Ánh Ɖạo Vàng

Biến cố 30/4/1975 đánh dấu sự thống trị bạo tàn của Cộng sản Việt Nam trên toàn cõi miền Nam Việt Nam. Ɖó cũng là mốc lịch sử khởi đầu cho các cuộc vượt biên đầy gian nan, nguy hiểm của hàng triệu đồng bào Việt Nam liều chết đi tìm tự do vì không chấp nhận sống trong gông cùm Cộng sản.

Hòa trong dòng người vượt biển tìm tự do đó, có cả các tu sĩ Phật giáo và đông đảo Phật tử. Tại Việt Nam, ngôi chùa thật gần gũi với người dân và là nhu cầu tự nhiên không thể thiếu như trăng, như gió, bốn mùa.

Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm. Chuông hôm gió sớm trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi. Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa. (Quê tôi- Nguyễn Bính)

Thế mà sau ngày 30/4/1975 bao người đã phải gạt lệ ra đi, rời bỏ ngôi chùa thân yêu, băng rừng, vượt biển tìm nơi an bình để xây dựng lại đức tin.

Không như những đồng bào thuộc tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, khi đến quốc gia tạm dung, các đồng hương này đã có ngay các nhà thờ để lui tới cầu nguyện và được các cha sở mở rộng vòng tay tiếp đón, người Phật tử Việt Nam thoạt đầu đã không hưởng được niềm vui tinh thần là được thường xuyên đến chùa lễ Phật.

Tại các quốc gia phương Tây lúc ấy, đạo Phật còn mới mẻ và xa lạ, người Tây phương chỉ biết đến đạo Phật qua sách vở. Nơi đây, thật khó tìm được một ngôi chùa. Trong hoàn cảnh đó, Phật tử Việt Nam hiểu rằng họ phải tự mình xây dựng đức tin với hành trang mang theo là niềm tin nơi Ɖức Bổn Sư Thích Ca.

May mắn thay trong các nước tạm dung cũng có sự hiện diện của một số chư tăng. Mặc dù mang thân phận lưu đầy xa xứ, chư tăng vẫn tâm nguyện phụng thờ giáo lý nhà Phật. Trong thời gian đầu tiên khó khăn ấy, bóng dáng các vị tăng sĩ trong chiếc áo cà sa màu vàng đã hiện diện khắp nơi. Chư tăng đã không nề khó nhọc, lặn lội muôn nẻo, quyết đem giáo lý Từ Bi đến cho Phật tử khắp nơi. Các vị đã là nhân tố, là sức mạnh, là niềm tin, là động lực mạnh mẽ để gây dựng và phát triển Phật sự tại quốc gia mới này.

Tại quê nhà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị đánh phá, trù dập chỉ vì không làm nô lệ cho Cộng sản Việt Nam. Bao vị cao tăng đã bị bức tử hay giam cầm nhưng vẫn không chịu cúi đầu trước người Cộng sản gian manh. Nơi quê người, các chư tăng ni họp nhau lại qua Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hải ngoại, không những để hướng dẫn tinh thần Phật tử nơi đây mà còn để tổ chức yểm trợ Giáo hội quê nhà và không ngừng lên tiếng đòi hỏi quyền tự do nhân bản cho dân tộc Việt Nam.

Hơn 40 năm sinh hoạt Phật sự tại hải ngoại, các ngôi chùa Phật giáo Việt Nam không những đã là nơi mọi người đến lễ bái tu học mà còn là nơi trao gửi giáo pháp Phật đến người địa phương. Phật giáo đã không còn xa lạ với người bản xứ; giáo lý nhà Phật đã lan rộng muôn phương.

Hàng năm vào mùa Phật Ɖản, người Phật tử đến chùa để xưng tán hồng danh Ɖức Bổn Sư, để tâm nguyện học và hành Chánh pháp. Nhưng năm nay, trong dịp kỷ niệm ngày Ɖản Sanh Ɖức Bổn Sư Thích Ca, vì nạn dịch corona vẫn còn là mối nguy hiểm lớn cho toàn dân, người con Phật không thể đến chùa để cùng nhau đón mừng ngày Ɖản Sinh như mọi năm. Người Phật tử chỉ hướng tâm thành của mình về Ɖấng Thế Tôn và nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho mình và gia đình thân tâm an lạc, đại dịch corona sớm tiêu trừ, Giáo hội quê nhà sớm thoát cơn Pháp nạn để ánh đạo vàng rạng rỡ khắp nơi và dân tộc Việt Nam được an cư lạc nghiệp trong tự do, dân chủ.

Quảng Phúc

Bài phát biểu của ông Grapperhaus, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp chính phủ Hòa Lan gửi đến toàn thể Phật tử sinh sống ở Hòa Lan nhân dịp kỷ niệm Phật Đản Sinh.

Beste mensen, gegroet! Rond deze tijd viert de Boeddhistische gemeenschap Vesak, of Vaishakha: de geboortedag van Boeddha.

De viering is dit jaar een ongewone. Geen rituelen en meditatiesessies in de vele boeddhistische tempels. Geen dans van de leeuw en de draak. Geen mogelijkheid om samen te komen met familie, vrienden en geloofsgenoten.

Dat zal niet meevallen, ik voel met u mee. Maar het kan dit jaar nu eenmaal niet. De gevaren van de corona-pandemie zijn te groot. Als we de richtlijnen niet volgen, krijgt het virus weer een kans en brengen we vooral de ouderen en de zwakkeren in gevaar.

Ik heb vertrouwen dat de boeddhistische gemeenschap verstandig handelen zal. De zorg voor ouderen en zwakkeren staat bij u altijd al in hoog aanzien. En de kernwaarden van het boeddhisme lijken me uitstekende handvatten om deze crisis door te komen: geduld, tolerantie, acceptatie en een beschermende houding ten aanzien van de medemens.

Ik hoop dat het u in die geest toch lukt om samen te zijn. In meditatie of in gebed. Via telefoon of online. Of, als dat lastig wordt: stuur elkaar een foto of een brief!

Hoe dan ook: ik wens u een veilig, troostrijk en spiritueel bevredigend Vesak!

Groet!

Kính chào quý vị,

Vào mùa này, cộng đồng Phật giáo mừng Phật Đản tức ngày sinh của Đức Phật Thích Ca.

Lễ mừng Phật Đản năm nay khác hơn bình thường. Không có nghi lễ tụng kinh và thiền định tại các ngôi chùa Phật giáo tại Hòa Lan. Không có múa lân và múa rồng. Không có dịp để gặp gỡ thân nhân, bạn bè cùng các đạo hữu khác.

Điều này sẽ không dễ và tôi thông cảm với quý vị. Nhưng năm nay những điều này không thể thực hiện được. Sự nguy hiểm của đại dịch Corona quá lớn. Nếu chúng ta không làm theo quy định của chính phủ thì siêu vi trùng này sẽ có cơ hội bộc phát lại lại và như thế chúng ta sẽ gây nguy hiểm cho những người già và những người kém sức khoẻ chung quanh ta.

Tôi tin rằng cộng đồng Phật giáo sẽ có những hành động đúng đắn. Việc chăm lo cho người già và người yếu kém vẫn luôn được quý vị lưu tâm. Và theo tôi, một số giá trị căn bản của Phật giáo chính là phương cách tốt nhất để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay: kiên nhẫn, khoan dung, chấp nhận và tâm bảo vệ đồng loại.

Tôi hy vọng quý vị sẽ có nhau trong tinh thần đó. Trong lúc thiền định hay trong lúc tụng kinh. Qua điện thoại hay qua internet. Hay nếu thấy khó, hãy gửi cho nhau một tấm hình hay một lá thư!

Dù thế nào, tôi cũng xin chúc quý vị một mùa Phật đản an toàn và lợi lạc tâm linh.

Kính chào.

Thế Giới Nạn

Mấy tháng qua, một trận đại dịch coronavirus lan tràn trên toàn thế giới và chỉ trong thời gian ngắn hơn 3 triệu người bị nhiễm bệnh, trên 200.000 người đã chết bởi căn bệnh ngặt nghèo này. Người người lo sợ, hoang mang, cuộc sống đảo lộn. Tại các siêu thị, người ta giành giựt nhau mua thực phẩm và đồ gia dụng tích trữ. Thành phố vắng lặng, trường học đóng cửa, các sinh hoạt hoạt văn hóa, thể thao bị đình chỉ, nhà hàng quán ăn không một bóng người. Chưa bao giờ hiện tượng này xảy ra cùng một lúc trên toàn thế giới.

Siêu vi trùng Corona quả là nguy hiểm, nó tấn công không chừa một ai. Từ tổng thống, thủ tướng quyền cao chức trọng cho đến người dân bình thường đều có thể bị nhiễm bệnh. Tỷ phú giầu sang hay người dân nghèo cũng có thể chết vì siêu vi trùng này.

Các quốc gia văn minh tiên tiến, từ bao lâu nay, vẫn tự hào với những vũ khí, hoả tiễn, súng đạn hiện đại, họ có thể chiến thắng mọi cuộc chiến tranh hay thống trị toàn thế giới. Nhưng những vũ khí, hoả tiễn đó giờ đây không thể ngăn chặn nổi siêu vi trùng bé nhỏ Corona.

Hàng ngày các tin tức về số lượng người bị nhiễm bệnh gia tăng, những hố chôn tập thể được trình chiếu trên màn ảnh TV làm cho người ta cảm thấy cái chết như đang lẩn quẩn đâu đây. Siêu vi trùng Corona đã bao trùm mọi suy nghĩ hàng ngày, và là một mối bất an đang ngự trị toàn thế giới.

Sự thực, từ bao lâu nay, chết chóc, bệnh hoạn vẫn xảy ra từng ngày, từng nơi. Chết vì chiến tranh, chết vì bệnh tật, chết vì tai ương, bão lụt. v.v… Nhưng những tật bệnh đó, chết chóc đó như xa lạ, như không ảnh hưởng đến chính mình nên chẳng mấy quan tâm. Mấy ai ý thức rằng bệnh tật, chết chóc luôn hiện hữu trong đời sống con người? Giờ đây, con siêu vi trùng bé nhỏ Corona đã làm thức tỉnh nhân loại:
Bệnh tật có thể đến bất cứ ai, không phân biệt sang hèn, giầu nghèo. Cái chết có thể đến bất cứ ai, không phân biệt quyền cao chức trọng. Và ta cũng ý thức rằng không có sức mạnh siêu phàm, thần thánh nào có thể giúp ta qua khỏi cơn đại dịch này. Nếu muốn sống còn, chính chúng ta phải tự cứu lấy ta.

Giờ đây, khi nhân loại mới nhận thức được sự hiện hữu của bệnh tật và chết chóc thì hơn 2500 năm trước, Đức Phật Thích Ca đã thức tỉnh nhân loại qua lời dạy: Cuộc đời là vô thường, con người sinh ra không ai thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử. Qua đó Ngài đã khuyên nhủ chúng sinh hãy giữ hạnh Từ Bi để tự cứu mình và cứu muôn loài.

Trong mùa Phật Đản Phật lịch 2564 năm nay, do tình hình đại dịch Coronavirus lan tràn khắp nơi, các người con Phật không có dịp trở về ngôi chùa Vạn Hạnh để cùng nhau tưởng nhớ hạnh Từ Bi của Đức Phật Thích Ca. Nhưng bằng tầm lòng thành kính, chúng ta hãy cùng dâng nén tâm hương, quyết theo Phật pháp làm lành, báo đền công ơn hóa độ. Chúng ta cùng thành tâm cám ơn những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế đang ngày đêm đem hết sức mình cứu chữa các bệnh nhân bị cơn bịnh ngặt nghèo này.

Trong khi chờ đợi các thử nghiệm khoa học để tìm ra thuốc chữa, chúng ta hãy cùng nhau giữ tâm thanh tịnh và hiểu rằng đại nạn này cũng chỉ là cộng nghiệp của nhân loại. Hãy nguyện cầu hồng ân chư Phật gia hộ cho người người được an lạc, đại dịch coronavirus sớm tiêu trừ, thế giới an bình hạnh phúc.

Quảng Phúc

  1. Hình ảnh Tết Quý Mão
  2. Hội Tết Quý Mão
  3. Bản Tin số 1 năm 2021
  4. Sinh hoạt chùa Vạn Hạnh (4.2020)
  5. Bản Tin (01.2020)
  6. Bản Tin Tháng 8.2019
  7. Bản Tin Tháng 5.2019
  8. Hôi TẾT KỶ HỢI 2019 Chùa VẠN HẠNH
  9. Bản Tin (01.2019)
  10. Bản Tin (07.2018)
  11. Đại Lễ Phật Đản (2018)
  12. Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ
  13. Bản Tin Sinh hoạt tháng 5.2018
  14. Bản Tin (từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2017)
  15. Bữa cơm xã hội (01.10.2017) (Quảng Phúc)
  16. Khía cạnh xã hội chùa Vạn Hạnh (Quảng Phúc – Ngô Thụy Chương)
  17. Những ngôi chùa nổi tiếng thế giới (Trúc Hà)
  18. Bản Tin (07.2017)
  19. Bản Tin (04.2017)
  20. Bản Tin (12.2016)
  21. Mái Ấm Quê Hương