Home » Tàng Kinh Các » Sự Sống và Chết của hữu tình, sự Thành và Hoại của khí thế gian

Sự Sống và Chết của hữu tình, sự Thành và Hoại của khí thế gian

Mục Tàng Kinh Các

Thế nào là chết ?

Nghĩa là thọ mạng hết nên dẫn đến chết. Ở đây lại có ba loại:

  1. Thọ lượng hết.
  2. Phước báo hết.
  3. Không tránh khỏi các trường hợp không bình đẳng. Nên biết, đấy cũng là chết hợp thời, không hợp thời. Hoặc do tâm thiện, hoặc do tâm bất thiện, vô ký.
  1. Thế nào là thọ lượng hết, nên chết? Tức như có trường hợp cảm nhận thuận hợp là thọ lượng đã đủ, hết, nên chết. Ðây gọi là chết hợp thời.
  2. Thế nào là phước báo hết, nên chết? Tức như có trường hợp của cải, vật dụng bị thiếu, nên chết.
  3. Thế nào là không tránh khỏi các trường hợp không bình đẳng, nên chết? Như Ðức Thế Tôn đã nói có chín nhân chín duyên, khiến chưa hết thọ lượng mà chết.

Những gì là chín? Ðó là:

  1. Ăn uống không hạn lượng.
  2. Ăn uống những thứ không thích hợp.
  3. Ăn uống không tiêu lại ăn nữa.
  4. Ăn vật sống không nôn ra.
  5. Ăn vật chín thì giữ chặt.
  6. Không gần gũi thầy thuốc.
  7. Không biết đối với bản thân nên tăng hay giảm.
  8. Hành phi Phạm hạnh không đúng thời.
  9. Hành phi Phạm hạnh không hạn lượng.

Ðây gọi là chết không phải thời.

  1. Thế nào là chết với tâm thiện? Tức như có người, lúc sắp mạng chung, tự nhớ lại những pháp thiện từng làm lúc trước. Hoặc là do người khác khiến kẻ ấy nhớ nghĩ. Vì nhân duyên ấy nên bấy giờ, các pháp thiện như tín v.v… hiện hành nơi đâu, cho đến khi tưởng thô hiện hành, hoặc tưởng vi tế hiện hành, tâm thiện liền xả, chỉ trụ nơi tâm vô ký. Vì sao? Vì vào lúc này, đối với các pháp thiện đã từng hành xử cũng không thể nhớ lại, người khác cũng không thể khiến cho nhớ lại.
  2. Thế nào là chết với tâm bất thiện? Cũng như có một người khi sắp mạng chung, tự nhớ nghĩ về các pháp ác quen làm lúc trước. Hoặc lại do kẻ khác khiến mình nhớ nghĩ. Người ấy, bấy giờ, các pháp bất thiện như tham, sân v.v… cùng kết hợp, hiện hành nơi tâm, cho đến khi các tưởng thô, tế hiện hành, như trước đã nói ở phần tâm thiện.

Lại, tâm thiện lúc chết thì an vui mà chết. Khi mạng sắp hết, không có những khổ thọ cùng cực bức bách nơi thân. Còn tâm ác lúc chết thì khổ não mà chết. Lúc sắp mạng chung, các thứ khổ thọ cực nặng bức bách nơi thân.

Lại nữa, người chết với tâm thiện, thấy sắc tướng không loạn. Còn người chết với tâm bất thiện thì thấy sắc tướng loạn động.

  1. Thế nào là chết với tâm vô ký? Nghĩa là, người hành thiện, hành bất thiện, hoặc người không hành thiện cũng không hành ác, khi sắp qua đời, tự mình không thể nhớ nghĩ, cũng không người khác khiến nhớ lại. Bấy giờ, người ấy chết với tâm chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện, đã không an vui mà chết, cũng không khổ não mà chết. Lại, Bổ-đặc-già-la (chúng sanh) hành thiện, bất thiện, lúc sắp mạng chung, hoặc tự nhiên nhớ lại các việc thiện, bất thiện đã làm từ trước, hoặc do người khác khiến nhớ lại. Bấy giờ, người ấy đối với nhiều việc đã từng hành xử, việc nào có sức mạnh nhất thì tâm riêng ghi nhớ, ngoài ra thảy đều quên. Nếu nơi các việc từng quen làm về thiện, bất thiện ngang nhau, người đó, vào lúc ấy sẽ theo tâm niệm đầu tiên tự nhớ nghĩ, hoặc do người khác khiến nhớ nghĩ, chỉ giữ mỗi tâm niệm này, không bỏ, cũng không khởi tâm niệm khác. Người đó, vào lúc ấy, do hai thứ nhân làm lực tăng thượng mà liền qua đời. Nghĩa là nhân làm lực tăng thượng ưa chấp nơi hý luận và nhân làm lực tăng thượng của nghiệp tịnh, bất tịnh.

Khi thọ nhận kết quả do nghiệp trước dẫn dắt rồi, nếu lại tạo nghiệp bất thiện, thì ngay lúc đó sẽ thọ nhận các nghiệp bất thiện đã tạo trước, cũng là chỗ hiện bày tướng trước của quả không yêu thích, giống như trong mộng thấy vô số thứ sắc tướng quái dị biến hiện. Dựa nơi tướng ấy, Ðức Bạc-già-phạm (Thế Tôn) dạy: Nếu có người trước tạo nghiệp ác bất thiện và làm cho tăng trưởng, người đó, nơi bấy giờ như mặt Trời về cuối ngày, hoặc như bóng của những đỉnh núi cao lớp lớp cùng treo che, che khắp, che hoàn toàn. Nên biết, chúng sanh như thế là từ sáng đi vào tối.

Nếu người trước thọ kết quả của nghiệp bất thiện, mà tu tập pháp thiện, cùng với trường hợp trên trái nhau, nên biết chúng sanh như vậy là từ tối đi vào sáng. Sự khác biệt ở đây, là người tạo nghiệp thiện, khi sắp mạng chung, cũng như trong mộng thấy vô số thứ hình sắc không quái dị biến hiện, vừa ý cùng sanh.

Nếu kẻ tạo nghiệp bất thiện tột cùng, do thấy các tướng quái dị biến hiện như thế, nên vã mồ hôi, lông tóc dựng ngược, tay chân bấn loạn, quờ quạng lung tung, mất hẳn nẻo bài tiết, tròng mắt trợn trừng, miệng thều thào. Người đó, lúc này có những tướng quái dị như thế biến hiện, sanh khởi.

Nếu là kẻ tạo nghiệp bất thiện trung bình, thì trong hoàn cảnh ấy, những tướng quái dị biến hiện kia hoặc có hoặc không, dù có thì cũng không đủ.

Lại nữa, các chúng sanh khi sắp mạng chung, nhưng tâm tưởng chưa hoàn toàn mê muội, Ngã ái được hành xử lúc sanh thời liền hiện hành, do sức mạnh này, nên cho Ngã hiện có là không, bèn tham ái tự thân, vì thế đã kiến lập nên sanh báo của trung hữu.

Nếu người đạt quả Dự lưu và quả Nhất lai, thì vào lúc ấy, Ngã ái cũng lại hiện hành, song ở hai quả này, đối với Ngã ái, luôn luôn bị sức mạng của trí tuệ suy tìm, chế ngự nên không thể bám víu. Cũng như hai kẻ mạnh, yếu đánh nhau, tất người mạnh sẽ thắng kẻ yếu. Nên biết ở đây, giữa sức mạnh của trí tuệ và Ngã ái cũng vậy.

Nếu là người đạt quả Bất hoàn, thì trong trường hợp này, Ngã ái không còn hiện hành.

Lại, nếu giải thích đầy đủ, thì trừ cõi Trời và cõi Ðịa ngục, tất cả xứ sanh khác đều có Ngã ái hiện hành. Ở đây lại có hai thức: nặng và nhẹ. Nặng tức là kẻ tạo nghiệp ác. Nhẹ nghĩa là người nghiệp thiện. Nơi châu Bắc-câu-lô thì tất cả chúng sanh đều thuộc loại nhẹ. Ở Sắc giới, lúc chết đều đủ các căn. Nơi cõi Dục khi chết tùy theo căn hiện có, hoặc đủ hoặc không đủ.

Lại nữa, bậc giải thoát thanh tịnh qua đời, gọi là “Ðiều phục nẻo thiện, chết”. Kẻ không thanh tịnh không giải thoát chết, gọi là “không điều phục nẻo thiện, chết”.

Lại nữa, kẻ tạo nghiệp ác, lúc sắp mạng chung, thì thức ở nơi chỗ dựa, từ phần trên xả bỏ, tức từ phần trên có cảm giác lạnh lẽo theo thức dấy khởi. Như thế dần dần xả bỏ cho tới quả tim.

Người tạo nghiệp thiện, thì thức ở nơi chỗ dựa, từ phần dưới xả bỏ, tức từ phần dưới có cảm giác lạnh lẽo, theo thức dấy khởi. Như vậy, dần dần xả bỏ cho tới chỗ quả tim. Nên biết, sau thức chỉ còn chỗ quả tim là xả bỏ sau cùng. Từ đó, cảm giác lạnh lẽo lan khắp toàn thân.

Thế nào là sanh ?

Do Ngã ái không gián đoạn đã sanh, phần nhân ưa chấp bám nơi hý luận từ vô thỉ đã huân tập, phần nhân của nghiệp tịnh, bất tịnh đã huân tập, thể được nương dựa của kẻ kia, do hai thứ nhân làm lực tăng thượng từ nơi chủng tử của mình, tức ở trong xứ ấy, dị thục không gián đoạn của trung hữu được sanh. Chết và sanh đồng thời, như hai đầu của cái cân lúc lên cao xuống thấp đồng thời, và thân trung hữu ấy tất gồm đủ các căn.

Kẻ tạo nghiệp ác thì thân trung hữu có được như bóng sáng của loài dê đen xứ Hồ, hoặc như đêm tối âm u.

Người tạo nghiệp thiện, thân trung hữu đạt được như ánh sáng của chiếc áo trắng, hoặc như đêm Trời quang tạnh.

Lại, thân trung hữu này là đối tượng hành của thiên nhãn thanh tịnh tột bậc. Lúc thân trung hữu được sanh, thì loại Ngã ái có trước không còn hiện hành nữa, do thức đã trụ, nhưng đối với cảnh giới lại dấy khởi tham ái về hý luận, theo chốn sẽ sanh, thân trung hữu sẽ giống với hình tướng của chốn kia mà sanh.

Lại, mắt của thân trung hữu cũng như thiên nhãn không có chướng ngại, chỉ mỗi việc hướng tới nơi sanh, không bị ngăn ngại như được thần thông, cũng chỉ một mạch đi đến chốn sanh.

Lại do mắt ấy nên trung hữu thấy được các chúng sanh trung hữu đồng loại với mình, cùng thấy được nơi chốn sẽ sanh của tự thân.

Lại nữa, kẻ tạo nghiệp ác, mắt nhìn việc tịnh kém, cúi mặt mà đi. Người sanh đến cõi Trời thì đi lên. Kẻ sanh vào cõi người thì đi ngang.

Lại nữa, thân trung hữu này, nếu chưa có được nhân duyên sanh thì được trụ tối đa là bảy ngày. Nếu có được nhân duyên sanh thì thời gian trụ không nhất định. Quá bảy ngày, nếu vẫn chưa có được nhân duyên sanh thì chết đi rồi sanh lại, được trụ tối đa là bảy ngày. Như thế, lần lượt, nếu chưa có được nhân duyên sanh, thì được trụ nơi bảy lần bảy ngày, từ đấy về sau quyết định có được nhân duyên sanh.

Lại nữa, thân trung hữu này quá bảy ngày chết rồi, hoặc tức ở nơi loài ấy sanh, hoặc do nghiệp khác có thể chuyển đổi, nên chủng tử của trung hữu chuyển đổi, bèn sanh vào loài khác.

Lại nữa, thân trung hữu này có đủ thứ loại tên gọi. Hoặc gọi là trung hữu, do ở giữa hai hữu chết sống sanh ra. Hoặc gọi là “Kiện đạt phược”, tức do tìm mùi hương mà đi, vì hương là chỗ nhờ dựa để tồn tại. Hoặc gọi là “ý hành”, do ý làm chỗ nương để đi tới chốn sanh. Ðây là nói thân đi đến, chẳng phải duyên nơi tâm để đi đến. Hoặc gọi là “thú sanh”, do đối nơi sanh hữu dấy khởi. Nên biết, chỉ trừ cõi Vô sắc, tất cả xứ sanh khác đều có thân trung hữu.

Lại nữa, người tạo nghiệp ác, như giết mổ các loài dê, gà, heo v.v… tùy theo từng loại, do trụ nơi chúng đồng phận là “bất luật nghi” (giới ác) nên tạo cảm ứng với nghiệp ác, bất thiện của Ðịa ngục và làm cho tăng trưởng; kẻ ấy, bấy giờ, cũng như ở trong mộng, từ nơi nghiệp ác bất thiện kia, có được chốn sanh, trở lại thấy các loại chúng sanh như thế cùng các sự việc giết mổ dê, gà v.v… do chỗ hành xử trước đây, nên vui thích, vội vàng đi tới đó, liền bị cảnh sắc của chốn sanh ngăn cản, trung hữu bèn diệt, sanh hữu nối tiếp dấy khởi. Lúc trung hữu sắp mất, cũng như tử hữu ở trước, thấy các sắc tướng rối loạn. Như vậy, cho đến sự lý sanh diệt, nên biết cũng như trước đã nêu.

Lại nữa, trung hữu kia lúc sanh chỉ là hóa sanh, sáu xứ đầy đủ, do dấy khởi tâm này mà vội vàng đi tới chốn sanh: “Ta cùng với các chúng sanh kia vui chơi, thọ lạc, thực hành các ngành nghề!”. Trung hữu ấy, bấy giờ do điên đảo, nghĩa là tạo ra các loại sự việc, cùng có cảm nhận về nóng lạnh. Nếu lìa bỏ vọng kiến thì với hình tướng như vậy, hãy còn không dẫn đến ham muốn, huống hồ là vội đi tới chốn đó. Nhưng không đi tới chốn ấy thì lại không thể sanh. Nếu ở chốn Ðịa ngục như thế thì ở các chốn sanh khác tương tợ với Ðịa ngục, hoặc sanh vào cõi quỷ như loài quỷ bướu cổ, nên biết cũng vậy.

Lại nữa, nơi các loài quỷ khác, loài bàng sanh (súc sanh) loài người, cùng trong chúng đồng phận với chư Thiên thuộc cõi Dục, cõi Sắc, lúc sắp thọ sanh, đối với chốn sanh sắp tới, thấy các chúng sanh đồng loại với mình thật hợp ý, do đấy dấy khởi niệm ham muốn, thích thú liền đi đến chốn sanh và bị vướng buộc ở đấy. Sự lý chết rồi sanh, nên biết như đã nói ở trước.

Lại nữa, do ba xứ (yếu tố) hiện tiền nên được vào thai mẹ:

  1. Người mẹ tâm ý vui thích, thuận hợp, lại đúng thời.
  2. Cha mẹ hòa hợp, cùng khởi niệm ái nhiễm.
  3. Kiện -đạt-phược (trung hữu) hiện tiền đúng lúc.

Lại không có ba thứ chướng ngại:

  1. Trở ngại do đường sanh sản.
  2. Trở ngại do chủng tử.
  3. Trở ngại do túc nghiệp.
  1. Thế nào là trở ngại do đường sanh sản? Nghĩa là, hoặc nơi sanh bị gió, nóng dữ bức bách. Hoặc trong sản môn có những dị tật, hoặc luôn bị uế trược v.v…
  2. Thế nào là trở ngại do chủng tử? Nghĩa là hoặc cha xuất chất bất tịnh, mẹ không xuất. Hoặc ngược lại, hoặc cả hai đều không xuất. Hoặc tinh của cha bị hư, hoặc tinh mẹ hư, hoặc cả hai đều bị hư.
  3. Thế nào là trở ngại do túc nghiệp? Tức là hoặc cha hoặc mẹ không khởi, không làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên con cái, hoặc cả hai đều không. Hoặc chúng sanh ấy không dấy khởi, không làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên cha mẹ. Hoặc cha mẹ của chúng sanh ấy đã dấy khởi, làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên con cái khác. Hoặc chúng sanh ấy đã dấy khởi, làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên cha mẹ khác. Hoặc ý muốn về hành nghiệp tạo nên một tộc họ danh giá. Hoặc ý muốn về hành nghiệp tạo nên một tộc họ không danh giá. Các trường hợp như vậy gọi là những trở ngại do túc nghiệp.

Nếu không có ba thứ trở ngại như vậy, với ba yếu tố kể trên hiện tiền thì được nhập vào thai mẹ. Chúng sanh kia ở cõi trung hữu hiện có tự thấy cùng với các hữu tình đồng loại vui thích, thuận hợp, đối với nơi chốn sanh dấy khởi niệm mong cầu dẫn tới ham muốn. Bấy giờ, thấy cha mẹ cùng hành hạnh tà, tinh huyết xuất ra, bèn khởi tưởng điên đảo: Tức không cho là cha mẹ đang cùng hành hạnh tà mà nghĩ ngược lại, thấy chính mình tự hành, sau đấy lại khởi niệm tham ái. Nếu hiện muốn làm thân nữ, liền đối với người cha dấy ý tham muốn kết hợp. Nếu hiện muốn làm thân nam, tức đối nơi người mẹ dấy ý tham muốn kết hợp.

Như thế, dẫn tới tình trạng bức bách. Nếu là nữ, tức đối với người mẹ muốn tránh xa. Nếu là nam thì đối nơi người cha, tâm trạng cũng lại như vậy. Sanh khởi ý muốn ấy tòi, hoặc chỉ thấy người nam, hoặc chỉ thấy người nữ, cứ thế, dần dần tiếp cạn nơi chốn kia. Cứ thế, dần dà không còn thấy phần thân khác của cha mẹ, chỉ thấy mỗi căn môn của nam, nữ, và ngay ở nơi ấy liền bị kết buộc. Nên biết sự lý của tử, sanh là như vậy.

Nếu là kẻ phước kém, sẽ sanh vào nhà hạ tiện. Chúng sanh ấy vào lúc chết (tử) và lúc nhập thai (sanh) liền bị nghe vô số các thứ âm thanh hỗn loạn và tự vọng thấy đi vào chốn rừng rậm đầy những tre, lau gai góc.

Nếu là người phước nhiều, tức sẽ sanh vào gia đình tôn quý. Chúng sanh ấy vào lúc chết và lúc nhập thai, liền tự được nghe những âm thanh êm dịu, vắng lặng, hợp ý, cũng tự vọng thấy những tướng vừa ý hiện bày, như đi lên cung điện v.v… Bấy giờ, sự tham ái của cha mẹ cùng đạt đến cực điểm, là sự quyết định sau rốt, mỗi người đều xuất ra một giọt tinh huyết đậm đặc, hòa hợp và trụ nơi thai mẹ, kết làm một đoạn, giống như sữa nóng lúc đông đặc. Chính ở nơi ấy, tính chất dị thục của tất cả chủng tử đã được thâu tóm, nhận giữ nơi đối tượng được nhờ dựa là thức A-lại-da, hòa hợp và nương gá vào.

Thế nào là hòa hợp, nương gá? Ðó là chỗ tinh huyết đậm đặc được xuất ra kết hợp thành một đoạn, cùng với trung hữu khi khởi duyên điên đảo đều diệt. Ðồng thời cùng diệt, tức do sức từ công năng của tất cả chủng tử nơi thức, nên có căn vi tế khác cùng với đại chủng hòa hợp sanh khởi. Lại có căn khác cùng phân chia chỗ tinh huyết hòa hợp, nương nhau sanh. Lúc này gọi là thức đã trụ, đã “kết sanh tương tục”, tức ở đây gọi là vị Yết-la-lam. Trong yết-la-lam ấy có đại chủng của các căn, chỉ cùng với thân căn và đại chủng nơi chỗ dựa của căn đồng thời sanh do sức mạnh của thân căn này cùng sanh với đại chủng của các căn, nên các căn như mắt v.v… thứ lớp được sanh. Lại, cũng do sức mạnh của thân căn ấy cùng sanh với đại chủng thuộc nơi chốn nương dựa của căn, nên chốn nương của các căn lần lượt được sanh ra. Do các căn này và nơi chốn nương dựa được sanh khởi đầy đủ, nên gọi là được thành tựu chỗ nương dựa một cách viên mãn. Lại, sắc của yết-la-lam này, cùng với tâm, tâm sở, đồng chung an nguy nên gọi là nương gá. Do sức mạnh từ sự nương gá của tâm, tâm sở, nên sắc không bị hủy hoại. Do sắc tăng, giảm nên tâm, tâm sở kia cũng tăng giảm, vì vậy gọi là chúng cùng đồng an nguy.

Lại nữa, chốn nương gá đầu tiên của thức thuộc yết-la-lam được gọi là nhục tâm (quả tim). Như vậy, thức ở chốn đó nương gá trước tiên, nên đó cũng là nơi xả bỏ sau cùng.

Lại nữa, tất cả chủng tử ấy nơi thức, nếu là “Pháp Bát-niết-bàn”, thì tất cả chủng tử thảy đều đầy đủ, nếu là “Pháp chẳng Bát-niết-bàn” thì thiếu ba thứ chủng tử Bồ đề. Theo trong tự thể của nơi chốn sanh, chủng tử của thể khác thảy đều gắn kết. Do đó, trong tự thể của cõi Dục cũng có tất cả chủng tử của cõi Sắc, cõi Vô sắc. Như vậy, trong tự thể của cõi Sắc cũng có hết thảy chủng tử của cõi Dục, cõi Vô sắc. Nơi tự thể của cõi Vô sắc cũng có tất cả chủng tử của cõi Dục, cõi Sắc.

Lại, thời gian yết-la-lam dần dần tăng trưởng, gọi là cùng với sắc tăng trưởng như nhau, cả hai đều dần dần rộng lớn, tăng trưởng như thế cho đến khi có được sự nương dựa viên mãn. Nên biết, trong giai đoạn này, do địa giới nên việc tạo sắc của sự nương dựa dần dần thêm rộng. Do thủy giới thâu tóm, gìn giữ nên không bị tan hoại. Nhờ hỏa giới nên yết-la-lam thành thục, cứng chắc. Do không bị thấm ướt, do phong giới nên các chi phần được phân biệt, mỗi thứ đều an định nơi vị trí của mình.

Lại, tất cả chủng tử nơi thức, đối với tự thể sanh tuy có nhân của nghiệp tịnh, bất tịnh, nhưng chỉ ưa thích tham vướng nơi hý luận là nhân hơn hết, và nơi quả về tộc họ, sức khỏe, sắc đẹp, thọ mạng, của cải v.v… thì nghiệp tịnh, bất tịnh là nhân tối thắng.

Lại, hàng phàm phu đối với tự thể chấp cho là Ngã, Ngã sở cùng dấy khởi Ngã mạn. Còn hết thảy bậc Thánh thì quán xét chỉ là khổ.

Lại trong thời gian ở nơi thai, có sự thọ nhận của tự tánh là không khổ không vui, dựa nơi thức thêm lớn. Chỉ có sự thọ nhận của tánh ấy là thuộc về dị thục, còn mọi sự thọ nhận khác hoặc do dị thục sanh ra, hoặc duyên nơi cảnh giới mà sanh.

Lại, về khổ thọ lạc thọ, hoặc có lúc theo duyên hiện khởi, hoặc có khi không khởi.

Lại, thể của chủng tử, từ vô thỉ đến nay luôn nối tiếp không dứt. Tánh tuy có từ vô thỉ, nhưng do chỗ sai biệt của nghiệp tịnh, bất tịnh huân tập phát khởi, luôn luôn mong nhận lấy quả dị thục, nên nói chủng tử là mới. Nếu quả đã sanh thì gọi chủng tử này là đã nhận quả. Do đạo lý này mà sự sanh tử lưu chuyển tương tục không dứt, cho đến khi chưa đạt Bát Niết-bàn.

Lại, các chủng tử chưa dự vào quả, hoặc thuận sanh thọ (đời sau thọ), hoặc thuận hậu thọ (qua hai đời sau thọ). Dù trải qua trăm ngàn kiếp, tất cả tự thể đều từ nơi chủng tử của mình thọ sanh trọn đủ, tuy do quả khác sanh, nhưng chính yếu vẫn do chủng tử của tự thể. Nếu đến khi thọ mạng tận cùng, bấy giờ những chủng tử này được gọi là đã thọ quả. Ngoài ra, các chủng tử của tự thể chưa dự vào quả nên không được gọi là đã thọ nhận quả.

Lại, các chủng tử ở trong thân này tức nên thọ nhận dị thục, duyên không đúng thì không thọ, thuận thì thuộc về thọ bất định, song chủng tử ấy cũng chỉ trụ nơi vị này. Do đó, trong mỗi mỗi tự thể đều có chủng tử của tất cả tự thể. Nếu nơi một xứ có dục nhiễm, tức nói hết thảy xứ có dục nhiễm. Hoặc nơi một xứ được lìa dục, tức nói hết thảy xứ được lìa dục.

Lại, nơi các chủng tử hiện có trong tự thể, nếu thuộc về phần phiền não, thì gọi là thô trọng, cũng gọi là tùy miên. Nếu thuộc về phần dị thục và phần vô ký khác thì chỉ gọi là thô trọng, không gọi là tùy miên. Nếu các chủng tử thuộc về nhóm pháp thiện như tín v.v… thì không gọi là thô trọng, cũng không phải là tùy miên. Vì sao? Vì do lúc những pháp ấy sanh, tự thể của chỗ nương dựa chỉ có khả năng gắng nhận chẳng phải là không thể gắng nhận. Vì thế, hết thảy tự thể của chỗ nương dựa, là chỗ thô trọng tùy thuận, là chỗ thô trọng sanh khởi. Vì là tự tánh của thô trọng, nên chư Phật Như lai đã xác lập là khổ. Ðó là do hành khổ.

Lại, các chủng tử còn có nhiều thứ tên gọi sai biệt: gọi là Giới, hoặc gọi là Chủng tánh, là Tự tánh, là Nhân, là Tát-ca-da (Hữu thân), là Hý luận, là A-lại-da, là Thủ, là Khổ, là nơi chốn nương dựa của thân kiến, là nơi chốn dựa nương của Ngã mạn. Nên biết có những loại tên gọi sai biệt như thế.

Lại, khi Bát Niết-bàn đã được “Chuyển y”, các bậc tịnh hạnh chuyển bỏ chỗ dựa của chủng tử nơi tất cả pháp nhiễm ô. Ðối với chủng tử của tất cả pháp thiện, vô ký, khi chuyển khiến duyên thiếu, chỉ chuyển được nội duyên tự tại.

Lại, ở trong thai trải qua 266 ngày, thì tất cả chi phần của thai tạng ấy thảy đều đầy đủ. Từ đấy trở về sau, lại trải qua bốn ngày nữa mới được sanh ra, như Ðức Bạc-già-phạm, nơi kinh Nhập Thai đã thuyết giảng rộng.

Ở đây, nếu nói thật đầy đủ, thì hoặc trải qua chín tháng hay hơn nữa. Nếu chỉ trải qua tám tháng thì gọi là vừa đủ, không gọi là thật đầy đủ. Còn nếu trải qua bảy tháng, sáu tháng thì không thể gọi là đầy đủ, hoặc lại còn thiếu, giảm.

Lại, trong sáu xứ vị (thời kỳ) của thai tạng này, do người mẹ ăn uống, nên sanh ra vị thô nhuần thấm để được nuôi lớn. Trong thời kỳ vi tế của Yết-la-lam, nên biết là do vị nhuần thấm vi tế kia nuôi lớn.

Lại nữa, thai tạng này có tám thời kỳ khác nhau. Ðó là:

  1. Thời kỳ Yết-la-lam.
  2. Thời kỳ Át-bộ-đàm.
  3. Thời kỳ Bế-thi.
  4. Thời kỳ Kiện nam.
  5. Thời kỳ Bát-la-xa-khư.
  6. Thời kỳ mọc tóc, lông, móng.
  7. Thời kỳ có đủ các căn.
  8. Thời kỳ đạt đủ hình tướng.

Nếu đã kết đọng bên ngoài, bên trong còn lỏng, gọi là Yết-la-lam. Nếu bên trong, bên ngoài sệt lại như lạc (cao sữa) chưa đến thời kỳ thành thịt, gọi là Át-bộ-đàm. Nếu đã thành thịt nhưng còn rất mềm, gọi là Bế-thi. Nếu đã dày, cứng, có thể chịu được sự sờ chạm chút ít, gọi là Kiện nam. Tức nơi “cục thịt” này thêm lớn, tướng của các chi phần hiện bày, gọi là Bát-la-xa-khư. Từ đấy về sau, tóc, lông, móng mọc ra và đây cũng là tên gọi của thời kỳ này. Tiếp theo, các căn như mắt v.v… sanh ra, gọi là thời kỳ có đủ các căn. Sau cùng, nơi chốn nương dựa của các căn hiện ra rõ ràng, đầy đủ, gọi là thời kỳ đạt đủ hình tướng.

Lại, ở trong thai tạng, hoặc do nghiệp lực từ đời trước, hoặc do sức mạnh của những thứ không quân bình, người mẹ không biết kiêng cữ, gió tùy thuận sanh khởi, khiến thai tạng này, hoặc là tóc, hoặc là sắc, hoặc là da, cùng các chi phần khác bị biến dạng khi sanh ra.

Tóc bị biến dạng khi sanh ra: là do chỗ tạo tác của đời trước nên chiêu cảm lấy nghiệp ác, bất thiện ấy. Cũng do người mẹ có thói quen ăn uống quá nhiều vị mặn như muối v.v… khiến cho thai tạng lông tóc thưa thớt.

Sắc bị biến dạng khi sanh ra: tức do nhân của nghiệp từ đời trước như đã nói. Cũng do duyên hiện tại là người mẹ quen gần chỗ nóng bức khiến cho thai tạng có sắc đen đúa khi sanh ra. Hoặc do người mẹ quen ở gần chỗ quá lạnh, khiến thai tạng có sắc trắng bạch khi sanh ra. Lại do người mẹ ăn nhiều thức ăn có tánh chất nóng khiến cho thai tạng lúc sanh ra có sắc đỏ sẫm.

Da bị biến dạng khi sanh ra: tức do nhân của nghiệp từ đời trước, như đã nêu. Cũng do duyên hiện tại là người mẹ quá ham thích dâm dục, khiến cho thai tạng da dẻ xấu xí do ghẻ lở, lác, hủi lúc sanh ra.

Các chi phần bị biến dạng khi sanh ra: nghĩa là do nhân của nghiệp từ đời trước như đã nói. Cũng do nơi duyên hiện tại là người mẹ thường hay chạy nhảy, cùng không biết tránh các sự việc không quân bình, khiến cho chi phần của các căn nơi thai tạng khi sanh ra bị những khuyết tật.

Lại, thai tạng ấy nếu là nữ sẽ ở bên hông trái của người mẹ, lưng dựa vào xương sống, mặt hướng ra phía bụng. Nếu thai tạng là nam thì ở bên hông phải của người mẹ, lưng dựa vào bụng, mặt hướng vào xương sống.

Lại, thai tạng này, lúc đủ ngày đủ tháng, người mẹ không còn kham giữ được nữa, lúc này, gió bên trong liền nổi dậy, tạo nên nhiều đau đớn. Lại, do nghiệp báo của thai tạng ấy phát khởi, làm cho gió của sanh phần dấy lên, khiến đầu của thai nhi hướng xuống, chân quay lên, bọc thai vây buộc chung quanh hướng ra sản môn. Ðúng lúc thoát ra, bọc thai liền bị xé rách, phân thành hai nách. Khi ra khỏi sản môn, mới thực gọi là thời kỳ sanh. Sau khi sanh, xúc giác của sanh phần lần lượt xúc chạm, đó là nhãn xúc cho đến ý xúc. Tiếp theo, tùy chỗ sanh ra, nêu bày các sự việc, tức là theo học về ngôn ngữ chữ nghĩa, các việc thế gian, rồi lại vướng mắc vào đường gia thất, vì để làm lớn mạnh giống nòi, vì các căn đã thành thục. Kế đến là gây dựng sự nghiệp ở đời với các thứ ngành nghề thích hợp, tạo nên cảnh giới thọ dụng, như sắc v.v… đáng yêu thích hay không đáng yêu thích. Thọ nhận khổ vui ấy, là do nhân của nghiệp từ đời trước, hoặc do duyên hiện tại. Theo chỗ dẫn dắt của duyên, hoặc đi đến năm nẻo, hoặc hướng tới Niết bàn.

Lại, các hữu tình (chúng sanh), tuy ở trong loài hữu tình như vậy, khi tự thể sanh, thì chủng loại hữu tình kia, đối với hữu tình này, tạo ra bốn thứ duyên:

  1. Duyên của chủng tử dẫn dắt.
  2. Duyên do ăn uống nuôi dưỡng.
  3. Duyên theo đuổi, giữ gìn.
  4. Duyên theo học tạo tác nghiệp thân, ngữ.

Thứ nhất: tức là duyên của tinh cha huyết mẹ dẫn dắt.
Thứ hai: tự thể của hữu tình kia đã sanh rồi, tức biết chỗ ham muốn của mình, nên tìm cầu việc ăn uống dùng để nuôi lớn.
Thứ ba: là luôn theo đuổi, chuyên tâm giữ gìn, không khiến dấy tạo các hạnh phi thời, những hành không đúng cách.
Thứ tư: là khiến học tập các việc ở thế gian như ngôn ngữ v.v… do để làm lớn mạnh chủng loại, do các căn đã thành tựu.

Ở đây, đối với các phần còn lại, cũng diễn biến theo thứ lớp như thế.

Lại, các loài hữu tình, từ vô thỉ đến nay, thọ nhận khổ, vui, chưa từng đạt được pháp ra khỏi nẻo khổ vui ấy, kể cả chư Phật chưa chứng đắc Bồ đề. Nếu từ nơi người khác nghe được âm thanh, bên trong chánh tư duy, do như vậy mới có thể dứt hết các lậu. Nghĩa của những câu như thế này thật là khó tỏ ngộ, đó là: “Ngã không có, hoặc từng phần, hoặc do cái gì, hoặc do sự việc. Ngã cũng hoàn toàn là không, hoặc từng phần, hoặc do cái gì, hoặc do sự việc”.

Như vậy là đã lược nói về sự tử, sanh của phần bên trong.

Lửa, nước, gió hủy hoại khí thế gian

Thế nào là phần bên ngoài hoặc hoại hoặc thành? Tức là do chỗ tạo tác của các hữu tình chiêu cảm nơi nghiệp thành, hoại. Nếu có sự chiêu cảm nơi nghiệp hoại diệt hiện tiền, bấy giờ liền có duyên hoại diệt bên ngoài dấy khởi, do đấy, phần bên ngoài của các hữu tình kia thảy đều tan hoại, chẳng phải như phần bên trong, do thọ mạng hết. Vì sao? Vì do hết thảy phần sắc thô hiện có, từ bốn đại tạo thành, của phần bên ngoài, luôn trụ trong sự nối tiếp, không phải như phần bên trong.

Lại, chiêu cảm nơi nghiệp hình thành khí thế gian. Nghiệp này quyết định có thể dẫn đến thời gian trụ của kiếp không tăng không giảm. Nếu là hữu tình thì thời gian trụ ấy không quyết định. Vì sao? Do các hữu tình đó tạo tác vô số các loại nghiệp, nên thời gian ấy hoặc hơn một kiếp, hoặc giảm thiểu, cho đến chỉ còn một tuổi.

Lại, kiếp hoại của hữu tình kia do ba thứ tai họa:

  1. Một là tai họa của lửa, có thể hủy hoại thế gian, từ Ðịa ngục Vô gián cho tới cõi Trời Phạm Thế.
  2. Hai là tai họa của nước, có thể hủy hoại hết thảy, cho đến cõi Trời Tĩnh lự thứ hai.
  3. Ba là tai họa của gió, có thể hủy hoại tất cả, cho tới cõi Trời Tĩnh lự thứ ba. Cõi Trời Tĩnh lự thứ tư, không tai họa nào có thể hủy hoại, do thân cùng cung điện của chư Thiên nơi cõi Trời này cùng sanh cùng diệt, lại không thể hủy hoại pháp nhân duyên.

Lại có đảnh của ba tai họa: đó là các cõi Trời Tĩnh lự thứ hai, thứ ba và thứ tư.

Lại, thế gian này có 20 trung kiếp hoại, 20 trung kiếp hoại rồi không, 20 trung kiếp thành, 20 trung kiếp thành rồi trụ. Như thể có 80 trung kiếp giả lập làm một đại kiếp.

Lại, chư Thiên cõi Trời Phạm Thế thọ mạng một kiếp. Kiếp hoại sau cùng ấy cũng là kiếp thành đầu tiên. Nên biết đơn vị kiếp ấy được thành lập có khác nhau. Như nơi cõi Trời Phạm Chúng, 20 trung kiếp hợp làm một kiếp, tức dựa vào kiếp này để nói về tuổi thọ. Ở cõi Trời Phạm Tiền Ích, 40 trung kiếp hợp làm một kiếp, cũng căn cứ vào kiếp này để nói về tuổi thọ. Như nơi cõi Trời Ðại Phạm, 60 trung kiếp hợp làm một kiếp, tức dựa vào kiếp ấy để nói về thọ mạng.

Thế nào là tai họa của lửa có thể hủy hoại thế gian? Ðấy là có thời kỳ, hữu tình ở thế gian thọ mạng là vô hạn, từ đó giảm dần cho đến còn tám vạn tuổi. Các hữu tình lại thọ, hành các pháp bất thiện, nên tuổi thọ chuyển giảm cho đến chỉ còn mười tuổi. Rồi các chúng hữu tình lại đạt được tâm chán lìa, thọ nhận, thực hành pháp thiện, do nhân duyên ấy nên thọ mạng tăng dần dến tám vạn tuổi. Như thế, thọ mạng cứ một lượt giảm một lượt tăng hợp thành một trung kiếp. Trong trung kiếp này lại có ba thứ tai họa nhỏ xuất hiện là đói khát, bệnh tật và binh đao. Tai họa về đói khát xảy ra vào thời kỳ thọ mạng của con người chỉ còn 30 tuổi. Bấy giờ, các thức ăn uống tinh túy bổ dưỡng, không thể có được, chỉ nấu nướng các thứ xương hư nát rồi cùng tụ hội ăn uống. Nếu gặp được một hạt thóc, hạt lúa v.v… thì quý trọng như được châu báu, liền đem cất giấu trong rương, trong hộp, giữ gìn cẩn thận. Các chúng hữu tình thời đó phần nhiều không còn khí lực, nếu bị ngã xuống đất thì không thể đứng dậy nổi. Do đói khát, thiếu thốn nên các loài hữu tình bỏ mạng gần hết. Tai họa đói khát này kéo dài bảy năm bảy tháng bảy ngày bảy đêm mới qua khỏi. Các loài hữu tình còn sống sót lại cùng tụ tập, khởi tâm lìa chán bậc hạ, do nhân duyên này nên tuổi thọ không giảm nữa, tai họa về đói khát liền dứt.

Lại, vào thời kỳ thọ mạng của con người còn 20 tuổi, tâm niệm chán ghét tai họa dấy khởi từ xa xưa, nay bèn buông bỏ. Khi ấy tai họa về tật bệnh, ôn dịch lan trà, nối nhau phát khởi, các hữu tình nào mắc phải những bệnh tật đó phần nhiều đều chết. Tai họa về bệnh tật như thế kéo dài trong bảy tháng bảy ngày bảy đêm mới qua khỏi. Các hữu tình còn sống sót lại cùng tụ tập, dấy khởi tâm chán lìa bậc trung. Do nhân duyên này nên thọ mạng của hữu tình không giảm nữa, tai họa về bệnh tật cũng chấm dứt.

Lại, khi thọ mạng của con người chỉ còn mười tuổi, tâm niệm chán ghét tai họa đã khởi từ xa xưa, nay lại từ bỏ. Bấy giờ, các hữu tình lần lượt gặp nhau, đều khởi tâm giết hại mãnh liệt.

Do nhân duyên ấy, nên tùy theo những vật cầm nắm nơi tay có được như cây cỏ hoặc ngói đá, đều trở thành đao kiếm sắc bén để chém giết tàn hại lẫn nhau, khiến bỏ mạng gần hết. Tai họa về binh đao như vậy kéo dài suốt trong bảy ngày mới qua khỏi. Lúc này, các hữu tình lại có ba thứ suy tổn cùng cực, là suy tổn về thọ mạng, suy tổn về chỗ nương dựa và suy tổn về của cải.

Suy tổn về thọ mạng: đó là tuổi thọ giảm đến mức thấp nhất: chỉ còn mười tuổi.

Suy tổn về chỗ nương dựa: tức về thân tướng, to lớn hết mực cũng chỉ như dấu phảy hoặc bằng nắm tay.

Suy tổn về của cải: là bấy giờ, các hữu tình chỉ dùng hạt bông cỏ trong lúa làm thức ăn bậc nhất, y phục bện bằng tóc là tốt đẹp nhất, vật dụng trang sức thì sắt là quý giá nhất. Năm thứ vị thượng hạng thảy đều biến mất, đấy là tô, mật, dầu, muối và đường mía. Khi đó, các hữu tình lần lượt tập hợp, dấy khởi tâm niệm chán lìa tột cùng, nên tuổi thọ không giảm xuống nữa. Lại có khả năng trừ bỏ các pháp ác bất thiện làm tổn giảm thọ mạng, đồng thời nhận, hành các pháp thiện làm tăng trưởng thọ mạng. Do nhân duyên này nên tuổi thọ, hình sắc, sức khỏe, giàu vui tự tại, đều dần dần tăng trưởng, cho đến thời kỳ thọ mạng của hữu tình đạt tới tám vạn tuổi. Như vậy, 20 lượt giảm, 20 lượt tăng, hợp làm 40 lượt tăng giảm, liền ra khỏi tiếp tục. Nơi lượt tăng sau cùng xong, bấy giờ hữu tình ở cõi Ðịa ngục chỉ có chết đi mà không có sanh ra, như thế dần dần cho đến chết hết. Nên biết đây gọi là thế gian của Ðịa ngục bị hủy hoại. Như cõi Ðịa ngục, các cõi bàng sanh, ngạ quỷ cũng đều bị hủy hoại. Khi ấy, trong cõi người, thuận theo một hữu tình, tự nhiên đúng như pháp, đạt được bậc Tĩnh lự thứ hai. Những hữu tình còn lại, lần lượt theo đấy tu học, cũng đạt được như thế. Hết thảy hữu tình ở đấy sau khi chết đều được sanh lên cõi Trời Cực Tịnh Quang, theo chúng đồng phận. Nên biết, thời kỳ này gọi là thế gian của con người bị hủy hoại. Như cõi người đã vậy thì nơi cõi Trời cũng thế. Vào thời gian ấy, năm cõi là nơi chốn cư trú của thế gian, không có một hữu tình nào được sanh ra, của cải, vật dụng vốn có cũng không thể có được. Chẳng những thế, cả đến mưa gió cũng dứt bặt. Do không mưa, nên các thứ cây cối, cỏ thuốc hiện có nơi mặt đất thảy đều khô héo. Lại do ảnh hưởng của việc không mưa nên sức nóng của mặt Trời tăng cao. Lại vì các hữu tình có thể chiêu cảm nên lực tăng thượng của nghiệp kiếp hoại, cùng nương nơi sự kiện của sáu thứ thiêu đốt, tức lại có sáu mặt Trời thứ lớp xuất hiện. Các mặt Trời này, so với mặt Trời vốn có xưa nay, sức nóng của chúng gấp đến bốn lần. Và khi có bảy mặt Trời cùng mọc thì nhiệt độ cũng tăng gấp bảy lần. Thế nào gọi là sự việc của sáu thứ bị thiêu đốt? Tức là:

  1. Các thứ hầm hố, mương rãnh lớn nhỏ bị khô cạn do mặt Trời thứ hai.
  2. Các dòng sông lớn nhỏ đều bị khô cạn do mặt Trời thứ ba.
  3. Ao lớn Vô nhiệt bị khô cạn do mặt Trời thứ tư.
  4. Biển lớn bị mặt Trời thứ năm và một phần của mặt Trời thứ sáu làm cho khô cạn.
    5 + 6: Núi Tô-mê-lô và các vật thể cứng chắc của đại địa, do một phần của mặt Trời thứ sáu cùng mặt Trời thứ bảy thiêu đốt. Ngọn lửa lớn này được gió thổi mạnh, lần lượt cháy dữ dội, thiêu rụi tới cõi Trời Phạm Thế.

Lại, các sự việc như thế có thể tóm lược làm ba thứ biến cố:

  • Thứ nhất: Biến cố do nước gây ra: tức các thứ cây cối cỏ thuốc v.v… do không có nước nên bị khô héo trước nhất.
  • Thứ hai: Biến cố về nước: tức do bảy mặt Trời thiêu đốt, khiến năm thứ nước đều bị khô cạn.
  • Thứ ba: Biến cố về các vật thể cứng chắc luôn trụ vững: tức do sức nóng của các mặt Trời nên hai thứ kia bị thiêu rụi.

Như vậy là thế giới hoàn toàn bị thiêu đốt sạch, thậm chí cả tro than và những hình ảnh còn sót lại cũng không thể tìm thấy, như trong kinh đã giảng nói rộng. Từ đây trở đi gọi là khí thế gian đã bị hủy hoại. Ðầy đủ 20 trung kiếp thì kiếp hoại chấm dứt, tiếp theo là 20 trung kiếp thuộc kiếp trụ.

Thế nào là tai họa về nước? Nghĩa là trải qua bảy lượt tai họa về lửa xong, thì ở nơi cõi Trời Tĩnh lự thứ hai có thủy giới cùng sinh khởi, hủy hoại cả khí thế gian, như nước làm tiêu tan muối. Thủy giới ấy cùng với khí thế gian đồng thời bị hủy diệt, sau đấy lại có 20 trung kiếp là kiếp trụ.

Thế nào là tai họa về gió? Tức là qua khỏi bảy lượt tai họa về nước, lại có tiếp bảy đợt tai họa về lửa. Rồi ngay sau đó, nơi cõi Trời Tĩnh lự thứ ba có phong giới cùng sanh khởi, hủy hoại khí thế gian, như gió thổi làm khô kiệt hết thảy các vật, lại cũng có thể làm tiêu tan tất cả. Phong giới này cùng với khí thế gian đồng thời bị hủy diệt. Vì sao? Vì hiện thấy có tương hợp do phong giới phát khởi mà xương cốt thảy đều tiêu tan hết. Kiếp sau kiếp hoại ấy, lại có 20 trung kiếp là kiếp trụ.

Như vậy là đã lược nói về thế gian bị hủy hoại.

Thế nào là thế gian thành?

Nghĩa là qua khỏi 20 trung kiếp như vậy rồi, do lực tăng thượng nơi nghiệp của tất cả hữu tình, nên thế gian lại được tạo thành. Bấy giờ, trước tiên, ở trong hư không, khí thế gian của cõi Trời Tĩnh lự thứ ba được hình thành. Như cõi Trời Tĩnh lự thứ ba, các cõi Trời Tĩnh lự thứ hai, Tĩnh lự thứ nhất cũng lại như vậy. Lúc này, nơi đảnh của tai họa thứ ba, có các hữu tình, do thọ mạng hết, do nghiệp hết, phước báo hết, nên qua đời ở đấy, rồi sanh vào cõi Trời Tĩnh lự thứ ba. Hết thảy xứ còn lại lần lượt cũng vậy. Lại từ đảnh của tai họa thứ hai, sau khi chết, sanh vào cõi Trời Tĩnh lự thứ hai, tất cả xứ còn lại, nên biết cũng như thế. Lại từ đảnh của tai họa thứ nhất, có một hữu tình, do thọ mạng, nghiệp v.v… hết, nên từ đấy chết rồi, sanh vào cõi Trời Tĩnh lự thứ nhất, trong thế giới Phạm Thiên là vị Ðại Phạm đầu tiên. Do chỉ có một mình nên tâm trạng của vị này là buồn, nhớ, bèn có mong cầu: Làm sao khiến các hữu tình khác cũng sanh đến cõi này. Vào lúc phát khởi tâm niệm như vậy, có các hữu tình khác, do thọ mạng v.v… hết, nên từ cõi Trời Tĩnh lự thứ hai sau khi qua đời, sanh trong chúng đồng phận nơi cõi Trời Tĩnh lự thứ nhất. Như vậy là nơi ba cõi Trời Tĩnh lự dưới, khí thế gian và hữu tình thế gian đã được hình thành. Bấy giờ, trong hư không, cung điện của bốn cõi Trời thuộc Dục giới dần dần được tạo thành. Nên biết các cung điện nơi hư không ấy đều như hóa hiện.

Lại, các hữu tình nơi chúng đồng phận của cõi Trời Cực Tịnh Quang, sau khi qua đời, đều được sanh vào các cung điện ấy, phần còn lại như trước đã nói. Từ đó về sau, có đại phong luân, dung lượng bằng tam thiên đại thiên thế giới, từ nơi phần đáy hiện ra làm chỗ nương giữ cho thế giới đó, vì nhằm an lập cho các loài hữu tình không có cung điện. Ðại phong luân này có hai thứ tướng: mặt ngửa phân bố đều khắp, mặt bên thì phân bố nghiêng, do dấy giữ được nước khiến không bị rơi rớt. Tiếp đến, do lực tăng thượng nơi nghiệp của các hữu tình kia, nên trong hư không, mây chứa vàng nổi lên, từ đấy tuôn mưa, rót đầy trên phong luân. Sau đó, lại có gió nổi lên tạt mạnh vào nước khiến được chắc chắn. Ðây tức gọi là địa luân tánh vàng, trên có thể chịu được nước do mưa giội xuống, dưới làm nơi chốn cho gió dữ ùa vào.

Cũng do lực tăng thượng nơi nghiệp của các hữu tình, nên phần đất đã được hình thành rồi, trong hư không lại dấy lên mây chứa cõi, theo đấy trút xuống vô số các trận mưa, nước mưa này được tích tụ trên địa luân tánh vàng, lại có gió nổi lên thổi mạnh, khuấy nước khiến được bền chắc. Tức do năng lực của gió ấy dẫn dắt, nên có các vật thể, tánh chất tinh diệu hơn hết, thanh tịnh bậc nhất tạo thành núi Tô-mê-lô. Núi này hình thành xong, do bốn báu làm thể, là vàng, bạc, pha lê, lưu ly. Nếu các vật thể tánh thuộc bậc trung thì tạo thành bảy núi vàng: núi Trì Song, núi Tỳ-na-tra-ca, núi Mã-nhĩ, núi Thiện Kiến, núi Khiết-đạt-lạc-ca, núi Trì-trục và núi Ni-dân-đạt-la. Những núi như thế, đỉnh cao bày rõ, đều do hình dạng nên có tên gọi khác nhau, theo thứ lớp vây quanh núi Tô-mê-lô. Núi Tô-mê-lô cao tám vạn do tuần, chiều rộng cũng như vậy, và phần chìm sâu dưới nước cũng bằng chiều cao của phần nhô lên trên. Núi Trì-Song về kích thước bằng nửa núi Tô-mê-lô. Từ đấy, theo thứ lớp, sáu núi vàng còn lại, về kích thước cứ giảm dần, núi sau bằng nửa núi trước.

Nếu các vật thể, tánh chất thuộc bậc thấp, thì tạo thành bốn châu lớn, tám châu vừa cùng núi Luân vi, tất cả ở bên ngoài bảy núi vàng và bao quanh núi Tô-mê-lô. Núi Luân-vi chạy vòng quanh bốn chân lớn, kích thước bằng nửa núi Ni-dân-đạt-la.

Lại tạo thành cung điện của loài Phi thiên (A-tu-la). Cung điện này nằm ở phần thấp của núi Tô-mê-lô, nương nơi nước mà trụ.

Lại hình thành núi Ðại Tuyết và ao Vô Nhiệt, ao ấy bao quanh thành núi.

Tiếp đến là tạo thành nơi chốn của tám Ðịa ngục lớn ở vào vị trí thấp nhất trong các Ðại Ðịa ngục, cùng các Ðịa ngục độc nhất, Ðịa ngục lạnh, Ðịa ngục cận biên. Lại thành lập nơi chốn một phần của cõi bàng sanh và ngạ quỷ.

Bốn châu lớn là: châu Nam Thiệm Bộ, châu Ðông Tỳ-đề-ha, châu Tây-Cù-đà-ni, châu Bắc-Câu-lô.

Châu Nam Thiệm Bộ hình dáng giống như thùng xe. Châu Ðông Tỳ-đề-ha có hình bán nguyệt. Châu Tây-cù-đà-ni hình dáng tròn đầy. Còn châu Bắc-câu-lô thì hình dáng vuông vức.

Châu Thiệm Bộ rộng 6.500 do tuần. Châu Tỳ-đề-ha rộng bảy ngàn do tuần. Châu Cù-đà-ni rộng 7.500 do tuần. Châu-Câu-lô rộng 8.000 do tuần.

Lại, ở khoảng giữa của bảy núi vàng có biển nước gồm đủ tám chi đức, gọi là Nội hải. Lại tạo thành các cung Rồng. Có tám Rồng lớn, đều đã trải qua kiếp trụ, là: Long vương Trì Ðịa, Long vương Hoan Hỷ Cận Hỷ, Long vương Mã Loa, Long vương Mục Chi Lân Ðà, Long vương Ý Mãnh, Long vương Trì Quốc, Long vương Ðại Hắc, Long vương Ê La Diệp.

Những Long vương này, do uy lực của Ðế Thích nên luôn cùng với hàng Phi thiên đánh nhau. Các chúng Rồng của tám Long vương kia có bốn loại: sanh từ trứng, sanh từ thai, sanh từ nơi ẩm thấp, sanh từ biến hóa. Trong loài chim diệu sí (chim kim sí) cũng có bốn loại sanh như thế.

Lại có biển nước khác ở bên ngoài Nội hải, nên gọi là Ngoại hải. Lại, dựa nơi chân núi Tô-mê Lô có bốn tầng cấp. Tầng cấp thứ nhất, từ một bên núi Tô-mê-lô đi ra, dài một vạn sáu ngàn do tuần. Từ đây, theo thứ lớp, ba tầng cấp còn lại, chiều dài cứ giảm dần, tầng cấp sau bằng nửa tầng cấp trước. Nơi tầng cấp thứ nhất có Thần Tiên Thủ ở. Thần Huyết Thủ trụ nơi tầng cấp thứ hai. Thần Thường Túy ở tại tầng cấp thứ ba. Thần Trì Man trụ nơi tầng cấp thứ tư. Trên bốn góc nơi đảnh núi Tô-Mê-lô có bốn ngọn núi lớn, đều cao 500 do tuần, có các Dược xoa là Kim Cang Thủ an trụ trong ấy.

Lại, nơi bốn mặt của núi Trì Song có bốn vương đô, theo thứ lớp Ðông, Nam, Tây, Bắc, là trụ xứ của bốn đại Thiên vương: Từ Quốc, Tăng Trưởng, Xú-mục và Ða văn. Các núi vàng còn lại là thôn ấp, bộ lạc của bốn Thiên vương.

Lại, gần núi Tuyết có một dãy núi vàng lớn tên là Phi Thiên Hiếp, cao rộng 50 do tuần, Long vương Thiện Trụ thường trấn giữ ở đấy, lúc Thiên Ðế Thích du hành tới đây. Bên trong dãy núi có cây tên là Thiện Trụ, cây Ða-la mọc từng hàng với bảy lớp bao quanh. Lại có ao lớn tên Mạn-đà-cát-ni, có 500 ao nhỏ dùng làm quyến thuộc. Long vương Thiện Trụ cùng với 500 voi cái trước sau vây quanh đi đến vui chơi nơi ao ấy, biến hiện tùy theo ý muốn, hoặc lặn xuống ao hái gốc sen dùng làm thức ăn. Ở bên ao này có ao lớn Vô Nhiệt, kích thước sâu rộng mỗi bề là 50 do tuần, đáy ao rải đầy cát vàng nhỏ mịn, nước đủ tám chi đức tràn đầy bên trong ao, hình sắc tươi đẹp, đoan nghiêm, người trông thấy đều sanh vui. Từ ao này là nơi xuất phát của bốn dòng sông lớn: sông Căng già, sông Tín độ, sông Tư đa và sông Phược sô.

Lại nữa, tại khoảng giữa nơi đỉnh núi Tô-mê-lô, tạo lập thiên cung của Ðế Thích, cao rộng mười ngàn do tuần, phần đất còn lại là thôn ấp, làng xóm của chư thiên thuộc cõi Trời ấy. Bốn mặt của núi đó, đối diện với bốn châu lớn, đều do bốn báu tạo thành. Tức là mặt đối nơi châu Thiệm Bộ làm bằng lưu ly. Mặt đối nơi châu Tỳ-đề-ha làm bằng bạch ngân. Mặt đối nơi châu Cù-đà-ni làm bằng hoàng kim. Mặt đối nơi châu Câu-lô làm bằng pha lê.

Lại, men theo khu vực ngoài biên của châu Thiệm Bộ có đường đi của Chuyển Luân Vương, do vàng ròng tạo thành. Như cõi Trời Tứ Ðại Vương, hữu tình nơi cõi ấy, phần chân từ đầu gối trở xuống đứng chìm trong đại hải. Nếu Chuyển Luân Vương xuất hiện ở đời, nước biển sẽ rút xuống bằng phần chiều cao từ đầu gối trở xuống của các hữu tình kia.

Lại, phía Nam ao Vô Nhiệt có một cây to lớn tên là Thiệm Bộ, do đó châu này được gọi là châu Thiệm Bộ. Phía Bắc của ao có khu rừng rậm tạp gồm những đại thọ tên Thiết-lạp-mạt-lê, các đàn chim diệu sí sanh tử bốn loài (noãn, thai v.v…) thường tụ tập, ngụ lại trong ấy.

Lại, bốn châu lớn này, mỗi châu có hai châu vừa dùng làm quyến thuộc. Ngoài ra còn có một châu là tục xứ của loài La sát.

Như vậy là khí thế gian đã được hình thành, có các hữu tình từ nơi chúng đồng phận của cõi Trời Cực Tịnh Quang, sau khi qua đời, sanh về đây. Phần còn lại, như trước đã nói. Ðây là đều do các hữu tình lấy nghiệp của kiếp đầu tiên. Nghiệp này là vi diệu tối thắng bậc nhất, thuộc về cõi Dục. Chỉ ở thời điểm ấy, nghiệp này mới chiêu cảm quả, còn ở các thời gian khác thì không. Bấy giờ, hữu tình gọi là người của kiếp đầu tiên, có hình sắc, đều tùy theo ý muốn sanh ra. Hết thảy các sự việc như thế, trong kinh đã nêu giảng rộng. Những hữu tình này, lúc ấy chưa có nhà cửa cùng các làng xóm. Mọi thứ đất đai, bề mặt đều bằng phẳng. Từ đây trở về sau, do sức mạnh từ phước nghiệp của các hữu tình, nên có vị của đất sanh ra. Như thế, lần lượt có “bánh đất”, chồi non, lúa nếp không gieo trồng tự nhiên xuất hiện, không lép, không trấu. Thứ đến có các loại lúa nếp có lép, có trấu. Sau đó, nơi nơi chốn chốn, những đám lúa, nếp sanh ra, lúc này, các hữu tình mới thực hiện việc thâu giữ, thọ dụng. Do duyên thọ dụng các mùi vị cần cho đời sống, những hữu tình này sắc xấu phát sanh, ánh sáng liền mất. Những hữu tình ăn nhiều, sắc xấu càng tăng, thân thể nặng nề. Họ khinh chê lẫn nhau nên pháp ác hiện hành. Vì nhân duyên đó, nên các mùi vị hiện có dần dần biến mất nơi đất, như trong kinh đã diễn rộng. Lại, cũng do duyên này, các loài hữu tình cùng đưa mắt nhìn nhau bèn khởi tâm ái nhiễm. Kế đến, do có thể chiêu cảm nghiệp nam nữ, nên một phần hữu tình sanh khởi nam căn, một phần hữu tình sanh khởi nữ căn, lần lượt xâm phạm lẫn nhau, khởi các hạnh tà, bị những người khác chê trách, mới tạo ra nhà cửa để tự ẩn giấu, che ngăn. Lại do nhân thâu giữ, thọ dụng lúa nếp, nên đối với đất đai lại khởi ý tưởng tư hữu, từ đó dẫn tới tình trạng chiếm đoạt, tranh chấp, không cùng giữ pháp. Vì vậy người chủ việc phân xử được lập ra, vị vua đầu tiên tên là Ðại Ðẳng Ý. Như thế là có các chúng Sát đế lợi, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà la xuất hiện ở thế gian. Những nhân duyên kế tiếp như trong kinh đã giảng nói rộng.

Lại, do ánh sáng nương dựa của các hữu tình kia đã mất, nên thế gian có bóng tối lớn sanh ra. Mặt Trời, mặt Trăng, tinh tú lần lượt xuất hiện. Mặt Trời có kích thước 51 do tuần, nên biết là mặt Trăng nhỏ thua một. Mặt Trời tức do Hỏa phả chi tạo thành. Mặt Trăng thì do Thủy phả chi tạo nên. Hai vầng sáng này, mặt Trăng chuyển động nhanh hơn và không nhất định. Còn mặt Trời thì thường ở nơi hai châu cùng lúc chiếu sáng và ở nơi hai châu cùng lúc phủ tối. Nghĩa là, ở một châu, mặt Trời vào giữa trưa. Ở một châu, mặt Trời mới mọc. Ở một châu, mặt Trời vào nửa đêm. Ở một châu, mặt Trời vừa lặn.

Mặt Trời, mặt Trăng và các tinh tú hiện có ấy, chuyển động nơi khoảng giữa núi Tô-mê-lô, tức ở độ cao bằng núi Trì Song. Lại, khi mặt Trời chuyển động có gần có xa. Nếu xa núi Tô-mê-lô thì lập làm phần hàn (lạnh). Nếu gần núi Tô-mê-lô thì lập làm phần nhiệt (nóng). Tức do điều này nên mặt Trời lặn có sớm có muộn. Còn mặt Trăng, nếu phần trên hơi nghiêng một ít thì chỉ thấy một nửa, vì các phần khác che phần ở gần, khiến không thể thấy được. Nó cứ nghiêng dần và cứ như thế từ từ hiện ra tròn đầy. Nếu ở nơi “phần đen”, mặt Trăng thấp dần, và cứ như vậy, khuyết giảm dần. Do trong đại hải có các loài cá, ba ba lớn hiện ra bóng in nơi mặt Trăng, nên trong mặt Trăng có tướng đen hiện rõ. Nơi các tinh tú, thì ngôi sao có kích thước lớn nhất là 18 câu lô xá, trung bình là 10 câu lô xá, nhỏ nhất là 4 câu lô xá.

Lại nữa, nơi thế gian khi đã phát sanh bốn chủng tộc thì cũng dấy khởi hiện tượng thuận theo yêu thích, không yêu thích, thọ nghiệp nơi năm cõi. Từ đấy về sau, tùy theo một hữu tình, do chiêu cảm nghiệp tạp nhiễm tăng thượng, nên sanh trong cõi Ðịa ngục làm Tĩnh tức vương, từ đó liên tục có quân binh nơi Ðịa ngục xuất hiện, cũng như hóa sanh cùng vô số dụng cụ gây đau khổ như đồng, sắt v.v… Lửa nơi Ðịa ngục bốc cháy, sau đấy tùy theo nghiệp, các hữu tình thọ sanh ở đây hoặc thọ sanh nơi cõi khác.

Như thế, 100 câu chi bốn châu lớn, 100 câu chi núi Tô-mê-lô, 100 câu chi sáu cõi Trời thuộc Dục giới, 100 câu chi cõi Phạm Thế, tất cả là Tam thiên đại thiên thế giới cùng thành cùng hoại. Tức thế giới ấy có ba loại:

  1. Tiểu thiên thế giới: Nghĩa là một ngàn mặt Trời, mặt Trăng cho đến cõi Phạm thế, gồm chung lại làm một tiểu thiên thế giới.
  2. Trung thiên thế giới: Tức là 1.000 tiểu thiên thế giới.
  3. Ðại thiên thế giới: Tức là 1.000 trung thiên thế giới.

Hợp toàn bộ ở đây, gọi là Tam thiên đại thiên thế giới.

Như vậy, bốn phương, trên dưới có vô biên vô tận Tam thiên thế giới bị hủy hoại đúng thời, được hình thành đúng lúc. Cũng như Trời mưa, nước mưa tuôn xuống như trục xe quay liên tục không ngừng. Nước ấy nối tiếp trút xuống, rơi chảy khắp nơi chốn. Thế giới cũng như vậy, phân bố khắp các phương hướng, không biên vực, thành hoại đúng lúc. Tức Tam thiên đại thiên thế giới này, gọi là một cõi Phật, Ðức Như lai ở trong ấy hiện thành Chánh giác, nơi vô biên thế giới hành hóa Phật sự.

Như thế là đã an lập việc hình thành thế giới xong. Ở đây, năm cõi có thể đạt được là:

  1. Ðịa ngục.
  2. Bàng sanh.
  3. Ngạ quỷ.
  4. Loài người.
  5. Trời.

Và bốn loài sanh có thể có được là: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh.

Lại có sáu thứ nương, giữ. Lại có mười thứ thời phần:

  1. Thời.
  2. Năm.
  3. Tháng.
  4. Nửa tháng.
  5. Ngày.
  6. Ðêm.
  7. Sát na.
  8. Ðát sát na.
  9. Lạp phược.
  10. Mục-hô-thích-đa.

Lại có bảy sự thâu nhận. Lại có mười thứ của cải nơi thân. Lại có mười thứ thọ dục, như nơi kinh Trung A-cấp-ma (Trung A-hàm) đã nói.
Lại có tám việc luôn tùy hành. Lại có tám pháp thế gian là: được, không được, khen, chê, tán thán, chế giễu, khổ, vui.
Lại có ba phẩm: oán, thân, bình thường.
Lại có ba thứ việc thế tục. Lại có ba thứ ngôn ngữ.
Lại có 22 thứ phát khởi tức giận.
Lại có 62 thứ loài hữu tình.
Lại có tám vị. Lại có bốn loại vào thai.
Lại có bốn thứ oai nghi. Lại có sáu cách sanh sống.
Lại có sáu thứ giữ gìn. Lại có bảy thứ khổ. Lại có bảy thứ mạn.
Lại có bảy thứ kiêu. Lại có bốn thứ ngôn thuyết. Lại có nhiều thứ câu ngôn thuyết.
Thế nào là cõi Ðịa ngục? Ðó là các Uẩn Ðịa ngục thuộc về các quả, cùng sự thọ nhận nghiệp thuận theo Ðịa ngục.
Như cõi Ðịa ngục, các cõi bàng sanh, ngạ quỷ, người, Trời cũng như vậy. Theo hình thức ứng hợp sau cùng, nên biết.
Thế nào là noãn sanh (sanh từ trứng)? Tức là các hữu tình phá vỡ vỏ trứng mà sanh ra, như các loài ngỗng, chim nhạn, chim sẻ, chim anh vũ, chim xá lợi.
Thế nào là sanh từ thai (thai sanh)? Ðó là các loài hữu tình từ trong thai được bao bọc, phá vỡ bọc thai sanh ra, như các loài voi, ngựa, bò, lừa v.v…
Thế nào là sanh từ sự ẩm ướt (thấp sanh)? Ðó là các loài hữu tình nhân theo một thứ hơi ẩm ướt mà sanh ra, như các loài trùng, mọt, con ngài v.v…
Thế nào là sanh từ sự biến hóa (hóa sanh)? Ðó là các loài hữu tình do sức tăng thượng của nghiệp, đầy đủ 6 xứ mà sanh ra, hoặc lại chẳng đủ, như chư Thiên. Ðịa ngục là hoàn toàn hóa sanh. Người, quỷ, bàng sanh chỉ hóa sanh một phần.

Thế nào là sáu thứ nương giữ? Ðó là:

  1. Nương giữ do tạo lập: Nghĩa là tầng Phong luân ở dưới đáy, cùng với Thủy luân, Ðịa luân, khiến cho các hữu tình không bị rơi rớt xuống, nên sanh khởi. Ðó gọi là nương giữ.
  2. Nương giữ do che phủ: Tức là nhà cửa v.v… giúp cho sự chia lìa, trôi giạt, thất thoát của các hữu tình được giảm bớt, nên sanh khởi. Ðó gọi là nương giữ. Về nhà cửa lược nêu có ba loại: hoặc do xây cất, hoặc không do xây cất, hoặc cung điện được hóa hiện.
  3. Nương giữ do được mùa: Tức là làm thức ăn cho các hữu tình, nên sanh khởi. Ðó gọi là nương giữ.
  4. Nương giữ do an ổn: Tức khiến cho các hữu tình lìa bỏ mọi sự nguy hại của đao gậy, nên dấy khởi. Ðó gọi là nương giữ.
  5. Nương giữ do mặt Trời, mặt Trăng: Là giúp cho các hữu tình thấy được các vật nên sanh khởi. Ðó gọi là nương giữ.
  6. Nương giữ do thức ăn: Tức là bốn thứ thức ăn: đoàn thực, xúc thực, ý tư thực và thực thực. Những thứ thức ăn này giúp cho các hữu tình giữ lấy thân mạng, nên sanh khởi. Ðó gọi là nương giữ.

Thế nào là bảy loại việc thâu nhận? Ðó là:

  1. Việc của cha mẹ mình.
  2. Việc của vợ con.
  3. Việc của những kẻ ăn người ở.
  4. Việc của bạn bè, đồng liêu, anh em, bà con.
  5. Việc của ruộng đất, nhà cửa, dinh thự.
  6. Việc của phước nghiệp, và phương tiện tạo nghiệp.
  7. Việc của kho lẫm cất chứa.

Thế nào là mười thứ của cải nơi thân? Ðó là:

  1. Ăn.
  2. Uống.
  3. Xe cộ.
  4. Y phục.
  5. Vật dùng trang sức.
  6. Ca múa, âm nhạc.
  7. Nước hoa, son phấn.
  8. Các thứ thường dùng.
  9. Chiếu sáng.
  10. Thọ hành của nam nữ.

Thế nào là tám việc luôn tùy hành? Ðó là các việc của thế gian luôn luôn làm theo:

  1. Việc che giấu.
  2. Việc dùng ngọc quý trang sức nơi thân.
  3. Việc uy nghi dễ lầm lẫn.
  4. Việc ăn uống.
  5. Việc ngủ nghỉ.
  6. Việc giao tiếp, hội họp.
  7. Việc thuộc về sự cần cù.
  8. Việc thuộc về nói năng.

Thế nào là ba loại việc thế gian? Ðó là:

  1. Việc nói năng, bàn luận, chúc mừng, an ủi.
  2. Việc cưới gả, tiếp đón, tiệc tùng.
  3. Trong lúc khởi tạo các sự việc đều có toan tính, giúp đỡ.

Thế nào là ba thứ ngôn ngữ ? Tức:

  1. Ngôn ngữ đúng pháp.
  2. Ngôn ngữ không đúng pháp.
  3. Những thứ ngôn ngữ khác.
  1. Ngôn ngữ đúng pháp: Là giảng nói về pháp chán, bỏ, xa lìa các thứ trói buộc, ngăn che, hướng tới sự an lạc đáng yêu thích. Nói rộng như nơi kinh.
  2. Ngôn ngữ không đúng pháp: Là tâm cấu nhiễm, nói bàn về chuyện ăn uống v.v…
  3. Các ngôn ngữ khác: Là tâm vô ký dấy khởi việc nói năng, bàn luận.

Thế nào là 22 thứ khiến phát sanh giận dữ? Ðó là:

  1. Ðong non. 2. Cân thiếu. 3. Thu chứa giả dối. 4. Phương tiện hành động tà vạy. 5. Chống cự. 6. Khinh chê. 7. Phản bội. 8. Tranh tụng. 9. Mạ lỵ. 10. Phẫn nộ. 11. Quở trách. 12. Bức hiếp. 13. Ðánh đập. 14. Giết hại. 15. Ràng buộc. 16. Ngăn cấm. 17. Cắt đứt. 18. Xua đuổi. 19. Dua nịnh. 20. Lừa gạt. 21. Ém tài. 22. Nói dối.

Thế nào là 62 loài hữu tình? Ðó là:

  1. Ðịa ngục. 2. Bàng sanh. 3. Quỷ. 4. Chư Thiên. 5. Người. 6. Sát đế lợi. 7. Bà-la-môn. 8. Phệ-xá. 9. Thú-đà-la. 10. Nữ. 11. Nam. 12. Phi nam phi nữ. 13. Hèn kém. 14. Trung bình. 15. Tài giỏi. 16. Tại gia. 17. Xuất gia. 18. Khổ hạnh. 19. Không khổ hạnh. 20. Luật nghi. 21. Không luật nghi. 22. Phi luật nghi, phi không luật nghi. 23. Lìa dục. 24. Chưa lìa dục. 25. Ðịnh tụ tánh tà. 26. Ðịnh tụ tánh chánh. 27. Ðịnh tụ bất định. 28. Bí-sô. 29. Bí-sô ni. 30. Chánh học. 31. Cần sách nam. 32. Cần sách nữ. 33. Cận sự nam. 34. Cận sự nữ. 35. Người quen đoạn trừ. 36. Người quen đọc tụng. 37. Người bố thí thanh tịnh. 38. Người lớn tuổi. 39. Hạng trung niên. 40. Thiếu niên. 41. Bậc thầy mẫu mực đạo hạnh (A-xà-lê). 42. Thân giáo sư (Hòa thượng). 43. Ðệ tử ở chung và đệ tử ở gần. 44. Khách khứa. 45. Người lo việc chúng Tăng. 46. Kẻ tham lợi dưỡng, cung kính. 47. Người chán, bỏ. 48. Bậc học rộng. 49. Người phước trí lớn. 50. Bậc pháp tùy pháp hành. 51. Người thọ trì kinh. 52. Người giữ luật. 53. Người trì luận. 54. Hàng phàm phu. 55. Bậc kiến đế. 56. Bậc hữu học. 57. Bậc vô học. 58. Thanh văn. 59. Ðộc giác. 60. Bồ tát. 61. Như lai. 62. Chuyển Luân vương.

Chuyển Luân vương này lại có bốn loại: Hoặc làm vua một châu. Hoặc làm vua 2, 3, 4 châu. Vị làm vua một châu có bánh xe sắt ứng hiện. Vị làm vua hai châu có bánh xe đồng ứng hiện. Vị làm vua ba châu có bánh xe bạc ứng hiện. Vị làm vua bốn châu có bánh xe vàng ứng hiện.

Thế nào là tám vị (thời kỳ)? Ðó là:

  1. Thời kỳ ở trong thai.
  2. Thời kỳ xuất sanh.
  3. Thời kỳ trẻ thơ.
  4. Thời kỳ đồng tử.
  5. Thời kỳ thiếu niên.
  6. Thời kỳ trung niên.
  7. Thời kỳ già cả.
  8. Thời kỳ quá già (70 – 90 tuổi…).
  1. Thời kỳ ở trong thai: Là giai đoạn yết la lam.
  2. Thời kỳ xuất sanh: Là giai đoạn từ sau khi sanh ra cho đến già nua.
  3. Thời kỳ trẻ thơ: Là giai đoạn sanh ra cho đến chưa thể đi chơi vui đùa.
  4. Thời kỳ đồng tử: Là giai đoạn có thể thực hiện các việc vừa nêu.
  5. Thời kỳ thiếu niên: Là giai đoạn có thể thọ dụng những vui thú nơi thế gian, cho tới 30 tuổi.
  6. Thời kỳ trung niên: Là giai đoạn từ 30 đến 50 tuổi.
  7. Thời kỳ già cả: Là giai đoạn từ 50 đến 70 tuổi.
  8. Thời kỳ quá già yếu: Là từ 70 tuổi trở lên.

Thế nào là bốn loại vào thai? Ðó là:

  1. Hiểu biết đúng đắn khi vào thai. Không hiểu biết đúng đắn khi trụ và xuất thai.
  2. Hiểu biết đúng đắn khi nhập và trụ thai. Không hiểu biết đúng đắn khi xuất thai.
  3. Cả ba giai đoạn nhập, trụ, xuất đều hiểu biết đúng đắn.
  4. Cả ba giai đoạn đều không hiểu biết đúng đắn. Loại thứ nhất là Chuyển Luân Vương. Loại thứ hai là hàng Ðộc giác. Loại thứ ba là hàng Bồ tát. Loại thứ bốn là các loài hữu tình khác.

Thế nào là sáu loại sanh sống? Ðó là:

  1. Làm nông.
  2. Buôn bán.
  3. Chăn nuôi bò.
  4. Phụng sự vua.
  5. Học tập về sách vở, toán số, in ấn.
  6. Học tập các ngành nghề khác.

Thế nào là sáu thứ giữ gìn? Tức:

  1. Quân đánh bằng voi.
  2. Quân đánh bằng ngựa.
  3. Quân đánh bằng xe.
  4. Quân đánh bộ.
  5. Sức mạnh của kinh tế.
  6. Sức mạnh của bè bạn.

Thế nào là bảy thứ khổ? Ðó là: 1. Sanh khổ. 2. Già cả. 3. Bệnh khổ. 4. Chết khổ. 5. Khổ do oán ghét gặp gỡ. 6. Khổ do yêu thương ly biệt. 7. Khổ do cầu không đạt được.

Thế nào là bảy thứ mạn? Tức:

  1. Kiêu căng vì không bệnh.
  2. Kiêu căng vì tuổi trẻ.
  3. Kiêu căng vì sống lâu.
  4. Kiêu căng vì tộc họ.
  5. Kiêu căng vì sắc đẹp, sức mạnh.
  6. Kiêu căng vì giàu sang.
  7. Kiêu căng vì học rộng.