Home » Hội PTVNTN » Kỷ niệm 30 năm thành lập Chi Hội Nürnberg Fürth Erlangen

Kỷ niệm 30 năm thành lập Chi Hội Nürnberg Fürth Erlangen

Mục Hội PTVNTN

Trí Tâm lược ghi

Giọng đọc : Cư sĩ Diệu Danh

Mới đó mà đã 30 năm rồi. Thời gian trôi nhanh như “ngựa con chạy băng qua cửa sổ“. Đó là câu ví của Ông Bà ta ngày xưa. Dĩ nhiên mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ, mỗi tháng có 30 hay 29 ngày nếu tính theo âm lịch và mỗi năm có 365 ngày. Như vậy 30 năm là con số không nhỏ để làm con số nhân thành 30×365=10.950 ngày. Ngày xưa người ta thường nói rằng: “ba vạn sáu ngàn ngày“ để ám chỉ cho 100 năm; nhưng một trăm năm ấy liệu có là móc ngoặc dài lâu hay còn chứa đựng một ý nghĩa gì khác nữa? Ca dao xứ Huế có câu rằng:

Trăm năm trước thì ta chẳng có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi.

Đúng là như vậy! dầu có sống cho đến 100 năm đi nữa thì chúng ta cũng sẽ chẳng còn gì; chỉ có lòng từ bi là có thể tồn tại với đời nầy mà thôi. Vậy trong 30 năm của Chi Hội ba vùng thuộc miền Trung xứ Đức nầy đã gặt hái được những gì? Ở đây chúng ta có thể làm một bài tóan cộng hay một bài tóan nhân để người đời sau theo vết chim Di ấy mà có thể tìm lại lúc ban đầu.

Khi đến hoằng truyền Phật Pháp tại xứ Đức nầy chắc rằng Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển cũng đã chẳng hình dung ra được là gần 40 năm qua Người đã xây dựng nên Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Đức Quốc, rồi thành lập Hội Phật Tử Việt Nam tỵ nạn tại Đức từ năm 1978. Kế tiếp theo thành lập 23 Chi Hội và Ban Liên Lạc cũng như 7 Gia Đình Phật Tử. Theo Hòa Thượng từ những năm 1978, 1979 tại xứ Đức nầy chỉ có một người duy nhất biết mặc áo tràng lễ và biết tụng Kinh gõ mõ; nhưng bây giờ sau gần 40 năm của nước Đức hay 30 năm của Chi Hội ba vùng nầy, con số Phật Tử biết Quy Y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, ăn chay trường hay ăn chay kỳ cũng như thọ Bồ Tát Giới tại gia đã lên hơn con số ngàn, cũng có thể nói là con số vạn cho cả nước Đức nầy. Đó là cách tính theo cấp số nhân, mà nếu lũy thừa lên nữa thì chắc rằng còn cao hơn như thế. Điều nầy chẳng phải “muốn là được“ như tục ngữ Pháp đã nói; nhưng ở đây phải nói là “Phật đã bổ xứ Thầy về đây“ và mọi ước nguyện hầu như được viên thành.

Những ngày đầu còn chân ướt chân ráo mới từ Nhật Bản qua Đức (1977), Người đã không nệ hà đường sá xa xôi, quan san cách trở; chẳng nệ hà gian lao khổ cực khi mọi người còn mới mẻ ở nước định cư thứ ba nầy. Thầy chính là Người đã tạo nên cơ duyên nối kết lại những người con Phật với nhau, cũ cũng như mới, thân cũng như sơ, Nam cũng như Bắc… Do vậy mà số lượng Phật Tử càng ngày càng đông. Đầu tiên tại Nürnberg cũng chỉ có một vài Gia Đình thuần thành đã quy y Tam Bảo từ Việt Nam, trong đó có Gia Đình Đạo Hữu Đức Hương Hồ Thanh, Gia Đình Đạo Hữu Quảng Ngộ Hồ Chuyên, Gia Đình của Bác Diệu Hương Võ thị Lý Diệu Lộc Võ Thị Lợi, Gia Đình Đạo Hữu Diệu Thiện Tiêu Thị Thì và Gia Đình Đạo Hữu Nguyễn Văn Cửu, sau nầy được bầu làm Chi Hội Trưởng đầu tiên nhân một bữa lễ Phật định kỳ vào tháng 10 năm 1984 tại một Hội Trường được thuê mướn ở Nürnberg. Ngày ấy chỉ có một số Gia Đình căn bản, chắc cũng không qúa 50 người và Gia Đình Phật Tử Chánh Dũng cũng đã được Hòa Thượng Phương Trượng thành lập cách sau đó cũng nhiều năm. Rồi Đạo Hữu Cửu mãn nhiệm, Đạo Hữu Quảng Ngộ lên làm Chi Hội Trưởng trong một thời gian, sau đó Gia Đình Đạo Hữu Quảng Ngộ dời về Hannover để sống gần chùa Viên Giác; nên Đạo Hữu Đức Hương Hồ Thanh đã đứng ra gánh vác nhiệm vụ Chi Hội Trưởng trong nhiều năm liên tục như vậy; nhất là thời gian 1989,1990 là thời điểm mà bức tường Berlin sụp đổ, đã có nhiều Anh Chị Em đang lao động bên Đông Đức chạy qua xin tỵ nạn tại Tây Đức, thì đây là thời điểm mà Đạo Hữu Chi Hội Trưởng Đức Hương cũng như những vị khác trong Ban Chấp Hành của Chi Hội ba vùng bận rộn nhất để giúp đỡ việc hội nhập cho những người đồng hương đến từ phía Đông nầy và đây cũng là điểm son của Chi Hội ba vùng đã cùng với các Chi Hội khác trên nước Đức đứng ra cưu mang giúp đỡ cho những người mới đến. Mới đó mà cũng đã 27 năm rồi (1989-2016). Thi ân thì không cầu báo, như Ông Bà ta vẫn thường hay truyền dạy; nhưng người chịu ân thì không bao giờ quên; nên ngày nay hình ảnh của những Gia Đình trẻ về chùa Viên Giác, chùa Linh Thứu hay Niệm Phật Đường Viên Âm còn mang theo con cái của mình nữa; nên không khí sinh hoạt của các chùa lại trẻ trung hẳn lên. Đó cũng là cách báo ân của những người mà các chùa nầy đã cưu mang họ trong lúc chân ướt chân ráo mới đến vùng Tây Đức nầy. Hoàn cảnh của Nürnberg hơi khác một chút; nhưng đây cũng không phải là điều ngoại lệ.

Có một điều mà Đạo Hữu Đức Hương luôn quan tâm khi còn làm Chi Hội Trưởng cũng như ngay cả bây giờ là làm sao phải tạo mãi một nơi để làm một ngôi chùa thực sự; duyên ấy vẫn chưa đến; nên Đạo Hữu có vẻ buồn; nhưng tất cả đều do nhân duyên, mà nhân duyên chưa thành tựu thì đành phải đợi chờ vậy. Có nhiều điều mình mong muốn mà vẫn không thực hiện được; ngược lại có những cái mình không muốn, không đợi, không chờ; nhưng nó vẫn đến không ngừng. Cho nên Đức Phật đã dạy cho chúng ta thuyết “Duyên Sanh“ là vậy. Cái nầy sanh nên cái kia sanh; cái nầy diệt cho nên cái kia diệt. Cái nầy không cho nên cái khác cũng không; cái nầy có cho nên cái kia có. Đó chính là Nhân Duyên và đó chính là Duyên Sanh vậy. Sau nầy khi Phật Tử Nguyên Hưng Nguyễn Tăng Lộc lên làm Chi Hội Trưởng thì Chi Hội đã thuê được một tầng nhà như trong hiện tại để làm Niệm Phật Đường. Mỗi lần lễ Vu Lan hay Phật Đản cũng như Tết và rằm tháng giêng cũng như những khóa huân tu khác quy tụ cả hằng trăm người, nhiều khi tìm chỗ đứng trong Niệm Phật Đường cũng còn khó, đừng nói gì đến việc tìm chỗ ngồi. Nhưng mọi người vẫn vui vẻ hàn huyên tâm sự khi có cơ hội gặp nhau và nhất là trong những giờ nghỉ giải lao thì chuyện nào cũng dòn như người ta rang bắp vậy.

Nói về Gia Đình Phật Tử Chánh Dũng thì cũng không quên những Bác Gia Trưởng như Đạo Hữu Thiện Giác Trương Văn Tảo, Đạo Hữu Thiện Phương Nguyễn Thái Nam và bây giờ là Đạo Hữu… Bùi Thanh Hùng cũng như Liên Đòan Trưởng của Gia Đình Phật Tử Chánh Dũng đầu tiên là Đạo Hữu Chúc Phước Trần Hữu Đức. Tất cả đều vì đàn con, đàn cháu của mình mà trưởng dưỡng đạo tâm cho các em nầy. Ban văn nghệ của Gia Đình Phật Tử Chánh Dũng tại Nürnberg là một trong những Ban Văn Nghệ điêu luyện nhất trong những điệu múa, vũ truyền thống Dân Tộc và Phật Giáo. Mặc dầu ở rất xa chùa Viên Giác Hannover; nhưng lúc nào các Anh Chị Huynh Trưởng và các Em Đoàn Sinh của Gia Đình nầy về chùa trong những dịp lễ Phật Đản hay Vu Lan lúc nào cũng đầy một xe Bus 50 chỗ. Thời gian như vậy cũng đã hơn 20 năm rồi. Những em ngày xưa là Oanh Vũ, bây giờ đã là những Huynh Trưởng, biết cầm Đoàn, cầm Đội. Một số Em đã rời khỏi tổ ấm của Gia Đình Phật Tử, bây giờ trở về lại đây với tay bồng tay bế và con của những em nầy tiếp tục con đường mà cha mẹ chúng đã đi. Đúng là “tre tàn măng mọc“ là như vậy. Có nhiều em học rất giỏi, thi toán toàn quốc của nước Đức được đổ đầu với lứa tuổi 11, 12. Quả là không hổ danh của người Việt khi đến tỵ nạn tại xứ Đức nầy. Chúng ta đến đây ban đầu cái gì cũng nhờ vả người địa phương; nhưng bây giờ chính là lúc chúng ta trả ơn lại cho chính phủ và nhân dân Đức bằng cách đóng thuế khi đi làm hay góp phần xây dựng quê hương thứ hai nầy bằng con đường văn hóa và văn học cũng như những bộ môn khác. Hơn 4 triệu người Việt Nam hiện có mặt trên 140 quốc gia trên thế giới ngày nay họ cũng đang thực hiện nhiệm vụ và bổn phận nầy.

Nhiều người Phật Tử trong ba vùng của Chi Hội bây giờ tụng Kinh Lăng Ngjhiêm đã theo kịp Quý Thầy. Họ cũng hay tụng kinh bộ như: Địa Tạng, Pháp Hoa, Lương Hoàng Sám v.v… Cũng nhờ chư Tôn Đức trong Chi Bộ cũng như trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu hay về đây thường xuyên; nên tinh thần học và hiểu Phật Pháp rất thâm sâu và tín tâm rất kiên cố; chỉ tiếc một điều là chưa có Thầy Cô nào trụ lại đây lâu dài được. Đầu tiên là Thầy Hạnh Từ và Thầy Hạnh An, sau đó là Thầy Hạnh Nhẫn rồi Thầy Giác Trí… nhưng cuối cùng rồi các vị ấy cũng đã ra đi. Hãy nói đến hai chữ “nhân duyên“ để giải quyết mọi việc vậy. Lúc đó tâm ta mới an; nếu không thì chúng ta sẽ đổ thừa là tại cái nầy hay tại cái kia, mà trên thực tế thì tại nhân duyên chưa hội đủ vậy.

Tìm Thầy giỏi thì ai cũng mong muốn; nhưng học trò quá dỡ thì sao? Hay ngược lại, học trò thì giỏi còn Thầy, Cô lại không đủ khả năng để hướng dẫn Phật Tử v.v… quả là những điều nghịch lý, không thuận chiều như chúng ta muốn; nhưng đã gọi là nhân duyên, thôi thì cứ để cho nhân duyên an bày vậy. Đó là điều hy vọng làm sao tại ba vùng nầy sẽ có một ngôi chùa thực thụ mang tên Viên Âm; một âm thanh giáo pháp vi diệu tròn đầy như cái tên mà Hòa Thượng Phương Trượng đã có ý khi đặt hiệu cho Niệm Phật Đường nầy và cũng mong sao tại đây cũng sẽ có một Thầy hay Sư Cô nào đó nếu thuận duyên thì hãy ở đây lâu hơn để hướng dẫn tinh thần cho các Phật Tử tại địa phương thì không những chỉ có Gia Đình Đạo Hữu Đức Hương mà còn hằng trăm Gia Đình Phật Tử khác tại ba vùng Nürnberg, Fürth, Erlangen nầy sẽ hoan hỷ vô cùng và hy vọng ngày ấy sẽ đến không xa với những người con Phật có đầy đủ thành tâm cũng như thiện ý của những người đang hy vọng ở điều nầy.

„Niềm tin vốn là công đức sinh ra tất cả chư Phật“ như trong Kinh Hoa Nghiêm mà chư Phật đã hằng dạy. Do vậy, khi chúng ta có bất cứ việc gì khởi đi từ niềm tin vững chải vào ba ngôi Tam Bảo thì chắc rằng dẫu cho việc ấy có to lớn đến đâu đi chăng nữa thì chúng ta cũng có thể cưu mang cho đến ngày thành tựu viên mãn, giống như âm thanh tròn đầy của Niệm Phật Đường khi mọi người lắng tai nghe Pháp của chư Tôn Đức Tăng Ni trao truyền, thì đó mới xứng đáng là nơi chốn tam biên của ba vùng vốn xưa nay đã có tinh thần gắn bó, đoàn kết keo sơn và đã trải qua 30 năm mà còn có chiều hướng thăng tiến hơn xưa nữa.

Xin chấp tay nguyện cầu sẽ được hoàn hảo như vậy.