Home » Hội PTVNTN » Khánh Tuế lần thứ 73 và tờ di chúc

Khánh Tuế lần thứ 73 và tờ di chúc

Do duyên lành đưa đẩy tôi mới quyết định xuống Chùa Tổ Viên Giác tại Hannover để dự lễ Khánh Tuế lần thứ 73 của Sư Ông Viên Giác vào ngày 28 tháng 6 năm 2022, mặc dù tôi chẳng được mời! Nhưng dù sao tôi cũng là đệ tử của Sư Ông, nhớ ngày sinh nhật của Sư Phụ đến chúc thọ cũng phải đạo.

Duyên lành ở đây là sự nhân bản của chính phủ Đức sau thời kỳ dịch bệnh Corona và cuộc chiến giữa Nga-Ukraine đã làm tăng giá xăng dầu, họ đã cho phép công dân sống trên xứ Đức được mua vé 9 Euro một tháng đi toàn nước Đức, từ tháng 6 đến tháng 8 tha hồ đi chơi. Một duyên lành nữa là được nghe Sư Ông Viên Giác tiết lộ tờ di chúc đã viết từ năm 2006, đến năm 2008 đã sửa đổi lần thứ hai và năm nay 2022 mới được Sư Ông đọc trước tăng chúng gửi đi toàn thế giới. Bản di chúc đã được viết bằng hai thứ tiếng Việt Đức và có Notar công chứng tại tòa.

Trước giờ công bố bản di chúc, Sư Ông có làm một buổi lễ xuất gia cho hai vị, bên Ưu Bà Tắc có anh Đồng Kiên, đệ tử của Thầy Hạnh Bảo ở Phần Lan, bên Ưu Bà Di có cô Đồng Nghiêm đệ tử của Ni Sư Như Quang ở Strassburg. Nhân vật Đồng Kiên thật đặc biệt, biết rất nhiều thứ tiếng, đậu bằng tiến sĩ tại Phần Lan rồi sang Nhật học bốn năm tốt nghiệp đại học về làm giáo sư dạy tiếng Nhật tại đại học của Phần Lan. Chỉ nội điểm này anh phải trả lời 4 câu hỏi của Hòa Thượng Đầu Đàn giới tràng bằng tiếng Nhật. Ngoài ra hai vị A Xà Lê là Thầy Hạnh Tấn và Hạnh Bảo sẽ hỏi mỗi người 3 câu bằng tiếng Anh và tiếng Việt cho anh trả lời. Còn Thầy Hạnh Giới thì làm Điển Lễ bằng tiếng Anh. Sư phụ anh rất hài lòng về người đệ tử mới xuất gia xin thọ giới Sa Di của mình.

Đến đoạn anh phải đọc thần chú Thủ Lăng Nghiêm phẩm số 2, anh đọc trôi chảy khiến hội đồng giám khảo phải hỏi thêm một câu là anh học bao lâu? Chỉ trong vòng một tháng! Và dĩ nhiên kể từ đây anh Đồng Kiên đã có tên mới là chú Thông Định và được đắp Y vàng. Sư phụ Chú tâm sự, trong chùa Liên Tâm giờ đây đã có Thông Tuệ, Thông Định, chỉ còn chờ Thông Giới nữa là có đủ Giới Định Tuệ.

Vì việc truyền giới cho chú Thông Định quá lâu do hỏi nhiều thứ tiếng, nên mọi người phải chờ ngoài hành lang chưa được vào Chánh Điện. Do đó mới có những câu chuyện bên lề về di chúc của Sư Ông, có người thắc mắc về tiền bạc của cải của Sư Ông để lại, không biết Người có chia cho đại chúng mỗi người một Euro hay không? Có người phản biện lại, ngày Tết Sư Ông còn lì xì mỗi người 2 Đô la, bây giờ vật giá leo thang không nhận một đồng. Nhưng thắc mắc về bản quyền của 70 cuốn sách của Sư Ông mới đáng giá!

Rồi cuối cùng mọi người cũng huân tập trong Chánh Điện, áo vàng nhiều hơn áo tràng, khoảng trên năm mươi các Chư Tăng Ni từ các nơi hội về, còn Phật tử ít hơn, bởi lẽ hôm đó là ngày đi làm, chắc chỉ là đại diện được cử đến. Dĩ nhiên phải có mặt Chủ Bút báo Viên Giác Phù Vân để còn đưa tin về “Tờ di chúc của Sư Ông Viên Giác”.

Bản chúc thư trên đỉnh trời vàng được Sư Ông trịnh trọng đọc to trước đại chúng bằng tiếng Việt, thỉnh thoảng lại thêm những đoạn bằng tiếng Đức cho rõ nghĩa. Đại ý những đoạn quan trọng là trao hết tiền tài của cải, cơ sở chùa chiền, giấy tờ bảo hiểm nhân thọ và ngay cả các giấy nợ của Chùa trong quá trình xây dựng cũng trao luôn. Vậy ai sẽ là người được nhận cái gia tài đồ sộ của Sư Ông để lại? Vị ấy là đương kim Trụ trì của chùa Viên Giác, kiêm Chi Bộ Trưởng CHPGVNTN tại Đức quốc. Người được trao giấy ủy quyền là Thầy Hạnh Giới, sẽ chịu tất cả trách nhiệm về mặt pháp lý cho cuộc chuyển giao. Và cuối cùng là bản quyền của tủ sách trí tuệ của Sư Ông, hiện giờ là 70 tác phẩm nhưng không biết sau này sẽ lên đến con số bao nhiêu? Sư Ông tặng hết cho những ai ưu ái muốn in ấn các tác phẩm này.

Sau đó là những câu hỏi nóng bỏng của các vị Tăng Ni được trực tiếp đặt ra cho Sư Ông trả lời, một cơ hội hiếm có không thể có lần thứ hai công khai trước đại chúng.

Đến giờ khai mạc tiệc tại hội trường bên dưới, các Chư Tăng Ni đến đảnh lễ và chúc thọ Sư Ông, rồi đến hàng Phật tử với quà cáp chúc mừng thật viên mãn khi Sư Ông cười thật tươi thắp đèn cầy cắt bánh sinh nhật.

Và dĩ nhiên có màn văn nghệ cúng dường, kẻ hát người ngâm thơ đủ mọi thể loại, để kết thúc chương trình Sư Ông ngâm một bài thơ khá dài “Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng” của Trần Trung Đạo.

Vì chưa ăn hết bánh sinh nhật của Sư Ông nên tôi chưa về ngay ngày hôm ấy. Do đó tôi mới khám phá ra vườn hoa tuyệt vời của chùa Viên Giác, do bàn tay chăm sóc tưới tẩm công phu của Sư Cô Hạnh Bình. Ngoài các loại hoa đa số màu vàng rực rỡ, còn xuất hiện hai chậu hoa Sen thật lớn đã chớm nụ được 3 đóa Sen sắp nở trên xứ tuyết.

Hoa Lan – Thiện Giới