Home » Sách mới của HT Như Điển » Những Lời giới thiệu sách của HT Thích Như Điển

Những Lời giới thiệu sách của HT Thích Như Điển

Đọc những bài viết ngắn của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, Úc Châu , cũng là Webmaster quangduc.com trên nhiều trang nhà khác nhau trên thế giới đã được đăng tải; chắc ai trong chúng ta cũng đều phải công nhận rằng Thượng Tọa là người có nhiều tài năng đặc biệt như: viết văn, dịch sách, thông dịch, diễn giảng, làm báo v.v… chỉ chừng ấy phạm trù, không phải ai cũng dễ thực hành được, mà Thượng Tọa Nguyên Tạng nay đã thể hiện được điều đó, không phải là điều đáng được tán thán hay sao?

Tôi cũng có cái duyên với văn chương chữ nghĩa lúc nào chẳng hay biết và cũng đã cùng Thầy Nguyên Tạng dịch chung hai tác phẩm bằng Anh Ngữ ra Việt Ngữ nhan đề là: Chết an lạc, tái sanh hoan hỷ và Thiền Học về Sống và Chết; ngoài ra tôi cũng đã đề tựa cho nhiều sách của Thầy ấy đã xuất bản như: Đạt Lai Lạt Ma-Con trai của tôi v.v… Nay Thầy lại sẽ cho ra mắt tác phẩm mới nhan đề là: Bát cơm Hương Tích, nhằm giới thiệu với các độc giả xa gần khắp nơi trên bình diện rộng rãi hơn; nên tôi lại một lần nữa được Thầy yêu cầu viết lời giới thiệu và tôi đã sẵn lòng.

Đọc Văn tức hiểu người. Tôi hoàn toàn đồng ý với việc nhận xét nầy của ai đó từ lâu rồi; nhưng người Tăng Sĩ đa phần khi viết văn hay dịch sách là viết sự thật nhiều hơn và những gì như nó là; chứ ít có trau chuốt, màu mè, đón trước ngăn sau như nhiều nhà văn khác. Đó chính là việc“chân thật bất hư“mà Thầy Nguyên Tạng cũng đã thể hiện được điều đó.

Nay Tác Phẩm nầy sắp ra đời, tôi xin trân trọng viết lời giới thiệu đơn giản nầy đến Quý Vị độc giả xa gần, hãy mở sách ra và bắt đầu thưởng thức những trang văn trong Tác Phẩm nầy mà Thượng Tọa Nguyên Tạng đã trải rộng lòng mình vào nơi ấy. Đến khi xếp sách lại, mỗi người đọc sẽ có được những cảm nhận riêng và đó có lẽ cũng là sự mong đợi của Tác Giả nơi Tác Phẩm nầy.

Kính chúc Qúy Độc Giả tận hưởng được niềm đam mê khi đã bắt đầu gửi hồn mình vào những trang văn như vậy.

Viết xong lời giới thiệu nầy vào một sáng mùa Xuân năm 2018 tại thư phòng chùa Viên Giác

Thích Như Điển-Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc

Lời tựa của lần tái bản thứ nhất tại Đức Quốc
Âu Châu, Úc Châu và Mỹ Châu của năm 2018

Phật Giáo Việt Nam kể từ khi du nhập cho đến nay cũng đã trên dưới 2.000 năm lịch sử và kể từ những ngày tháng đầu tiên ấy Dân Tộc Việt Nam của chúng ta vẫn xử dụng chữ Hán làm văn tự để truyền đạt cho mọi việc như: giao dịch, văn hiến, Tôn Giáo, nghệ thuật, kiến trúc v.v… dĩ nhiên là Tổ Tiên chúng ta đã dùng âm thanh Hán Việt để trao đổi hằng ngày trong thời kỳ bắc thuộc cả 1.000 năm ấy; nhưng mãi sau thời kỳ tự chủ, kể từ năm 981 cho đến đầu thế kỷ thứ 20 trong chùa, ngoài kinh thành, chốn khoa bảng v.v… cũng vẫn còn dùng chữ Hán để học, viết và giao dịch. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 một số các vị Tăng Ni có quan tâm đến nền Việt Học nước nhà mới chủ trương Việt hóa hoàn toàn Kinh điển chữ Hán ra tiếng Việt cho mọi văn kiện, thư từ, kinh điển v.v…Rồi từ đó chúng ta đã có những bản Kinh tiếng Việt hoàn toàn. Trong những Vị nầy, chúng ta có thể kể đến Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (Ngài sinh ngày 17.10.1917 và viên tịch ngày 28 tháng 3 năm 2014, thượng thọ 98 tuổi ta và 69 hạ lạp) là một trong những Vị tiên phong như vậy. Nhờ đó mà chúng ta mới có những bộ Kinh lớn như: Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Kinh Đại Bảo Tích v.v… để trì tụng, lễ bái hoàn toàn bằng âm điệu Việt ngữ. Quả là điều phước báu biết bao nhiêu.

Kinh Đại Bảo Tích gồm có 9 quyển và mỗi quyển dày không dưới 700 trang chữ lớn, chúng ta phải đi sâu vào sự hành trì mới thâm nhập hết được lý của Kinh văn; nhưng điểm chính yếu vẫn là: Chúng sanh nào cũng có Phật tánh và với Phật tánh nầy, nếu chúng ta quyết tâm dẹp hết tham, sân, si, tà kiến thì trí tuệ sẽ phát sanh và sự thành Phật giải thoát giác ngộ không phải là điều khó. Điều nầy đã được chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói rằng: „Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh hay ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành“. Duy chỉ mấy lời ấn ký ấy cũng đủ cho chúng ta thấy rằng: không có bất cứ một lý do gì mà chúng ta không có thể giải thoát, giác ngộ được; ngoại trừ chính chúng ta không muốn bước ra khỏi nẽo luân hồi sanh tử mà thôi. Đọc trong lời nói đầu viết tay của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh ngày 12 tháng 7 năm 1987, Phật Lịch 2531 và phần Phụ chú, Ngài viết vào ngày rằm tháng sáu năm Quý Dậu (nhằm ngày 2 tháng 8 năm 1993) thì chúng ta sẽ rõ nguyên nhân, mục đích của lần xuất bản đầu (1987) lần tái bản thứ nhất (1993) và bây giờ năm 2018 nầy tại Đức Quốc, chúng tôi viết tiếp lời tựa nầy cho việc tái bản ở ngoại quốc và lần nầy có tính cách rộng lớn hơn cho cả các châu lục khác. Vì lẽ để in ấn tống 1.000 bộ kinh lớn nầy, riêng sức lực của chỉ Phật Tử Việt Nam tại Đức đóng góp thì không đủ sở phí để in ấn, mà chúng tôi phải kêu gọi các nơi như: Úc, Hoa Kỳ và cả các nước Âu Châu từ năm 2016, 2017 và nay 2018 mới hoàn thành tâm nguyện được.

Đầu tiên Thầy Hạnh Lý và Thầy Hạnh Bổn phải đi tìm bản gốc trên mạng; nhưng khi so ra với Kinh Văn mà chùa Viên Giác hiện có (bản in năm 1999) thì giữa bản trên mạng và bản chính có nhiều điểm thiếu sót ; nên Thầy Hạnh Lý cùng Sư Cô Hạnh Bình phải bỏ công dò tìm từng trang, từng chữ một trong mấy chục ngàn trang kinh như thế, kể cả xem lại lỗi chính tả nữa. Công đoạn tiếp theo là nhờ đến các Phật Tử như: Phổ Chuyên Võ Văn Trung, Đồng Tịnh Lư Xuân Hương, Đồng Huệ Hoàng Thị Phúc Layout, chỉnh sửa lại trang, xem lại lỗi chính tả một lần nữa và cuối cùng mới gửi sang nhà in tại Đài Loan cho in ấn. Đây là lý do tại sao cả 3 năm sau bộ Kinh nầy mới được hình thành.

Có lần Hạnh Giả làm luận án Tiến Sĩ tại Đại Học Hannover hỏi tôi về tên Kinh và ở phần nào Đức Phật đã chỉ rõ về sự tái sinh thì giảng cho Hạnh Giả nghe. Lúc ấy tôi mới đi thâu thập tài liệu cũng như tìm xem lại trong ký ức là Kinh nào đã nói về việc nầy. May thay tôi đã tìm đến Kinh Đại Bảo Tích phẩm Nhập Thai Tạng Giới thứ 14 để tra cứu thì rõ ràng đây là phẩm Kinh mà các Sinh viên, học giả có thể tra cứu, phiên dịch để làm chuẩn cho đề tài luận án của mình được và kể từ đó tôi nghĩ rằng mình phải làm sao trì tụng cho được bô Kinh quý hiếm nầy. Kể từ đó tôi đã quan tâm cho việc tái bản bộ Kinh; nên đã khuyến khích mọi người hùn phước để tái bản. Lý do kế tiếp nữa là: Kể từ năm 1984 đến năm 2018, 2019 (cũng đã trên dưới 35 năm) chúng tôi và Đại Chúng chùa Viên Giác tại Hannover Đức Quốc, cứ mỗi năm vào mùa An Cư Kiết Hạ , chúng tôi bắt đầu lạy kinh, mỗi chữ mỗi lạy trong mỗi buổi tối từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, suốt 3 tháng như vậy từ Kinh Ngũ Bách Danh đến Tam Thiên Phật Danh, Vạn Phật, Kinh Pháp Hoa rồi Kinh Đại Bát Niết Bàn gồm hai tập; mỗi tập không dưới 700 trang. Lạy cho đến năm 2018, 2019 thì xong Kinh Đại Bát Niết Bàn và tuổi đời của tôi cũng đã 70 rồi; nên không thể tiếp tục hạnh nguyện nầy mãi nữa, mà phải phát nguyện trì Kinh cũng như niệm Phật; nên Kinh Đại Bảo Tích ra đời cũng nhằm vào lời nguyện nầy của chúng tôi. Nghĩa là từ đây về sau, trong những ngày còn lại của cuộc đời nầy, chúng tôi sẽ trì tụng bộ Kinh nầy trong những mùa An Cư Kiết Hạ kế tiếp.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, mỗi năm trong 10 ngày của mùa hè, nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu, chư Tăng Ni mỗi đêm, trong khi các học viên học tập, thì trì tụng Bộ Kinh Pháp Hoa trọn bộ và vào mỗi thời điểm An Cư Kiết Đông tại chùa Khánh Anh Évry, Pháp Quốc từ sau Tết Dương Lịch trong 10 ngày, đều trì tụng một bộ Kinh và bắt đầu từ năm 2019 trở đi Giáo Hội sẽ cho trì tụng từng phần của Bộ Kinh Đại Bảo Tích nầy.

Chúng tôi cũng không quên niệm ân những chùa tại các châu lục đã hỗ trợ kêu gọi Phật Tử góp phần ấn tống như: chùa Pháp Bảo ở Úc, chùa Thiện Minh ở Pháp, chùa Quan Âm ở Đan Mạch. Đặc biệt Quý Đạo Hữu Đồng Từ của Đạo Tràng Phổ Hiền San Jose, Bắc California và Đạo Hữu Thanh Hiền Đạo Tràng Liên Trì, Nam California đã tích cực vận động các Phật Tử địa phương đóng góp; nên mới có được kết quả như ngày hôm nay. Chúng tôi cũng xin niệm ân Thượng Tọa Thích Thông Triết, Viện Chủ Thiền Viện Chánh Pháp Oklahoma; Cô Châu Ngọc, chùa Hải Đức tại Jacksonville Florida cùng những ân nhân hữu danh hay ẩn danh khác đã làm nên được công việc lịch sử in ấn và tái bản nầy. Các chùa ở Âu Châu cũng đã trợ duyên cho chúng tôi không ít. Xin vô vàng thâm tạ.

Xin nguyện cầu cho tất cả chư Tôn Đức và Quý Vị thân được an và tâm được lạc.
Viết xong lời tựa nầy vào ngày 4 tháng 7 năm 2018 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc nhằm mùa An Cư Kiết Hạ năm Mậu Tuất, Phật Lịch 2562 năm.

Cách đây hơn một năm, khi tôi có dịp sang tham dự Đại Lễ Phật Đản lần thứ 2561 (2018) tại chùa Vạn Hạnh Hòa Lan, Hòa Thượng Ananda có ký tặng cho tôi một quyển sách bằng tiếng Anh nhan đề là: Monk&Monkeys Travails of a Flying Dutsch monk over 40 years in Sri Lanka .Thật tình thì tôi xem hình trước, vì những hình minh họa và các hình Ngài chụp kỷ niệm ở các nơi tại Tích Lan rất đẹp và năm nay vào cuối tháng 6 năm 2019 vừa qua, Ngài có qua chùa Viên Giác tại Hannover tham dự lễ khánh thọ 70 tuổi của tôi, Ngài có hỏi rằng: Thầy đã đọc sách của tôi chưa? Tôi trả lời Thầy bằng tiếng Anh và cả tiếng Đức rằng: Tôi sẽ cố gắng.

Thế mà mãi cho đến hôm nay, Đạo Hữu Nguyên Trí-Hồ Thanh Trước đã dịch hoàn toàn sang tiếng Việt với tiêu đề là: “Hơn 40 năm khổ công của một Tăng Sĩ Hòa Lan bay, tại Tích Lan” thì tôi mới có cơ hội đọc hết bản tiếng Việt từ đầu đến cuối, kèm thêm bài viết của Đạo Hữu Nguyên Trí Hồ Thanh Trước về xứ Hòa Lan cũng như Lời Ngõ nữa và sau khi gấp bản thảo lại, tôi nghĩ rằng cái tựa đề mà Hòa Thượng Ananda đặt cho sách nầy nó không liên quan gì với nội dung cả, mặc dầu Thầy ấy đã lấy hình ảnh nơi ẩn tu của Ngài tại Tích Lan có nhiều con khỉ hơn con người để làm cho độc giả tò mò chăng? Nhưng như chúng ta thấy cái tựa đề quá dài, mặc dầu dịch giả đã dịch đúng chữ và đúng nghĩa. Theo như Nguyên Đạo Văn Công Tuấn có đề nghị với tôi là nên đổi thành đề tài khác ngắn gọn hơn. Do vậy tôi xin đề nghị với Tác Giả và dịch giả là nên chọn tựa đề là: “Hành Trình của một Tăng Sĩ Hòa Lan đi tìm đạo tại Á Châu” chắc cũng không phải là kém phần hấp dẫn cho người đọc.

Tôi đã quen biết với Hòa Thượng Ananda từ những năm khi tôi qua chùa Vạn Hạnh tại Delhort và cả cho đến nay ở Almere. Lúc nào Ngài cũng tươi cười và nói đủ thứ ngôn ngữ. Lúc thì tiếng Hoa, tiếng Nhật; lúc thì tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức v.v… nghe cũng thật là hoan hỷ. Ngoài ra tôi cũng thường hay gặp Ngài ở các Đại Hội Phật Giáo Thế Giới do World Buddhist Shanga Counsil tổ chức tại Đài Loan hay Mã Lai v.v… Có nhiều lần Ngài đã đến Viên Giác và Viên Đức để thăm viếng và dự lễ cùng chúng tôi. Ngài tuổi đời hơn tôi một tuổi; nhưng Ngài xuất gia sau (1979 mới chính thức); tuy vậy Hòa Thượng vẫn là bậc Thầy có tuổi hạ cao nhất nhì của Phật Giáo Nam Tông tại Âu Châu nầy.

Dịch Giả Nguyên Trí Hồ Thanh Trước đã cố gắng hết mình để chuyển tải những danh từ Phật Pháp sang tiếng Việt, kể cả tiếng Pali hay tiếng địa phương ngoài tiếng Anh để cho độc giả Việt Nam dễ lãnh hội. Đây là một việc làm qúa tuyệt vời và tôi xin chân thành viết lời giới thiệu nầy đến với các độc giả người Việt Nam trên trang mạng Amazon về việc phát hành sách nầy. Tôi nghĩ rằng Quý độc giả sẽ thu thập được nhiều điều thú vị và học hỏi được nhiều điều cần thiết trên đường tìm cầu giác ngộ của những hành giả Đông Phương hướng về những hành giả Tây Phương đang thể hiện đức tin của mình vào ba ngôi Tam Bảo.

Viết xong vào ngày 19 tháng 10 năm 2019 tại thư phòng chùa Khánh Anh Évry, Pháp Quốc
Thích Như Điển, Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác Hannver, Đức Quốc