelug của Phật Giáo Tây Tạng. Theo bài viết của cựu Chủ Bút Việt Báo Phan Tấn Hải, vị Trụ Trì Chùa TDL lúc đó là Đại sư Geshe Tsultim Gyeltsen, tác giả nhiều sách về Phật học về Trung luận và Tánh Không, trong đó có 3 cuốn viết bằng tiếng Anh. Năm 2002, Thầy Kusho đã sang Dharamsala, Ấn Độ để nhập chúng tu học được một năm rưỡi ở Tu Viện Gaden Shartse Monastery rồi vào thẳng tu viện Institute of Buddhist Dialectics (IBD). Năm 2004, Thầy Kusho thọ Sa Di (10 giới). Năm 2008, Thầy Kusho thọ đại giới Tỳ Kheo với Đức Đạt Lai Lạt Ma, trở thành vị sư của dòng Gelug, mà người cao cấp nhất của dòng này là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thầy vừa tốt nghiệp Geshe Lharampa, học vị cao nhất của truyền thống Gelugpa của Phật Giáo Tây Tạng. Thầy cũng là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên từ trước tới nay tốt nghiệp học vị này.

Hòa Thượng Thích Như Điển đã bắt đầu câu chuyện bằng việc giới thiệu sơ lược cho Thầy Kusho biết về Hội Đồng Hoằng Pháp, mà Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ khuyến tấn thành lập và làm Cố Vấn và HT Thích Như Điển làm Chánh Thư Ký, và những Phật sự trong vài năm qua của Hội Đồng. Hòa Thượng cũng đã giới thiệu sơ lược từ Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời lúc đầu, do Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tái lập từ Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng của Viện Tăng Thống GHPGVNTN thành lập vào năm 1973, đến Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương hiện nay do Hòa Thượng Thích Như Điển làm Chủ Tịch để kế thừa vai trò lãnh đạo theo di nguyện của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trước khi viên tịch.

Hòa Thượng Thích Như Điển nói về công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh của Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương. Hòa Thượng cho biết hiện Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương đã có quý dịch sư là Tăng, Ni mà Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã dày công đào tạo để đảm trách phần phiên dịch từ Hán văn của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Nhật Bản sang Việt ngữ, cộng với phần đối chiếu và chú thích các bản từ tiếng Phạn (Sanskrit), tiếng Pali, tiếng Nhật. Đặc biệt có Ni Sư Thích Nữ Thanh Trì, tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Nhật, lo phần duyệt xét giáo nghĩa các bản dịch liên quan đến tiếng Phạn, Hán và Nhật.

Nhưng, theo Hòa Thượng Thích Như Điển thì hiện Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương chưa có vị nào giỏi tiếng Tây Tạng để giúp trong việc phiên dịch. Vì vậy, nhu cầu cần thiết trước mắt của Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương là dạy tiếng Tây Tạng cho Tăng, Ni nào phát tâm đóng góp vào công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam trong thời gian tới. Hòa Thượng cũng đã nhắc lại tâm nguyện của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã nói ra trước khi viên tịch là muốn Thầy Kusho sau khi hoàn tất học vị Lharampa của hệ thống giáo dục Phật Giáo Tây Tạng thì giúp cho Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương về phần dạy tiếng Tây Tạng. Hòa Thượng Thích Như Điển đã chính thức mời Thầy Kusho giúp cho Phật sự này. Hòa Thượng đã cho biết thêm là Ni Sư Thích Nữ Khánh Năng cũng đã phát nguyện phụ giúp cho Thầy Kusho trong việc dạy tiếng Tây Tạng, vì Ni Sư đã tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học tại Sri Lanka và Cao Học chuyên ngành Tạng ngữ tại Đại Học Naropa, Corolado, Hoa Kỳ.

Đáp lại, Thầy Kusho cho biết là hiện nay Thầy đang bận công tác Phật sự lo cho Chùa TDL ở đây nên chưa dám hứa. Thầy xin có thêm thì giờ để suy nghĩ, vì đây là vấn đề quan trọng. Thầy Kusho nói rằng khi bước vào thực tế hành động thì mới thấy vấn đề này không đơn giản. Thầy cho thí dụ rằng cần phải suy nghĩ về chương trình dạy, nội dung dạy, cách thức dạy để làm sao mang lại được kết quả tốt. Thầy Kusho cũng cho biết nếu thực sự đi vào việc học tiếng Tây Tạng thì các học viên phải mất ít nhất 2 năm đầu để học ngôn ngữ (tiếng Tây Tạng) rồi sau đó mới chính thức học các bộ Kinh tiếng Tây Tạng.

Hòa Thượng Thích Như Điển nói thêm rằng là việc dạy tiếng Tây Tạng có thể thực hiện qua Zoom và các học viên tham gia có thể ở bất cứ đâu chứ không cần phải tập trung một chỗ. Điều này sẽ thuận lợi cho vị giáo sư dạy và các học viên.

Nhân đây, Hòa Thượng Thích Như Điển có hỏi Thầy Kusho hiện có bao nhiêu Tăng, Ni Việt Nam theo học chương trình giáo dục cao nhất của Phật Giáo Tây Tạng như Thầy tại Ấn Độ? Thầy Kusho cho biết Thầy có biết và đã gặp mặt vài vị Tăng sĩ người Việt Nam đã và đang theo học chương trình Phật Học cao nhất này và những vị này học rất giỏi, rất thông minh.

Cuộc trò chuyện đang tiếp diễn thì vị Trú Trì Chùa TDL là Geshe Lobsang Jampa vào báo tin đã đến giờ hẹn gặp ngài Zong Rinpoche. Tôi theo sau nhị vị Hòa Thượng được Thầy Trú Trì và Thầy Kusho hướng dẫn lên lầu để vào phòng gặp ngài Zong Rinpoche.

Ở đây xin giới thiệu sơ lược về ngài Zong Rinpoche. Theo tài liệu từ trang Web của Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling cho biết, ngài Kyabje Zong Rinpoche sinh vào năm 1985 tại Kuluta, Bắc Ấn Độ. Ngài đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 thừa nhận vào năm 1990 là tái sinh của Đại Sư Zong Rinpoche. Ngài Zong Rinpoche tái sinh đã học với ngài Sharpa Choje Rinpoche và Kyabje Lati Rinpoche tại Gaden Shartse Monastery ở Mundgod, Nam Ấn Độ. Vào năm 1999, ngài Zong chính thức học 5 bộ đại luận của Phật Giáo và cũng bắt đầu dạy nhiều học sinh. Năm 2019, ngài hoàn tất cuộc thi trắc nghiệm và tốt nghiệp học vị danh dự cao nhất Geshe Lharampa. Sau nhiều năm tu tập, ngài đã dự học Trường Cao Đẳng Mật Tông Gyuto Tantric College và hoàn tất việc nghiên cứu mật tạng vào năm 2022.

Hòa Thượng Thích Như Điển đã tự giới thiệu và giới thiệu Hòa Thượng Thích Thông Triết với ngài Zong Rinpoche. Hòa Thượng nói ngài đã đi du học tại Nhật vào năm 1972. Đến khi Cộng Sản chiếm miền Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1975 thì Hòa Thượng đã không thể trở về lại quê hương. Ngài ở đó tiếp tục học chuyên ngành Cử nhân giáo dục và Cao học Phật giáo tại Đại học Teikyo và Đại học Risso (Lập Chánh) tại Tokyo. Vào năm 1977 ngài xin tị nạn và định cư tại Đức cho đến nay. Xong phần giới thiệu của Hòa Thượng Thích Như Điển, ngài Zong Rinpoche đã nhìn tôi như thể muốn nghe tôi tự giới thiệu. Tôi đã nhắc lại duyên lành mà tôi có khi gặp ngài lần đầu cách nay mấy năm lúc ngài đến thăm tòa soạn Việt Báo của Ama Nhã Ca. Khi nghe đến Việt Báo và Ama Nhã Ca thì ngài cười và có vẻ đã nhớ sự kiện đó. Riêng Nha sĩ Phạm Tiếp Hỷ thì ngài đã biết là phụ thân của Thầy Kusho rồi nên không cần giới thiệu.

Hòa Thượng Thích Như Điển bắt đầu trình bày lý do đến thăm ngài Zong Rinpoche và Thầy Kusho. Hòa Thượng nói sơ qua về công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam của Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương đã và đang thực hiện, đồng thời cho biết nhu cầu cần thiết trong việc dạy tiếng Tây Tạng cho một số Tăng, Ni Việt Nam để giúp cho công trình phiên dịch này. Hòa Thượng nói rằng ngài biết ngài Zong Rinpoche là Thầy của Thầy Kusho nên rất mong ngài Zong Rinpoche khuyến tấn Thầy Kusho giúp công tác Phật sự quan trọng này.

Ngài Zong Rinpoche chăm chú nghe Hòa Thượng Thích Như Điển và tỏ ra rất thích thú đối với công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam do Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thực hiện. Ngài nói rằng đây là việc làm rất lợi lạc nếu Thầy Kusho có thể giúp dạy tiếng Tây Tạng cho Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương. Ngài nói ngài rất hoan hỷ về việc này và đây là điều nên khuyến khích. Ngài nói đây là việc làm lợi lạc không những nhiều năm, nhiều thập niên mà còn nhiều thế hệ tương lai. Ngài bày tỏ lòng cảm thương đối với những đau khổ mà nhân loại đã và đang gánh chịu. Ngài nói tiếp rằng chính vì thế mà Đức Phật đã ra đời để cứu khổ chúng sinh và Phật Pháp cần phải được truyền bá rộng khắp hơn nữa để giúp giải thoát khổ đau cho mọi chúng sinh.

Trong dịp này tôi đã hỏi thăm Thầy Trú Trì Lobsang Jampa về sinh hoạt của Chùa TDL. Thầy cho biết mỗi Chủ Nhật ở Chùa đều có thời khóa giảng Phật Pháp và có hơn một trăm Phật tử, gồm nhiều Phật tử Việt Nam, tham dự. Thầy nói ngài Zong Rinpoche chỉ đến thăm trong vài ba tuần rồi đi Phật sự tại Singapore trước khi về lại Ấn Độ.

Nha sĩ Phạm Tiếp Hỷ trước đó có cho tôi biết là bên Tu Viện Gaden Shartse Monastery đã cử Thầy Lobsang Jampa về điều hành Chùa TDL trong vai trò tổng quản trị, tương đương với chức Trú Trì, trong 2 năm, và cử Thầy Kusho về làm phụ tá (Phó Trú Trì) cho Thầy Lobsang Jampa cũng trong thời gian 2 năm. Theo Nha sĩ Hỷ, đây là phương cách hoạt động và điều hành một ngôi chùa hay tu viện của Phật Giáo Tây Tạng.

Xin chú thích thêm một chút về hai từ Rinpoche và Geshe được dùng trong bài này để độc giả không cảm thấy xa lạ. Rinpoche là tiếng Tây Tạng có nghĩa là “người cao quý.” Danh hiệu này được đặt sau tên của một vị Thầy mà được chính thức công nhận là tái sinh của một bậc Thầy vĩ đại. Về Geshe, chữ “Ge” có nghĩa là đức hạnh, và chữ “she” có nghĩa là hiểu biết. Vì vậy chữ Geshe có nghĩa là vị hiểu biết về đức hạnh, biết điều gì nên làm và điều gì nên buông bỏ. Có bốn cấp bậc Geshe trong hệ thống đại học của Dòng Gelugpa: Lharam, Tsokram, Rigram và Lingse.

Sau khi chụp hình chung lưu niệm, quý Hòa Thượng đã từ giã ngài Zong Rinpoche ra về. Thầy Kusho và Nha sĩ Phạm Tiếp Hỷ đã đưa chúng tôi ra tận ngoài đường. Quả thật, đây là một chuyến đi nhiều hoan hỷ và lợi lạc.