Home » Hội PTVNTN » Danh xưng

Danh xưng

Mục Hội PTVNTN

Tản mạn mấy cành hoa

[ Một ]
Chỉ vì mấy cánh hoa

Chuyện sẽ không có gì để nói nếu hôm đó cô Susanne không mang mấy cánh hoa vào phòng làm việc của tôi.

– Anh có muốn cắm mấy cánh hoa này trong phòng không?
– Vì sao? Ở đâu cô có vậy?
– Trong phòng họp ngày hôm qua, mấy người khách họ mang đến.
– Sao tôi không thấy?
– Tại tôi dồn hai bình vào một.
– Vậy thì cứ để ở phòng của cô đi. Mấy cái hoa sẽ vui hơn khi nó ở trong phòng cô chứ?
– Mới đầu tôi cũng nghĩ thế, nhưng ngày mai tôi bắt đầu đi nghỉ hè rồi.
– Ừ thì cũng được, tùy cô. Nhưng cô nghĩ nên để ở đâu?
– Trên bàn làm việc của anh, kế bên hình ông Phật đó.
– Không được. Cô biết, hoa cũ và không tươi chúng tôi không mang cúng Phật đâu.
– Thế anh muốn để đâu?
– Ừ… để suy nghĩ!

Loay hoay một hồi, cô Susanne đề nghị tôi để bình hoa ở góc phòng, nơi tôi có chiếc bàn nhỏ để pha trà, pha cà phê và chiếc radio nhỏ.

Chiếc bình hoa khá đẹp có in tên và logo của nhóm nghiên cứu một công ty mà họ muốn làm việc chung với chúng tôi, bởi thế họ mới chia làm hai bình, vì cái bình quan trọng hơn những cành hoa. Cô Susanne cũng đã khéo cắt tỉa nên bình hoa nhỏ chỉ còn hai cành: một cành có hai hoa cúc trắng và một cành hoa hồng vàng. Phải thật tâm mà nói thì hai cành hoa khá đẹp, nhưng cô thư ký gom nó từ hai bình lại nên nhìn có gì đó không ổn lắm. Kể cả việc, tự dưng phòng tôi có thêm mấy cành hoa cũng đã không ổn. Mà nó lại nằm kế bàn nước nên tôi phải dòm nó hoài mỗi khi đến lấy nước, hay trà cà phê uống. Và màn bi kịch bắt đầu từ đó. Bạn có kinh nghiệm này không? Ngồi làm việc, lúc căng thẳng hay mệt thì mình hay đứng dậy, đến góc phòng uống một ly nước lạnh hay pha một ly trà, ly cà phê. Những lúc như thế đầu óc thường vẫn còn lảng vảng ở đâu đó, mơ hồ vừa công việc vừa bước đi trong mộng. Trong trạng thái như thế, tôi đã lơ mơ nghe cô Hoa Hồng khoe sắc tươi của mình và nói mình là đẹp nhất (mà cũng đẹp thật). Hoa Hồng nói:

– Hai bạn chưa biết đâu. Mình là hiện thân của nàng Elisa đấy, Elisa đẹp tuyệt trần!
– Hí hí Elisa là gì, phải kem thoa mặt không, hay tên của hãng nước hoa, hoặc may đồ lót? Cô Cúc em nhanh miệng đáp.
– Ê, không biết thì im miệng lại, đừng nói bậy bạ. Elisa chính con gái của Thần Zeus cổ Hy Lạp, là ánh sáng của loài người. Cô Hoa Hồng trả đủa ngay.
Cô Cúc chị khôn ngoan và đanh đá hơn:
– Ánh sáng! Ha ha. Chuyện đó xưa như trái đất, ha ha, chuyện cổ tích. Chỉ có hoa cúc chúng em mới xứng đáng vì chúng em là biểu tượng cho lòng hiếu thảo, mà hiếu thảo là đạo đức đầu tiên của nhân loại. Chuyện cổ Hy Lạp chỉ là chuyện để trong Viện Bảo Tàng hay Thư viện thôi, ha ha ha!

Rồi cô Hoa Hồng lại nói qua, chị em cô Cúc cũng chẳng vừa chi cũng đáp lại. Họ còn cãi nhau, tên Hồng đẹp hơn tên Cúc, rồi lại tên Cúc thanh cao hơn tên Hồng…

Tôi chóng mặt vì những lời qua tiếng lại không tưởng ấy…

Tuần lễ ấy rồi cũng qua đi nhanh chóng. Tôi cũng bận bịu công việc nên cũng ít có mặt trong phòng. Chỉ thỉnh thoảng lúc lấy nước uống mới nhìn vào bình hoa nhỏ ở góc phòng.

Rồi cuối tuần đến.

Sáng thứ hai vào lại văn phòng, bình hoa đã khô queo, cả mấy cô đều gục đầu chung tựa sát vào nhau. Hoa hồng hoa cúc bây giờ đều giống như nhau – chỉ còn là những cành khô. Cuối tuần vừa rồi trời nắng quá. Tôi cầm mấy cành cây khô trên tay, lưỡng lự một phút rồi cũng phải ném cả vào thùng rác để lát nữa mấy người dọn dẹp kịp mang đi, lòng nao nao tràn đầy xao xuyến. Tôi đứng tần ngần bên bàn nước rất lâu, suy nghĩ miên man về quá trình sinh diệt của cuộc đời. Mấy cành hoa tuần trước còn xinh đẹp nay đã biến thành rác. Những cánh hoa hồng hoa cúc trong phòng tôi đã yên lặng ra đi để tự biến thành những phân bón cho những cánh hoa khác ra đời. Còn gì đâu cái tên Hồng tên Cúc kia. Một kiếp hoa, một kiếp người, một kiếp phù sinh …

Tôi bỗng nhớ đến một câu thơ tuyệt diệu của Shakespeare:
What’s in a name? that which we call a rose
By any other name would smell as sweet
(W. Shakespeare: Romeo and Juliet)

Sá gì trong một danh xưng
Thế mà thiên hạ kẻ mừng người đau
Hoa hồng dù gọi thế nào
Thì hương vị vẫn ngọt ngào xưa nay (Đ.N.C. dịch)

(Bản dịch của bài thơ này tôi ghi lại theo bài viết của Hòa Thượng Phước An về Mùa Thu. ĐNC là giáo sư Đặng Ngọc Chức, người đã dịch tuyệt vời bài thơ ấy và đề tặng Thầy. GS Đặng Ngọc Chức đã mất vào năm 2013 trong một tai nạn xe).

[ Hai ]
Cũng chỉ là danh, là tướng

Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn nói về các biến tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm, vị Bồ Tát của tình thương yêu. Chúng sanh có quá nhiều chấp cố nên Bồ Tát phải từ bi hóa hiện bao nhiêu thân tướng khác nhau tùy căn cơ chúng sanh mà đến gần để cứu độ: thân trưởng giả, thân tể tướng, thân bà la môn, thân nam, thân nữ …

Ấy là cung cách bậc Bồ Tát. Thế gian ta nhìn khác, ta gặp nhan nhản hằng ngày những định kiến. Ai mà chẳng vịn vào những cái rất tạm mình có: địa vị, tiền bạc, gia đình và thậm chí cả cái tên, xem cái tên đó chính là mình (kiêm luôn cả cái chức vụ tạm bợ gắn phía trước). Có ông Klaus Wowereit ở Đức, từng liên tục suốt 13 năm dài làm thị trưởng thủ đô Berlin nói đùa một câu rất chí lý. Khi được phỏng vấn trên truyền hình, ông nói rằng suốt 13 năm trời đi đâu người ta cũng gọi ông ta là Ông-Thị-Trưởng-Berlin, làm như là ông ta không có tên vậy. Đến khi ông từ chức này thì ông mới nghe người ta gọi tên thật của ông và ông vui sướng lắm. Thật vậy, cái tên có được do cuộc đời gắn cho ta. Có thể do cha mẹ (tên cúng cơm), do thầy (pháp danh), do bạn bè (tên gọi) hay do chính ta tự đặt tên Âu Mỹ khi xin nhập quốc tịch, vân vân và vân vân. Ta thường đồng hóa cái tên đó là ta. Ta làm như các tên đó mất thì ta cũng mất theo. Trong cuộc sống có khi người ta chém giết nhau vì một cái tên gọi.

Thật ra, chỉ do mình nghĩ như thế thôi. Tôi có biết một trường hợp có thật, cái tên không duyên cớ bị mất đi mà chẳng tạo ra cảm giác mất mát gì lớn đến người mang tên. Đây là một trường hợp khá vui về việc khai hộ tịch ở Việt Nam.

Có một anh chàng kia ở cùng tỉnh với tôi. Ở nhà ngày xưa gọi anh là Tuấn. Làng xóm gọi anh tên như thế, bạn ở trường học gọi anh tên như thế, thì tên của anh đích thị là Tuấn. Đến lúc năm tuổi phải khai Giấy Khai Sinh để nộp cho trường tiểu học, mẹ anh dắt anh đến Ủy Ban Xã. Ông nhân viên hộ tịch vốn ít chữ, hỏi anh tên họ gì? Mẹ anh nói anh họ Nguyễn, lót chữ Thành, tên Tuấn. Ông nhân viên khi vào sổ bộ, cấp Giấy Khai Sinh, đóng dấu đỏ chói và ký tên dài thòng hẳn hoi. Chuyện ở quê thường nhanh chóng và đơn giản. Hai mẹ con về nhà cất giấy Khai sinh vào rương và chờ đến ngày anh đi học lại sẽ nộp cho nhà trường. Hết hè đi học lại, anh Tuấn nhà ta hí hửng mang Giấy Khai Sinh nộp cho văn phòng trường, lúc ấy mới chưng hửng ra là trong Giấy Khai Sinh ghi tên anh là Nguyễn Thành Tua. Ngẫm ra mới biết là ông thư ký nọ ít học, từng mẫu tự viết lớn như quả trứng gà, mà cái tên Nguyễn Thành Tuấn lại hơi dài so với khả năng viết của ông ta nên mẫu giấy không còn đủ chỗ để ông viết hết mẫu tự “n”cuối cùng. Ráng lắm ông ta mới viết được mẫu tự “a” nhỏ xíu cuối biên tờ giấy nên đâu còn chỗ để ghi dấu mũ và dấu sắc vào cho đầy đủ chữ “ấ”. Do vậy mà anh bạn tôi phải mang tên Tua suốt hơn bốn mươi năm qua. Nhưng được cái là anh không hề buồn vì mất cái tên Tuấn kia, anh còn khôi hài nói là: “tên Tua này ở ngoại quốc vậy mà tiện lợi đủ điều, viết không cần bỏ dấu và người ngoại quốc dễ kêu! Chỉ thỉnh thoảng gặp mặt bạn bè Việt ăn nhậu xỉn lên tụi nó mới gọi mình là “thằng te tua” thôi. Còn khi gọi điện thoại về Việt Nam má tôi vẫn kêu tôi bằng tên cúng cơm là thằng Tuấn (giọng Nam bộ rặc nên anh nói là: má tui kiu tui là thằng Tứng). Tôi thấy anh Tua hồn nhiên và sung sướng lắm. Sá chi chuyện cái tên ấy! Ừ, nếu chịu khó tu tập thêm chút ít có thể anh thành Thiền sư đó, anh Tuấn – à quên, anh Tua ơi. Người không chấp nhứt như anh ít có lắm. Phải chi hôm đó ông nhân viên hộ tịch bỏ thêm một chữ “a” nữa thành tên Tu có thể bây giờ anh đã ở Chùa chứ không cưới vợ sinh con cái đùm đề đâu, biết đâu được!

[ Ba ]
Có những cái gọi là chúng sanh

Chuyện đời thì lắm chuyện, nói bao giờ cho hết. Tôi mạn phép trích ở đây một đoạn trong Kinh Na Tiên Tỳ Kheo (bản dịch của cụ Cao Hữu Đính). Không biết anh bạn Tua của tôi có bao giờ đọc hay nghe giảng về Kinh này chưa. Tôi thấy hay quá nên xin chép vào đây để bà con cùng đọc.

Theo giáo sư Cao Hữu Đính thì kinh xuất hiện vào tiền bán thế kỷ thứ hai trước tây lịch. Kinh có một cấu trúc mới lạ, ghi lại những mẫu đối thoại rất sinh động và độc đáo giữa Đại Đức Na Tiên (Nagasena) và đức vua Millinda. Vua Millinda là người gốc Hy Lạp, từng trị vì một bờ cõi rộng lớn, trục đông tây kéo dài từ sông Hằng đến Ba Tư, trục nam bắc từ Ấn Độ đến A Phú Hãn. Tên Vua cũng có khi ghi khác do cách phát âm, ví dụ trên đồng tiền vàng đúc thời đó ghi là Menendra, bia ký ghi là Minapra v.v… (xin xem thêm ở nguồn tài liệu ghi bên dưới).

Kinh ghi lại như sau:

Vua Di Lan Ðà (Millinda ) ngự đến chùa San khế đa (Sankheyya), chỗ đại đức Na Tiên (Nagasena) bây giờ đang tạm trú với tám chục tỳ kheo, ông tiến đến trước mặt Ðại đức và cung kính vái chào. Ðại đức đáp lễ. Sau lễ tương kiến, nhà vua cung kính ngồi né một bên.

Ðoạn, vua khởi chuyện hỏi rằng:

– Kính bạch Ðại đức, trẫm muốn hỏi ngài ít câu có được không?
– Xin Ðại vương cứ phán hỏi, bần tăng xin nghe.
– Bạch Ðại đức, quý danh là gì?
– Người ta gọi bần tăng là Na Tiên. Các pháp hữu của bần tăng cũng gọi bần tăng bằng tên ấy.

Nhưng dù cho cha mẹ bần tăng có đặt cho bần tăng tên Na Tiên (Nagasena) hay một tên nào khác, chẳng hạn như Duy Tiên (Viranasena), Thủ La Tiên (Surasena) hoặc Duy Ca Tiên (Sihasena)…, thì chẳng qua cũng chỉ là những tên suông, đặt ra để phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Trong những cái tên đó không hề có cái “ta” hay cái “của ta” như tà kiến và ngã chấp thường lầm nhận.

Nhà vua kinh ngạc quay sang đám tùy tùng hộ vệ và chư vị tỳ kheo trong chùa để phân bua:

– Này năm trăm quan chức và tám chục tỳ kheo! Tất cả quý vị hãy ghi nhớ lời nói của Ðại đức Na Tiên hôm nay. Ngài nói: Tên là do cha mẹ đặt ra và bạn hữu dùng để gọi, chứ trong đó không có cái “ta”. Như vậy trẫm có thể tin được lời ngài chăng?

Phân bua xong, nhà vua quay lại hỏi Ðại đức Na Tiên rằng:

– Bạch Ðại đức! Nếu không có cái “ta” trong đó thì khi tín thí cúng dường y bát, vật thực, phòng xá, thuốc men, dụng cụ…, ai thâu nhận các món cúng dường ấy? Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa? Ai tham thiền nhập định? Ai hành đạo, đắc quả và nhập niết bàn? Nếu không có cái “ta” trong người thì ai giữ giới? Ai phạm giới? Ai sát sanh? Ai trộm cướp? Ai hành dâm? Ai nói dối? Ai say sưa? Nếu quả như vậy thì không ai tạo nghiệp lành, cũng chẳng ai tạo nghiệp dữ. Luôn cả nghiệp lành dữ cũng không có. Những việc làm lành hay làm dữ không có quả báo gì hết. Bạch Ðại đức, như thế thì nếu có kẻ giết Ðại đức cũng không phạm tội sát sanh chăng? Và trong chư tăng, không có ai là giáo thọ giảng dạy, chẳng có ai là hòa thượng truyền giới thu nhận đệ tử tu lên bậc trên? Ngay các pháp hữu của Ðại đức gọi Ðại đức là Na Tiên cũng không có nốt? Và cái tên Na Tiên đó là ai? Kính mong Ðại đức giải cho trẫm được biết. Thưa Ðại đức đã nghe rõ rồi chứ?

– Tâu Ðại vương, bần tăng đã nghe rõ rồi.
– Người nghe đó có phải là Na Tiên không?
– Tâu Ðại vương, không phải đâu.
– Thế thì ai là Na Tiên? Cái gì là Na Tiên? Tóc trên đầu là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Lông là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.

(Tiếp tục các câu hỏi về móng, hay răng, da, thịt, tủy, gân…, rồi sắc, thọ, tưởng, hành, thức; rồi nhãn căn, hay nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn hoặc ý căn. Các câu trả lời đều là không phải – Ghi chú của Nguyên Đạo để rút gọn phần trích đoạn Kinh. Sau đó lại tiếp tục hỏi và đáp)

– Hay tất cả năm uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hợp lại là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Hay ngoài năm uẩn ra còn có cái gì đó là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, cũng không phải nốt.
– Bạch Ðại đức, nãy giờ trẫm gạn hỏi tường tận về 32 thể trược, 5 uẩn và 18 giới có phải là Na Tiên không, hết thảy đều bị Ðại đức phủ nhận. Theo lời dạy bảo của Ðại đức, trẫm quán tưởng cũng thấy rằng trong từng cái nêu hỏi đều không có Na Tiên, và Na Tiên cũng không có trong tất cả những cái đó hợp lại, Na Tiên chỉ là cái danh suông. Như vậy trong đoạn trước, Ðại đức bảo với trẫm rằng người ta gọi Ðại đức là Na Tiên, như thế là Ðại đức đã nói dối, chứ thật ra không có Na Tiên. Này năm trăm quan chức và tám chục tỳ kheo! Xin các vị hãy làm chứng cho.

Bấy giờ, Ðại đức Na Tiên chậm rãi tâu lại nhà Vua rằng:

– Tâu Ðại vương, Ðại vương thật là một bậc đế vương thanh nhã, hưởng nhiều phước báo an vui. Nhưng trên con đường từ hoàng cung đến chùa nầy, chắc hẳn vì gặp lúc khí trời oi bức, Ðại vương thấy trong người khó chịu, ngọc thể bất an, nên tâm trí Ðại vương có phần nóng nảy kém thanh tịnh. Chẳng hay Ðại vương đến đây bằng bộ hay bằng xe?
– Bạch Ðại đức, trẫm đến bằng xe. Chỉ khi tiến vào đây, trẫm mới đi chân.

Nghe nhà Vua nói xong, Ðại đức Na Tiên hướng về đám tùy tùng hộ vệ của nhà Vua mà phân bua rằng:

– Này năm trăm quan chức! Xin quý vị hãy ghi nhớ lời nói của nhà Vua, Ngài bảo rằng đến đây bằng xe. Xin quý vị hãy nhớ và làm chứng cho.

Phân chứng cớ xong, Na Tiên quay lại hỏi nhà Vua:

– Tâu Ðại vương, Ðại vương bảo rằng ngài ngự đến bằng xe. Ðó là ngài nói thật chứ?
– Bạch Ðại đức, trẫm nói chắc thật.
– Vậy xin Ðại vương cho bần tăng biết rõ về cái xe. Gọng có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Trục có phải là xe không?
– Thưa, không phải.

(Tiếp tục hỏi đến bánh xe, căm, thùng, ách, chỗ gác chân, mui, cạy roi. Các câu trả lời đều là không phải – Ghi chú của Nguyên Đạo để rút gọn phần trích đoạn Kinh. Sau đó lại tiếp tục hỏi và đáp)

– Hay tất cả các món ấy họp lại và buộc chung với nhau là xe?
– Thưa, không phải.
– Hay ngoài các món ấy ra còn có một món nào khác gọi là xe?
– Thưa cũng không phải.
– Hay tiếng khua động là xe?
– Thưa, cũng không phải nốt.
– Vậy chớ xe là cái gì?

Nhà Vua lặng thinh, không trả lời.

Ðại đức Na Tiên dừng nghỉ một lát, rồi tâu rằng:

– Tâu Ðại vương! Nãy giờ bần tăng đã gạn hỏi tường tận về từng món một như gọng, mui, thùng… có phải là xe không, hết thảy đều bị Ðại vương phủ nhận. Theo lời phán bảo của Ðại vương, bần tăng quả thật cũng thấy rằng trong từng món nêu hỏi đều không có xe, và xe cũng không có trong tất cả những món đó họp lại; xe chỉ là cái danh suông. Như vậy, khi Ðại vương nói với bần tăng rằng Ðại vương đến đây bằng xe, điều đó tưởng e đáng ngờ vực lắm. Ðại vương là một vị đại hoàng đế cao cả, làm chủ một vùng đất nước mênh mông, thật hẳn không đáng lại đây để nói những lời luống dối như thế. Này năm trăm quan chức! Xin quý vị hãy làm chứng cho.

Thấy nhà Vua ngồi câm nín và các quan chức thì tỏ lòng tán dương bằng nhiều cách khác nhau, Ðại đức Na Tiên bèn từ hòa tâu với nhà Vua rằng:

– Trong kinh, Phật có dạy như vầy: “Hiệp các món gọng, thùng, bánh, mui… theo một mẫu mực nào đó thì thành một cái mà người ta tạm gọi là xe. Cũng như thế, hiệp tất cả đầu, mặt, tay, chân, hơi thở, lời nói, sự khổ, sự vui, điều lành, điều dữ… thì cũng thành một đơn vị mà người ta tạm gọi là cái “ta” để tiện bề phân biệt. Chứ thật ra thì không có cái “ta” chơn thật nào cả! Ðúng như lời của nữ tôn giả Hoa Si Ra (Vajirã) đã bạch với Ðức Thế Tôn khi Ngài còn tại thế: “Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ hợp lại là vẽ thành. Nhiều món cơ thể vẽ thành một vật mệnh danh là chúng sanh”.

Vua Di Lan Ðà nghe đến đây, lấy làm hoan hỷ, vô cùng tán thán Ðại đức Na Tiên:

– Hay thay! Hay thay! Chớ chi Ðức Phật còn tại thế thì hẳn Ngài phải khen ngợi Ðại đức lắm.

(Đọc đầy đủ bản kinh này ở: http://www.budsas.org/uni/u-natien/natien01.htm)

[ Bốn ]
Tấm thân tứ đại

Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ hợp lại là vẽ thành. Nhiều món cơ thể vẽ thành một vật mệnh danh là chúng sanh.

Vậy cái danh xưng mà tôi và bạn đang mang cũng thế thôi, chỉ là cái tên gọi cho tấm thân tứ đại nhỏ bé này. Địa đại, thủy đại, phong đại và hỏa đại – đất, nước, gió, lửa. Ta đứng ngắm vườn hoa đẹp thì xin đừng nói là mấy hoa hồng hoa cúc ấy từ đất sinh ra. Nói thế thì nước sẽ rất buồn, vì không có nước cây hoa kia đã khô héo từ mấy mươi đời rồi. Rồi bất chợt gió mây cũng sẽ lên tiếng với ta, không có mây gió thì làm sao có những đám mưa. Nghe đến đấy lửa nảy giờ lặng yên cũng lên giọng tằng hắng, bởi không có anh ta thì làm sao có sức ấm để nước bốc nên hơi, để khí lưu chuyển. Mấy yếu tố ấy hòa hợp cùng vũ trụ thì còn có bạn, còn có tôi. Mấy món ấy mà tan rã thì có nghĩa là cả tôi lẫn bạn đã vừa bước đi xong đoạn đường của đời mình.

Chỉ thế thôi. Còn chăng là một lời hẹn cho cuộc tương phùng. Hẹn rằng, có duyên thì có khi còn tụ lại, còn thấy nhau.

Tôi nghe văng vẳng lời thơ, hay là lời nhắc nhở của một người bạn đạo.

[…]
Hoa kia có đẹp cũng tàn
Người xinh cũng thế, thời gian cũng già
Giàu nghèo phân biệt bởi ta
Ai xuôi tay xuống cũng là tay không

Lời kinh Bát Nhã nên thông
Tấm thân ngũ uẩn là không của mình
Tứ đại hòa hợp thì sinh
Thiếu đi một cái thì mình tử ngay …

(Thanh Phi: Lời Kinh Bát Nhã. Trang nhà Quảng Đức)


Đức Quốc
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn
www.vancong.com