Home » Tàng Kinh Các » Tiền thân và Trú xứ của Quán Âm Bồ tát

Tiền thân và Trú xứ của Quán Âm Bồ tát

TIỀN THÂN CỦA QUÁN ÂM BỒ TÁT

1_ Nhân Địa của Quán Âm Bồ Tát:

_ Theo sự ghi nhận của Kinh Quán Âm Tam Muội Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi thì Quán Âm Bồ Tát có sức uy thần chẳng thể tư nghị, ở vô lượng kiếp trước đã thành Phật rồi, hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai (Samyak dharma-vidya Tathāgata). Nay vì nguyện lực Đại Bi mới thị hiện thân Bồ Tát để cứu khổ chúng sinh.

_ Kinh Bi Hoa ghi nhận rằng: “Thuở xa xưa, ở Thế Giới San Đề Lam thuộc Đại Kiếp Thiện Trì (Sudhāra) có vị vua tên là Vô Tránh Niệm (Aranemin), có vị Đại Thần tên là Bảo Hải Phạm Chí (Ratna-sāgara-brāhmaṇa). Con trai của vị Đại Thần ấy tên là Bảo Tạng (Ratna-garbha) sau khi xuất gia, chứng Bồ Đề, hiệu là Bảo Tạng Như Lai (Ratna-garbha-tathāgata). Đức Như Lai rộng vì vua Vô Tránh Niệm nói Pháp, nhà vua cúng dường Đức Như Lai với các Thánh Chúng, thời Bảo Hải Phạm Chí khuyên Đức Vua với một ngàn người con của vua phát Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta). Nhà vua liền phát Tâm Bồ Đề, nguyện cầu cõi nước thanh tịnh. Đức Bảo Tạng Như Lai bèn thọ ký cho nhà vua, sau này được thành Phật tên là Vô Lượng Thọ (Amitāyus) tại Thế Giới An Lạc (Sukhavatī) ở phương Tây.

Hai người con của vua Vô Tránh Niệm cũng được Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký cho: vị thứ nhất tên là Bất Thuấn sau này là Quán Âm Bồ Tát, vị thứ hai tên là Ni Ma sau này là Đắc Đại Thế Bồ Tát (tức Đại Thế Chí Bồ Tát) đồng ở Thế Giới An Lạc phụ giúp Đức Phật Vô Lượng Thọ giáo hoá chúng sinh.

Sau khi Đức Phật Vô Lượng Thọ vào Niết Bàn thì Quán Âm Bồ Tát sẽ nối ngôi Phật có hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, Thế Giới tên là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu. Tiếp theo, Đức Đắc Đại Thế Bồ Tát sẽ thành Phật có hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương Như Lai, Thế Giới tên là Đại Thế.

_ Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký cũng ghi nhận là: “Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ thành Phật tên là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, Thế Giới tên là Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm. Tiếp theo, Đức Đắc Đại Thế Bồ Tát sẽ thành Phật tên là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai.”

2_ Công Hạnh tu hành và hoá độ của Quán Âm Bồ Tát:

_ Trong Kinh Lăng Nghiêm quyển 6 có ghi: “Về vô số kiếp xa xưa, có Đức Phật ra đời hiệu Quán Âm Như Lai (Avalokitasvara-tathāgata). Tôi đến trước Đức Phật mà phát Tâm Bồ Đề rộng lớn. Đức Phật dạy tôi ba Pháp Văn, Tư, Tu có nghĩa là nghe lời giảng dạy, suy nghĩ kỹ lưỡng về đạo lý và theo đó thực hành để vào Tam Ma Đề (Samādhi) tức là nơi vắng vẻ rốt ráo. Đức Phật khen tôi chứng được Pháp môn Viên Thông, liền ngay trong Đại Hội thọ ký cho tôi và ban Hiệu là Quán Âm (Avalokitasvara)”

_ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh ghi nhận việc Quán Tự Tại Bồ Tát dạy truyền Trí Tuệ Bát Nhã cho ngài Xá Lợi Phất

_ Kinh Phương Đẳng Như Lai Tạng Đại Phương Quảng Như Lai ghi nhận rằng: “Quán Thế Âm Bồ Tát cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát vì lòng Từ Bi, không chịu vào cảnh giới tối thượng của chư Phật, nguyện dấn thân vào con đường phụng sự đem lại lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh”

_ Kinh Đại Thừa Vô Lượng Bảo Trang Nghiêm ghi nhận các công hạnh hoá độ sáu nẻo của Quán Thế Âm Bồ Tát

_ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phổ Môn ghi nhận 33 thân ứng hoá của Quán Thế Am Bồ Tát trong công hạnh tuỳ Duyên ứng hoá cứu độ chúng sinh….

Ngoài ra trong các Kinh Tạng Mật Giáo ghi nhận rất nhiều Đà La Ni, Mật Chú, Thủ Ấn, Nghi Quỹ do Đức Quán Âm Bồ Tát truyền dạy để cứu giúp chúng sinh….

TRÚ XỨ CỦA QUÁN ÂM BỒ TÁT

Tất cả mọi truyền thống đều tin rằng trú xứ của Bồ Tát Quán Âm là đỉnh núi Bồ Đà Lạc Ca (Potala), song ngọn núi đó ở địa phương nào thì có nhiều quan điểm khác nhau.

_ Theo Kinh A Di Đà quyển thượng, Kinh Vô Lượng Thọ quyển thượng và Kinh Quán Thế Âm Thọ Ký thì Bồ Tát Quán Âm theo hầu cận Đức Phật A Di Đà để phụ giúp Ngài giáo hóa chúng sinh trong Thế giới Cực Lạc. Như vậy trú xứ của Bồ Tát này phải là Tịnh Thổ Cực Lạc ở phương Tây.

_ Theo Kinh Nhất Thiết Trang Nghiêm Công Đức, Kinh Thanh Tịnh Quán Âm Phổ Hiền Đà La Ni và Kinh Quán Âm Tam Muội thì Bồ Tát Quán Âm là vị hầu cận của Đức Phật Thích Ca. Như vậy trú xứ của Bồ Tát này phải là Uế Độ Ta Bà. Và quan điểm này được số đông chấp nhận.

Kinh Tân Liên Hoa quyển 68 ghi nhận vị Bồ Tát này trú ngụ ở núi Bổ Đà Lạc nơi biển Nam.

Ngài Huyền Trang tin tưởng rằng đỉnh núi Potala ở miền Nam Ấn.

Phật giáo đồ Tây Tạng tin tưởng rằng tu viện của Đạt Lai Lạt Ma ở L’hasa là Potala vì Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Bồ Tát Quán Âm.

Nhân dân Trung Hoa thì tin tưởng rằng quần đảo Châu Sơn ngoài khơi Triết Giang gần Ninh Po là núi Phổ Đà và họ thường tổ chức hành hương đến lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm.

Đại đa số tín đồ Phật giáo trên thế giới đều tin tưởng rằng núi Phổ Đà ở ngoài khơi Nam Hải nên họ thường xưng tụng là:

“Nam mô Nam Hải Phổ Đà Sơn Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát” hoặc “Nam mô Nam Hải Viên Thông Giáo Chủ, Đại Từ Đại Bi, Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn, Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát”