Tam Pháp Ấn (Pháp Hoa Huyền Nghĩa)
Thích Luận ghi: Kinh điển Tiểu thừa luôn minh xác các pháp được ba pháp Vô thường, Vô ngã và Niết bàn ấn chứng đều là do Phật nói. Nếu không được ba pháp này ấn chứng đều thuộc về ma nói. Như công văn ở thế gian nếu không có dấu ấn ắt không có giá trị để tin. Vì vậy ba pháp này được gọi là ấn.
1/ Vô thường ấn có nghĩa là sinh tử của thế gian cùng với mọi pháp đều là vô thường, chúng sinh không hiểu như vậy nên thường chấp các pháp vô thường này là thường, vì vậy Phật mới nói vô thường để phá trừ sự chấp thường điên đảo này, đó gọi là Vô thường ấn.
2/ Vô ngã ấn có nghĩa là sinh tử của thế gian cùng tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà có, vì vậy nên biết hư giả không thật, vốn chẳng có ngã (thật thể), chúng sinh không rõ điều này nên cưỡng lập nên chủ tể (ngã) chấp cho chủ tể đó là ngã, vì vậy Phật mới nói vô ngã, để phá trừ sự chấp ngã điên đảo này, đó gọi là Vô ngã ấn.
3/ Niết bàn ấn (niết bàn dịch là diệt độ) có nghĩa chúng sinh không biết sinh tử là khổ, mà vẫn khởi hoặc (hoặc là phiền não) tạo nghiệp, trôi lăn trong ba cõi, vì vậy Phật nói pháp niết bàn để thoát ly khổ sinh tử, đắc được sự an lạc tịch tĩnh, đó là Niết bàn ấn.
Tam Đà La Ni (Đại Trí Độ Luận)
Phạn ngữ Đà la ni, Hoa dịch là tổng trì hay năng trì, có nghĩa nhiếp mọi thiện pháp trì giữ không cho mất, và nhiếp mọi ác pháp không cho phát sinh hay tăng trưởng. Tóm lại Đà la ni là trì thiện bất thất trì ác bất sinh.
1/ Văn trì đà la ni: Khi đắc được đà la ni này, hết thảy mọi pháp nghe được không bao giờ quên hay mất, gọi đó là Văn trì đà la ni.
2/ Phân biệt đà la ni: Khi đắc đà la ni này phân biệt được (nhân duyên) mọi chúng sinh và các pháp không sai lầm, nên gọi là Phân biệt đà la ni.
3/ Nhập âm thanh đà la ni: Khi đắc đà la ni này đối với mọi lời nói ác hay hủy báng đều không khởi tâm giận hờn hay phiền não, đối với những lời khen ngợi không hề dao động, gọi đó là Nhập âm thanh đà la ni.
Tam Vô Ngại (Đại Bảo Tích kinh)
1/ Tổng trì vô ngại: Bồ tát khi đắc được đại tổng trì, giữ cho thiện pháp không mất, ác pháp không sinh, nên năng phân biệt rõ biết một cách vô ngại nơi ngôn từ và các pháp, không hề vong thất, gọi đó là Tổng trì vô ngại.
2/ Biện tài vô ngại: Bồ tát đắc đại biện tài, thông đạt các pháp đại tiểu, tùy theo căn cơ chúng sinh mà tự tại giải nói khiến họ được thông đạt không còn nghi hoặc, gọi đó là Biện tài vô ngại.
3/ Đạo pháp vô ngại: Bồ tát đắc đại trí huệ quán chiếu thông đạt hết các đạo pháp đại tiểu và mọi ngôn ngữ văn tự thế gian, gọi đó là Đạo pháp vô ngại.
Tam Đức (Hoa Nghiêm Kinh Sớ)
1/ Ân đức: Như lai dùng sức nguyện lớn cứu hộ chúng sinh, như cha mẹ bảo hộ con thơ, nên gọi là ân đức
2/ Đoạn đức: Còn gọi là giải thoát đức, Như lai đoạn sạch các hoặc nghiệp phiền não, thanh tịnh viên mãn nên gọi là đoạn đức.
3/ Trí đức: Như lai dùng trí huệ bình đẳng vô phân biệt quán chiếu và dung thông mọi pháp viên dung vô ngại, gọi đó là trí đức.
Tam Đức (Kim Quang Minh Kinh Huyền nghĩa)
Tam chỉ cho Pháp thân, Bát nhã và Giải thoát, đức chỉ cho Thường Lạc Ngã Tịnh. Thường có nghĩa không dời không đổi. Lạc tức an ổn tịch diệt. Ngã tức tự tại vô ngại. Tịnh tức lìa cấu không nhiễm.
1/ Pháp thân đức: Phật do nơi các pháp mà thành, nên gọi là pháp thân. Pháp thân này nơi chư Phật không tăng, nơi chúng sinh không giảm. Chúng sinh mê lầm không thấy pháp thân này nên điên đảo, chư Phật do ngộ thân này mà được tự tại. Mê ngộ tuy khác nhưng thể tính hằng một, vẫn đầy đủ thường lạc ngã tịnh, đó gọi là pháp thân đức.
2/ Bát nhã đức: Bát nhã tức trí huệ, chư Phật rốt ráo được trí thủy giác nên giác ngộ được các pháp vốn bất sinh bất diệt, thanh tịnh vô tướng, bình đẳng không hai, không tăng không giảm, đầy đủ thường lạc ngã tịnh, gọi là Bát nhã đức.
3/ Giải thoát đức: Giải là không trói buộc, thoát là tự tại. Chư Phật vĩnh viễn lìa bỏ mọi ràng buộc của nghiệp lụy, đắc đại tự tại gọi là giải thoát đức.
Phiên Tam Nhiễm Thành Tam Đức (Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao)
Phiên là chuyển đổi, tam nhiễm tức Khổ, Hoặc, và Nghiệp, ba thứ này thường làm ô nhiễm bổn tính, khiến không thanh tịnh nên gọi là nhiễm. Tam đức là Pháp thân, Bát nhã và Giải thoát.
1/ Phiên Khổ thân thành pháp thân đức: Nếu năng quán sát ngũ uẩn của thân sinh tử vô thường khổ này vốn không và bất sinh bất diệt ắt thành pháp thân, nên gọi là phiên khổ thân thành pháp thân đức.
2/ Phiên Phiền não thành bát nhã đức: Nếu năng quán sát các hoặc thể của các phiền não khởi lên từ ý căn vốn là không, tự tính của các hoặc này không thật có, thì sẽ đạt được trí huệ thấy rõ hết mọi pháp, nên gọi là phiên phiền não thành bát nhã đức.
3/ Phiên Kết nghiêp thành giải thoát đức: Giải thoát tức tự tại. Nếu năng quan sát các nghiệp khởi lên từ thân khẩu tự tính vốn không, tức không còn tướng trói buộc, nên được tự tại nơi mọi pháp, thành tựu giải thoát, gọi là phiên kết nghiệp thành giải thoát đức.
Tam Giải Thoát Môn (Pháp Giới Thứ Đệ)
Giải thoát nghĩa tự tại, môn có nghĩa thông suốt. Nhờ ba thứ này mà thông đến được niết bàn giải thoát nên gọi là Tam giải thoát môn.
1/ Không giải thoát môn: Quán tất cả pháp đều từ nhân duyên hòa hợp mà sinh, tự tính vốn không, không có ngã và ngã sở (ta và của ta), nếu thông đạt được vậy tất đắc tự tại nơi các pháp, gọi đó là không giải thoát môn
2/ Vô tướng giải thoát môn: Đã rõ biết các pháp vốn không, quán các tướng nam nữ, giống hay khác đều bất khả đắc (không có thực thể, nên thực chẳng có nam nữ…), nếu thông đạt các pháp vốn vô tướng ắt được tự tại, gọi đó là vô tướng giải thoát môn.
3/ Vô tác giải thoát môn: Vô tác còn gọi là vô nguyện. Nếu đã biết các pháp vốn vô tướng, thì nơi tam giới chẳng có gì để nguyện cầu, đã không nguyện tất không tạo tác các nghiệp sinh tử. Nếu không có nghiệp sinh tử tất không có quả khổ và được tự tại, nên gọi là vô nguyện hay vô tác giải thoát môn.