Home » Tàng Kinh Các » Pháp Hoa Kinh Thông Nghĩa

Pháp Hoa Kinh Thông Nghĩa

Mục Tàng Kinh Các

Pháp Hoa Kinh Thông Nghĩa [法華經通義]:
Kinh số 611, thuộc tập X31, Tục Tạng Kinh, 7 Quyển.
Samôn HÁM SƠN Thích Đức Thanh thuật
Tỳ-kheo-ni Hải Triều Âm toát yếu

Lời giới thiệu
Trong nước ta hiện đang có 4 tông môn danh tiếng :
1/. Thiền thuần túy Việt Nam, Hòa-thượng Thanh Từ lấy 5 chữ trong kinh Lăng Nghiêm làm tông yếu : TRẦN TIÊU GIÁC VIÊN TỊNH.
2/. Thiền Tào Động, Hòa-thượng Quảng Bá : PHẢN VĂN VĂN TỰ TÁNH.
3/. TỊNH-ĐỘ HOA SEN, Hòa-thượng Vạn Đức niệm tánh Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, rời biển khổ Ta Bà về Cực Lạc an vui.
4/. MẬT TÔNG, Hòa-thượng Thiền Tâm truyền bá các thần chú của đức Lư Xá Na, mong ai cầu gì được nấy cho tới Vô-thượng Bồ-đề.

Còn quần chúng Phật tử :
a/. Bậc thượng chuyên niệm Phật A Di Đà cầu nhất tâm bất loạn.
b/. Bậc trung ham mê tụng Pháp Hoa.
c/. Bậc hạ tay ôm kinh sách, đứng cổng chùa phân vân.

Kinh Bách Dụ kể chuyện sẩm sờ voi. Người thấy voi là cái cột. Người cho voi là cái quạt.

Người quyết định voi là cái trống v.v… Người sáng mắt thấy được toàn thân con voi. Chúng ta học đạo khác gì mấy ông sẩm.

Nhưng dù sao tay chúng ta cũng đã có phước duyên thắng thượng là được đặt vào thân voi. Chúng ta đang hân hạnh tiếp xúc thẳng với voi. Rời tay ra, chúng ta sẽ mất voi, không thể tìm ở nơi đâu khác.

Phật sắp Niết-bàn, nói kinh Pháp Hoa, dung hòa các đường lối, xưa kia đã quyền tạm đặt ra để uốn chiều các căn cơ, đưa tất cả vào một đạo Phật. Vậy thì tất cả các pháp môn giới định tuệ của tam thừa đều là chánh pháp. Chúng ta tùy duyên, tùy sở thích, tùy hoàn cảnh, vào cửa nào cũng được sự tiếp dẫn của Tam-bảo.

Vậy giới thiệu kinh Pháp Hoa hôm nay, chỉ mong nêu thẳng mục tiêu thành Phật. Còn đường lối thì suốt 49 năm thuyết pháp, Phật đã vạch bày cả tám vạn bốn ngàn pháp môn. Chúng ta chỉ có việc, ngay từ chỗ chân đang đứng, cất bước trở về quê hương.

Tỳ-kheo-ni Hải Triều Âm

Tựa

Xưa Thiên Thai Trí Giả đại sư tinh trì Pháp Hoa được Tam-muội. Ngài dùng ba pháp quán giải thích toàn kinh. Nay Ôn Lăng thiền sư làm yếu giải. Cả hai sư đều đặt 8 phẩm sau vào phần lưu thông.

Đức Thanh tôi từ bé đi nghe giảng. Quanh quẩn bên ngoài các núi, mông ân pháp nhũ mỗi nơi mỗi khác.

Đạt Quán thiền sư nghe tôi phát tâm tụng kinh 100 bộ để cầu tiêu tội kiếp xưa. Ngài tập họp các đệ tử, phúng tụng theo các khóa. Chúng thỉnh tôi giảng thuyết một vòng. Bỗng nhiên khế hội, phát minh đại sự nhân duyên Như Lai xuất thế (phẩm Phương Tiện ở kinh này, Như Lai tự tỏ bày rất rõ ràng). Tôi bèn lấy 4 chữ KHAI THỊ NGỘ NHẬP phân chia toàn kinh. Tiện bút viết các chi tiết, xâu suốt thủy chung. Dùng 4 môn TÍN GIẢI HẠNH CHỨNG của Hoa Nghiêm phối hợp, tôi sơ lược giảng pháp Nhất Thừa. Thỉnh ý các đại sư mười phương, đều được chấp thuận.

Bộ Thông Nghĩa vẫn tuân theo cựu giải của cổ đức, phát minh đại chỉ kinh Pháp Hoa cùng với Hoa Nghiêm trước sau một đường. Hội thông toàn kinh quay về khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, để thích hợp với bản hoài của Như Lai, họp các dòng khác nhau đưa về một biển cả. Lời văn cố gắng sơ lược để dễ thông suốt đại nghĩa.

Mong hậu học đừng vì người hèn mà bỏ qua lời nói.

Đời nhà Minh núi Nam Nhạc
Samôn Hám Sơn Thích Đức Thanh