Home » Sách mới của HT Như Điển » Đôi lời giới thiệu về luận án Tiến Sĩ của HT Thích Đỗng Tuyên

Đôi lời giới thiệu về luận án Tiến Sĩ của HT Thích Đỗng Tuyên

Sau khi đọc xong luận án Tiến Sĩ của Hoà Thượng Thích Đỗng Tuyên.

Luận án viết bằng Anh ngữ nhan đề là: A comparative Study of the Bikkhu Patimokkha (So sánh giới bổn Tỳ Kheo giữa các Bộ Phái chính Phật Giáo) do Tỳ Kheo Thích Thông Đạo, đệ tử của Hoà Thượng Đỗng Tuyên chuyển qua Việt ngữ. Luận án nầy được Hoà Thượng Đỗng Tuyên trình tại Đại Học Magadh, Bodhgaya, Ấn Độ vào năm 2002. Luận án dày độ 253 trang đánh máy và chia ra làm 6 chương rõ rệt. Đó là :

  • Chương I: So sánh về 6 bộ luật.
  • Chương II: Khảo sát đối chiếu chánh yếu về bốn Ba La Di. So sánh 13 giới Tăng Tàn, so sánh về 2 giới bất định.
  • Chương III: So sánh 30 giới Xả Đoạ; 90 tội Đoạ.
  • Chương IV: So sánh 4 giới Hối Quá.; so sánh về 100 giới học; so sánh về bảy pháp diệt tránh.
  • Chương V: Tác động của Giới Luật.
  • Chương VI là chương Kết Luận.

Sáu bộ luật mà Hoà Thượng Thích Đỗng Tuyên nghiên cứu ở đây là:

1) Luật Nguyên Thuỷ;
2) Luật Tứ Phần;
3) Luật Tăng Kỳ;
4) Luật Ngũ Phần;
5) Luật Hữu Bộ và
6) Luật Thập Tụng.

Nhân duyên là do vua Tần bà Sa La đề nghị lên Đức Phật nên cho chư Tăng Bố Tát mỗi tháng 2 lần vào ngày Mồng Một và ngày Rằm để thực hành giới luật mà Đức Phật đã chế ra, sau 12 năm Ngài thành đạo và Đức Phật đã nhận lời.

Tăng già gồm 4 vị Tỳ Kheo trở lên và phải có hai bổn phận. Đó là Hoà Hợp và Thanh Tịnh. Đây là nền tảng căn bản của người xuất gia, thọ giới và khi phạm giới phải được xét xử theo tinh thần của giới luật như Đức Phật đã chế.

Chương I: Trình bày về Giới Bổn Tỳ Kheo gồm 250 giới chi tiết.

Chương II : là việc khảo sát đối chiếu chính yếu của 4 tội Ba La Di mà một Tỳ Kheo phạm phải.

So sánh 13 giới Tăng tàn. Ở đây nêu rõ 4 địa hạt về: Tên người phạm tội; địa điểm; cử tội và phạt tội. Kế tiếp là so sánh về 2 giới bất định của một Tỳ Kheo.

Chương III : So sánh 30 giới Xả Đoạ gồm có: Người phạm, số lượng,địa điểm, thời gian, cử tội, phạt tội của 6 bộ luật như trên. Kế tiếp của chương nầy so sánh về 90 Giới Đoạ gồm nhiều lãnh vực như: đề cập đến việc ăn uống, đi chung đường cùng Ni, ngồi với người nữ, thuốc men, đi xem quân trận, Tỳ Kheo uống rượu, đùa giởn dưới nước, lấy ngón tay chọc lét nhau,doạ Tỳ Kheo khác, việc nửa tháng tắm một lần, không bịnh mà tự đốt lửa củi, cất giấu vật liệu của các Tỳ Kheo khác, không được dùng y mới nguyên vẹn, mà phải pha màu thành hoại sắc, cố hại súc sinh, biết nước có trùng mà vẫn uống, chưa đủ tuổi 20 mà cho đi thọ Đại Giới, Yết Ma rồi hối tiếc, đánh Tỳ Kheo khác, phạm Ba Dật Đề, đồ trang sức quý giá, khăn che ghẻ, khăn tắm mưa, may y quá lượng…

Chương IV: So sánh 4 giới Hối Quá gồm:

  • Không bịnh mà vào trong làng xóm tự nhận lấy đồ ăn mà ăn của Tỳ Kheo Ni không phải bà con.
  • Đến nhà Cư Sĩ, có Tỳ Kheo Ni chỉ bảo đưa đồ ăn cho vị nầy, đưa cơm cho vị kia.
  • Không làm Yết Ma học gia, mà nơi học gia ấy Tỳ Kheo không được mời trước, không bịnh, mà tự tay mình nhận lấy đồ ăn của họ mà ăn.
  • Tỳ Kheo ở chỗ vắng vẻ và có sự nghi sợ, không nói trước cho thí chủ biết đường đến chỗ đáng sợ ấy. Tỳ Kheo không đi nhận đồ, chỉ ở chỗ ấy, không bịnh mà tự lấy đồ để ăn.

Kế tiếp so sánh về 100 giới (pháp chúng) học.

Trong 100 giới học nầy hầu hết thuộc về oai nghi của một Tỳ Kheo trong sinh hoạt hằng ngày.

Hoà Thượng Đỗng Tuyên khéo léo sắp xếp thành 8 nhóm trong 100 giới học nầy như sau:

1) Y;
2) đến nhà Cư Sĩ;
3) Ăn,
4) giảng pháp;
5) tôn trọng bảo tháp;
6) khạc nhổ và vệ sinh;
7) giữ bình bát;
8) Trèo cây.

Tổng cộng luật Nguyên Thuỷ có 75 giới; Luật Tứ Phần có 100 giới; Luật Tăng Kỳ có 66 giới; Luật Ngũ Phần có 108 giới; Luật Hữu Bộ có 108 giới và Luật Thập Tụng có 113 giới.

Phần tiếp theo so sánh về 7 Pháp Diệt Tránh. Pháp thứ 7 Đức Phật dạy rằng: Đáng làm phép như cỏ che đất, nên cho làm phép như cỏ che đất.

Bảy Pháp Diệt Tránh nầy nhằm để giải quyết những vấn đề không hay hoặc tranh cãi xảy ra trong cộng đồng Tăng Lữ; hoặc giữa hai nhóm hay giữa hai Tỳ Kheo với nhau và thứ tự bảy pháp Diệt Tránh nầy giữa các bộ luật không giống nhau.

Chương V: Tác động về giới luật:

  • Về cá nhân và cộng đồng của người Cư Sĩ tại gia cũng như xuất gia. Nhờ giới luật mà các Tỳ Kheo sống hoà hợp với nhau theo phép lục hoà.
  • Nên biết 11 pháp yết Ma để làm lợi ích cho Tăng Đoàn.
  • Học và thực hành giới luật trước những môn học khác.
  • Về tiến trình tâm linh: Giới luật chuyển hoá khổ đau để đi đến chỗ giác ngộ, giải thoát. Dùng giới, định, tuệ để diệt trừ tham, sân và si. Cả Tăng lẫn tục nên gìn giữ giới luật.
  • Về mặt đạo đức xã hội: Giới luật sẽ cải thiện từ xấu đến tốt. Nếu gìn giữ ngũ giới làm căn bản cho người tại gia sẽ bảo tồn được nhiều phong tục tập quán tốt cho xã hội. Đạo Phật không kỳ thị và ức chế bất cứ một Tôn Giáo nào cả.
  • Người xuất gia giúp mọi người hiểu rõ bản chất của vạn vật là vô thường. Vạn pháp tuỳ thuộc vào các nhơn duyên sanh khác nhau. Niết Bàn là cảnh giới an tịnh. Người tại gia cũng như xuất gia nên trải qua Văn, Tư và Tu cũng như nên thực hành Ngũ Minh để được lợi lạc khi thực hành giới.
  • Ảnh Hưởng đến Tăng Già: Về mặt Giáo dục và chính trị: Khuyến khích vua chúa làm lành, lợi ích cho dân cho nước.
  • Về văn hoá, tư tưởng: Đức Phật khuyên người xuất gia đi đến đâu thì nên dùng ngôn ngữ tại địa phương đó để thuyết giảng giáo pháp cho mọi người nghe, sẽ được lợi lạc. Nhiều công trình kiến trúc vĩ đại như những hình tượng Đức Phật Đản Sanh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và nhập Đại Bát Niết Bàn. Nhiều bảo tháp hùng vĩ thờ xá lợi răng, tóc, móng tay, y bát… của Đức Phật. Lời Phật dạy đã được kết thành Tam Tạng Thánh Điển bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Pali, Sancrist, Hán, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam, Anh ngữ v.v…. Nhiều trường Đại Học của 20 bộ phái phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới ngày nay. Những điều nầy giống như hoa sen trong hồ, cái đang nở rộ, cái còn búp chưa nở ; nhưng cuối cùng sẽ trổ hoa. Tất cả đều được dùng bằng bản chất Từ Bi và Trí Tuệ để làm căn bản dựng nên.

Kế tiếp Hoà Thượng trình bày về sự liên hệ giữa Giới Bổn và Tăng Già. Vai trò của Tăng Già là Bản Thể Thanh Tịnh, là phẩm chất hoà hợp. Vấn đề Tăng Già trong tương lai sẽ như thế nào đều phụ thuộc về sự hành trì giới luật của Tăng Già và sự hộ trì của chính quyền sở tại.

Chương VI cũng là chương cuối cùng của Luận Án.

Ở đây phần Kết Luận, Hoà Thượng đã trùng tuyên lại những điểm chính của:

  • Tên của vị Tỳ Kheo phạm giới
  • Địa điểm
  • Giới điều vi phạm
  • Thời gian
  • Cử tội
  • Phạt tội. Đây là 6 việc quan trọng của việc hành xử qua giới luật của một vị Tỳ Kheo.

Sự khác nhau một trong 6 giới bổn Pali thuộc về Nguyên Thuỷ. Còn lại là phiên bản của chữ Hán. Tất cả cách xử trị của các luật đều giống nhau; nhưng tên của Tỳ Kheo phạm giới, địa điểm và thời gian thì khác nhau. Phần Tiểu Giới về Đoạ và Học pháp có giới điều khác nhau. Tất cả những việc khác đều giống nhau.

So sánh giới điều của 6 bộ luật chúng ta thấy có những sự khác nhau về Tỳ Kheo Giới Bổn như sau:

  • Nguyên Thuỷ có 227 giới
  • Tứ Phần có 250 giới
  • Tăng Kỳ có 218 giới
  • Ngũ Phần có 259 giới
  • Hữu Bộ có 258 giới
  • Thập Tụng có 263 giới.

Mặc dầu giới Tỳ Kheo giữa các bộ luật khác nhau như vậy; nhưng tất cả đều cùng chung một Đức Phật và trước khi nhập Niết Bàn Ngài đã dạy rằng: Các Thầy nên nghiêm trì giới luật và xem giới luật như Thầy của mình, như ta đang sống với quý Thầy vậy.

Tiếp theo là Phụ bản giải thích rõ thêm về các giới điều, viết tổng hợp lại cho dễ nhớ,

Phần kế tiếp Thầy Thông Đạo trích luận án viết bằng tiếng Anh có cả chữ Hán và tiếng Pali để dẫn chứng gồm 3 trang và sau đó là tài liệu tham khảo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Về phần Tiểu Sử của Hoà Thượng Thích Đỗng Tuyên chúng ta biết rằng Ngài sinh ngày 27.9.1945 (Ất Dậu) tại Ninh Thuận, Việt Nam và Ngài viên tịch vào ngày 20.3.2022 tại California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 78 tuổi và 54 giới lạp.

Cá nhân tôi quen biết với Hoà Thượng Thích Đỗng Tuyên trong lúc đi Hoằng Pháp chung tại Hoa Kỳ một vài lần cũng như đã trực tiếp giới thiệu Hoà Thượng về Niệm Phật Đường Fremont, bắc Cali. Năm 2020, 2021 Hoà Thượng đã làm việc chung với tôi trong Hội Đồng Hoằng Pháp do Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ thành lập và Ngài là Trưởng ban Hoằng Pháp của Hoa Kỳ.

Nay Hoà Thượng đã ra đi vĩnh viễn nhưng có những người đệ tử xuất gia như Thượng Toạ Thông Lý, Đại Đức Thông Đạo v.v… là những người có thể gìn giữ mạng mạch của Phật Giáo qua sự nối tiếp của Thầy mình và mong rằng ngôi chùa Đại Bảo Trang Nghiêm sẽ mãi còn với thời gian và năm tháng để tưởng nhớ đến bậc ân sư khả kính đã dày công tạo dựng nên .

Viết xong vào ngày 31 tháng 12 năm 2023
tại Tổ Đường Tổ Đình Viên Giác
Hannover, Đức Quốc.