Home » Tàng Kinh Các » Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Mục Tàng Kinh Các
Xem toàn bộ Kinh Đại bát Nhã Ba La Mật Đa

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa thuộc Bộ Bát Nhã tập T05, kinh số 220, tổng cộng 600 quyển, – Đường Huyền Trang dịch, bản Việt dịch của Thích Trí Nghiêm.

Thành Kính Đảnh Lễ Đấng Thế Tôn
Ngài Là Bậc Ứng Cúng Chánh Biến Tri

Phật Lịch: 2547

KINH ĐẠI BÁT NHÃ
(600 quyển)

Hán dịch : Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch : Hòa Thượng Trí Nghiêm
Giảo chính : Hòa Thượng Quảng Độ

BAN BIÊN TẬP

Nhuận văn: Cư sĩ Bảo Quang; Cư sĩ Giác Tuệ
Đối chiếu giữa bản Biệt Hành và Tạng Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh
Kỹ thuật vi tính: Tỳ Kheo Thích Đạo Khả
Kiểm tra chính tả: Tỳ Kheo Thích Huệ Đắc; Tỳ Kheo Thích Nguyên An

Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ – Ấn hành – Năm 2003

LỜI TRẦN TÌNH

về Cảo Bản Dịch Phẩm Đại Bát Nhã
của Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm

Bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển, chiếm tới ba tập khổ lớn trong Đại Tạng Kinh Đại Chính Tân Tu, mỗi tập trên dưới 1.000 trang, mỗi trang độ 1.500 chữ, tổng cộng khoảng 4.500.000 chữ (Hán); thường được gọi là Đại Bát Nhã, mang số hiệu 220.

Khoảng giữa năm 1973, theo quyết định của Hội đồng Giáo phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng gồm 18 vị được thành lập với Hòa Thượng Trí Tịnh làm Trưởng ban, Hòa Thượng Minh Châu làm Phó trưởng ban và Hòa Thượng Quảng Độ làm Tổng thư ký. Trong kỳ họp tại Viện Đại Học Vạn Hạnh vào những ngày 20, 21, 22 tháng 10 năm 1973 nhằm thảo luận phương thức, nội dung và chương trình làm việc, Hòa Thượng Thích Trí Nghiệm được Hội đồng phân công phiên dịch bộ Đại Bát Nhã 600 quyển này. Thực ra, Ngài đã tự khởi dịch bộ kinh này từ năm 1972 và khi được phân công, Ngài đã dịch được gần 100 quyển. Đây là bộ kinh lớn nhất trong Đại Tạng, đã được Ngài dịch suốt 8 năm (1972-1980) mới xong và đã dịch theo bản biệt hành, gồm 24 tập (mỗi tập 25 quyển), và cũng đóng thành 24 tập như nguyên bản chữ Hán.

Cảo Bản của dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã đã được đánh máy làm hai bản. Khi đánh máy xong thì cũng nhằm lúc Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt-nam của Giáo hội Phật giáo Việt-nam được thành lập (1990), do Hòa Thượng Thích Minh Châu làm chủ tịch. Để kịp thời phổ biến sâu rộng, đồng thời góp phần mình vào tòa nhà văn hóa Phật giáo Việt-nam, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đã gửi toàn bộ cả hai bản đánh máy của Cảo Bản ấy vào cúng cho Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt-nam của Giáo hội, để cho in và lưu hành.

Đến năm 1993, Hòa Thượng dịch giả đã ngoài 80 tuổi, mà dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã vẫn chưa được Hội đồng Phiên dịch ấn hành! Thời điểm này, Thượng Tọa Thích Tịnh Hạnh (ở Đài-loan) đang chủ xướng công việc phiên dịch Hán Tạng thành Việt Tạng. Do đó, Thượng Tọa đã xin phép Hòa Thượng dịch giả, tình nguyện đứng ra in và phát hành dịch phẩm này. Nhận thấy văn dịch của Hòa Thượng cổ kính, Thượng Tọa Tịnh Hạnh xin Ngài nhờ người nhuận văn lại. Hòa Thượng đồng ý. Sau khi liên lạc và được sự đồng ý của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Hòa Thượng dịch giả nhận lại một trong hai bản đánh máy của Cảo Bản và giao lại cho tôi (vì bộ Đại Bát Nhã nằm trong số 24 tập của Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu mà tôi nhận phụ trách dịch cho Thượng Tọa Tịnh Hạnh). Thoạt đầu, Hòa Thượng cho tôi biết Ngài chọn cư sĩ Tịnh Minh (Đặng Ngọc Chức) và cư sĩ Giác Tuệ (Trần Nguyên Sanh) nhuận văn bộ dịch phẩm của Ngài. Nhưng sau đó, vì cư sĩ Tịnh Minh bận dạy học và ở xa, không thể đảm trách được, tôi đề nghị cư sĩ Bảo Quang (Lê Từ Vũ) thay thế và được Hòa Thượng đồng ý. Công việc nhuận văn của hai vị cư sĩ được thực hiện tại tổ đình Hội-phước (chùa Cát, Nha-trang). Những điểm cần bàn thảo trong lúc nhuận văn được trực tiếp đem lên Hoàng Trúc Am (trú xứ của Hòa Thượng) để thỉnh tôn ý của Ngài. (Ngài cẩn thận dạy như vậy ngay từ đầu).

Nhuận văn xong quyển nào (từ nguyên bản bộ biệt hành), cư sĩ Giác Tuệ đọc lại để tôi dò với nguyên bản trong Tạng Đại Chánh. Nhân đây, tôi thấy rằng, giữa hai bản chỉ có một ít chỗ khác từ mà không khác nghĩa, hoặc có chỗ thêm từ mà nghĩa giống nhau.

Sau khi phần việc nhuận văn và dò lại với nguyên bản hoàn tất, Cảo Bản được đánh vào vi tính và giao cho Thượng Tọa Tịnh Hạnh. Nhân lúc này, Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng vừa được phóng thích nên Thượng Tọa Tịnh Hạnh nhờ Ngài giảo chính lại. Sau khi xem xong, Hòa Thượng Quảng Độ rất hoan hỉ và tán thán. Ngài nói nhân lúc tôi đến thăm Bộ Đại Bát Nhã do Trưởng Lão Trí Nghiêm dịch và quý vị nhuận văn lại như vậy là tốt. Tôi lật xem chỉ thấy Hòa Thượng Quảng Độ sửa một vài chữ, như Đại Lão được sửa lại là Tôn giả?, Ngài nói với tôi rằng: Tôn giả linh thiêng và đạo vị hơn Đại Lão.

Trước khi Thượng Tọa Tịnh Hạnh nhờ Hòa Thượng Thích Quảng Độ giảo chính, trong một buổi họp tại chùa Long-sơn (Nha-trang), do Thượng Tọa Tịnh Hạnh chủ trì, tôi chứng minh, với sự hiện diện của hơn 20 dịch giả (kể cả hai cư sĩ Bảo Quang và Giác Tuệ), cư sĩ Nguyên Huệ phát biểu với tư cách ban biên tập: Trong những dịch phẩm đã dịch xong thì bộ Đại Bát Nhã tương đối hoàn chỉnh nhất. Thượng Tọa Tịnh Hạnh cho biết sẽ giao cho cư sĩ Thanh Tuệ bên Pháp chuẩn bị in dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã này trước tiên. Đó là năm 1999. Nhưng mãi cho đến nay, tháng 2 năm 2003, dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã của Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm vẫn chưa thấy ra mắt!

Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đã viên tịch ngày 13 tháng 1 năm 2003.

Nay, nhân tang lễ cố Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, quí Tôn Đức Thiền Sư và Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam tại Hoa-kỳ, cùng đồng bào Phật tử hải ngoại, phát tâm ấn hành bộ Kinh Đại Bát Nhã (đã được nhuận văn) này, để làm pháp cúng dường giác linh Đại Trưởng Lão Hòa Thượng.

Chúng tôi cũng có điều cần ghi chú ở đây rằng: Năm 1997, sau khi Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm làm Đường Đầu Hòa Thượng thí giới cho gần 5.000 giời tử, tại đại giới đàn Thiện Hòa, ở Đại-tùng-lâm, thuộc tỉnh Bà-rịa Vũng-tàu, Đại Đức Thích Thông Huyền, đại diện cho nhóm Tăng Ni và Cư sĩ thuộc Tu viện Bát-nhã (Vũng-tàu), đã xin phép Hòa Thượng được đứng ra in bộ Đại Bát Nhã này. Tôi có đề nghị với Đại Đức là hãy chờ chúng tôi nhuận văn xong rồi sẽ in, nhưng Đại Đức muốn giữ nguyên văn phong của Hòa Thượng. Bởi vậy, Hòa Thượng đã viết thư để Đại Đức Thích Thông Huyền đem trình Hòa Thượng Minh Châu, trực tiếp xin lại bản đánh máy thứ hai của Cảo Bản dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã (như đã nói trên), đem về Vũng-tàu, in và phổ biến. Thế là bộ Kinh Đại Bát Nhã do Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm phiên dịch từ Hán ngữ ra Việt ngữ (với văn phong nguyên thỉ của Hòa Thượng) đã được ra đời! Sự phát tâm ấn hành của nhóm Tăng Ni và Phật tử thuộc Tu viện Bát-nhã ở Vũng-tàu, đã làm cho Hòa Thượng rất hoan hỉ, vì thấy công trình trân quí của mình đã được in thành sách (dù chưa được nhuận văn), và được lưu hành rộng rãi từ quốc nội ra đến hải ngoại.

Vậy, với ấn bản này của Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam, dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã của Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, hiện được lưu hành với hai ấn bản: một ấn bản chưa được nhuận văn (in năm 1997), và một ấn bản đã được nhuận văn (in năm 2003).

Pháp tử Tỳ kheo Thích Đỗng Minh
trân trọng kính ghi
Nha-trang, ngày Mồng Hai Tết Quí Mùi (2.2.2003)

THỪA SỰ TĂNG SAI

Trong bộ truyện của Tam tạng Pháp sư quyển thứ mười, để ở chùa Đại Từ Ân, có đoạn tường thuật về việc Pháp sư phiên dịch Kinh Đại Bát-nhã này; do Hội Ấn Hành Kinh Điển tại Hương Cảng có trích đăng nơi tập mục lục (1958). Tôi xin phụng dịch như sau: “… Các nước phương Đông trọng Kinh Bát-nhã. Đời trước tuy đã có phiên dịch, nhưng chưa thể chu toàn đầy đủ, nên nhiều người lại muốn thỉnh Lệnh ủy dịch.

Song Bát-nhã là bộ Kinh to tát, ở kinh đô nhiều việc rắc rối; lại nữa nhân mệnh vô thường, e khó được thành tựu viên mãn nên mới thỉnh xin dọn đến ở cung Ngọc Hoa mà phiên dịch. Nhà vua bằng lòng phê chuẩn ngay! Tức là mùa đông tháng Mười, niên hiệu Hiển Khánh năm thứ tư, Pháp sư từ kinh đô phát hướng về Ngọc Hoa cung, và cùng chư vị Đại đức thuộc hội đồng phiên dịch và môn đồ thảy đồng hành nhất thể. Đến nơi, an trí tại Viện Túc Thành lấy làm trụ sở phiên dịch. Còn việc cung cấp các việc y như khi ở kinh sư.

Đến ngày Nguyên đán tháng Giêng mùa Xuân năm thứ năm khởi đầu dịch kinh Đại Bát-nhã. Bản chữ Phạn tổng có hai mươi vạn bài tụng. Văn đã rộng lớn, kẻ học đồ muốn cầu thỉnh xin lược bớt; nên Pháp sư hầu muốn thuận theo ý chúng, như ngài La Thập đã làm, cắt bỏ bớt những đoạn văn phiền phức trùng điệp. Khởi nghĩ ấy rồi, đêm nằm mộng thấy có những sự trạng để răn cảnh giới nhau, như hoặc thấy bay lên trên cao nguy, đi nơi hiểm khốn, hoặc thấy thú dữ bắt người v.v…; run sợ toát mồ hôi mới được thoát khỏi. Khi đã tỉnh giấc kinh hãi, đến các chúng nói lại việc ấy và lại y như Kinh phiên dịch rộng đủ. Trong đêm bèn thấy chư Phật Bồ-tát phóng hào quang nơi chặng giữa mày mắt soi xúc thân mình, tâm ý vui thích. Pháp sư lại tự thấy tay cầm đèn hoa cúng dường chư Phật, hoặc thấy thăng lên tòa cao vì chúng thuyết pháp, có nhiều người vây quanh ngợi khen cung kính; hoặc mộng thấy có người đem danh quả phụng biếu cho mình; tỉnh giấc vui mừng chẳng dám cắt bỏ bớt, nhất nhất đúng như bản chữ Phạn mà dịch.

Đức Phật thuyết Kinh này tính ở bốn chỗ:

  1. Núi Thứu Phong nơi thành Vương Xá;
  2. Vườn Cấp-cô-độc;
  3. Cung Trời Tha Hóa Tự Tại;
  4. Tịnh Xá Trúc Lâm thành Vương Xá.

Tổng cộng 16 Hội, hợp thành một bộ. Nhưng Pháp sư từ ở Ấn Độ tìm được ba bản; đến ngày phiên dịch đây, trong văn có chỗ nghi ngờ, tức đem ba bản so sánh lấy làm quyết định; ân cần tra xét lại kỹ càng rồi mới chịu hạ bút thành văn. Tâm ý tra xét cẩn thận đúng mức, thật từ xưa chẳng sánh kịp. Hoặc văn trái với ý chỉ sâu thẳm, ý hiểu còn có do dự rụt rè, tất cảm giác cảnh lạ lùng, tuồng như có người trao cho minh quyết, tâm trí liền rỗng vỡ vạc thông suốt, như vẹt mây mù mà thấy mặt trời. Pháp sư tự nói rằng: “Chỗ ngộ hội như đây đâu phải trí cạn cợt Huyền Trang tôi mà thông suốt được, đều là được chư Phật, Bồ-tát đã âm thầm gia hộ vậy”.

Hội thứ nhất của Kinh có phẩm Nghiêm tịnh cõi Phật. Trong ấy nói: “Các chúng Bồ-tát Ma-ha-tát vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa, dùng thần thông nguyện lực đựng các ngọc báu thượng diệu, các diệu hương hoa, uống ăn trăm vị, áo mặc, âm nhạc của cõi Đại thiên, tùy ý sanh ra năm trần diệu cảnh, các thứ cúng dường để trang nghiêm chỗ thuyết pháp”. Lúc ấy, Ngài chủ tự chùa Ngọc Hoa hiệu Huệ Đức và các Ngài Đại đức Tăng hội đồng dịch kinh, trong đêm ấy đồng mộng thấy trong nội cảnh chùa Ngọc Hoa rộng rãi nghiêm tịnh lịch đẹp trang nghiêm: Nào là phan trướng, xe báu, nào là tràng hoa, kỹ nhạc v.v… đầy nhẫy trong nội cảnh chùa. Lại thấy có vô lượng Tăng chúng tay cầm lọng hoa và đồ cúng dường như trên, đồng đến cúng dường Kinh Đại Bát-nhã. Những đường sá, tường vách trong khu vực chùa đều trang hoàng đẹp đẽ, đất đầy danh hoa, Tăng chúng đồng dẫm trên mà đi. Đến như Viện phiên kinh, nơi Viện lại càng bội phần đẹp đẽ lạ lùng, như Kinh đã chép cõi bảy báu trang nghiêm. Lại nghe thấy trong Viện có ba gian nhà để giảng thuyết, Pháp sư ngồi gian giữa diễn giảng. Đã thấy đấy rồi, vui mừng thức giấc, đồng đến thăm hỏi nói việc đã thấy trong mộng với Pháp sư. Pháp sư bảo:”Nay chính dịch phẩm này, các Bồ-tát thảy tất có cúng dường. Các Thầy đã mộng thấy, tin có việc ấy. Ôi!”.

Bấy giờ, bên điện có hai cây mít, bỗng lúc phi thời lần lượt nở hoa, mỗi hoa đều nở sáu đóa thịnh mậu, sắc hồng trắng, thật đáng yêu phi thường. Lúc đấy Tăng chúng luận nghị rằng: “Đây chính là triệu chứng điềm lành Bát-nhã được tái xiển dương lại; lại ra sáu quả là tiêu biểu sáu Ba-la-mật-đa”.

Nhưng Pháp sư khi dịch Kinh này, tâm chí miệt mài và hằng lo lắng vô thường, nên mới bảo chư Tăng rằng: “Huyền Trang tôi năm nay đã sáu mươi lăm tuổi, chắc sẽ bỏ mạng ngôi Già-lam này; bộ Kinh này rất lớn lao, hằng lo sợ việc làm chẳng trọn vẹn, người người nên nỗ lực gia công tinh tiến, rất chớ nên vì khó nhọc mà từ nan!”.

Đến ngày hai mươi ba tháng Mười, niên hiệu Long Sóc năm thứ ba mới được hoàn tất công việc phiên dịch, hợp thành sáu trăm quyển, gọi là Đại Bát-nhã Kinh vậy; chấp tay hoan hỷ bảo đồ chúng rằng: “Kinh này đối với địa phương đây có phước duyên lắm, Huyền Trang được đến ngôi chùa Ngọc Hoa này là thần lực của Kinh vậy. Trước kia khi còn ở kinh sư, nhiều các duyên sự lôi kéo rắc rối, đâu còn thì giờ rảnh; nay nhờ về đây công việc được xong trọn vẹn, đều là nhờ chư Phật âm thầm gia bị, Long Thiên ủng hộ. Vì là Kinh điển trấn quốc, viên ngọc lớn của người trời, đồ chúng nên đều hớn hở vui mừng nhảy nhót”.

Bấy giờ, Ngài Duy-na chùa Ngọc Hoa, họ Đô hiệu Tịch Chiếu, vui mừng khao thưởng tất công, mới thiết trai cúng dường. Cũng chính ngày ấy thỉnh Kinh từ điện Túc Thành đem về điện Gia Thọ là chỗ trai sở, giảng diễn đọc tụng. Chính lúc đang nghinh thỉnh Kinh đi, Bát-nhã phóng quang soi khắp xa gần và có mùi thơm phi thường. Pháp sư bảo các môn nhân rằng: “Như Kinh đã tự ghi rằng phương này sẽ có kẻ vui muốn Đại thừa là Quốc vương, Đại thần, bốn bộ đồ chúng biên chép, thọ trì, đọc tụng, lưu thông khắp cõi, đều được sanh thiên giải thoát rốt ráo. Đã có văn đây, chẳng lẽ lặng thinh vậy sao”.

Qua ngày hai mươi hai tháng Mười một, dạy đệ tử là Ngài Khuy Cơ dâng biểu phúc tấu lên Vua và thỉnh xin ngự chế bài tựa nơi Kinh. Đến ngày bảy tháng Mười hai, quan Thông Sự Xá Nhơn là Phùng Nghĩa tuyên đọc sắc lệnh xuống lời hứa (tức bài ngự chế ở đầu Kinh).

Sau khi dịch Kinh Bát-nhã xong, Pháp sư tự cảm giác sức lực nơi mình suy kiệt, biết vô thường sắp đến, nên mới bảo môn nhân rằng: “Tôi đến Ngọc Hoa này bản duyên là Bát-nhã, nay việc Kinh đã trọn vẹn, sinh nhai tôi cũng vừa hết. Nếu sau khi vô thường, các ngươi khiển táng tôi phải theo kiệm ước tỉnh giảm: Có thể nên lấy tre làm chiếu gói liệm mà gánh đi cũng được; nhưng phải chọn lựa chỗ núi khe chật hẹp mà an trí, chớ để gần bên cung, chùa, vì thân này là vật bất tịnh nên phải để chỗ khuất xa!”. Các kẻ môn đồ nghe lời đau buồn nghẹn thở đó, đều lau lệ đồng vội thưa rằng: “Hòa thượng khí lực hãy còn khá, tôn nhan chẳng khác lúc xưa là mấy, mà sao vì lẽ gì bỗng thốt ra lời buồn nghẹn ấy?”. Pháp sư nói: “Tôi tự biết tôi, các ngươi do đâu hiểu được”.

Ngày Sóc, mồng một tháng Giêng, mùa xuân niên hiệu Lân Đức nguyên niên, các ngài Đại đức trong Hội đồng phiên dịch và Tăng chúng chùa kia ân cần xin thỉnh dịch Kinh Đại Bảo Tích. Pháp sư thấy Tăng chúng chí thành khẩn thiết, mới miễn cưỡng dịch được vài hàng, liền xếp Phạn bản mà đình chỉ, bảo chư Tăng rằng: “Kinh này bộ quyển cùng Bát-nhã cũng suýt soát đồng, Huyền Trang tôi tự lượng khí lực chẳng còn làm xong việc này nữa; thời kỳ chết đã đến, thế chẳng còn bao xa. Nay muốn đi đến các hang động Lan Chi lễ bái từ tạ tượng Phật Câu Chi”. Rồi lúc ấy cùng môn nhân đồng khởi hành, Tăng chúng tùy tùng khá đông, không ai chẳng lặng lẽ bùi ngùi! Lễ bái xong trở về chùa, chuyên tinh hành đạo, bèn tuyệt hẳn sự nghiệp phiên dịch…

“Một Kinh Đại Bát-nhã là mẹ chư Phật. Chư Phật ba đời đồng nương dựa đây, siêu vượt tuyệt đối, rất tôn rất thắng. Không luận Thiền Tịnh Hiển Mật, nếu chẳng minh đạt Bát-nhã, tức chẳng thể vào biển Nhất thiết trí. Cho nên hành giả muốn giải thoát sanh tử, muốn chứng chơn như, nên cần học Bát-nhã mới có thể thành tựu được”.

(Lời của Uỷ viên Hội Ấn Hành Kinh Điển
tại Hồng Kông – Hương Cảng
)

Tam Tạng Pháp sư khởi đầu dịch Kinh Đại Bát-nhã này vào ngày Nguyên đán, mồng một tháng Giêng, mùa xuân niên hiệu Hiển Khánh năm thứ năm, vào triều vua Thái Tông Văn Hoàng Đế, tức là vào khoảng giữa thế kỷ thứ VII (nhà Đường lập quốc năm 618, vua thứ nhất 9 năm, vua thứ hai 23 năm tức Thái Tông Văn) đến ngày 23 tháng 10 mùa đông, niên hiệu Long Sóc năm thứ 3 mới hoàn tất. Thời gian mất 3 năm.

(Phần tôi khởi dịch ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Tý, tức tháng 6 năm 1972 đến ngày mồng 8 tháng 4 năm Kỷ Mùi, tức tháng 5 năm 1979. Thời gian mất 7 năm).

Dịch xong, Pháp sư chấp tay vui mừng bảo đồ chúng rằng: “Kinh đây đối địa phương này có duyên… nay được trọn xong, đều là nhờ chư Phật minh gia, Long Thiên ủng hộ, vì đây là Kinh điển trấn quốc, khối ngọc to lớn của người, trời. Đồ chúng nên đều hớn hở nhảy nhót vui mừng!” Rồi ông Duy-na chùa Ngọc Hoa thiết chay khoản đãi vui mừng tất công. Và ngay ngày ấy rước Kinh từ điện này qua điện nọ… Kinh phóng hào quang v.v… đều là chư Phật, Long Thiên, người và oai lực của Kinh đồng nói lên nỗi vui mừng cho chúng sanh được hạnh phúc. Cho nên lời Ngự chế của Đường Thái Tông có câu rằng: “Thánh Giáo khuyết mà lại được toàn, chúng sanh tội mà hoàn được phước”. Trải qua gần 7 thế kỷ (từ Hán chí Đường hơn 600 năm) người Phật tử Trung Quốc mới có được bộ Kinh Đại Bát-nhã 600 quyển trọn vẹn đầy đủ.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam ta hơn mười tám thế kỷ mới nói chuyện “có”. Từ thời Ngài Cưu-ma-la-thập dịch 400 quyển, ngài Huyền Trang dịch 600 quyển, hai bộ Kinh này tuy có truyền vào Việt Nam, nhưng bằng chữ Hán thì vẫn là của người ngoại quốc. May sao do Ủy viên Hội Ấn Hành Kinh Điển tại Hương Cảng họ ảnh ấn bộ Kinh Đại Bát-nhã 600 quyển này vào năm 1958 truyền sang miền Nam Việt Nam, mới có một người Việt ngồi trên đồi núi Trại Thủy thuộc thành phố Nha Trang, quyết chí miệt mài dịch từ Hán văn sang Việt văn, sau 7 năm hoàn thành, 600 quyển kinh 5 triệu chữ. Kiểu đếm chữ dễ dàng như sau:

Sáu trăm quyển phân thành 24 tập (ngoại trừ tập mục lục) mỗi tập có 25 quyển, mỗi quyển trung bình 40 trang, mỗi trang 10 hàng, mỗi hàng 20 chữ. Mười trang 2.000 chữ. Bốn chục trang 8.000 chữ. Mười quyển có 80.000 chữ. Một trăm quyển có 800.000 chữ. Sáu trăm quyển tổng số có 4 triệu 8 trăm ngàn chữ. Chưa kể hai bài Ngự chế của hai vua nhà Đường, và 16 bài tựa của 16 Hội do dịch giả viết tại chùa Tây Minh, ký hiệu Huyền Tắc chớ không để Huyền Trang. (Toàn Kinh có 16 hội. Hội thứ nhất chiếm 400 quyển có một bài tựa. Còn 200 quyển, 15 Hội có 15 bài. Không như thông thường một bộ Kinh là chung một tựa. Quyển Kim Cương Bát-nhã ta thường tụng thuộc Hội thứ chín cũng riêng một tựa).

Như thế bộ Kinh này dịch ra Việt văn đầy đủ không dưới năm triệu chữ.

Phật nói: “Đại Bát-nhã là viên ngọc đại bảo thần châu vô giá. Châu này ở chỗ nào là chỗ đó khí hậu điều hòa… chúng sanh an lạc”. Người Phật tử Việt Nam ta đã được Bát-nhã Thần Châu này chắc cũng phải vui mừng sung sướng như người Phật tử Trung Quốc đã vui mừng nhảy nhót!

Khi Pháp Sư khởi đầu phiên dịch, Tăng chúng muốn Ngài lược dịch, Pháp Sư theo ý chúng. Đến đêm mộng thấy những điềm triệu kinh hãi, sáng ngày ra trước chúng đổi ý kiến và nói: “Phạn văn một chữ là tôi dịch ra Hán văn một chữ”. Thời đêm đến Ngài mộng thấy chư Phật phóng quang soi đến thân mình… và tự thấy mình thăng tòa vì chúng thuyết pháp… Hoặc mộng thấy có người mang danh quả đến biếu. Khi thức giấc vui mừng chẳng dám bỏ bớt. (Điểm này các nhà phiên dịch Kinh Phật phải lưu ý cho lắm vậy. Các Đức Phật cần khổ tu hành ba vô số kiếp mới nói được lời nói Chánh Pháp, mà chúng sanh gạt bỏ bớt là đắc tội với Chánh Pháp. Nếu làm không nổi thì đừng rờ tới, không có tội gì hết).

Rồi tới điềm mộng công cộng: Ngài Huệ Đức chủ chùa Ngọc Hoa và Hội đồng dịch Kinh, một đêm nọ đồng mộng thấy trong khu vực chùa này từ trong ra ngoài, từ trên đến dưới, huy hoàng trang nghiêm: Tràng phan bảo cái, cờ lọng hương hoa, đèn sáng, nhạc trỗi tưng bừng rực rỡ; như trong phẩm Nghiêm Tịnh Cõi Phật mà Kinh đã nói. Lại còn thấy nghe Pháp sư Huyền Trang ngự trên tòa giữa nhà thuyết pháp. Sáng ngày đồng đến chỗ Pháp sư nói lại việc mộng đã thấy và tham hỏi ý kiến. Pháp sư nói: “Nay chính đang dịch phẩm Kinh ấy, thời có các Bồ-tát đến cúng dường, chư Sư đã thấy phải tin có việc này”.

Đó là việc mộng. Sau đây là chuyện thực: Khi bấy giờ gần bên chánh điện chùa Ngọc Hoa có hai cây mít (nại thọ) bỗng ra hoa phi thời, mỗi hoa đều ra quả, sáu quả sắc hồng trắng, thịnh mậu xinh đẹp đáng yêu quí lắm. Lúc ấy Tăng chúng bèn luận rằng là triệu chứng Bát-nhã tái xiển dương; mà ra sáu quả lại là tiêu biểu sáu Ba-la-mật-đa.

Tôi khởi đầu dịch Kinh này đầu mùa hè năm 1972. Sang giữa mùa xuân năm 1973 thì một hôm bỗng nhiên có bốn em nữ sinh đến chơi chùa và xin tôi chụp bóng phong cảnh; tôi chấp nhận cho chúng tự do xem cảnh. Nhưng tôi thấy tác phong các em này hơi khác lạ, chẳng như nữ sinh Trung học Bồ-Đề, nên tôi mới hỏi, thì chúng đáp: “Chúng con là nữ sinh trường Trung học Hưng Đạo, các con là con của tín đồ Thiên Chúa; Hưng Đạo là tư thục của Thiên Chúa giáo”. Thế rồi chúng đi chụp bóng bồn bông này sang chậu hoa nọ, khóm trúc cành mai, cội phong lan, gốc cổ thụ… rồi hai em vui vẻ bước vào trước tôi: “Thưa Ông! Cây mít của Ông nó ra sáu trái thật đẹp quá! Mời Ông ra đứng bên nó cho chúng con chụp tấm bóng để kỷ niệm”. Đang lúc tôi viết cũng đã hơi mỏi và thấy chúng ân cần, nhớm dậy bước ra đứng bên sáu trái mít. Chúng nhiếp ảnh xong, tôi trở lại bàn viết. Thế là chúng thu nhiếp những gì là xuân hoa tuyết sắc của chốn Tăng viên và sau chót thu nhiếp sáu quả Ba-la-mật-đa vào trong ống kính. Rồi chúng vui vẻ cáo từ dắt tay nhau xuống dốc. Sau hơn mười lăm hôm, chúng gửi lên tặng tôi tấm bóng cây mít có sáu quả.

Bất ngờ nhận được tấm bóng, xem đẹp thật; rồi thản nhiên cất đi chứ không nghĩ gì có liên hệ đến Kinh điển. Vì bộ Kinh tôi dịch bị thất lạc quyển mục lục, mà truyện của Pháp sư trích đăng nơi quyển mục lục, nên khi sáu quả mít xuất hiện, tôi không hề biết tới. Ba năm sau mới mượn được mục lục, mới nhận thấy sự việc đã hiện ra trước đây hơn mười hai thế kỷ, nay lại xuất hiện tại đây, biết đâu xưa nay chẳng phải là hai. Vì việc xảy ra tại đây là việc ngẫu nhiên trăm phần trăm: chúng tự nhiên đến chơi, chúng có sáng kiến mời chủ ra chụp bóng và tặng bóng cho chủ… Bởi lời Đức Phật nói ra Kinh điển bất khả tư nghì, không vì thời gian lâu xa, địa dư cách trở, mà chỉ vì duyên lành đến lúc cơ cảm thành thục là có điềm thụy ứng vậy thôi. Nên tôi kèm theo tấm bóng này để cho đời sau tự suy nghiệm lấy.

Người xưa có câu: “Quả trung nại trân”, nghĩa là trong các loại trái cây, trái mít là quí trọng hơn hết.

Đức Phật thuyết ra các pháp. Sáu pháp Ba-la-mật-đa là thẳm sâu mầu nhiệm cao thượng hơn hết. Cho nên trường hợp sáu trái mít đã hiện ra cách đây hơn mười hai thế kỷ mà người ta phải ghi vào lịch sử phiên dịch Kinh điển; ngày nay lại tái diễn một lần nữa ở đây, có lẽ cũng là điềm thiêng liêng nào trong phạm vi đạo pháp!

Thời giáo Bát-nhã này, Đức Phật thuyết thời gian hai mươi hai năm (Nhị thập nhị niên Bát-nhã đàm). Pháp Hội: Có 16 Pháp Hội. Địa điểm có bốn:

  1. Tại chót núi Thứu Phong. Nơi đây đức Phật trước sau đi lại sáu lần, thuyết cả thảy năm trăm ba mươi bảy quyển (537).
  2. Tại vườn Cấp-cô-độc. Nơi đây Đức Phật trước sau đi lại bảy lần, thuyết cả thảy mười sáu quyển (16).
  3. Tại cung trời Tha Hóa Tự Tại. Nơi đây thuyết một quyển (1).
  4. Tại bên ao Cò Trắng thuộc phạm vi Tinh Xá Trúc Lâm. Nơi đây đức Phật thuyết tám quyển (8).

Tổng cộng tất cả là sáu trăm quyển (600).

Số phẩm: Từ Hội thứ nhất đến Hội thứ sáu tổng cộng có hai trăm sáu mươi lăm phẩm (265). Từ Hội thứ bảy trở đi Kinh không nêu ra phẩm (có thể mỗi Hội là một phẩm).

THÀNH LẬP HỘI ĐỔNG PHIÊN DỊCH
TAM TẠNG THÁNH GIÁO

Hội đồng phiên dịch Tam Tạng họp tại Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn vào những ngày 20, 21, 22.10.1973. Hội Đồng gồm tất cả 12 vị, dưới quyền Chủ Tọa T.T.Thích Trí Tịnh, T.T.Thích Minh Châu. Hội nghị thảo luận ráo riết trong mấy ngày, đến phần phân công phiên dịch kinh bộ, thì bộ Đại Bát Nhã 600 quyển giao cho T.T Thích Trí Nghiêm phiên dịch, T.T Thích Thiện Siêu duyệt khảo lại.

Trước Hội nghị này, tôi đã tự khởi dịch kinh này từ năm 1972 đã được gần 100 quyển. Sau Hội nghị, tôi tiếp tục phiên dịch đến nay là xong 600 quyển.

HỔI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

Xin đem công đức này hồi hướng về quả Vô-thượng Chánh-đẳng Bồ-đề, cầu xin Chư Phật mười phương hiện đang thuyết Pháp và Đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật đồng dủ lòng từ bi gia hộ cho các vị Tăng Ni Phật tử, thiện nam tín nữ xa gần đã góp phần công đức vào việc phiên dịch, đánh máy, ấn loát Kinh Đại Bát-nhã này, đời hiện còn đây được thêm phần phước huệ, thọ mạng đầy đủ dồi dào, đến lúc lâm chung sẽ được vãng sanh về mười phương cõi Phật, được nghe các Đức Phật kia thuyết pháp môn thâm diệu là Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa để thọ trì đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, cúng dường lễ bái v.v… Bồi dưỡng căn lành Bát-nhã là hạt giống căn lành sanh đẻ ra các Phật ba đời. Cuối cùng các Phật tử này sẽ đều được trọn thành Phật quả và khắp cầu nguyện tất cả pháp giới chúng sanh đều được nhờ công đức Bát-nhã thù thắng này đều trọn nên Phật đạo.

Ngưỡng vọng:

Nam-Mô Bát-Nhã Hội Thượng Phật Bồ-Tát Ma-Ha-Tát chứng minh gia hộ .

Nam-Mô Tam Châu cảm ứng Hộ Pháp Vi-Đà Tôn Thiên Bồ-Tát thủ hộ Pháp Bảo Bát-Nhã này được lưu hành khắp mười phương thế giới trường tồn vĩnh viễn.

Viết tại am Hoàng Trúc thuộc chùa Long Sơn
trụ sở Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Khánh Hòa, Nha Trang
vào ngày vía Đức Phật A-Di-Đà, Phật lịch 2524 (1980).

Dịch giả cẩn ghi

Ghi chú:
Phần hành nhuận văn xin được giữ nguyên văn phong của Hòa Thượng, trong bài này.

TỰA SƠ HỘI KINH ĐẠI BÁT NHÃ

Đường triều, Sa-môn HUYỀN TẮC chế tác ở chùa Tây Minh

Kinh Đại Bát Nhã là áng văn tuyệt tác hiếm có trong đời, là bến bờ sâu rộng nhiều kiếp khó gặp, là áng mây trùm khắp trời người gồm thâu chơn tục. Thật là chốn ảo diệu nhập thần, vật linh thiêng giúp nước. Nếu chẳng phải thánh đức bàn luận sâu xa, triết nhân diễn bày độc đáo, thì pháp âm huyền diệu khó lưu truyền, giáo lý tròn đầy đâu dễ đạt.

Cho nên các bậc vua chúa đã trình bày, soạn thuật những lời vàng ngọc để soi sáng và diễn dương. Sự việc xa cách nghìn xưa, mà đạo lý vẫn soi sáng ba đời. Kinh văn này quả là phong phú, cho đến ngày nay vẫn còn hoàn bị.

Toàn bộ kinh văn chia làm 24 tập, có 16 hội. Trước đây chỉ có được nửa số lượng kinh văn quí báu ấy, nhưng đến nay thì có đủ toàn bộ. Xem duyên khởi của từng hội, mỗi hội so sánh với mỗi tập, rồi truy cứu bản gốc để biết sự sai khác, nên mỗi hội có đề một bài tựa.

Như hội Linh Phong vừa vân tập, pháp âm rộng lớn vang dội khắp nơi, gạn sạch nguồn thân, rộng bày tâm yếu. Vì sao? Bởi lẽ, năm uẩn là vật chứa của hữu tình, hai ngã là nhà của vật chứa ấy. Cái nhà ngã mà đề cao, thì nước ảo vọng càng sâu; cái vật chứa uẩn mà tồn tại, thì thành ảo giác thêm cao. Đâu biết rằng, chỗ nương của ngã là vọng tưởng, mà tưởng đã là vọng thì ngã không còn; cái trói buộc uẩn là giả danh, mà danh đã là giả thì uẩn hết chỗ nương.

Cho nên, bàn luận về “lẽ không”, diễn bày về lý vong ngôn: Coi cõi tục là tịch tịnh, đặt loài côn trùng lên hàng vô sanh, nghe lời khen như tiếng vang trong hang núi, xem vạn vật như bóng trong gương. Bỏ cái dòm-trời-nhỏ-hẹp, thì bầu trời mênh mông hiện rõ; không theo khuôn khổ hạn hẹp, thì cảnh bao la tự hiện. Ý tưởng thì mênh mông, lời lẽ thì vô cùng, khiến cho kẻ phàm phu thiển cận có cơ hội tháo bỏ sự cố chấp; như xác định được hướng Nam rồi thì chắc chắn biết được hướng Bắc. Nghĩa lý lồng lộng như trời, lời lẽ mênh mông như biển.

Ở đây, dùng các phần của bản gốc cộng với những phần trước kia chưa truyền đến, gom lại mà khắc thành 400 quyển, 85 phẩm.

Xét theo phương thổ, đáng lẽ nên lược dịch, nhưng nghĩ lại, một lời có thể bao trùm hết thảy, lại thêm văn chương đã cao nhã mà chương cú lại liên tục; như chỉ có hai chữ “Niết-bàn” mà bao gồm: Tốt đẹp, tĩnh lặng, trong sáng tự tại … Lời dạy từ bi biết bao!

Nếu dịch mà lược bỏ, thì sợ để cái họa thiếu sót cho đời sau, nên nay phải dịch và truyền đúng theo nguyên bản, hầu khỏi bị chê là ngôn từ vượt ngoài giới hạn. Huống chi, thời đại còn viết trên thẻ tre, ý nghĩ thêm bớt còn lờ mờ lẫn lộn!

Trong kinh, lời dạy sáng tỏ, chương cú rõ ràng. Từ đầu đến cuối được sự cảm ứng, có ghi đầy đủ trong biệt lục.

Ai là người có tâm lớn tài cao, đã từng nghe và phụng trì, đạt đến chỗ không sợ hãi, thì nên tự học hỏi và cứu độ.

Tỳ-kheo THÍCH TRÍ NGHIÊM phụng dịch
Tỳ-kheo THÍCH THIỆN SIÊU khảo