Home » Tàng Kinh Các » Phật Nói Kinh Diên Mệnh Địa Tạng Bồ Tát

Phật Nói Kinh Diên Mệnh Địa Tạng Bồ Tát

Mục Tàng Kinh Các

PHẬT THUYẾT KINH DUYÊN MẠNG ĐỊA-TẠNG BỒ-TÁT

Ngài Bất-Không Tam-Tạng phụng chiếu dịch.

Chính thực tôi nghe: Một thời Đức Phật ở núi Già-La-Đà, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một vạn hai nghìn người, và ba vạn sáu nghìn vị Bồ Tát ở đó. Lại có tất cả chư Thiên, bộ Long, Quỷ Dạ-xoa, Người và không phải người còn các bộ khác nữa. Lại có vua Kim Luân, vua Ngân Luân và các vua Luân Vương khác nữa, đều từ mười phương đi tới.

Khi đó, Đức Thế-Tôn, vừa nói xong phép Đại-Thừa Vô-Y-Hành, có vua Đế-Thích tên là Vô-Cấu-Sanh, bạch Phật rằng: „Lạy Đức Thế Tôn! Con muốn hộ đời, Phật diệt độ về sau nầy, chúng sinh thời Mạt-Pháp, nên cứu giúp bằng cách nào?“

Phật bảo vua Đế-Thích rằng: “Có một Bồ Tát gọi là Duyên-Mạng Địa-Tạng, mỗi ngày cứ buổi sáng sớm, vào các phép Thiền định, rồi đi giáo hóa sáu ngả, cứu khổ ban vui. Nếu người nào ở nơi Tam-đồ, được thấy hình tướng nghe danh hiệu Duyên Mạng Địa Tạng Bồ Tát, thì được sanh Nhân, Thiên, hoặc sanh Tịnh Độ; Nếu ở ba ngả thiện mà được nghe tên Duyên Mạng Địa Tạng Bồ-Tát, thì được phước báo hiện tại, sau sinh về cõi Phật. Nghe tên còn thế, nữa là chuyên lòng nhớ niệm, tâm nhãn khai tỏ, quyết được thành tựu.“

Cũng thế Bồ-Tát lại ban cho mười phước báu:

1. Nữ nhân sanh nở dễ dàng,
2. Thân căn đầy đủ,
3. Trừ hết mọi bệnh,
4. Thọ mệnh lâu dài,
5. Trí tuệ thông minh,
6. Của báu dư dật,
7. Mọi người kính yêu,
8. Thóc lúa được mùa,
9. Thần minh gia hộ,
10. Chứng đại Bồ Đề.

Lại còn 8 điều đáng sợ cũng trừ hết:

1. Mưa gió phải thời,
2. Nước khác không dám khởi binh đến xâm chiếm,
3. Trong nước không có giặc làm phản,
4. Không có tai nạn nhật nguyệt thực,
5. Các ngôi sao không biến điềm xấu,
6. Quỷ thần không dám lại nhiễu hại,
7. Nạn đói khát không có phát sanh,
8. Nhân dân không tật bệnh.“

Phật lại bảo vua Đế Thích:

„Về đời sau đây, nếu có chúng sinh nào, thụ trì kinh này, và cung kính cúng dường Duyên Mạng Địa Tạng Bồ Tát, thì chỗ người ấy ở, trong trăm do tuần, không có các tai họa, như ác mộng, ác tướng, và mọi sự không hay, quỷ thần Võng-Lượng, quỷ Cưu-Bàn-Trà, không dám tự tiện làm hại, Thần Thiên-Cẩu, Thần Thổ-Công, Thần quan Thái-Tuế, Thần Núi, Thần Cây, Thần Sông bể, Thần Nước, Thần Lửa, Thần đói khát, Thần Mả, Thần Rắn, Thần Chú Trớ, Thần Linh, Thần Đường, Thần Nhà bếp, v.v… Những Quỷ Thần đó, nếu nghe thấy kinh này và danh hiệu của Bồ Tát, thì nhả các tà khí, tự ngộ được Bản-không, liền chứng đạo Bồ Đề.“

Khi bấy giờ Vua Đế Thích bạch Phật rằng: „Lạy Đức Thế Tôn! Ngài Duyên Mạng Bồ Tát ở trong sáu đường, giáo hóa chúng-sinh bằng cách nào mà chúng sinh được độ?“

Phật bảo vua Đế-Thích rằng: „Thiện nam tử, các pháp bản tính chân không tịch lặng không trụ ở tướng sinh diệt, vì tùy duyên sanh ra nên các sắc thân không giống nhau, tình dục vô-lượng. Đức Địa Tạng đều độ khắp cả.

Duyên Mạng Bồ Tát, hoặc hiện ra thân Phật, hoặc hiện thân Bồ Tát, hoặc hiện thân Bích Chi Phật, hoặc hiện thân Thanh Văn, hoặc hiện thân Phạm Vương, hoặc hiện thân Đế Thích, hoặc hiện thân Diệm Ma Vương, hoặc hiện thân Tỳ Sa môn, hoặc hiện thân nhật nguyệt, hoặc hiện thân Ngũ tinh, hoặc hiện thân Thất tinh, hoặc hiện thân Cửu tinh, hoặc hiện thân Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc hiện thân các vua nước nhỏ, hoặc hiện thân trưởng giả, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân tể quan, hoặc hiện thân phụ nữ, hoặc hiện thân tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, hoặc hiện thân trời, rồng, dạ xoa, nhân, và phi nhân, hoặc hiện thân Y vương, hoặc hiện thân Dược thảo, hoặc hiện thân người đi buôn, hoặc hiện thân người nông dân, hoặc hiện thân Tượng vương, hoặc hiện thân Sư tử vương, hoặc hiện thân Ngưu vương, hoặc hiện thân Mã hình, hoặc hiện thân đại địa, hoặc hiện hình sơn vương, hoặc hiện hình đại hải, trong ba cõi có bốn loài sinh và năm hình, không loài nào là không phải thân của Duyên Mạng Bồ Tát biến hiện; Như thế là tự thể của Pháp Thân biến ra. Hiện chủng chủng thân du hành giáo hóa sáu ngả, độ thoát chúng sinh, hay dùng một tâm thiện, phá ba cõi hữu lậu, cũng bởi một thiện tâm.

„Nếu chúng-sinh đời vị lai, không hay phát tâm tin hướng, hãy nên nhất tâm, lễ bái cúng dường, Duyên Mạng Bồ Tát, thì dao gậy cũng không tới mình, thuốc độc cũng không hại nổi, bùa chú yểm mị khởi thì quỷ và những tà thuật khác nữa, những tai nạn ấy trở về họ phải chịu, cũng như ngửa mặt nhổ lên trời, ngược gió tung tro, trở lại bổn thân mình.“

Bấy giờ, vua Đế Thích lại bạch Phật rằng: „Lạy Đức Thế Tôn! Cớ sao gọi là Duyên Mạng Bồ Tát, tướng đó như thế nào?“

Phật bảo vua Thiên Đế Thích rằng: „Thiện nam tử! Bậc Chân Thiện Bồ Tát thì tâm sáng tỏ và viên mãn, cho nên gọi là Như Ý Luân; Tâm không quái ngại, nên gọi là Quán Tự Tại; Tâm không sinh diệt, nên gọi là Duyên Mạng; Tâm không tồi phá, nên gọi là Địa Tạng; Tâm không biên tế, nên gọi là Đại Bồ Tát; Tâm không sắc tướng, nên gọi là Ma Ha Tát. Các ông nên tín thụ, tâm chớ phân biệt, và cũng chớ quên mất.“

Bấy giờ đại địa, sáu thứ chấn động.

Duyên Mạng Bồ Tát, từ đất xuất hiện lên, gối bên hữu quỳ thẳng, cánh tay và bàn tay ngang vai, gối bên tả duỗi xuống, tay cầm Tích-trượng mà bạch Phật rằng: „Con mỗi ngày cứ buổi sáng sớm, thì nhập thiền định, đi vào các địa ngục, khiến cho chúng sinh ly hết khổ nạn.

Đời này và đời sau, thế giới nào không có Phật, con cũng có thể dắt dẫn chỉ đường và tế độ cho chúng.

Nếu Phật diệt độ về sau này, tất cả nam nữ, muốn được con ban phúc cho, không cần hỏi ngày xấu hay tốt, sạch hay không sạch, chỉ cần người ấy hiếu dưỡng với phụ mẫu, kính thờ sư trưởng, nói năng và khí sắc lúc nào cũng thường hòa, không làm oan người dân, không giết hại sinh mạng, không phạm tà dâm.

Nếu trong 10 ngày trai, hay 6 ngày trai, ngày 18, ngày 24, những nên tự chính lấy tâm, chuyên đọc kinh này, và xưng danh hiệu của con, thì con lấy Pháp nhãn và sức Oai thần, chuyển ngay nghiệp báo, khiến cho được phước quả hiện tiền, trừ khỏi tội vô gián, lại được chứng đạo Bồ Đề.

Con từ quá khứ, không biết bao nhiêu kiếp tới nay, thấy tất cả chúng sinh trong lục đạo, đồng một thể Pháp tánh, không trước không sau, không sai không khác, bởi nghiệp vô minh, mà thấy các tướng khác nhau, sanh, trụ, dị, diệt, lúc được lúc mất, khởi niệm bất thiện, tạo mọi nghiệp ác, vòng quanh lục thú, kiếp kiếp cùng làm cha mẹ với nhau, đời đời cùng là anh em quyến thuộc, hết thảy đều thành Phật cả. Sau khi con thành Phật, nếu còn sót một người nào chưa độ, con thề chưa thành Phật.

Nếu chúng sinh nào biết được cái nguyện của con, đời này và đời sau có sở cầu sự gì không được thỏa mãn thì con thề không thành Chánh Giác.“

Khi đó Phật khen ngợi Ông Duyên Mạng Bồ Tát: „Hay lắm thay! Hay lắm thay! Chân Thiện nam tử! Sau khi ta diệt độ rồi, những chúng-sinh tội khổ ở đời ác mai sau, phó chúc cho Ông! Đời này đời sau, dắt dẫn khéo léo, chớ để cho chúng-sinh, sa vào ác thú bằng khảy móng tay, nữa là đọa vào địa ngục A-Tỳ Vô-Gián.“

Ngài Duyên Mạng Bồ Tát bạch Phật rằng: „Lạy Đức Thế Tôn! Xin Thế-Tôn chớ lo, con sẽ cứu vớt chúng sinh trong sáu ngã, nếu có chúng-sinh nào thống khổ quá, con sẽ chịu thay cho. Nếu không đúng thế, con thề không thành Chánh Giác.“

Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn lại lấy bài kệ mà khen rằng:
„Hay thay, Hay lắm thay !
Ông Duyên Mạng Bồ-Tát!
Coi hữu tình như bạn.
Chúng sinh lúc sống thời,
Ông sẽ là mạng chúng,
Chúng-sinh khi chết thời,
Ông lại làm đạo sư.
Chúng sinh không hiểu biết,
Vô phước mà chết yểu,
Ta diệt độ về sau,
Ở trong thời mạt pháp,
Quốc độ nhiều tai khởi,
Nhân Vương bất chính loạn,
Giặc phương khác tiến lại,
Đao binh khởi chiến trận,
Sẽ nên nhớ tưởng niệm,
Ông Duyên Mạng Bồ-Tát,
Đời này và đời sau,
Cầu gì không mãn nguyện,
Không đúng Ta thuyết pháp,
Thực là không có lý.“

Bây giờ ba nghìn đại thiên thế giới sáu lần chấn động. Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, Ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát, Ngài Hư Không Tạng Bồ Tát, Ngài Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát, các Ngài cùng tiếng khác miệng mà bạch Phật rằng: „Lạy Đức Thế Tôn ! Chúng sinh đời vị lai, nếu nghe thấy kinh này, và danh hiệu Bồ Tát Duyên Mạng, lũ chúng con cũng đều tùy thuận người đó và hiện ở trước người đó, làm cho tâm nhãn thấy rõ, có cầu việc gì cũng được viên mãn. Nếu không được như thế, thì lũ chúng con thề không thành Chánh Giác.“

Khi đó Vua Phạm Vương, Vua Đế Thích, bốn ông Đại Thiên Vương, mưa các thứ thiên hoa, cúng dường Đức Như-Lai, rồi bạch Phật rằng: „Lạy Đức Thế Tôn! Chúng sinh đời vị lai, nếu cứ tự chính tâm mình, không tranh phải, trái, không bỏ sự thưởng phạt, mà trì kinh này và niệm danh hiệu Duyên Mạng Bồ Tát. Chúng con và quyến thuộc chúng con, sẽ ủng hộ người đó, không rời ngày đêm, khiến cho cõi nước, trong trăm do tuần, không có các tai nạn, nhân dân nước ấy, đều được yên ổn. Lúa tốt được mùa, cầu gì cũng đầy đủ. Nếu không như thế, thì chúng con không phải là người hộ thế, và cũng không bao giờ trở lại được tánh Bản giác.“

Lúc đó, có hai vị Đồng tử, đứng hầu hai bên tả hữu. Một vị tên là Chưởng Thiện đứng ở bên tả, mặc áo sắc trắng, cầm hoa sen trắng điều ngự Pháp tính. Một vị tên là Chưởng Ác đứng ở bên hữu, mặc áo sắc đỏ cầm chày Kim Cương hàng phục Vô minh.

Phật bảo đại chúng: „Các ông nên biết: Hai vị đồng tử, Pháp Tính và Vô Minh, cũng như hai tay hai chân của Duyên Mạng Bồ Tát, trong tâm không động cũng như bản thể chữ A. Nếu có chúng sinh nào biết được tâm đó; thì quyết định thành tựu. Liền diệt tam độc và được lực tự tại, muốn nguyện sanh cõi Phật nào, tùy nguyện sanh.

Nếu đời vị lai; tất cả chúng sinh, cung kính cúng dường, Duyên Mạng Bồ Tát không sanh nghi hoặc đời hiện tại cầu gì cũng được đầy đủ sau sanh Tịnh Độ được nhẫn Vô sanh.“

Phật thuyết kinh này rồi tất cả đại hội tâm rất vui mừng, tin chịu vâng làm. Phật nói Kinh Duyên mạng Địa Tạng Bồ-Tát xong.

PHẬT NÓI KINH DIÊN MỆNH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT
Hán dịch: Không rõ tên người dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự tại núi Khư Đà La (Khadiraka) cùng với chúng Đại Tỳ Khưu gồm một vạn hai ngàn người đến dự. Bồ Tát gồm có ba vạn sáu ngàn người đến dự. Tất cả chư Thiên (Deva) với hàng Rồng (Nāga), Dạ Xoa (Yakṣa), Người (Manuṣya), Phi Nhân (Amanuṣya)…các hàng Luân Vương (cakra- varti-rājan:Chuyển Luân Vương), Kim Luân, Ngân Luân từ mười phương đi đến

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói Hạnh Vô Y (anālambya:không có dính mắc, không có chỗ nương dựa) của Đại Thừa đó xong. Thời có vị Đế Thích (Indra) tên là Vô Cấu Sinh (Vimala-saṃbhava) bạch Phật rằng: “Con muốn hộ giúp cho đời. Nếu sau khi Đức Phật diệt độ, làm thế nào để nhổ bứt cứu giúp cho chúng sinh trong thời Mạt Pháp ?”

Đức Phật bảo Đế Thích: “Có một vị Bồ Tát tên là Diên Mệnh Địa Tạng Bồ Tát. Mỗi ngày, vào buổi sáng sớm nhập vào các Định (Samādhi) dạo chơi hóa độ các nẻo, nhổ bứt nỗi khổ, ban cho niềm vui. Nếu bị rơi lại trong ba đường, đối với Bồ Tát này mà nhìn thấy hình thể nghe được tên gọi thì sẽ sinh vào cõi Người, Trời hoặc sinh về Tịnh Thổ. Người ở trong ba đường lành, nghe tên vị ấy sẽ được quả báo ngay trong đời này, đời sau sinh về cõi Phật. Huống chi là nhớ nghĩ, tâm mắt được mở, quyết định thành tựu.

Cũng với Bồ Tát đó sẽ được mười loại Phước
1.Người nữ sinh đẻ thuận lợi
2.Đầy đủ thân căn
3.Đều trừ hết mọi bệnh
4.Thọ mệnh lâu dài
5.Thông minh Trí Tuệ
6.Tài bảo dư thừa
7.Mọi người kính yêu
8.Lúa gạo được mùa
9.Thần Minh gia hộ
10.Chứng Đại Bồ Đề

Cũng trừ diệt tám sự sợ hãi lớn
1.Gió mưa tùy theo thời
2.Nước khác chẳng khởi binh
3.Nước của mình chẳng có kẻ làm phản
4.Mặt Trời Mặt Trăng chẳng bị ăn nuốt (tức là không có hiện tượng Nhật Thực, Nguyệt Thực)
5.Tinh Tú chẳng biến đổi sai với lẽ thường
6.Quỷ Thần chẳng đi đến
7.Đói khát chẳng hưng khởi
8.Người dân không có bệnh

Đức Phật bảo Đế Thích: “Ở đời vị lai, nếu có chúng sinh thọ trì Kinh này, cung kính cúng dường vị Bồ Tát đó thì bên trong một trăm Do Tuần không có các tai vạ, mộng ác, tướng ác, các điều chẳng tốt lành. Hàng Võng Lượng, Quỷ Thần, Cưu Bàn Đồ vĩnh viễn chẳng được dịp thuận tiện để hãm hại

Thiên Cẩu, Thổ Công, Đại Tuế Thần Cung, Sơn Thần, Mộc Thần, Giang Hải Thần, Thủy Thần, Hỏa Thần, Cầm Ngạ Thần, Trủng Thần, Xà Thần, Chú Trớ Thần, Linh Thần, Lộ Thần, Táo Trạch Thần… nếu nghe Kinh này, tên của vị Bồ Tát đó sẽ nôn ra khí tà, tự hiểu vốn trống rỗng, mau chứng Bồ Đề”

Khi ấy Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Diên Mệnh Bồ Tát làm thế nào để cảm hóa sáu nẻo, cứu độ cho chúng sinh?”

Đức Phật bảo Đế Thích: “ Này Thiện Nam Tử ! Các Pháp trống rỗng lặng lẽ (không tịch), chẳng trụ sinh diệt, tùy theo Duyên sinh cho nên sắc thân chẳng giống nhau, Tính Dục vô lượng. Vì cứu độ khắp cả nên Diên Mệnh Bồ Tát hoặc hiện thân Phật, hoặc hiện thân Bồ Tát, hoặc hiện thân Bích Chi Phật, hoặc hiện thân Thanh Văn, hoặc hiện thân Phạm Vương, hoặc hiện thân Đế Thích, hoặc hiện thân Diễm Ma Vương, hoặc hiện thân Tỳ Sa Môn, hoặc hiện thân mặt trời mặt trăng, hoặc hiện thân năm vì sao (ngũ tinh), hoặc hiện thân bảy vì sao (thất tinh), hoặc hiện thân chín vì sao (cửu tinh), hoặc hiện thân Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc hiện các thân Tiểu Vương, hoặc hiện thân Trưởng Giả, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân Tể Quan, hoặc hiện thân phụ nữ, hoặc hiện thân Tỳ Khưu, thân Tỳ Khưu Ni, thân Ưu Bà Tắc, thân Ưu Bà Di, hoặc hiện thân của hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Người, Phi Nhân…hoặc hiện thân Y Vương, hoặc hiện thân cỏ thuốc (dược thảo), hoặc hiện thân người đi buôn, hoặc hiện thân người làm ruộng, hoặc hiện thân voi chúa, hoặc hiện thân sư tử chúa, hoặc hiện thân bò chúa, hoặc hiện thân hình con ngựa, hoặc hiện hình Đại Địa, hoặc hình núi vua, hoặc hiện hình biển lớn…Hết thảy năm loại hình thuộc bốn cách sinh (trứng, thai, ẩm thấp, biến hóa) trong ba cõi, không có gì chẳng biến hiện được.

Pháp Thân (Dharma-kāya) như vậy của Diên Mệnh Bồ Tát, vì Tự Thể biến hóa cho nên hiện mọi loại thân dạo chơi cảm hóa sáu nẻo, độ thoát chúng sinh. Hay dùng một điều lành phá cái có của ba cõi, đều dùng Tâm hiền thiện. Chúng sinh đời vị lai chẳng có thể phát Tâm. Chỉ cần một lòng lễ bái, cúng dường Diên Mệnh Bồ Tát thì dao gậy chẳng thể chạm đến, chất độc chẳng thể gây hại. Nhóm Yểm Mỵ, Chú Trớ, Khởi Thi Quỷ quay trở lại dính vào người gây ra (Bản Nhân) như nhổ nước miếng lên trời, ném tro hướng về gió đều quay lại dính vào thân kẻ ấy”

Lúc đó Đế Thích bạch Phật rằng: “ Thế Tôn! Vì sao gọi là Diên Mệnh Bồ Tát? Tướng ấy như thế nào?”

Đức Phật bảo Thiên Đế: “Này Thiện Nam Tử! Tâm của Bồ Tát chân thiện vốn tròn sáng, vì tỏ rõ Như Ý Luân trong sạch không có trở ngại cho nên gọi là Quán Tự Tại. Vì Tâm không có sinh diệt cho nên gọi là Diên Mệnh. Vì Tâm không có tồi phá cho nên gọi là Địa Tạng. Vì Tâm không có bờ mé cho nên gọi là Đại Bồ Tát. Vì Tâm không có sắc tướng cho nên gọi là Ma Ha Tát. Các ông nên tin nhận, tâm không có chỗ khác, đừng khiến cho quên mất”

Khi ấy Đại Địa chấn động theo sáu cách, Diên Mệnh Bồ Tát từ mặt đất hiện ra, co đầu gối phải, dựng đứng cánh tay, dùng bàn tay nâng lỗ tai, duỗi đầu gối trái cuống dưới, tay cầm cây Tích Trượng, bạch Phật rằng: “Con mỗi ngày, vào buổi sáng sớm, nhập vào các Định, vào các Địa Ngục khiến lìa đau khổ. Trong Thế Giới không có Phật, cứu độ chúng sinh. Đời này đời sau hay dẫn lối.

Nếu sau khi Đức Phật nhập diệt, tất cả nam nữ muốn được Phước của con, chẳng luận ngày xấu, chẳng luận Bất Tịnh mà hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, lời nói sắc mặt thường ôn hòa, chẳng gây oan uổng cho người dân, chẳng chặt đứt mạng sống, chẳng phạm tà dâm. Hoặc mười ngày Trai, hoặc sáu ngày Trai, hoặc 18 ngày, hoặc 24 ngày chỉ tự tâm chính, chuyển đọc Kinh này, xưng tên của con thời con dùng sức uy thần của con mắt Pháp liền chuyển nghiệp báo, khiến được Quả trong đời này, trừ dứt tội Vô Gián, sẽ được Bồ Đề.

Con từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, nhìn thấy tất cả chúng sinh trong sáu nẻo, vốn có Pháp Tính đồng Thể, không đầu không cuối, không lạ không khác, không tên khác tướng, sinh trụ dị diệt, lúc được lúc mất, khởi niệm chẳng lành, tạo các nghiệp ác, luân hồi trong sáu nẻo, cha mẹ đời đời, anh em kiếp kiếp đều thành Phật Đạo. Sau này con thành Phật, nếu còn sót lại một người thời con chẳng thành Phật. Nếu người biết Nguyện này mà sự mong cầu trong hai đời (đời này và đời sau) đều chẳng thành tựu thời con chẳng nhận lấy Chính Giác”

Bấy giờ Đức Phật khen Diên Mệnh Bồ Tát: “Lành thay! Lành thay Chân Thiện Nam Tử! Sau khi Ta diệt độ, chúng sinh có tội khổ trong đời ác của thời vị lai, Ta giao phó cho ông. Đời này đời sau khéo hay dẫn lối, trong khoảng búng ngón tay còn chẳng bị rơi vào nẻo ác, huống chi là bị rơi vào Địa Ngục A Tỵ (Avīci)”

Diên Mệnh Bồ Tát bạch Phật rằng: “Xin Đức Thế Tôn đừng lo! Con sẽ nhổ bứt cứu giúp chúng sinh trong sáu nẻo. Nếu có tội khổ thì con sẽ nhận thay nỗi khổ ấy. Nếu chẳng như thế thì con chẳng nhận lấy Chính Giác”

Thời Đức Thế Tôn lại dùng Kệ khen rằng:

“Lành thay! Lành thay!
Diên Mệnh Bồ Tát!
Bạn thân Hữu Tình
Chúng sinh lúc sống
Vì thân mạng mình
Diệt làm Đạo Sư
Chúng sinh chẳng biết
Mạng ngắn, không Phước
Ta diệt độ xong
Ở trong Mạt Pháp
Đất nước dấy nạn
Nhân Vương chính loạn
Giặc phương khác đến
Khới kiếp binh đao
Chỉ nên nhớ tưởng
Diên Mệnh Bồ Tát
Đời này đời sau
Mong cầu chẳng mãn Pháp,
Ta đã nói Không có điều ấy”

Khi ấy ba ngàn Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu lần. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Kim Cương Tạng Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát, nhóm Ma Ha Tát…khác miệng cùng lời bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng sinh trong đời vị lai, nếu nghe Kinh này, tên của Bồ Tát đó thì chúng con đều sẽ tùy thuận người đó, làm cho tâm mắt sáng tỏ, hiện trước mặt người ấy, viên mãn sự mong cầu. Nếu chẳng như thế thời chúng con chẳng nhận lấy Chính Giác”

Lúc đó Phạm Vương, Đế Thích, bốn vị Đại Thiên Vương tuôn mưa hoa của các cõi Trời, cúng dường Đức Như Lai rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng sinh đời vị lai, nếu tự tâm chính, chẳng uốn cong phải trái, chẳng buông bỏ thưởng phạt, trì Kinh này, niệm Bồ Tát này thì chúng con và quyến thuộc đều ủng hộ người đó, ngày đềm chẳng lìa, khiến cho đất nước ấy trong một trăm Do Tuần, không có các tai nạn. Người dân của nước ấy khiến được an ổn, lúa má được mùa, đầy đủ sự mong cầu. Nếu chẳng như thế thì chúng con chẳng đáng được tên gọi Hộ Thế, chẳng quay về Bản Giác”

Thời hai vị Đồng Tử đứng hầu hai bên trái phải. Một vị tên là Chưởng Thiện ở bên trái, màu trắng, cầm hoa sen trắng, điều ngự Pháp Tính. Một vị tên là Chưởng Ác ở bên phải, màu đỏ, cầm chày Kim Cương, giáng phục Vô Minh.

Đức Phật bảo Đại Chúng: “Các ngươi nên biết hai vị Đồng Tử đó là Pháp Tính và Vô Minh, hai bàn tay, hai bàn chân. Tâm bất động trong Diên Mệnh Bồ Tát là Bản Thể của chữ A (唒). Nếu có chúng sinh biết Tâm đó, quyết định thành tựu, liền diệt ba Độc, được sức tự tại, nguyện sinh về cõi Phật thì tùy theo nguyện được sinh.

Nếu tất cả chúng sinh đời vị lai, cung kính cúng dường Diên Mệnh Bồ Tát mà chẳng sinh nghi ngờ thì sự mong cầu của đời này đều khiến cho đầy đủ, đời sau sinh về Tịnh Thổ, được Vô Sinh Nhẫn”

Đức Phật nói Kinh này xong thời tất cả Đại Hội, tâm rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.

PHẬT NÓI KINH DIÊN MỆNH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT (Hết)

Mỗi ngày, sáng sớm vào các Định Vào các Địa Ngục, khiến lìa khổ Thế Giới không Phật, độ chúng sinh Đời này đời sau hay dẫn lối.
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Người nữ sinh dễ, tâm an ổn
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Đầy đủ thân căn, ý tự tại
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Mọi bệnh đều trừ, Thể bền chắc
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Thọ mệnh lâu dài, nguyện thành tựu
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Thông minh, Trí Tuệ giữ Giới Cấm
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Tài bảo dư thừa, giúp nghèo túng
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Mọi người yêu kính, không sợ hãi
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Lúa gạo được mùa, dân an vui
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Thần Minh gia hộ, trừ tai nạn
Nam mô Diên Mệnh Địa Tạng Tôn
Chứng Đại Bồ Đề, thành Phật Đạo

*) Chân Ngôn:
“Án, ha ha ha, vĩ sa ma duệ, sa bà hạ”
輆袎成成成袎合絆份袎 渢扣桭
Oṃ Ha ha ha vismaye svāhā

*) Tán:
Địa Tạng Đại Sĩ
Thề Nguyện rộng sâu
Ngọc sáng soi chiếu
Phá thành Thiết Vi
Gậy vàng chấn U Minh
Mưa hoa tuôn thơm phức
Đại Địa bày xuân tươi (dương xuân)
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát (xưng 3 lần)