Home » Tàng Kinh Các » Kinh Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni (Quyển Hạ)

Kinh Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni (Quyển Hạ)

Mục Tàng Kinh Các

LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH
BỘ LUẬT KINH SỐ 1478
KINH ĐẠI ÁI ĐẠO TỲ KHEO NI
QUYỂN HẠ
Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Bắc Lương.

Bấy giờ, Đại Ái Đạo và các Tỳ-kheo ni trưởng lão, nói với Hiền giả A Nan:
– Đức Phật đã thọ ký cho chúng ta như vậy rồi xin đức Phật truyền trao pháp luật cho chúng tôi, vào ra trong phòng, bước đi oai nghi, nơi chốn dừng ở, pháp nhận sự thỉnh nhận cúng dường thức ăn của đàn việt, tuệ nhập vào thiền định, những giới lớn, nhỏ chúng tôi đều ưa muốn nghe và sẽ phụng hành.
Hiền giả A Nan nói:
– Hãy đợi giây lát để tôi vào trong thưa.
A Nan đi vào chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Phật rồi thưa:
– Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di cùng các Tỳ-kheo ni trưởng lão nói: “Đức Phật đã thọ ký cho chúng con rồi, vì ân đức vô lượng, xin Phật truyền trao pháp luật cho chúng con, ra vào trong phòng, đi đứng có phép tắc oai nghi, nơi chốn dừng ở, pháp nhận sự thỉnh mời ăn của đàn việt, tuệ nhập vào thiền định, các giới lớn, nhỏ đều nguyện ưa muốn nghe và sẽ phụng hành”.
Phật bảo:
– Này A Nan! Pháp luật này rất quan trọng, rất khó! Người có thể hành trì thì tự nhiên trở thành thân người nam, có thể thành Phật.
Hiền giả A Nan liền đi ra, nói với Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo:
– Đức Phật nói pháp luật ấy rất quan trọng, rất khó, rất khó! Nếu hành trì thì mau thành người nam, có thể thành Phật.
Đại Ái Đạo vui mừng, liền đảnh lễ Hiền giả A Nan rồi lui ra.
Đức Phật bảo Tỳ-kheo ni:
– Xuất gia cầu đạo, diệt trừ các dâm: ấm khí đã dứt, đã dõng mãnh, tinh tấn tạo lập Đại thừa, tu tập đạo đức, tinh tấn thọ trì giới của Phật, đi như Phật đi, đứng như Phật đứng, nhìn như Phật nhìn, không có hư ngụy, dứt trừ lưới thế tục, tu hành tinh tấn chơn chánh, gắng hết sức của thân người nữ để thọ nhận ý chí như kim cương, tạo phước một ngày thì được vô lượng công đức, không tự ý trau chuốt đẹp đẽ, sửa sang sắc đẹp làm mê hoặc người nam, tự trói buộc tội, chìm trong sanh tử, không nghĩ đạo pháp, chuyên tạo tội lỗi, hãy suy nghĩ kĩ đừng nên dâm dật, tích chứa công đức có thể được thân trọn vẹn. Đó là pháp căn bản để tạo lập công đức của Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni đã xuất gia vào chánh pháp, phải thực hành đúng như pháp, phải tạo lập công đức đúng như pháp, lập chí đúng như pháp, lập hạnh đúng như pháp, dứt trừ tình dục, tâm ý thường thanh tịnh, diệt trừ mê hoặc, thể nhập giáo pháp vi diệu sâu xa, trở về với pháp lớn, hoặc có thể tự phân biệt được nguồn gốc, của Bổn tế, cắt đứt hoàn toàn các sắc dục. Đó gọi là căn bản của việc tạo lập pháp nơi Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni đã xuất gia lập chí, trừ bỏ tật xấu, thường tự hổ thẹn, vì tội lỗi phải bị thọ thân người nữ, không được tự ý làm mê hoặc mọi người, nếu muốn phá hoại tâm Đạo thì sẽ bị luân hồi trong sanh tử, thọ nhận các tội; phải tự xét tánh xấu, không khỏi họa khổ này, nhân đó nhổ bật gốc rễ tội lỗi, dốc cầu thể tánh kim Cang, trừ bỏ hẳn thân người nữ, cầu được trí thanh tịnh. Cho nên xuất gia tu hành làm Sa-môn, dứt trừ các tội ác, xa lìa hoạn nạn. Đó là căn bản để tạo lập công đức của Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni đã thọ giới Cụ túc, có ba pháp: Những gì là ba: Một là thường cúng dường chư Phật, không được biếng nhác mệt mỏi, luôn dùng tâm đại từ, đại bi cứu vớt chúng sanh. Hai là thường cung kính thuận theo pháp, thực hành oai nghi tế hạnh, lời nói ngay thẳng, thành thật rõ ràng, nương theo pháp luật, không còn kiêu mạn. Ba là luôn đối với Tỳ-kheo tăng cung kính xem như Phật, chí tâm cung kính như là Tam Bảo. Cung kính như vậy sẽ đắc đạo, hoàn toàn xa lìa phiền não, không bị đọa nơi ba đường ác, tự nhiên sanh Thiên, luôn luôn lìa dục được phước đức hoàn toàn an vui. Đó là căn bản để tạo lập công đức của Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc, có ba việc. Những gì là ba? Một là tự suy nghĩ về sự không thanh tịnh của thân nữ. Hai là tự nghĩ do đa dục làm mê hoặc tất cả mọi người, đều làm cho tâm tán loạn. Ba là tự suy nghĩ về tâm tánh buông lung làm nhiễu loạn chánh pháp, khiến cho hủy hoại, tự cho mình là người xinh đẹp vô song trong thiên hạ, không biết tội lỗi sắp trói buộc nơi thân. Đó là sự quán sát về nguồn gốc các dục của Tỳ-kheo ni.
Nếu Tỳ-kheo ni nhận lời đàn-việt mời thọ trai phải thực hành đúng như pháp, phải ăn đúng như pháp, có ba việc: Một là, không được cùng ngồi trong hội ăn với Tỳ-kheo tăng. Hai là không được cùng ngồi trong hội ăn với Ưu-bà-tắc. Ba là không được tham lấy thức ăn cho Ưubà-tắc trẻ tuổi ăn. Đó là pháp thọ thực của Tỳ-kheo ni.
Nếu Tỳ-kheo ni được đàn-việt mời thọ trai, không được nhận lời mời cách đêm. Vì sao? Vì có cách đêm sẽ khởi tư tưởng về đêm. Nhận lời mời phải đi liền, không được để lâu, nếu quá một giờ thì không nên đi, người đi trái thời là phạm tội ăn trộm, là phạm pháp cấm, chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Nếu Tỳ-kheo ni đi đến nhà đàn-việt, phải cùng nhau đi theo thứ tự lớn nhỏ, phải cúi đầu đi thẳng, không được liếc ngó hai bên và cười giỡn lúc đi, luôn phải đi thẳng. Nếu trên đường đi gặp Tỳ-kheo lớn hoặc là Sa-di phải xem bình đẳng, đều phải đảnh lễ rồi mới đi. Không được ngắm nhìn sắc đẹp, nếu nhìn sắc đẹp thì tâm không thanh tịnh. Cũng không được hỏi han chỗ ở, muốn đến chỗ nào, nếu thăm hỏi thì chắc chắn có tình ý khởi lên. Vì sao? Vì dùng tâm, ý, thức để nhớ nghĩ, tuy không được kết bạn nhưng tâm ấy vẫn tán loạn. Chính vì vậy cả hai đều bị đọa, nếu phạm chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Nếu Tỳ-kheo ni nhận lời đàn-việt mời thọ trại, trước hết phải giữ tâm thanh tịnh, không có phiền não, tĩnh tu trai giới, không thiếu sót một mảy may nhỏ, tâm luôn tư duy về kinh Đạo, không được biếng nhác, phải tự thanh lọc tâm không có tâm sanh diệt, luôn có tâm Từ, không nên giận dữ. Đó là Tỳ-kheo ni vì thực hành đại từ mà thọ thực, nếu phạm thì không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Nếu Tỳ-kheo ni nhận lời đàn-việt mời thọ trai nên ăn đúng như pháp, nếu đùng thời thì nên ăn. Từ Thượng tọa nên bảo các hạ tọa đều đứng dậy, kêu đàn việt đến thắp hương xong, lễ Phật ba lần rồi trở về chỗ ngồi. Đàn-việt dâng khăn lau tay rồi dâng thức ăn, tất cả đều phải bình đẳng chú nguyện mà ăn, không được ăn ra tiếng, không được liếc nhìn hai bên, không được ngậm cơm giỡn cười, không được ngậm cơm nói chuyện. Nếu phạm không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni thọ thực nơi nhà đàn-việt rồi Thượng tọa phải dạy cho hạ tọa đi ra rửa tay, súc miệng xong trở lại chỗ ngồi, đều nói một bài kệ xong mới từ giã ra về. Khi đi phải cúi đầu nhìn xuống đất, không nhìn trước quá ba thước, miệng tụng chú nguyện, từ từ thanh thản mà đi.
Không được leo trên đất mà đi, không được nhảy trên đất mà đi, không được chụm hai chân nhảy mà đi, không được đi một chân, không được lắc đầu mà đi, không được lắc mình mà đi, không được vừa đi vừa lắc hai tay, không được vừa đi vừa lắc mông, không được đi nghiêng mình, không được vừa đi vừa nói cười, không được vừa đi vừa nói chuyện với người nam, không được vừa đi vừa cười với người nam, đi phải như Phật đi, đứng phải như Phật đứng, nhìn phải nhìn như Phật, nói phải nói như Phật, không được giở chân cao mà đi, không được đi nhanh, không được đi lâu, không được đi mà kéo lê, đi phải giở chân lên cách đất ba tấc rưỡi, nên đi ba tấc một bước. Trở về tháp, chùa phải lễ Phật, đảnh lễ Phật rồi trở về phòng, đảnh lễ kinh tượng, tự sám hối những việc xấu bất tịnh: “Hôm nay đã ăn thức ăn của nhà đàn việt kia, nguyện cho mọi người và phi nhân trong thiên hạ khắp mười phương không còn tánh xấu của người nữ, nhà đàn-việt đời hiện tại được an ổn, mau được thành Phật, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẽ đẹp, đầy đủ mười Lực, tất cả chúng sanh trong mười phương đều được cứu độ, được phước vô lượng, phát tâm Đại thừa chánh đẳng giác”. Phát nguyện như vậy, mới gọi là Tỳ-kheo ni. Nếu phạm, chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni thọ thức ăn ở nhà đàn-việt xong, trở về phòng, tĩnh tu kiểm đức, học sáu pháp Ba la mật, cùng nhau sách tấn dứt hẳn dục tình, không có nhiễm ô, tâm luôn rỗng lặng, không còn trói buộc, chí thanh tịnh như vậy, có thể mau chứng đắc đạo quả, nếu không có ai thỉnh mời, tự mình làm thức ăn cũng không lo sợ. Ngày nay, không ăn không phải đạo thì không nói, không ăn phi thời, không ăn sau giờ ngọ, không được đi vào trong chợ, sau giờ ngọ không được ăn lại, ở trong phòng kín đáo phải kinh hành đúng như pháp. Nếu phạm những điều ấy, chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni vào phòng có mười ba pháp? Những gì là mười ba pháp: Một là thường tự suy nghĩ về sự xấu bất tịnh, mê hoặc mọi người, là gốc trói buộc tội, không thể tránh khỏi. Hai là thường tự suy nghĩ về lỗi lầm xấu ác không thể tự trở lại. Ba là thường suy nghĩ về nguồn gốc tạo tội, sâu xa không thể tự thoát ra. Bốn là thường tự nghĩ về mình tâm tánh nhiều dâm dục, không thể tự thanh tịnh. Năm là thường tự suy nghĩ về dâm dục làm tán loạn tâm đạo thanh tịnh, không thể tự dứt. Sáu là thường tự suy nghĩ về sự phá hoại tâm đạo, không thể xa lìa. Bảy là thường tự suy nghĩ về tâm đa dục, như thuyền đi trên sông chở nhiều người, bất ngờ bị lật chìm trong nước, mọi người bị chết không thể an toàn; tám là thường phải suy nghĩ về miệng lưỡi ngọt ngào làm mê hoặc tâm người, tâm tán loạn, ý mê mờ, không còn nhìn thấy gì. Chín là luôn phải suy nghĩ về thân thể là cái túi gấm nhiều màu, dùng đựng đồ xú uế nhưng bên ngoài rất đẹp đẽ, người thích nó, gần nó chắc chắn bị nhiễm ô, bất tịnh chảy tràn hôi thối không thể chịu nổi. Mười là phải suy nghĩ về tánh xấu ưa đẹp, sửa soạn dáng dấp yêu kiều, tự cao ngạo, muốn làm loạn động tâm người khác. Mười một là luôn tự nghĩ mình có tật xấu ưa tỏ ra yếu ớt, để mong được người thương xót, không thể tự dừng. Mười hai là thường phải suy nghĩ về việc thọ thân người nữ bị tánh tham dục ràng buộc nên không thể tự giải thoát. Mười ba là luôn phải suy nghĩ do tánh xấu ưa nhờ cậy, hiển bày bất tịnh nên không thể tự hiểu rõ. Đó là mười ba pháp khi vào phòng.
Trốn tránh việc làm thật sự là tội rất lớn, nếu có người nữ dũng mãnh sách tấn, quán sát về Dục cũng không lìa được, chỉ có bậc Kiến Đế, tư duy sâu xa mới có thể đoạn trừ dục, tự mình dứt sạch, thực hành đạo, thực hành giới, nương vào pháp luật oai nghi để an vui, nói đúng oai nghi, có thể sớm làm được thân người nam. Thức từ đời trước nên còn, cộng thêm sự khuyến giúp chấm dứt các tư tưởng, có thể đạt được đạo Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Phật Bích-chi. Nếu không thủ chứng, thì trong vô số kiếp cũng sẽ được thành Phật.
Tỳ-kheo ni vào phòng có bốn pháp. Những gì là bốn: Một là phải tự điều phục tâm, tâm không sanh diệt, chú tâm nơi đạo: Hai là phải xem xét tâm mình, luôn giữ thúc tâm, tu tập chí hướng nơi pháp: Ba là phải tự nghĩ mình có căn tánh xấu, muốn diệt trừ tâm xấu ác, tâm không buông lung hạn chế việc ngủ nghỉ, siêng năng, sách tấn tu thân không nên cao ngạo, tự ngăn chặn giữ gìn: Bốn là phải tạo lập giới pháp, khiến cho mọi người an vui, không nương tựa và chấp thủ giáo pháp của Phật để buông lung tâm mình, tham đắm sắc dục, mê hoặc các đạo sĩ thanh tịnh, hoặc trang điểm đẹp đẹp để mong cầu danh tiếng, khiến cho người bị đọa đày, gặp phải tai họa. Phải tự cẩn thận, tự hộ trì, đạt được an lạc lớn. Nếu phạm điều này, không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Pháp Tỳ-kheo ni vào phòng có bốn việc. Những gì là bốn? Một là phải cúi đầu đi về phía trước, không được nhìn ngó hai bên có đối tượng so sánh: Hai là không được khạc nhổ trên đất sạch cùng bốn vách tường trong phòng. Ba là không được nằm sải chân trên giường, không được nằm sát mép giường, không được nằm phục xuống trên giường, không được nằm bẹp trên giường. Bốn là không được đứng dựa lưng vào tường, không được đứng quay  lưng vào kinh tượng, không được đứng quay lưng vào lửa. Đó là bốn việc vào nhà của Tỳ-kheo ni, tự xem xét kỹ thì có thể đạt được an nhiên. Nếu phạm những điều ấy không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni vào phòng, có bốn việc. Những gì là bốn? Một là đảnh lễ kinh tượng và sắp xếp gọn gàng trên giường. Hai là ngồi yên suy nghĩ về tâm tánh của mình rất nhiều điều đáng hổ thẹn. Ba là phải tụng kinh, tu hành, không được biếng nhác, phải luôn luôn đoạn trừ các tà niệm.
Bốn là im lặng giữ gìn thân, miệng, ý như vậy, luôn nghĩ đến việc từ bỏ tai họa của thân nữ xấu ác này. Đó là bốn pháp, nếu phạm những điều này, không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni vào phòng lại có bốn việc. Những gì là bốn? Một là luôn ngồi ngay thẳng, không được nằm dựa nhìn ra. Hai là phải im lặng tĩnh tâm nhớ nghĩ về Kinh điển. Ba là phải hộ trì mắt, mũi, tai, miệng, thân và ý đặt tâm trong hư không. Bốn là phải kiên cố tự giữ gìn, không được buông lung tâm ý, đang nằm liền ngồi dậy, giở áo ra gãi, để lộ thân thể và các cấu uế bất tịnh, khiến cho quỷ thấy, nếu để thần nhìn thấy họ sẽ không kính lễ. Đó là bốn điều, nếu phạm bốn pháp này, không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni vào phòng có bốn việc. Những gì là bốn? Một là phải nhìn thẳng phía trước, tâm ngay thẳng, không nghĩ điều tà vạy. Hai là phải ngồi ngay thẳng, không được lắc thân thể, không được lắc đầu lắc tay, không được lắc chân. Nếu lắc thân, tâm động chắc chắn khởi dục tình. Ba là phải giữ ý chí, giữ mắt, giữ tai, giữ mũi, giữ miệng, giữ thân, giữ ý, giữ tâm, giữ tám điều này có thể đạt đến đạo quả. Bốn là không được cùng với đám bạn bè kêu nhau, cười giỡn bàn luận, nói việc không cần thiết của thế gian, nói nhỏ cười lớn làm loạn động tâm đạo thanh tịnh, thường phải luôn tự trọng, không vọng động ra khỏi cửa ba thước, thì tội từ đâu mà có! Nếu phạm những điều này chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni ra khỏi phòng, đi đại tiểu tiện phải lắc chuông báo cho thầy biết, liền sai hai vị Sa-di ni đến sửa y phục, giữ áo cà sa. Khi đi ra khỏi phải đảnh lễ thầy mới đi, đi không được chậm. Đi đến chỗ thầy, không được thiếu sót, đảnh lễ thầy rồi lui ra, về đến nơi phải khảy móng tay ba lần. Sa-di ni đến chỗ Thầy ngồi phải đi kinh hành. Đó là pháp ra khỏi phòng của Tỳ-kheo ni, nếu phạm những điều này thì không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni sau khi ra khỏi nhà, có mười việc: Một là muốn đại tiểu tiện phải đi liền, không được tự chịu khó tích chứa trong thân. Hai là khi đi đại tiểu tiện, không được liếc ngó hai bên và tự nhìn thân mình.
Ba là khi đi đến nhà xí, phải khảy móng tay ba lần. Bốn là trước hết phải hỏi Sa-di ni: “Ở đây không có người phải không?” Sa-di ni nói “không” thì mới đi tới, nếu có người thì không được đến hối thúc. Năm là đã vào nhà xí, phải khảy móng tay ba lần, đi đại tiểu tiện xong, lại khảy móng tay ba lần mới đi xuống. Sáu là không được khạc nhổ to tiếng. Bảy là không được cúi đầu xuống ngắm chỗ kín của mình. Tám là không được ngắm nghía đào đất trên nhà xí. Chín là không được đem nước rửa tạt vào vách tường. Mười là đã rửa tay, tay chưa ráo thì không được cầm đồ vật. Nếu phạm những điều trên thì không đúng pháp.
Tỳ-kheo ni nếu đi tiểu tiện xong phải rửa tay, súc miệng xong mới đảnh lễ kinh tượng, tự mình sám hối và đảnh lễ giường tòa, rồi trở về chỗ ngồi kinh hành, suy nghĩ tra cứu nghĩa lý cốt yếu đúng như pháp, tự mình thực hành. Nếu phạm những điều trên thì không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Tỳ-kheo ni ra khỏi phòng có ba việc nên ra: Những gì là ba: Một là đến chỗ Thầy để thọ học kinh điển. Hai là nếu có người muốn đến xin gặp, được thầy cho phép, phải di ra đảnh lễ thầy rồi mới được gặp, không được cách xa thầy hai trượng, ba là thọ trai xong phải đứng dậy, đảnh lễ thầy. Đó là ba việc nên ra khỏi phòng, nếu phạm thì không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.
Pháp ra khỏi phòng của Tỳ-kheo ni, có ba việc. Những gì là ba: Một là ra khỏi cửa, phải cúi đầu đi thẳng, không được ngước đầu nhìn ngó bốn phía. Hai là phải im lặng mà đi, không được tự ý khạc nhổ to tiếng. Ba là phải thong thả đi ra, phải biết tự hổ thẹn “Mình thọ thân nữ xấu ác, bất tịnh, bị tâm dục và oán thù khiến lo chán, khổ đau. Người nữ như vậy rất khó tu tập”. Nếu phạm thì chẳng phải là Hiền giả Tỳ- kheo ni.
Đã nói pháp ra vào phòng có ba mươi chín việc. Như ban đầu, từ tháng này đến tháng nọ, thọ trì giới pháp không để sai sót, im lặng hành trì, theo thứ tự giảng nói mà phụng hành, khiến cho người mau chứng đắc Đạo.
Hiền giả A Nan chắp tay quỳ gối ở trước Phật, thưa:
– Đức Phật đã giảng nói pháp luật cho Tỳ-kheo ni đều đã đầy đủ.
Các vị ấy đều được độ, e sau khi Phật nhập Niết bàn, nếu có người nữ làm Sa-môn, thì Tỳ-kheo ni có thể làm thầy được không?
Đức Phật nói:
– Này A Nan! Nếu Tỳ-kheo ni trưởng lão đầy đủ giới pháp cũng có thể được, nhưng phải do Tỳ-kheo tăng, nếu Tăng chúng chấp nhận nhưng chỉ một Tỳ-kheo không bằng lòng thì không được làm Sa-môn.
Tôn giả A Nan liền bạch Phật:
– Nếu như vậy, phải được Tỳ-kheo Tăng chấp nhận mới thành Sa-môn nữ phải không?Đức Phật nói:
– Đúng vậy! Này A Nan! Vì sao? Vì người nữ phần nhiều buông lung, chỉ muốn mê đắm theo các sắc, muốn nuôi nhiều đệ tử mà không muốn học hỏi, chỉ biết việc trong giây lát, nên phải nhờ Tỳ-kheo Tăng.
Hiền giả A Nan thưa Phật:
– Phải tôn Tỳ-kheo làm thầy hay sao?”
Phật dạy:
– Không phải. Phải tôn đại Tỳ-kheo ni làm thầy, nếu không có Tỳ-kheo ni, thì Tỳ-kheo tặng có thể nhận.
Hiền giả A Nan bạch Phật:
– Xin đức Phật giảng nói Sa-môn nữ bao nhiêu tuổi mới được thọ đại giới, bao nhiêu tuổi hạ mới làm thầy của Sa-di ni, bao nhiêu tuổi hạ mới làm Hòa thượng của Sa-di ni, bao nhiêu tuổi hạ mới được làm Tiểu A xà lê, bao nhiêu tuổi hạ mới được làm đại A Xà Lê, bao nhiêu tuổi hạ mới được làm Hòa thượng, bao nhiêu tuổi hạ mới được nhận lời đàn việt mời thọ trai, được làm chỗ ở và được ở trong chùa, tháp?
Đức Phật dạy:
– Này A Nan! Ông đã thưa hỏi rất nhiều điều sâu xa về sự hóa độ. Hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, Ta sẽ giảng nói đầy đủ cho ông.
Hiền giả A Nan thưa:
– Con xin lắng nghe, lãnh thọ và ghi nhớ kỹ.
Bấy giờ, Tôn giả A Nan, các Tỳ-kheo ni trưởng lão và Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, tất cả Tỳ-kheo ni đều một lòng chắp tay lắng nghe.
Phật bảo Hiền giả A Nan:
– Đã nhận người nữ cho làm Sa-môn, nhờ nhân duyên đó, đời sau cũng có người nữ làm Sa-môn. Hôm nay Ta sẽ vì ông giảng nói pháp Sa-di ni, để chỉ dạy truyền trao cho những người mới phát tâm ở đời vị lai muốn làm Sa-môn phải suy nghĩ đến việc vượt thoát các Dục, xa lìa tội lỗi, phải đủ chúng Tỳ-kheo Tăng gồm năm mươi người, Tỳ-kheo ni ba mươi người, nếu chúng Tỳ-kheo ni không đủ số, thì đến chỗ thầy thỉnh chúng Tỳ-kheo tới ngồi trong hội. Người nữ đảnh lễ rồi, chắp tay đứng lui ra. Thầy bảo người nữ cạo tóc xong, có đủ cà sa, giày dép, thì trao mười giới làm Sa-di ni, xong phải đảnh lễ chúng Tăng, không được cách chúng, phải ở gần thầy, tuổi đủ bảy mươi mới gọi là đầy đủ. Tỳ- kheo ni thọ giới Cụ túc năm năm, mới được làm A xà lê cho Sa-di ni.
Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc mười năm, mới làm Hòa thượng cho Sa-di ni.Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc mười năm, mới đầy đủ giới đức để làm thầy A xà lê về oai nghi.
Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc mười lăm năm, mới đầy đủ giới đức, làm đại A xà lê.
Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc hai mươi năm, mới đầy đủ giới đức, làm Hòa thượng.
Đức Phật dạy:
– Giả sử Tỳ-kheo ni tuổi hơn bảy mươi, có ngần ấy việc không được thọ giới Cụ túc. Những gì là có ngần ấy việc không được thọ giới Cụ túc? Tình dục chưa đoạn dứt, không được thọ giới Cụ túc; ưa thích giận dữ, không được thọ giới Cụ túc; còn ham đi lại, không được thọ giới Cụ túc; ưa thích ăn uống ngon, không được thọ giới Cụ túc; ưa thích cao ngạo, gọi to nói lớn, không được thọ giới Cụ túc. Có thể tự giữ gìn đúng như pháp luật, mau được chuyển thân thành người nam và sẽ được thành Phật.
Hiền giả A Nan lại hỏi:
– Như vậy là rất khó.
Đức Phật nói:
– Không khó. Chính là người nữ tự làm chướng ngại.
Hiền giả A Nan lại thưa đức Phật:
– Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di có ý chí như vậy, có thể ở bên gốc cây trong núi, ở trong hang đá không? Hay là nên ở chốn gò mả, ở trong nhân gian hoặc ở chốn chùa chiền? Nên nhận lời thọ trai ở nhà đàn-việt không? Nên chữa trị tất cả bệnh cho mọi người không?
Kính xin đức Phật giảng nói tất cả những điều cốt yếu ấy khiến tạo được gốc của sanh tử, khiến chúng sanh đời sau đều được nghe biết việc thành lập pháp lớn như khi Phật còn ở đời, tất cả đều được hóa độ.
Đức Phật bảo:
– Này A Nan! Lại có mười hai nhân duyên, hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ! Như Lai sẽ nói đầy đủ cho ông, hãy khéo giữ gìn trong tâm.
Nếu Tỳ-kheo ni, dựa cậy vào giáo pháp của ta, do đó, không thể tự hoàn thiện, hoặc ở nơi gốc cây, trong núi, cây liền khô chết, hoặc ở trong hang đá, toàn bộ đá đều cháy rụi, cây cỏ khô cháy, cầm thú đói khát, nước suối cạn kiệt, các ma làm nhiễu loạn. Nếu ở trong rừng sâu, các cây đều không ra quả. Nếu ở trong gò mả, chết chóc càng khác nhau, trời đất bị loạn động. Nếu ở trong nhân gian, cõi nước không an ổn, giặc cướp lộng hành, binh lính không buông khí giới, dân chúng kêu la, đều bị đói khổ. Nếu ở trong chùa, khiến các Sa-môn mê hoặc nơi sắc, tham lam tiền của, uống rượu ăn thịt, thân mặc lụa là phô bày đẹp đẽ, tạo điều tà vạy, trau chuốt, quên mất kinh đạo lại khinh chê rồi gây, phiền phức lẫn nhau. Nếu nhận thức ăn của đàn-việt mời, thì đàn-việt không được phước đức, lại nhiều bệnh tật, tiền của tiêu hao. Nếu trị bệnh cho người, quỷ thần càng thêm hưng thịnh, tai họa ngày càng tăng. Vì sao? Vì dựa vào hai tội này, người bệnh làm sao khỏi hẳn? Cho nên Tỳ-kheo ni Kiều Đàm Di và các Tỳ-kheo ni vào trong giáo pháp của Ta, làm cho chánh pháp giảm năm trăm năm. Thế nên, này Hiền giả A Nan! Tội lỗi tai họa do người nữ như vậy, ông hãy nghe và suy xét cho kỹ.
Hiền giả A Nan lại quỳ gối chắp tay bạch Phật:
– Rất đáng kinh sợ, kinh sợ thay! Vì sao? Vì tội của Tỳ-kheo ni lại đến mức như vậy.
Đức Phật bảo tôn giả A Nan:
– Đây là Ta chỉ nói một phần nhỏ. Người nữ có tám vạn bốn ngàn thứ tánh xấu: Bên trong mê hoặc đạo sĩ thanh tịnh, khiến họ bị đọa vào địa ngục, trải qua vô số kiếp không thể thoát khỏi, nhưng tánh xấu bên ngoài thì có tám mươi bốn điều, làm loạn tâm đạo sĩ thanh tịnh, làm cho họ bị các dục mê hoặc, quên mất kinh đạo. Phàm người bị người nữ mê hoặc, đều bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc, sanh.
Bấy giờ, nghe đức Phật nói như vậy, Hiền giả A Nan rất kinh hãi, không nói lời nào, cúi đầu buồn bã, nước mắt như mưa.
Phật bảo A Nan:
– Đừng quá lo sợ! Ta sẽ vì ông mà giảng nói, để ông được hiểu rõ và đạt đến Niết bàn.
Đức Phật bảo Hiền giả A Nan:
– Nếu Tỳ-kheo ni ở trong hang núi bên gốc cây thì cây liền bị khô chết. Nghĩa là: Người nữ tánh tình buông lung, tối tăm, chỉ lo ngắm nghía má phấn môi son, có ngồi bên gốc cây đi nữa cũng nhớ không nghĩ gì về đạo, chỉ nghĩ đến việc làm đẹp, để mê hoặc người khác, phá hoại tâm thiện của người, khiến họ điên cuồng quên mất đạo đức, cho nên mới nói: “Cây chết không mọc”. Nếu Tỳ-kheo ni ở trong hang núi, toàn bộ đá núi đều khô cháy, cây cối khô héo, cầm thú đói khát, nước suối cạn kiệt, ý nói : Người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, mê hoặc ngu si, không suy nghĩ đến đạo, chỉ nghĩ đến việc dâm dục, tâm không an ổn, kêu la khóc lóc, tỏ vẻ như tha thiết đối với đạo, bên ngoài thì giảng nói nghĩa lý Kinh điển, nhưng trong tâm thì chỉ có tình dục, có dịp thì than thở, đó là sự thấy biết của người ngu. Phàm là người trí thì sẽ hiểu biết sâu xa là người nữ này chẳng nghĩ về đạo lớn, mà chỉ nghĩ về người nam. Cho nên nói là cây cỏ chết cháy, nước suối khô cạn, cây cối không sanh. Nếu Tỳ-kheo ni ở trong chốn rừng sâu thì cầm thú trong rừng ấy ăn thịt lẫn nhau, cỏ cây gai gốc đều chết khô không mọc. Vì sao? Vì người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, chỉ chuyên lo làm đẹp để mê hoặc, từ đứng, ngồi, suy nghĩ đều lo về việc ấy, nếu tâm ý đó khởi lên thì không bao giờ có thể thấy đạo, quên mất sự nghiệp tu hành của mình, bị dục trói buộc. Tâm niệm xấu xa một khi đã khởi lên thì mắt không còn nhìn thấy gì, tất cả các ma thảy đều tạo mọi loạn động, vì vậy nói: “Khiến cho cây cối hoa cỏ khô chết, không mọc được. Nếu Tỳ-kheo ni ở trong gò mả, người chết trong mả đều ngồi dậy, đánh xô cho cây tùng, cây bách bên mả bị chết khô. Vì sao? Vì người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, không nhớ nghĩ về đạo, chỉ nghĩ đến sắc dục, tâm dục vừa khởi lên, trời đất đều chấn động, quỷ thần, cầm thú thảy đều sợ hãi. Vì thế nên nói: “Cây tùng bách nơi gò mả bị chết, không mọc được”.
Nếu Tỳ-kheo ni ở trong nhân gian thì ở nơi cõi nước không an, nhiều giống trùng sâu phá hại sinh ra, trộm cắp khởi lên, binh lính canh gác không ngừng, dân chúng than thở, đều bị đói khát. Vì sao? Vì người nữ tâm tánh phần nhiều dâm dục, tham đắm sắc dục, cấu uế dâm dục, chỉ muốn khiến cho người khác cung phụng mình, không hề nghĩ đến đạo, chỉ nghĩ về hình tướng đẹp xấu của người nam, người nam kia cường tráng, người nam nọ không cường tráng, ban ngày thì cười nói, chiều tối đứng nằm đều suy nghĩ đến việc đó, cho nên bảo: Khiến cho dân chúng nghèo cùng khốn khổ, không được an ổn.
Nếu Tỳ-kheo ni ở chùa riêng, làm cho các Sa-môn mê say các sắc, tham đắm tiền của, vật báu, uống rượu, ăn thịt, thân mặc áo lụa, muốn phô bày làm đẹp, lo trau chuốt, làm điều tà vạy quên mất kinh đạo, lại chê bai nhau, gây phiền não cho nhau. Vì sao? Vì người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, cũng không tụng kinh hành đạo, chỉ giả nói tiếng nhỏ nhẹ để mê hoặc người nam, khiến cho tâm họ loạn động, vì họ chưa đắc đạo nên tâm ý bị rối loạn. Lại cùng dòm ngó những điều xấu của nhau, xem những điều đó thì thấy rõ tất cả, tâm lại vui thích, tham lợi một giờ, liền bị đọa vào nẻo sanh tử, trong mười lăm kiếp sẽ làm huỳnh môn, vì vậy nói: “Làm cho Tỳ-kheo ghét nhau”.
Nếu Tỳ-kheo ni nhận thức ăn của đàn-việt mời, thì đàn việt không được phước đức, tiền của càng ngày càng hết, lại bị nhiều bệnh tật. Vì sao?
Vì người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, ăn không đúng như pháp, chỉ tự ý làm, muốn cho người nhìn thấy, cũng không để ý về mùi vị thức ăn, chỉ lo nghĩ nơi hình tướng đó có vợ hay là chưa có vợ? Vì vậy, đàn việt muốn bố thí làm phước mà càng tăng thêm tội. Vì sao? Vì Tỳ- kheo ni ăn không đúng như pháp, chỉ ăn bằng tâm dục, nên khiến cho đàn việt không được an ổn. Nếu Tỳ-kheo ni trị bệnh cho người khác thì không qua khỏi, khiến cho quỷ thần càng hưng thịnh, tai họa cũng ngày càng tăng thêm. Vì sao? Vì người nữ phần nhiều buông lung, tâm không thể tự mình ngay thẳng, làm sao có thể làm cho tâm người khác ngay thẳng? Mình không thể tự độ làm gì độ được người khác. Mình ở trong tội lỗi làm gì giải tội cho người khác được. Vì sao? Vì nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, do vậy, không thể trị khỏi bệnh cho người, lại khiến cho quỷ thần rối loạn.
Đức Phật bảo Hiền giả A Nan:
– Trong giáo pháp của Ta hôm nay có Tỳ-kheo ni, sẽ bị giảm tuổi thọ năm trăm năm. Sau khi Ta nhập Niết bàn, sẽ có ba ngàn Tỳ-kheo ni và một ngàn tám trăm Tỳ-kheo, phụng giữ pháp luật này, đều là bậc A-la-hán. Đời sau sẽ có tám vạn Tỳ-kheo ni, trong đó có bảy trăm sáu mươi Tỳ-kheo ni đều là bậc A-la-hán, giữ gìn pháp luật ấy, các vị còn lại sẽ phụng trì pháp luật ấy một trăm ba mươi kiếp về sau, đều là bậc A-la-hán.
Bấy giờ, Hiền giả A Nan hỏi đức Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Tỳ-kheo ni phải thực hành như thế nào để đắc Đạo, phải dùng pháp gì để thực hành?
Đức Phật bảo Hiền giả A Nan:
– Phàm trong thiên hạ, dâm dục cấu uế rất nặng, nếu có thể đoạn trừ tâm tánh này thì có thể đắc đạo. Thân người nữ ví như ngọc báu, hình ấy rất đẹp không được đứng nhìn lâu, vì như vậy sẽ mê loạn đạo đức, bỏ mất thân người. Vì sao? Vì muốn có được viên ngọc quý phải vào trong biển cả, tìm kiếm không ngừng, thân chết rất mau. Người nữ cầu đạo, chỉ do tám mươi bốn tâm tánh xấu, trở lại tự trói buộc thân.
Người rơi vào trong tám mươi bốn điều ấy như chìm nơi biển sâu, chắc chắn bị chết đuối. Nếu có thể dứt trừ tám mươi bốn điều này thì liền đắc A-la-hán.
Hiền giả A Nan chắp tay quỳ gối thưa đức Phật:
– Những gì là tám mươi bốn tánh xấu khiến cho người không chứng được đạo, xin đức Phật dùng oai thần giảng nói, hiện oai đức đáng kính để chúng con được nghe hiểu, tin nhận ưa thích nghĩa lý ấy, suốt ngày tu tập thấu tỏ, thoát khỏi tội lỗi, đạt được chánh chơn và đều được an vui, vào đời vị lai đều được tỏ ngộ.Phật bảo Hiền giả A Nan:
– Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ và ghi nhớ kỹ, Ta sẽ vì ông mà giảng nói đầy đủ. Này A Nan! Hãy lắng nghe và phụng trì, Ta vì các Tỳ-kheo ni đời quá khứ, vị lai và hiện tại mà giảng nói pháp cốt yếu, khiến họ phụng trì. Nếu ai thực hành đúng như pháp thì sẽ mau đắc đạo.
Đức Phật nói:
– Người nữ có tám mươi bốn điều xấu, làm mê hoặc người khác, khiến họ không đắc đạo. Những gì là tám mươi bốn điều xấu? Một là người nữ ưa thích trang điểm sắc đẹp. Hai là người nữ ưa thích chải tóc mượt mà. Ba là người nữ ưa thích son phấn để mê hoặc người nam. Bốn là người nữ ưa thích việc nhỏ nhen, dòm ngó. Năm là người nữ thích môi son, má phấn. Sáu là người nữ thích đeo hoa tai. Bảy là người nữ thích đeo chuỗi anh lạc bằng vàng ngọc ở cổ. Tám là người nữ thích mặc áo lụa là quý giá. Chín là người nữ thích mang giày. Mười là người nữ thích đi mà vung tay. Mười một là người nữ thích liếc ngó. Mười hai là người nữ thích nhìn trộm. Mười ba là người nữ muốn nhìn người, thấy họ rồi đi lùi lại. Mười bốn là người nữ thấy người nam đi muốn nhìn sau lưng họ. Mười lăm là người nữ muốn người nam, nhìn thấy lại cúi đầu không nói. Mười sáu là người nữ thích đi lắc đầu, lắc mình. Mười bảy là người nữ khi ngồi thích lắc đầu lắc mình. Mười tám là người nữ thích ngồi cúi đầu, mân mê móng tay. Mười chín là người nữ thích ngồi vừa nói vừa cười mỉm. Hai mươi là người nữ thích nói tiếng nhỏ nhẹ êm ái. Hai mươi mốt là người nữ thích sờ hai mí mắt.Hai mươi hai là người nữ ưa ngồi lớn tiếng mắng chó mèo. Hai mươi ba là người nữ thấy người nam đến, bên ngoài tỏ ra rất giận dữ, nhưng trong lòng thì vui mừng. Hai mươi bốn là người nữ cao ngạo, tự đại, hay ganh ghét người khác. Hai mươi lăm là người nữ muốn được chồng thương chìu mà giả vờ giận dữ. Hai mươi sáu là người nữ thấy chồng, giả vờ giận dữ, nếu chồng bỏ đi thì lại buồn rầu hối hận. Hai mươi bảy là người nữ thấy người nam đến giả vờ giận dữ mắng chửi nhưng trong tâm rất vui mừng. Hai mươi tám là người nữ thấy người nam bỏ đi, miệng thì nói xấu nhưng trong lòng rất thương nhớ. Hai mươi chín là người nữ luôn miệng mắng chửi bảo đi mau nhưng chắc chắn là không đuổi. Ba mươi là người nữ thích bướng bỉnh, chẳng cần biết người khác sai hay mình sai. Ba mươi mốt là người nữ khinh thường người cô độc, yếu đuối, dùng sức để tỏ ra hơn người. Ba mươi hai là người nữ ỷ có thế lực lấn lướt nói hơn. Ba mươi ba là người nữ mượn không nhớ trả lại, vay không nhớ trả lãi. Ba mươi bốn là người nữ thích cho người khác là quanh co, cho mình là ngay thẳng, người xấu, còn mình là tốt. Ba mươi lăm là người nữ thích cho người khác ngu si, bất thường, còn mình là người hiền. Ba mươi sáu là người nữ cho mình hiền, điều ác là của người khác. Ba mươi bảy là người nữ lấy công của người khác làm công của mình, tự cho là mình giỏi. Ba mươi tám là người nữ tự mình mệt thì than thở, người khác mệt thì mình lại vui vẻ. Ba mươi chín là người nữ thích cho việc thật là giả dối, thích nói lỗi của người khác. Bốn mươi là người nữ ỷ giàu sang, kiêu căng, mắng nhiếc người. Bốn mươi mốt là người nữ nghèo nên ghét người giàu, vì hèn hạ nên ghét cao quý. Bốn mươi hai là người nữ thích gièm pha người khác, dùng sắc đẹp để tự vinh hiển. Bốn mươi ba là người nữ thích phá sự thành công, hủy hoại đạo đức của người khác. Bốn mươi bốn là người nữ thích làm tán loạn chánh đạo. Bốn mươi lăm là người nữ hay ganh ghét, cau có, chê bai. Bốn mươi sáu là người nữ hay bình luận, chê bai và hơn thua với người khác. Bốn mươi bảy là người nữ bàn chánh đạo của học sĩ thanh tịnh, khiến cho họ rối loạn. Bốn mươi tám là người nữ thích giữ điều hay dở của người khác, mê hoặc đàn ông. Bốn mươi chín là người nữ thích đem vật cho người khác rồi mong đáp lại. Năm mươi là người nữ thích cùng bố thí với người khác, sau hối tiếc trách mắng người khác ham tài giỏi. Năm mươi mốt là người nữ thích oán thù, hay mắng chửi súc sinh. Năm mươi hai là người nữ thích làm đẹp để mê hoặc khiến người khác chán bỏ đạo. Năm mươi ba là người nữ ghét người giỏi, đẹp hơn mình, muốn làm cho họ chết sớm. Năm mươi bốn là người nữ thích đem thuốc độc trộn trong thức ăn của người, tâm không bình đẳng. Năm mươi lăm là người nữ thích nghĩ điều xấu đã qua luôn ray rứt mãi trong lòng. Năm mươi sáu là người nữ thích tự ý, tự dụng, không thích được người khác can gián, hay thích dua nịnh. Năm mươi bảy là người nữ thích, bên trong thì sơ, bên ngoài thân, che giấu sự việc, nhưng lại rêu rao ở xóm làng bên cạnh. Năm mươi tám là người nữ thích tỏ ra mình mạnh mẽ; không muốn phiền hà, hay khinh thường, không cần người nam. Năm mươi chín là người nữ thích tự kiêu căng, đánh đập vô lý, tự giận tự vui khiến cho người khác sợ. Sáu mươi là người nữ thích những việc làm tham dục, đi đứng tự do, muốn khiến cho người nam làm trái chánh pháp. Sáu mươi mốt là người nữ thích tham dâm, luôn luôn ganh ghét, nghi nhiều tin ít, oán ghét sát đất. Sáu mươi hai là người nữ thích giận dữ, ngồi duỗi chân vô lễ cho là đúng pháp. Sáu mươi ba là người nữ thích nói điều xấu ác, không kiêng nể người thân. Sáu mươi bốn là người nữ thích kiêu mạn, tự buông lung, khinh chê già trẻ, không biết trên dưới. Sáu mươi lăm là người nữ thích tâm tánh xấu của mình, oán giận, nói năng không có thứ tự. Sáu mươi sáu là người nữ thích nghiện ngập, không sợ pháp cấm. Sáu mươi bảy là người nữ thích cấm cản người nam, không cho cùng cười giỡn với người khác. Sáu mươi tám là người nữ thích quanh co, tự dụng, khinh chê người nam là không cẩn thận. Sáu mươi chín là người nữ thích người khác gặp nạn còn mình thì an ổn, lấy đó làm vui thích. Bảy mươi là người nữ thích lấy những điều xấu tệ để làm thương tổn bậc Hiền sĩ, dua nịnh giả dối, làm điệu bộ mê hoặc đạo đức. Bảy mươi mốt là người nữ thích dối trá dua nịnh, cho là người khác không biết. Bảy mươi hai là người nữ thích tham chuyện được mất, được thì sung sướng, mất thì buồn rầu, kêu than oán trời trách móc nặng lời. Bảy mươi ba là người nữ thích nguyền rủa mưa gió ở hướng ấy, chú nguyện cho điều xấu sanh, điều tốt diệt, không có tâm từ. Bảy mươi bốn là người nữ thích bảo người khác phá thai, không muốn họ sanh con. Bảy mươi lăm là người nữ thích nhìn trộm lỗ hổng để xem điều tốt xấu của người khác và xem người họ có tiền của hay không. Bảy mươi sáu là người nữ thích đùa giỡn để làm mê hoặc lòng người. Bảy mươi bảy là người nữ thích dự trữ nhiều của cải tham chất chứa không chán. Bảy mươi tám là người nữ thích khêu gợi làm nhiễu loạn người nam, khiến họ tâm tánh thay đổi, không thể tự chủ. Bảy mươi chín là người nữ thích nạo thai mổ hình, nhìn xem chỗ xấu; Tám mươi là người nữ thích cười nhạo những người mù, điếc, câm, ngọng, đi khập khiễng, thích thú với sự xấu xí của người khác. Tám mươi mốt là người nữ thích bảo người bỏ vợ, muốn cho người đau khổ. Tám mươi hai là người nữ thích bày cho người phá đánh nhau, hai bên đều mang họa. Tám mươi ba là người nữ thích chỉ bày cho người làm điều xấu, tranh cãi kiện tụng, kiện đến cửa quan, bị nhốt vào tù ngục. Tám mươi bốn là người nữ thích gây tai họa, dẫn đến điều sai quấy, thấy người điên cuồng thì cười lớn, rồi sanh lòng ham muốn, lợi dụng người điên ấy mà chiếm đoạt vật của người, khiến cho họ kêu than nói: “Người nữ rất đáng sợ”. Phải biết rõ đây là tám mươi bốn điều. Những người nữ có thể đoạn trừ được tám mươi bốn tánh xấu này, đều được giải thoát, được đắc đạo, đều được thành Phật.
Hiền giả A Nan bạch Phật:
– Người nữ tánh dâm dục như vậy, có thể đoạn trừ không?
Phật bảo Hiền giả A Nan:
– Tánh đó nếu người nữ đã làm được thì tự diệt được, rất có thể được diệt. Người diệt trừ được tánh ấy, chính là bậc A-la-hán ở đời hiện tại.
Hiền giả A Nan lại bạch Phật:
– Trên trời, dưới đất đều thông suốt, mọi loài, mọi người điều được độ thoát, nguyện xin đức Thế Tôn giảng nói cách diệt trừ các tánh xấu dâm dục này, để Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo và các Tỳ-kheo ni đều được hiểu rõ.
Đức Phật dạy:
– Lành thay! Này A Nan! Hãy lắng nghe! Ta sẽ nói rõ cho ông, hãy suy nghĩ và ghi nhớ kỹ, phụng hành đúng như chánh pháp tức là báo đáp ơn Phật, không làm đúng như pháp là điều cực khổ cho người nữ. Hãy lắng nghe! Lắng nghe!
Hiền giả A Nan và các Tỳ-kheo ni trưởng lão đồng thanh thưa vâng, rồi lãnh thọ, suy nghĩ, vui vẻ chắp tay lắng nghe.