1-Sự hình thành: Kiên trì và phát triển
Từ lâu tôi rất quí mến và ngưỡng mộ tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) không phải do hồi bé ở quê nhà tôi từng là Oanh Vũ trong tổ chức đó, mà chính nhờ sinh hoạt với anh em từ cấp chim non Oanh Vũ mới mở mắt, rồi chân cứng, cánh mềm rồi tung bay…thời gian không nhiều cũng vừa đủ để cho tôi nhận ra tấm lòng của các anh chị huynh trưởng vì đạo pháp và dân tộc tận tụy hết lòng lo cho các đoàn sinh của mình. Họ làm việc chẳng những không lương, chẳng được ai cúng dường mà còn bỏ tiền túi ra đóng niên liễm để duy trì và phát triển tổ chức.
Hồi ở Việt Nam, điều kiện sinh hoạt không khó khăn. Nhiều chùa chiền ở khắp mọi nơi. Chỉ cần một chiếc xe đạp, thời gian khoảng 5, 15 phút hoặc xa lắm cũng chỉ nửa hay một tiếng đồng hồ là tới chùa, sau này, có xe gắn máy thì càng tiện lợi hơn nữa.
Nay ra xứ người, điều kiện sống hoàn toàn khác. Khác về mọi phương diện. Không gian, thời gian, thời tiết và văn hóa. Thành lập lại và duy trì tổ chức là một công việc khó khăn vô vàn nếu không có lòng vì đạo hy sinh. Sau khi ổn định đời sống cá nhân, gia đình; hội nhập vào cuộc sống mới, mới nghĩ đến việc…bao đồng trong cộng đồng xã hội trong đó có sinh hoạt GĐPT.
Tại Thụy Sĩ, cho mãi đến năm 1990, một GĐPT có tên Trí Thủ được chính thức ra mắt dưới sự chứng minh của Chư Tôn Đức Tăng, Ni Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu trong dịp khóa tu học Âu Châu tổ chức tại Thụy Sĩ.
Sau đó, với sự nỗ lực, kiên trì và tấm lòng chân thành, GĐPT Trí Thủ phát triển mạnh. Trong vòng 5 năm, số đoàn sinh kể cả huynh trưởng lên tới 85 người. Con số này tại Thụy Sĩ thật đáng khích lệ vì cộng đồng Việt Nam tại đây vốn không nhiều lại sống rải rác khắp nơi đến từ nhiều thành phố. Chùa chiền tại Thụy Sĩ chỉ là “cải gia vi tự„ phòng ốc nhỏ, sân nhỏ, không thuận tiện sinh hoạt nên anh em góp tiền thuê hội trường bên ngoài vừa rộng rãi vừa khỏi làm ồn, làm phiền hàng xóm đó là điều tối kỵ tại Thụy Sĩ nhất lại sinh hoạt vào chủ nhật đối với Thuy Sĩ là ngày yên tĩnh để nghỉ ngơi, không làm gì hết.
Tuy một tháng sinh hoạt một lần, nhưng cũng đòi hỏi mọi ổn định công việc nhà, sắp xếp thời gian mới thực hiện được nhất là đối với anh em ở xa, đôi khi chạy xe 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ đã nói lên tinh thần trách nhiệm và tấm lòng cao cả của anh em. Rồi vì nhân số đông, để rút ngắn thời gian và đường xa cho những người ở xa, anh em bàn nhau chia ra hai nhóm, sinh hoạt hai nơi. Phân nửa theo Lạc Long Quân về Winterthur với tên mới GĐPT Thiện Hoa. Phân nửa ở lại theo Âu Cơ vẫn thuộc GĐPT Trí Thủ trụ tại thủ đô Bern và vùng phụ cận. Tuy chia hai nhưng vẫn coi là một “mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai“.Thỉnh thoảng vẫn gặp nhau và sinh hoạt chung.
Cuối cùng, người tính không bằng trời tính “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên“ (câu nói bất hủ của Ngài Khổng Minh). Từ khi chia hai nhóm sinh hoạt hai nơi thì tinh thần một số đoàn sinh sa sút rồi thưa dần. Anh chị huynh trưởng kíp ngồi vào…bàn tròn để cứu vãn tình thế, thống nhất lại 2 GĐPT như xưa cùng tìm một phương án thuận lợi không gian lẫn thời gian để tiện sinh hoạt. Một GĐPT mới nhưng cũ, cũ mà mới ra đời vào năm 2005 chọn danh xưng cho phù hợp, đó là GĐPT Thiện Trí (ghép hai chữ đầu của Thiện Hoa và Trí Thủ)
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới hôm nào mà nay đã 27 năm trời với biết bao thăng trầm, sao dời vật đổi. Theo luật biến hóa của vô thường, và nhân duyên giữa người này, kẻ kia. Người đi, kẻ đến. Người mất, kẻ còn…GĐPT Thiện Trí vẫn tồn tại và phát triển cho đến bây giờ thật là điều đáng khen và ngưỡng mộ.
Người đời thường nói, sóng vỗ lớp sau hơn sóng trước, cũng như Đức Khổng Tử từng thốt lên “hậu sinh khả úy„ qua đó mới thấy, GĐPT Thiện Trí từng lớp nối tiếp thế hệ này sang thế hệ sau, và rồi, không chỉ được đào tạo đúng đắn theo tinh thần Phật giáo mà tổ chức GĐPT thường nêu, thêm sự phát triển của nền văn minh khoa học được đào tạo nơi xứ người nên…lớp sau hơn lớp trước nhiều lắm. Thay đổi từ cung cách làm việc và suy nghĩ. Ngày xưa tại Việt Nam, làm sếp chỉ đứng chỉ tay năm ngón sai bảo cấp dưới làm, nay ra hải ngoại hoàn toàn khác, lãnh…đạo là lãnh…đạn, hãy xem tôi trình bày công việc của anh em sau đây.
2- Tổ chức các khóa tu và sinh hoạt
Với điều kiện sinh hoạt tại xứ người vô vàn khó khăn như “trồng sen trên xứ tuyết“; duy trì hằng tháng tụ họp một lần kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ, hướng dẫn các thanh thiếu niên hiểu đạo theo tinh thần Phật giáo, dạy các em học và nói tiếng Việt, và một năm có một ngày từ thiện phát hành cơm chay gây quĩ giúp đồng bào nghèo cơ nhỡ hay thiên tai bão lụt, và giúp chùa trong các nghi lễ Phật Đản, Vu Lan…đã là điều đáng khen, nhưng ở đây, điều tôi muốn nhấn mạnh với lòng ngưỡng mộ thật nhiều đó là hằng năm anh em tổ chức khóa tu, tuy một năm chỉ một lần cho 5 ngày liên tiếp vào dịp nghỉ lễ Phục Sinh, nay đổi qua lễ Thăng Thiên của xứ người không phải là điều đơn giản. Bởi vì, vào những ngày nghỉ lễ này, thông thường thiên hạ du lịch đó đây để thanh thỏa tâm trí sau những tháng ngày căng thẳng vì công việc hãng xưởng, thì các anh em GĐPT Thiện Trí dùng thời gian này để phục vụ chúng sinh. Và để có được 5 ngày tụ họp cho hằng trăm Phật tử tụ về sinh hoạt ăn, ngủ nghỉ và học, không chỉ ngày một, ngày hai mà các anh em chuẩn bị từ cả năm về trước.
Vào năm 2008 duyên khởi, khóa tu đó bắt nguồn từ ý tưởng của ban trị sự chùa Phật Tổ Thích Ca tại Luzern. Ngoài mục đích tạo cơ hội cho người Việt gặp gỡ thăm hỏi nhau còn là cách truyền bá giáo lý nhà Phật để mọi người hiểu đạo hơn và có nếp sống an lành trong tinh thần Phật giáo. Ý tưởng và tâm nguyện cao cả đó, ngay buổi đầu tổ chức đã rất thành công và thu hút người tham dự, thế nhưng lúc đó chùa chưa có sư, lại thiếu nhân sự, nên được sự trợ giúp đắc lực từ lực lượng trẻ năng nổ chính là anh em GĐPT Thiện Trí, từ năm đó về sau, anh em GĐPT gánh vác luôn, vì ước nguyện phục vụ chúng sinh trong tinh thần Phật giáo cũng là mục đích của anh em. Đó là lý do suốt 11 năm qua, đồng bào Phật tử tại Thụy Sĩ đã tận hưởng được những ngày an lành hạnh phúc trong khóa tu như sống trên cõi cực lạc nhờ công lao của anh em đã không sờn lòng với bao vất vả gian khó, từ tìm hội trường, mời đón quí Thầy, Cô giảng pháp, sắp xếp ngủ nghỉ, tìm người gánh vác việc hậu cần, giấy tờ hành chánh, trang trí bàn thờ (rất công phu, trang nghiêm và đẹp mắt), tìm những trò chơi, sinh hoạt thể thao, hội họa để thu hút thanh thiếu niên…v.v…Anh em đã hoàn tất một cách khoa học trong tinh thần LỤC HÒA. Người nào công việc đó, với trọng trách được giao phó, đặt trách nhiệm lên trên hết, không giẫm đạp lên nhau, không than van phiền trách. Càng lãnh…đạo thì càng lãnh…đạn. Trưởng ban thì…khổ trước cái khổ của mọi người (đến sớm để chuẩn bị), vui sau cái vui của mọi người (mọi người về hết, ở lại hốt “hụi cuối„ dọn dẹp đâu vào đó trước khi trả phòng thuê cho người Thụy Sĩ). Cũng cần nói thêm, dân bản xứ Thụy Sĩ rất sạch sẽ ngăn nắp. Đồ đạc của họ để đâu là phải để lại đúng chỗ. Khi nhận thế nào thì phải trả như thế đó. Mọi cửa kiếng không có dấu tay. Sàn nhà lau xong, quẹt tay không còn tí bụi.
Phải tuân thủ luật lệ của họ thì mới mong lần sau được thuê tiếp.
11 năm qua là thời gian đủ dài để thử thách lòng kiên trì của anh em VÌ ĐẠO HY SINH. Cá nhân tôi nghiêng mình ngưỡng mộ với lòng quí mến vô vàn trước tấm lòng và tinh thần làm việc vô vụ lợi của anh em GĐPT Thiện Trí thể hiện qua bài viết này, xuất phát từ xúc cảm chân thành của tôi, chứ không ai thuê hay yêu cầu tôi viết cả.
3-Sơ lược khóa tu thứ 11 tại Vordemwald-Thụy Sĩ
Khóa tu rơi vào lễ Thăng Thiên từ 29.5-2.6.2019 do GĐPT Thiện Trí tổ chức.
Hôm đó thời tiết thất thường. Dù mùa Xuân ấm áp, nhưng hễ mưa nhẹ là đem hơi lạnh mùa Đông, rồi nắng lên mang hơi hướm của mùa Hè. Ai yếu người rất dễ nhức đầu, xổ mũi.
Nhưng tựu trung, vẫn đông đảo Phật tử tụ về có khoảng 90 người tham dự.
Hội trường năm nay tọa lạc ngoại ô trung tâm thành phố Zofingen. Phương tiện đi lại dễ dàng không phải quanh co ngoằn ngèo lên núi như những năm trước. Cảnh sắc vẫn thơ mộng hữu tình, không khí trong lành thanh tịnh, yên tĩnh phù hợp với khóa tu.
Năm nay anh em thỉnh:
- Hòa Thượng Thích Thái Hòa, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giáo Giới GĐPT Việt Nam, đến từ Việt Nam.
- Thượng Tọa Thông Trí, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên GHPGVNTN Âu Châu kiêm Phó Tổng Thư Ký ban thường trực Hội Đồng giáo giới GĐPTVN Âu Châu. Thầy đến từ Toulouse Pháp quốc. Cùng đến với Thầy có đệ tử: Chú Nguyên Phẩm.
- Sư cô Thích Nữ Chân Đàn đến từ Đức quốc.
- Ni Sư Thích Nữ Như Minh tại Thụy Sĩ.
Mỗi năm đều thay đổi mời một hoặc hai vị giảng sư trên khắp thế giới về giảng pháp. Riêng Sư cô Chân Đàn từ vài năm nay, cô đã đảm nhiệm hướng dẫn các em ngành Thanh, Thiếu niên đặc biệt là Oanh Vũ sống nếp sống đạo theo tinh thần Phật giáo nhờ cô thông thạo Đức ngữ cũng như Việt ngữ.
Giáo lý thì quí Thầy giảng dạy không ngoài mục đích nhắc nhở lời Phật dạy chúng ta giữ giới cũng như tu tâm. Nhưng mục Phật pháp vấn đáp, Phật tử nêu lên những câu hỏi thiết thực để ứng dụng vào đời sống vẫn luôn sôi nổi nhất:
- Là Phật tử phải ứng phó thế nào trước nghịch cảnh của cuộc đời?
- Là Phật tử hiểu đạo nhưng sống với những người không hiểu đạo gây phiền toái cho mình thì mình làm sao?
- Nhịn nhục theo tinh thần Phật giáo thì bị cho nhu nhược, vậy có nên chống trả lại không?
- Tu thế nào để biết mình đạt chánh quả? v..v… và v..v…
Nhưng câu hỏi được mọi người chú ý và tạo không khí hào hứng nhất: – Là Phật tử nên thân cận chùa chiền và quí Thầy, Cô; nhưng nếu gặp minh sư, cao tăng học hỏi được nhiều điều hay của những vị ấy thì tín tâm tăng trưởng, còn ngược lại chứng kiến những điều không hay làm thối tâm thì phải làm sao?
Chà, câu hỏi đặc biệt này, có khác nào đòi hỏi quí Tăng, Ni phải tu trước cái tu của Phật tử để làm gương; mong gặp minh sư khi chính mình chưa là…hiền sĩ. Và câu trả lời sau đây đã khiến ai nấy đều hỉ hả.
Quí Tăng, Ni ở cõi ta bà này cũng đang trên đường tu như Phật tử chúng ta trong tinh thần ”Tứ chúng đồng tu”. Nếu mọi người đến chùa, hay đang sống trong chùa, tất cả hãy tự nhìn cái lỗi, cái dở của mình để tu sửa, trước khi thấy lỗi của người khác; cũng như lời dạy của Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác hôm nào, hãy tự bọc nhung cái chân của mình để đi cho êm hơn là đòi hỏi người khác bọc nhung cả quả địa cầu này cho mình. Gặp minh sư hay không là phước duyên, nhân duyên có sự tương ưng với nhau của từng Phật tử với vị sư đó. Nếu bất như ý hãy tự trách số phận nghiệp duyên của mình chưa đủ phước báu thôi. Hãy là hiền sĩ có lúc sẽ gặp minh chúa. Và ngược lại, nếu là minh chúa, minh sư ắt biết chiêu hiền đãi sĩ. Là Phật tử hay ngay cả Tăng Ni có gặp nghịch duyên, trái lòng thì hãy xem đó là hạnh nguyện để tu tập hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng đêm.
Ví phỏng đường đời bằng phẳng mãi.
Anh hùng hào kiệt mấy ai hay?!
(Lời cụ Phan Bội Châu)
Rồi tự an ủi theo câu nói của Ngài Đạt Lai Lạt Ma:“Những điều bất như ý đôi khi lại là điều may mắn”.
Tôi xin kết thúc bài viết tại đây không quên nhắc sơ trong chương trình còn có rất nhiều mục hấp dẫn:
- Thể thao bóng bàn vô cùng sôi nổi do hai “thể thao gia” chuyên nghiệp: Một, đến từ Việt Nam từng đoạt nhiều giải cấp quốc gia; và một từ Thụy Sĩ từng là huấn luyện viên cho câu lạc bộ Thụy Sĩ. Hai kỳ phùng địch thủ sôi nổi tranh tài đã tạo bao tiếng hò hét vang rền trong không khí sống động vui tươi.
- Trò chơi nhộn nhịp của các em ngành Thanh, Thiếu, Oanh Vũ trên sân cỏ cũng hào hứng không kém.
- Cuối khóa, lồng trong văn nghệ với những ca, vũ, kịch không thua dân chuyên nghiệp đã tạo tiếng cười và cả nước mắt với vai diễn của mình là lễ chu niên kỷ niệm 27 năm của GĐPT Thiện Trí.
- Ngoài ra suốt khóa học còn có những chương trình ngoài lề nhưng cũng vô cùng thu hút với gian hàng tạp hóa bán sách báo tranh ảnh, vật dụng, “tiệm”cắt tóc, lớp dạy cắm hoa, phòng ấn huyệt, “tiệm” sửa Computer…và đặc biệt nhất là được ăn ngon với nhiều món thay đổi mỗi ngày qua tài nấu của ban trai soạn.
Nhìn chung khóa tu không điểm nào chê hết. Đó là lý do 11 năm qua tôi hăm hở tham dự và còn là người “mở hàng” ghi danh đầu tiên khi nhận thông tin của khóa tu. Với tôi, tôi trân trọng và khích lệ tổ chức GĐPT vì tôi coi đó là hạt giống Bồ Đề tiềm năng của Phật giáo. Trong thực tế đã có nhiều đoàn sinh trở thành tu sĩ từ tổ chức này. Nếu Đức Phật từng nói “”Ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành” thì một vị Hòa Thượng nào đó cũng có thể thốt lên: “Ta là Hòa Thượng đã thành, còn các em GĐPT là Hòa Thượng sẽ thành” vì rõ ràng đã có nhiều Hòa Thượng xuất thân từ GĐPT. Do vậy, hãy trân trọng và khuyến khích các em, vì đó là một phần mạng mạch quan trọng duy trì và phát triển Phật giáo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Trần Thị Nhật Hưng