A DI ĐÀ NGŨ TRÍ MAN ĐA LA
Biên soạn: HUYỀN THANH
_Ở trung tâm Đàn an Đức Phật A Di Đà (Amitābha-buddha) màu hồng đỏ, kết Ấn Thiền Định, ngồi trên tòa sen báu
Ngay bên trên đỉnh đầu của Đức Phật A Di Đà, hiển hiện vị Hóa Bồ Tát (Nirmāṇa-bodhisatva) màu trắng, biểu thị cho năng lực Thiền Định chuyển hóa năm Uẩn (Pañca-skandha) thành năm Phật Trí (Pañca-buddha-jñāna)
Ở bên dưới, ngay trước mặt Đức Phật A Di Đà, an 2 vị Rồng Thần màu vàng đỏ và màu xanh, hộ trì bánh xe Pháp… biểu thị cho việc giữ gìn và lưu truyền Chính Pháp giải thoát, hóa độ tất cả chúng sinh
_Ở phương bên trên, xoay theo chiều kim đồng hồ, an năm Đức Phật theo thứ tự là:
Vô Lượng Thọ A Di Đà (Amitāyus-amitābha) màu hồng đỏ, biểu thị cho thành quả tịnh hóa Tưởng Uẩn (Saṃjña-skandha) hiển hiện Diệu Quán Sát Tính Trí (Pratyavekṣana jñāna) là Trí thấy biết nội tâm một cách rõ ràng, là Trí khéo quán tướng chung tướng riêng của các Pháp mà không hề bị ngăn chuyển, lại y theo từng loại căn cơ của chúng Hữu Tình mà thuyết Pháp giáo hóa họ một cách tự tại.
Bất Động A Di Đà (Akṣobhya-amitābha) màu xanh da trời, biểu thị cho thành quả tịnh hóa Sắc Uẩn (Rūpa-skandha), hiển hiện Đại Viên Kính Trí (Adarśa-jñāna) là kinh nghiệm Tâm Thức bất động, trực tiếp trông thấy mọi hiện tượng đang hiện hành trong Pháp Giới một cách rõ ràng không vướng mắc. Tức là Trí thanh lọc làm tiêu tan và thu nhiếp tất cả yếu tố nhân vị của cá nhân.
Biến Chiếu A Di Đà (Vairocana-amitābha) màu trắng, biểu thị cho thành quả tịnh hóa Thức Uẩn (Vijñāna-skandha), hiển hiện Pháp Giới Thể Tính Trí (Dharma dhātu parakṛti Jñāna) là Trí thâm nhập khắp nơi trong Pháp giới, chuyển hóa Tâm thức cá vị thành Tâm Thức tổng quát.
Bất Không Thành Tựu A Di Đà (Amogha-siddhi-amitābha) màu xanh lục, biểu thị cho thành quả tịnh hóa Hành Uẩn (Saṃskāra-skandha), hiển hiện Thành Sở Tác Trí (Kṛtya-muṣṭhāna-jñāna) là Trí phân biệt rõ ràng các hậu quả của mọi hành động và thành tựu được tất cả công Đức. Đây là Trí giải thoát các nghiệp.
Bảo Sinh A Di Đà (Ratna-saṃbhava-amitābha) màu vàng, biểu thị cho thành quả tịnh hóa Thọ Uẩn (Vedanā-skandha), hiển hiện Bình Đằng Tính Trí (Samatā- jñāna) là Trí thấy biết sự nhất thể sâu kín, căn bản của các thực thể. Do Trí này mà mọi tình cảm ích kỷ riêng tư được chuyển hóa thành tình thương bao quát tất cả.
_Ở bên phải của Đức Phật A Di Đà, an Bồ Tát Kim Cương Thủ (Vajra-pāṇi) màu xanh da trời, tức là thân phẫn nộ (Krodha-kāya) của Đại Thế Chí Bồ Tát (Mahā-sthāma-prāpta-bodhisatva) ) biểu thị cho Tướng thanh tịnh màu nhiệm được hiển hiện sau khi đã chuyển hóa A Lại Gia Thức (Ālaya-vijñānaṃ)
_Ở bên trái của Đức Phật A Di Đà, an Bồ Tát Quán Âm (Avalokiteśvara) màu trắng, biểu thị cho Tướng thanh tịnh màu nhiệm được hiển hiện sau khi đã chuyển hóa Nhĩ Thức (Śrotra-vijñānaṃ)
_Ở bên dưới Kim Cương Thủ, an Bồ Tát Văn Thù (Maṃjuśrī) màu cam, biểu thị cho Tướng thanh tịnh màu nhiệm được hiển hiện sau khi đã chuyển hóa Thiệt Thức (Jihvā-vijñānaṃ)
_Ở bên dưới Quán Âm, an Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) màu trắng, biểu thị cho Tướng thanh tịnh màu nhiệm được hiển hiện sau khi đã chuyển hóa Nhãn Thức (Cakṣur-vijñānaṃ)
_Ở hàng dưới cùng, ngay bên dưới Di Lặc, theo thứ tự an bốn vị Bồ Tát là Hư Không Tạng (Ākāśa-garbha) màu trắng, biểu thị cho Tướng thanh tịnh màu nhiệm được hiển hiện sau khi đã chuyển hóa Ý Thức (Mano-vijñānaṃ)
Phổ Hiền (Samanta-bhadra) màu cam, ngồi trên con voi trắng, biểu thị cho Tướng thanh tịnh màu nhiệm được hiển hiện sau khi đã chuyển hóa Thân Thức (Kāya-vijñānaṃ)
Địa Tạng (Kṣiti-garbha) màu vàng, biểu thị cho Tướng thanh tịnh màu nhiệm được hiển hiện sau khi đã chuyển hóa Tỵ Thức (Ghrāṇa-vijñānaṃ)
Trừ Cái Chướng (Sarva-nīvaṇa-viṣkaṃbhin) màu trắng, biểu thị cho Tướng thanh tịnh màu nhiệm được hiển hiện sau khi đã chuyển hóa Mạt Na Thức (Manas-vijñānaṃ)
_Trong 8 Thức (Aṣṭau-vijñānāni) này, sau khi được tịnh hóa thì A Lại Gia Thức (Ālaya-vijñānaṃ) trở thành Pháp Giới Thể Tính Trí
Mạt Na Thức (Manas-vijñānaṃ) trở thành Bình Đẳng Tính Trí
Ý Thức (Mano-vijñānaṃ) trở thành Diệu Quán Sát Trí
Sáu Thức Thân (Ṣaḍ-vijñāna) còn lại, trở thành Thành Sở Tác Trí
_Chân Ngôn chính của Man Đa La này là: OṂ AMṚTA TEJE HARA HŪṂ