Home » Tàng Kinh Các » Bốn thứ Tất-Đàn

Bốn thứ Tất-Đàn

Mục Tàng Kinh Các

Có bốn thứ Tất-đàn: Một là Thế giới Tất-đàn, hai là Các các vị nhân Tất-đàn, ba là Ðối trị Tất-đàn, bốn là Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn. Trong bốn Tất-đàn đã tổng quát hết thảy mười hai bộ kinh, tám vạn bốn ngàn Pháp tạng, đều là thật không trái ngược nhau. Trong Phật pháp tất cả đều thật. Có pháp thật vì theo Thế giới Tất-đàn, có pháp thật vì theo Các các vị nhân Tất-đàn, có pháp thật vì theo Ðối trị Tất-đàn, có pháp thật vì theo Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn.

Sao gọi là Thế giới Tất-đàn? (Tất-đàn theo nghĩa phổ thông). Vì có những pháp theo nhân duyên hòa hợp nên có, chứ không có tính biệt lập. Ví như xe, do có càng, nhíp, trục, bánh hòa hợp nên có, chứ không có chiếc xe riêng. Con người cũng như thế, do năm uẩn (ngũ chúng) hòa hợp nên có chứ không có con người riêng.

Hỏi: Như Phật nói: “Ta dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sanh chết chỗ này sanh chỗ kia, chịu quả báo tùy theo nghiệp thiện ác. Người có nghiệp thiện thì sanh trong loài trời, người; người có nghiệp ác thì bị đọa vào ba đường ác”. Lại nữa, Kinh nói: “Một người ra đời, mà nhiều người được nhờ phúc lạc lợi ích; đó là Phật Thế Tôn vậy”. Như trong Pháp Cú nói: “Tự mình cứu lấy mình, người khác làm sao cứu được. Tự mình thực hành thiện trí là tự cứu hay nhất”. Như trong kinh Bình Sa Vương Nghinh Phật nói: “Người phàm không nghe pháp, người phàm đắm trước nơi ngã”. Lại trong Kinh Phật Nhị Dạ nói: “Phật từ đêm đắc đạo, đến đêm Bát Niết-bàn, những kinh giáo Phật thuyết khoảng thời gian giữa hai đêm ấy, tất cả đều thật, không điên đảo”. Nếu thật không có người thì tại sao Phật lại nói người (trong câu: Ta dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sanh)!

Ðáp: Người v.v… vì theo Thế giới Tất-đàn nên có, vì theo Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn nên không. Còn như như, pháp tánh, thật tế, vì theo Thế giới Tất-đàn nên không, vì theo Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn nên có. Người… cũng như thế, vì theo Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn nên không, vì theo Thế giới Tất-đàn nên có; vì có nhân duyên của năm uẩn cho nên có người. Ví như sữa do nhân duyên của sắc, hương, vị, xúc cho nên có, nếu sữa thật không thì nhân duyên của sữa cũng phải là không, nay nhân duyên của sữa thật có, nên sữa cũng phải là có. Chẳng phải như cái đầu thứ hai, cánh tay thứ ba của một người, là không có nhân duyên mà chỉ có giả danh. Các tướng (hình thức) như thế nên gọi là Thế giới Tất-đàn.

Sao gọi là Các các vị nhân Tất-đàn? (Tất-đàn trong ý nghĩa cá biệt với từng người). Quán sát tâm hành của từng người mà nói pháp cho họ. Ðối trong một việc mà hoặc có người nghe được, có người không nghe được. Như trong Kinh nói: “Do nghiệp tạp báo mà tạp sanh ra trong thế gian, được tạp xúc tạp thọ”. Lại trong kinh Phá-quần-na nói: “Không có người xúc, không có người thọ”.

Hỏi: Giữa hai kinh này làm sao dung thông được?

Ðáp: Vì có kẻ nghi ngờ đời sau, không tin tội phước, làm hạnh bất thiện, rơi vào Kiến chấp đoạn diệt (Ðoạn kiến). Vì muốn dứt mối nghi của người đó trừ ác hạnh của họ, tức là vì muốn nhổ “Ðoạn kiến” của người đó nên nói tạp sanh trong thế gian, được tạp xúc, tạp thọ. Lại ngoại đạo Phá-quần-na chấp có ngã, có thần, rơi vào chấp thường (Thường kiến), nên khi Phá-quần-na hỏi Phật: “Thưa Ðại Ðức Thế Tôn, ai thọ?”, nếu Phật trả lời có ai thọ thì kia bèn rơi vào chấp thường. Ngã kiến của người ấy tăng gấp bội, bền chắc, không thể di chuyển. Cho nên đối với người này Phật không nói là có người thọ, người xúc. Những tướng (hình thức) như thế gọi là Các Các Vị Nhân Tất-đàn.

Sao gọi là Ðối Trị Tất-đàn? (Tất-đàn trong ý nghĩa đối trị theo bệnh). Có pháp, về ý nghĩa đối trị thì có, mà thật tính thì không như các thứ cỏ, thuốc, thức uống, ăn có tính chất nặng, nóng, béo, chua, mặn, đối với bệnh phong thì gọi nó là thuốc; còn đối các bệnh khác thì không phải thuốc. Nếu các thứ cỏ, thuốc, thức ăn, uống có tính nhẹ, lạnh, ngọt, đắng, rít, đối với bệnh nhiệt thì gọi nó là thuốc; còn đối bệnh khác thì không phải là thuốc. Nếu các thứ cỏ, thuốc, thức ăn, uống có tính chất nhẹ, cay, đắng, rít, nóng, đối với bệnh hàn thì gọi nó là thuốc; còn đối với bệnh khác thì không phải là thuốc. Cách trị tâm bệnh trong Phật pháp cũng như thế. Phép tư duy quán bất tịnh đối với bệnh tham dục thì gọi là pháp đối trị hay, còn với bệnh sân nhuế thì không gọi là hay không phải là pháp đối trị. Sao vậy? Quán thân xấu xa ô cấu gọi là quán bất tịnh, nếu là người sân nhuế mà quán thân xấu xa ô cấu, thì càng tăng thêm lửa sân nhuế. Tư duy về tâm Từ đối trị bệnh sân nhuế thì gọi là pháp đối trị hay; còn đối với bệnh tham dục thì không gọi là hay, không phải là pháp đối trị. Vì sao? Vì tâm Từ đối với chúng sanh thường cầu việc tốt, quán sát công đức, nếu là người tham dục mà cầu việc tốt, quán sát công đức thì càng tăng thêm lòng tham dục…Pháp quán nhân duyên, đối với bệnh ngu si thì gọi nó là pháp đối trị hay; còn với bệnh tham dục, sân nhuế thì không gọi là hay, không phải pháp đối trị. Vì sao vậy? Vì trước có tà quán mới sanh tà kiến, mà tà kiến tức là ngu si.

Hỏi: trong Phật pháp nói Mười hai Nhân duyên rất sâu xa, như nói: “Phật bảo A-nan, Pháp nhân duyên ấy rất sâu xa, khó thấy khó biết, khó tỏ ngộ, khó quán sát. Người có tâm vi tế, tuệ thiện xảo, mới hiểu được, còn người ngu si đối với pháp thiển cận còn khó hiểu, huống là pháp Nhân duyên rất sâu xa!”. Thế tại sao nay lại nói người ngu si nên quán pháp Nhân duyên?

Ðáp: Người ngu si đây không phải như trâu dê ngu si, mà là người này muốn cầu đạo chân thật lại đem tà tâm quán sát nên sanh ra đủ thứ tà kiến, người ngu si như thế hãy nên quán sát Nhân duyên, đó gọi là pháp đối trị hay. Nếu với người có nhiều sân nhuế, tham dục, mong cầu khoái lạc, muốn nhiễu hại kẻ khác, thì Nhân duyên quán không là hay, không phải là pháp đối trị, chỉ có tư duy về bất tịnh, về tâm Từ mới là hay, là pháp đối trị với hai hạng người ấy. Vì sao? Vì hai phép quán này có thể nhỗ mũi tên độc sân nhuế và tham dục. Lại nữa, những chúng sanh điên đảo chấp thường, không biết rõ các pháp chỉ có trong tánh cách tương tợ tương tục. Những người như thế mà quán Vô thường là pháp đối trị Tất-đàn, chứ không phải đệ nhất Nghĩa Tất-đàn. Vì sao? Vì hết thảy các pháp, tự tánh là Không, như kệ nói:

Vô thường thấy là thường,
Ấy gọi là điên đảo.
Trong không, không vô thường,
Chỗ nào thấy có thường?

Hỏi: Hết thảy pháp hữu vi đều tương ưng đối với vô thường, ấy là Ðệ nhất nghĩa. Vì sao? Vì hết thảy pháp hữu vi đều có ba tướng: sanh, trụ, diệt. Vì trước tiên là sanh, tiếp đến trụ, sau đó diệt; tại sao nay nói vô thường không phải là thật?

Ðáp: Pháp hữu vi đúng ra không có ba tướng ấy. Vì sao? Vì ba tướng ấy không thật. Nếu các pháp sanh, trụ, diệt là tướng hữu vi thì trong tướng sanh lẽ cũng phải có đủ ba tướng; vì sanh là pháp hữu vi. Như vậy mỗi một tướng lại đều có đủ ba tướng, thế thì vô cùng. Trụ và diệt cũng như thế. Nếu trong mỗi sanh, trụ, diệt lại không có sanh, trụ, diệt thì sanh, trụ, diệt đó không nên gọi là pháp hữu vi. Vì sao? Vì tướng của các pháp hữu vi không có. Do nghĩa đó, các pháp vô thường, không phải Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn.

Lại nữa, nếu tất cả đều thật sự là bản tánh vô thường, thì không có hạnh nghiệp và quả báo. Vì sao? Vì vô thường tức là sanh rồi diệt mất. Ví như hạt giống mục nát không thể sanh ra quả, như vậy thì không có hạnh nghiệp, không có hạnh nghiệp thì làm sao có quả báo? Nay theo pháp của các Hiền Thánh đều nói có quả báo, kẻ thiện trí có thể tín thọ;vậy không nên nói không có quả báo. Do đó, các pháp không phải là vô thường tánh. Vì nói có các nhân duyên vô lượng như thế, nên không được nói các pháp là vô thường tánh. Tất cả pháp hữu vi vô thường, khổ, vô ngã cũng như vậy. Các tướng như thế gọi là Ðối trị Tất-đàn.

Sao gọi là Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn? (Tất-đàn trong ý nghĩa tuyệt đối) Hết thảy pháp tánh, hết thảy luận nghị, ngữ ngôn, hết thảy pháp và phi pháp, mỗi mỗi có thể phân biệt phá tán; còn pháp chân thật của Chư Phật, Bích chi Phật, A-la-hán hành trì thì không thể phá, không thể tán. Những gì không thông suốt ở trong ba thứ Tất-đàn trên thì ở trong đây không được. Nhưng thông như thế nào? Thông là xa lìa mọi lỗi lầm, không thể biến đổi, không thể vượt hơn. Vì sao? Vì trừ Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn, còn các luận nghị khác, các Tất-đàn khác, đều có thể bị phá hoại, như bài kệ trong Kinh Chúng Nghĩa nói:

Mỗi người theo kiến chấp,
Hý luận khởi cạnh tranh,
Nếu biết thế là sai,
Ðó là biết chánh pháp
Không nhận pháp kẻ khác,
Ấy là người vô trí,
Những người có hý luận,
Thảy đều là vô trí.
Hoặc nương điều mình thấy,
Mà sanh các hý luận,
Nếu cho đó tịnh trí,
Thì ta cũng tịnh trí

Trong ba bài kệ này, Phật nói tướng trạng của Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn, rằng chúng sanh trong thế gian nương kiến chấp, tự nương pháp, tự nương hý luận của mình mà sanh ra cạnh tranh. Hý luận chính là gốc cạnh tranh, mà hý luận thì nương các kiến chấp sanh khởi, như kệ nói:

Có lãnh thọ pháp, mới có luận,
Không lãnh thọ pháp luận cái gì,
Các kiến, có hay không lãnh thọ,
Ðiều ấy, người này đã trừ sạch.

Hành giả như thật biết được điều ấy, thì đối hết thảy pháp, hết thảy hý luận, không lãnh thọ, không chấp trước, không thấy là thật, không cùng cạnh tranh với kẻ khác, và biết được vị cam lồ của Phật pháp. Nếu không được như thế, tức là hủy báng pháp. Nếu không lãnh thọ pháp của kẻ khác, không biết không nhận lấy, ấy là người vô trí. Như vậy thì những người có hý luận đều là người vô trí. Tại sao vậy? Vì mỗi người không chịu lãnh thọ pháp của nhau, như có người tự cho pháp của mình là đệ nhất chơn thật thanh tịnh; còn pháp của người khác là vọng ngữ, không thanh tịnh. Ví như pháp xử trị của thế gian, nào là hình phạt giết chém đủ thứ bất tịnh mà người thế gian tín thọ làm theo cho là thật thanh tịnh, nhưng đối với người xuất gia thánh thiện thì đó là điều rất bất tịnh. Những người xuất gia theo ngoại đạo, sống theo pháp tu ngũ nhiệt như đứng một chân, nhổ tóc v.v…hạng Ni-kiền-tử (Nirgranthaputra) cho đó là diệu tuệ; còn các người khác nói đó là pháp ngu si. Các pháp của hàng xuất gia ngoại đạo và Ba-la-môn bạch y như thế đó, họ đều cho là tốt đẹp, ngoài ra là vọng ngữ.

Trong Phật pháp đây cũng có Tỳ-kheo Ðộc-tử bảo: “Như bốn đại hòa hợp có pháp con mắt, năm uẩn (ngũ chúng) hòa hợp có pháp con người”. Trong luận A-tỳ-đàm của Ðộc-tử nói: “Năm uẩn không lìa con người, con người không lìa năm uẩn, không thể nói năm uẩn là con người (ngã) hay lìa năm uẩn là con người. Con người (nhân ngã) thuộc vào pháp tạng thứ năm là bất khả thuyết pháp tạng”.

Hàng Ðạo nhân phái Nhất Thiết Hữu (Bộ) thì nói: “Trong hết mọi thứ, trong hết mọi thời, trong hết mọi pháp môn, không thể tìm ra được con người, ví như lông rùa sừng thỏ là không có. Lại nữa, mười tám giới, mười hai nhập, năm uẩn thật có tự tánh mà trong đó không có con người (ngã)”.

Lại trong Phật pháp, có hàng Phương-quảng (Vaipulya) Ðạo- nhân nói: “Hết thảy pháp không sanh không diệt, rỗng không, không có gì cả, ví như lông rùa sừng thỏ là không có”.

Hết thảy các hàng luận nghị như thế, tự giữ lấy pháp của mình, không tiếp nhận pháp của người khác, rằng: “Ðây mới là thật, ngoài ra đều là vọng ngữ”. Nếu tự lãnh thọ lấy pháp của mình, tự cúng dường lấy pháp của mình, tự tu hành theo pháp của mình, thì các pháp của người khác, không thọ, không cúng dường cho là sai quấy. Và nếu cho như vậy là thanh tịnh, được nghĩa lợi đệ nhất, thì tất cả không có gì không phải thanh tịnh. Sao vậy? Vì tất cả người kia đều thọ lãnh pháp của mình.

Hỏi: Nếu các kiến chấp đều là sai, thì Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn sao lại đúng?

Ðáp: Hết thảy đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, khắp nơi đều không chỗ dựa, không hiển thị các pháp, thật tướng các pháp không đầu, không giữa, không cuối, không tận, không phá hoại, ấy gọi là Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn, như bài kệ ở trong Ma ha diễn nghĩa nói:

Ngôn ngữ không còn,
Tâm hành cũng hết,
Không sanh không diệt,
Pháp như Niết-bàn.
Nói các hành xứ,
Gọi thế gian pháp,
Nói không hành xứ,
Là Ðệ nhất nghĩa.
Hết thảy thật, hết thảy phi thật,
Và hết thảy thật, cùng phi thật.
Hết thảy chẳng thật, chẳng không thật,
Ấy gọi thật tướng của các pháp.

Trích từ Luận Đại Trí Độ