Home » Tưởng Niệm » Tiểu Sử Hòa Thượng Tôn Sư thượng LONG hạ TRÍ

Tiểu Sử Hòa Thượng Tôn Sư thượng LONG hạ TRÍ

Mục Tưởng Niệm
Hòa Thượng Tôn Sư Thượng LONG hạ TRÍ (1928 – 1998 ) Trùng Kiến Trú Trì Chùa Viên Giác – Hội An

Hòa thượng lâm thế vào ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn (1928) tại làng Minh Hương, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ Ngài là cụ ông Lý Trạch Chương, pháp danh Tâm Viên và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mai, pháp danh Tâm Chơn. Hòa thượng được thân phụ đặt tên là Lý Truờng Châu.

Sinh ra trong một gia đình thâm trọng Phật học, Nho học và Tây học nên thuở ấu thơ Ngài đã sớm được un đúc trong một nếp sống kính tin Tam Bảo. Sự mộ đạo của hai đấng từ thân có tác động rất lớn đối với Hòa thượng nên Ngài đã tham gia sinh hoạt trong Đoàn Đồng Ấu Phật tử (tiền thân Gia đình Phật tử sau này).

Năm Ất Dậu (1945), thân phụ qua đời để lại biết bao thương tâm trong lòng một người thanh niên mới lớn như Ngài. Từ đó, Ngài thấy rõ lẽ thống khổ của kiếp nhân sinh nên phát nguyện xuất gia học đạo. Vào ngày 19 tháng 6 năm Bính Tuất (1946), Hòa thượng xuất gia tại chùa Phước Lâm-Hội An, lúc đó Ngài vừa tròn 19 tuổi. Từ đây, Ngài tu học dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Bổn sư thượng Ấn hạ Nghiêm hiệu Phổ Thoại (khai sơn chùa Long Tuyền-Hội An), được Hòa thượng ban cho pháp danh Chơn Ngọc.

Thừa di sản của dòng máu thông minh mẫn duệ, cộng với sự nhiệt tâm tinh cần tu học nên Ngài tỏ ra xuất sắc trong mọi phương diện và được Bổn sư cho thọ giới Sa Di vào ngày 19 tháng 9 năm Đinh Hợi (1947) với pháp tự Đạo Bảo. Với nếp sống hài hòa, cần mẫn được Thầy thương chúng mến, tu học tiến bộ nên Ngài đã đắc pháp với Đại lão Hòa thượng thượng Giác hạ Nhiên (Đệ nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) tại giới đàn Vạn Hạnh chùa Từ Hiếu-Huế và được Bổn sư phú pháp hiệu là Long Trí. Như vậy, Ngài nối pháp đời 40 dòng Lâm Tế và thuộc thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh.

Năm Tân Mão (1951), thân hào xã Cẩm Phô hiến cúng chùa Viên Giác cho Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng. Thuận duyên, Giáo Hội đã cử Hòa thượng về trụ trì tại đây. Từ đó, đời Ngài gắn liền với ngôi chùa Viên Giác cho đến ngày viên tịch.

Cũng trong năm này, Đại hội thống nhất Phật giáo ba miền Bắc-Trung-Nam được tiến hành. Cùng chung vơi phong trào cả nước, Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng được thành lập do Hòa thượng Thích Tôn Bảo làm Trị Sự trưởng và Ngài được mời giữ chức vụ Phó Thư Ký.

Năm Ất Mùi (1955), nhằm mục đích góp phần giáo dục tuổi trẻ, Hòa thượng xây cất ngôi trường đơn sơ trong khuôn viên chùa để dạy các lớp mầm non tiểu học với danh hiệu là Khai Trí.

Năm Mậu Tuất (1958), Hòa thượng được đề cử làm Trưởng ban tổ chức đại lễ Phật Đản-Phật lịch 2502 tại chùa Viên Giác-Hội An để biểu hiện sức vươn lên của Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng. Buổi lễ này đặt dưới sự chứng minh của ngài Tăng cang Thiện Quả, đánh dấu sự trưởng thành, góp mặt của Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng sánh vai với các Giáo Hội khác trên toàn quốc.

Năm Quý Mão (1963), tình hình đất nước, Phật giáo chuyển biến mạnh bởi chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Toàn quốc khởi lên một phong trào đấu tranh mãnh liệt. Tại quê hương Quảng Nam, một Ủy Ban Tranh Đấu được thành lập và Hòa thượng giữ chức vụ Tổng Thư Ký kiêm Đặc trách thanh niên. Trong mùa Pháp nạn này, Hòa thượng đã lăn xả vào cuộc tranh đấu, xem thân mạng nhẹ như lông hồng, và lãnh đạo toàn thể Phật tử kiên quyết đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng và xóa bỏ Đạo dụ số 10 xem Phật giáo như một hiệp hội. Bao nhiêu Phật tử bị đánh đập, tra tấn, bao nhiêu cuộc biểu tình đẫm máu đều được Hòa thượng an ủi, vỗ về bằng sự hy sinh chịu đựng tiên phong của chính bản thân mình.

Đêm 20 tháng 8, đêm kinh hoàng. Tất cả các chùa chiền trên toàn quốc đều bị tấn công một loạt. Toàn thể Tăng Ni, Phật tử đều bị bắt đánh đập, tù đày và giết chóc. Riêng Hòa thượng, Ngài được chính quyền chiếu cố hơn nên đã bắt giam riêng tại Đà Nẵng, đánh đập một cách dã man, ngất xỉu suýt tử vong. Nhờ cuộc cách mạng ngày 1 tháng 11 năm 1963 của quân đội nên nhà Ngô bị tiêu diệt và Hòa thượng được trả tự do.

Năm Giáp Thìn (1964), như bừng tỉnh sau cơn mơ, 9 hệ phái Phật giáo đã họp tại Ấn Quang-Sài Gòn thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tại Quảng Nam, GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam được thành lập, Hòa thượng được mời làm Phó Đại Diện đặc trách ngoại vụ kiêm Chánh Thư Ký và Đặc ủy thanh niên.

Năm Bính Ngọ (1966), Phật giáo cả nước lại đắm chìm trong cuộc đấu tranh chống Hiến chương Vũng Tàu, đòi Quốc hội lập hiến. Một lần nữa, Hòa thượng đã cống hiến đời mình một cách trọn vẹn, hướng dẫn cuộc đấu tranh vô cùng khốc liệt. Hòa thượng bị bắt giam tại Cục an ninh quân đội ở Sài Gòn cùng với các ngài Thắng Hoan, Chánh Lạc, Liễu Minh, Chơn Kim v.v…Sau 6 tháng giam giữ tại lao thất cực kỳ gian khổ, đến ngày 11 tháng 11 cùng năm, Hòa thượng được trả tự do.

Năm Đinh Mùi (1967), công trình xây cất giảng đường và trụ sở Gia đình Phật tử Quảng Nam đã hoàn tất. Đại lễ khánh thành được tiến hành trọng thể dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đôn Hậu-Chánh đại diện miền Vạn Hạnh.
Năm Tân Hợi (1971), Phật học viện Quảng Nam được thành lập tại chùa Long Tuyền do Hòa thượng Thích Chơn Phát làm giám viện, Hòa thượng được mời phụ trách bộ môn hành chánh và nghi lễ.

Năm Nhâm Tý (1972), Hòa thượng được bầu làm Chủ tịch Mặt Trận Cứu Đói miền Trung nhằm xoa dịu những nổi đau thương mất mát của đồng bào Phật tử do chiến tranh gây ra.

Năm Quý Sửu (1973), Ủy Ban Tái Thiết Xã Hội được thành lập, văn phòng đặt tại chùa Viên Giác và Hòa thượng được Giáo hội đề cử làm Chủ tịch Ủy Ban.

Năm Ất Mão (1975), chiến tranh chấm dứt, hòa bình vãn hồi, đất nước thống nhất, những trăn trở, đau khổ đã qua, GHPGVNTN tiếp tục hoạt động, Ngài vẫn đảm nhiệm chức vụ Phó đại diện và Tổng thư ký.

Năm Tân Dậu (1981), Hòa thượng Thích Như Huệ rời chùa Tỉnh Hội (tức chùa Pháp Bảo) sang Úc giáo hóa, Hòa thượng phải tạm rời Viên Giác về trụ tại chùa Pháp Bảo để điều hành mọi Phật sự. Trong giai đoạn khó khăn, trắng đen lẫn lộn này, Hòa thượng thực hiện lời Phật dạy: “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” nên đã mặc nhiên nhận lãnh chức vụ Phó ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam Đà Nẵng và tham gia Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cho đến năm Kỷ Tỵ (1989).

Năm Nhâm Tuất (1982), trong giai đoạn khó khăn của thời cuộc, nhưng bằng sự khéo léo của mình, Hòa thượng đã xây dựng được nhà tổ tại chùa Pháp Bảo và khánh thành trong sự ngạc nhiên, hoan hỷ của Tăng Ni Phật tử trong và ngoài tỉnh. Cũng trong năm này, Ngài tổ chức đàn giới Sa Di và Thập Thiện tại chùa Pháp bảo để truyền giới cho chư Tăng và Phật tử tu học. Tại đàn giới này, Hòa thượng được chư Tăng cung thỉnh làm Chánh Chủ Đàn.

Năm Bính Dần (1986), Ngài tái sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Quảng Nam, một tổ chức thanh thiếu niên Phật tử mà Ngài đã cưu mang qua nhiều giai đoạn cam go của lịch sử. Ngài đã đảm nhận chức Trưởng ban hướng dẫn Gia Đình Phật tử Quảng Nam cho đến cuối đời.

Năm Canh Ngọ (1990), Ngài từ nhiệm tất cả mọi chức vụ từ Giáo Hội cho đến Mặt Trận, về lại Viên Giác trùng tu ngôi chánh điện đã xuống cấp trầm trọng. Sau gần 1 năm thi công, lễ khánh thành đã được tổ chức vào ngày rằm tháng 8 cùng năm dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Trí Giác.

Năm Nhâm Thân (1992), Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu-Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN viên tịch. Hòa thượng Thích Huyền Quang được trao ấn tín với tư cách Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Khâm thừa di chúc thiêng liêng của cố Đại lão Hòa thượng Chánh Thư Ký, Hòa thượng Thích Huyền Quang đã phát động phong trào đòi phục hồi GHPGVNTN, Hòa thượng lại một lần nữa dấn thân tranh đấu và được Hòa thượng Thích Huyền Quang mời giữ chức vụ ChánhVăn Phòng Viện Hóa Đạo tại quốc nội.

Năm Giáp Tuất (1994), sau gần 2 năm cùng Hòa thượng Huyền Quang hoạt dụng cho Giáo Hội Truyền Thống thì bị chính quyền quản thúc tại chùa Viên Giác cho đến ngày viên tịch.

Tháng 5 năm Mậu Dần (1998), Hòa thượng nhuốm bệnh. Hàng đệ tử đưa Hòa thượng đi bệnh viện Đà Nẵng chữa trị. Không có kết quả, lại đưa về chùa chữa chạy thuốc Bắc, thuốc Nam nhưng vẫn không thuyên giảm và tiếp tục vào Sài Gòn chữa bệnh. Biết nhân duyên của mình đã mãn, Hòa thượng quyết định trở về an dưỡng tại chùa. Vào lúc 19 giờ 40 phút ngày 13 tháng 9 năm Mậu Dần (1/11/1998), Hòa thượng đã lìa mộng trần, hưởng thọ 71 thế tuế.

Kết thúc 53 năm kể từ ngày phát nguyện quy y đầu Phật, suốt cuộc hành trình vì Đạo Pháp, vì Dân Tộc, vì truyền thống tông môn mà Hòa Thượng không có một thời gian ngơi nghĩ. Đã thế còn chịu trăm đắng ngàn cay, nhận chịu búa rìu dư luận không thiếu. Đúng như ca dao tục ngữ Việt Nam đã nói:
“Khi làm thì chẳng thấy ai
Làm xong thì bị chê bai đủ điều.”

Tuy nhiên, suốt cả cuộc đời dấn thân vì Đạo mặc cho ai khen, ai chê, ai thưởng, ai phạt, Hòa Thượng cũng đã góp phần công đức lớn lao cho Giáo Hội, phụng sự chúng sanh không hề mỏi mệt. Về mặt kiến tạo thì Ngài đã xây dựng chùa Viên Giác từ một ngôi chùa làng đơn sơ rách nát thành một ngôi tổ đình trang nghiêm, thành lập hoặc trùng tu các chùa Cẩm Giác ở Cẩm Nam; chùa Thanh Lương xã Duy Hải, Duy Xuyên; chùa Thọ Sơn ở Hà Tân, Đại Lộc v.v…

Tuy Phật sự đa đoan như vậy, Ngài cũng không thiếu sót việc tiếp dẫn hậu lai truyền trì mạng mạch chánh pháp. Trong số các đệ tử xuất gia của Ngài hiện còn Thượng tọa Thích Tâm Thanh-Viện chủ Vĩnh Minh Tự Viện tại Lâm Đồng; Thượng tọa Thích Như Điển trụ trì chùa Viên Giác tại Đức quốc; Đại đức Thích Như Giáo, Thích Như Thanh, Thích Viên Như, Ni sư Thích Nữ Như Viên… cả Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, sa di ni có hơn 20 vị. Đệ tử tại gia rải rác khắp nơi trong tỉnh Quảng Nam nói chung và thị xã Hội An nói riêng có đến vài ngàn vị.

Đặc biệt, Hòa Thượng rất chú trọng đến vấn đề giáo dục thanh thiếu niên Phật Giáo-những mầm non tương lai của Giáo Hội. Vì thế, suốt cả cuộc đời Ngài luôn gắn bó với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Ngài đã chịu trăm đắng ngàn cay để duy trì tổ chức Gia Đình Phật Tử Quảng Nam trong những giai đoạn cam go của những khúc quanh lịch sử thời đại. Và Ngài đã giữ trọng trách Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam kể từ sau ngày đất nước độc lập cho đến khi về với cảnh giới của chư Phật.

Cuộc đời của Hòa thượng quả là gắn liền với hình ảnh một số tăng sĩ trong thời đại chiến loạn. Ngài không ngừng thấu triệt lời dạy của chư Phật, đem hết khả năng của mình dung hợp với tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả cứu độ chúng sanh, phụng sự Đạo Pháp và Dân Tộc trong ý thức “Phật pháp bất ly thế gian pháp”.